Sài Gòn, Tháng Tư này!

Chủ nhật, 30/04/2017 10:00 AM - 0 Trả lời

Sài Gòn ngày tháng 4. Cả Thành phố đang vật lộn với cái nắng như thiêu như đốt, nhưng cũng may khi những bình trà đá miễn phí khắp các vỉa hè, ngã tư đường cũng đủ khiến tất cả dịu lòng.

(NB&CL) Sài Gòn ngày tháng 4. Cả Thành phố đang vật lộn với cái nắng như thiêu như đốt, nhưng cũng may khi những bình trà đá miễn phí khắp các vỉa hè, ngã tư đường cũng đủ khiến tất cả dịu lòng.

Tôi sẽ không nói về các chỉ tiêu kinh tế, tổng thu ngân sách, chỉ số IIP, hay nhưng con số “tăng so với cùng kỳ”…, bởi như Chủ tịch Trần Bá Dương của THACO từng nói: “TP.HCM không làm gì hoặc làm ở mức độ bình thường thì vẫn có tăng trưởng vì đó là tất yếu…”

Sài Gòn ngày hôm nay, vẫn đầy đủ sự hồn hậu, bao dung và mơ mộng, vẫn chưa bao giờ dừng rục rịch, thổn thức… Nhưng, các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội lộ rõ hơn yếu tố đi sát với đời sống, vào tâm tư, mong mỏi của tất thảy người dân hơn, từ những cây cầu bê tông xám ngắt ngoài xa lộ tới con đường xanh băng qua rừng sác Cần Giờ…

Những “lô cốt” bỗng hóa dịu dàng

Sài Gòn - TP.HCM ra đời vào cuối thế kỷ 17 dưới triều Nguyễn, đã từng bước vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, từng được gọi là Hòn ngọc viễn Đông.

Nhưng, cũng như bao đô thị ở vùng viễn Đông, quy hoạch đô thị TP.HCM cơ bản đã được thiết kế và thực hiện bởi các nhà quy hoạch thuộc địa từ giữa thế kỷ 19, đã lạc hậu ngay từ khi ban hành bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh. Như trong bản quy hoạch tổng thể đầu tiên được thiết kế bởi một sỹ quan Pháp năm 1862, dự trù cho một diện tích 25km2 nhưng diện tích thành phố năm 1931 đã là 51km2. Hay bản “kế hoạch không gian 1943” cũng của một người Pháp dự trù cho dân số 1 triệu người vào năm 2000 nhưng dân cư đã tăng gần 6 lần dự kiến… Khoảng 20, 30 năm trở lại đây, vấn đề quy hoạch thành phố đã và vẫn đang làm “đau đầu” nhiều thế hệ nhà quản lý, nhà khoa học, với không ít thiếu sót được thừa nhận.

Báo Công luận

Và hôm nay, bất cứ ai tới Sài Gòn, thứ dễ dàng bắt gặp nhất vẫn là các “lô cốt” từ cửa ngõ phía Tây Nam, phía Bắc, Tây Bắc, và khắp khu vực trung tâm… Bởi thành phố vẫn như một đại công trường, với khí thế và nỗ lực chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại cho gọn gàng, ngay ngắn, để nâng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nâng chất lượng cuộc sống cho mọi người dân… Khác biệt là dễ nhận thấy. Không như trước đây, thay vì chỉ ghi tên công trình, nhà thầu, thời gian thực hiện… rồi lẳng lặng án ngữ, cản trở giao thông, các “lô cốt” hiện gắn trên mình các biển báo dịu dàng, xúc cảm như: “Xin lỗi vì đã làm phiền”, “Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này”… thể hiện tâm huyết, nỗ lực của thành phố, nhận được sự chia sẻ của đại đa số người dân.

Cũng bởi những nỗ lực của thành phố là thực. Những năm qua, sau khi thực hiện các “siêu dự án” như mở rộng xa lộ Hà Nội, khánh thành đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, hầm Thủ Thiêm, cầu Bình Triệu…, mở toang được khu vực cửa ngõ, TP.HCM lại tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với một số dự án để chủ động chọn nhà đầu tư, khi tình hình giao thông nội đô quá “nhức nhối”.

Trong các dự án đó, tiêu biểu nhất là dự án Xây dựng đoạn tuyến vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại quận 9 (dài 3,82km, 8-10 làn xe). Khi hoàn thành tuyến đường này, toàn tuyến Vành đai 2 sẽ được khép kín, các phương tiện giao thông qua khu vực cửa ngõ thành phố, các tuyến cao tốc, đường quốc lộ không còn phải đi vào khu vực trung tâm, gây ùn tắc giao thông.

Ở khu vực trung tâm, bên cạnh dự án xây dựng đường trên cao số 1 đi qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh với tổng chiều dài 9,5km, tổng mức đầu tư dự kiến 17.500 tỷ đồng để giảm tải cho hệ thống đường nội đô gần như không thể mở rộng, TP.HCM còn quyết tâm thực hiện sớm dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1). Nhu cầu đậu xe là quá bức thiết, dự án sẽ giải quyết được nhu cầu cho 1.198 xe ô tô và 896 xe máy, hạn chế tình trạng dừng đỗ trái quy định trên các tuyến đường khu vực trung tâm.

Báo Công luận

Cuối tháng tư, nhân kỷ niệm ngày 30/4 đất nước thống nhất, TP.HCM cũng chính thức khởi công xây dựng Bến xe miền Đông mới với quảng trường, nhà ga trung tâm (4 tầng mặt đất và 2 tầng hầm), khối khách sạn cao 26 tầng và khu trung tâm thương mại hiện đại… Khi Bến xe mới đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018, được kết nối đồng bộ với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và các tuyến xe buýt hiện hữu, viễn cảnh xa lộ Hà Nội, đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh… không ùn ứ, mịt mù khói bụi có lẽ không còn quá xa xôi…

Quyết tâm đưa du lịch thành “mũi nhọn”

Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, TP.HCM còn thực hiện quyết liệt việc chỉnh trang đô thị, “giải phóng vỉa hè” để dành không gian cho người đi bộ, cho du khách… Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về quy hoạch hành rong, kinh tế vỉa hè, nhưng việc làm này được xem là “nền móng” để phát triển du lịch.

TP.HCM những năm qua luôn nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và mới đây, đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp du lịch năm 2017” để bàn về việc phát triển du lịch thành phố mạnh mẽ và bền vững.

Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel đã đề xuất nhiều ý kiến về chuyện quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa, ẩm thực ở địa phương, dành cho các doanh nghiệp du lịch hàng đầu đưa đón khách quốc tế đến Việt Nam sự ưu đãi, hỗ trợ về cơ chế… Tiếp đó, đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng đề nghị thành phố cần thông qua quy hoạch chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để du lịch TP.HCM có “đường băng” cất cánh và góp phần tích cực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn….

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: Thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến của du khách nước ngoài, mời gọi chuyên gia quốc tế đánh giá, có các giải pháp đột phá, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch một cách kịp thời… Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các Sở, ngành khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 và chậm nhất đến tháng 9/2017 là phải trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Báo Công luận

Cũng theo ông Phong, TP.HCM có rừng, có biển ở huyện đảo Cần Giờ, thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nghiên cứu huyện Cần Giờ để trở thành một khu đô thị giải trí và nghỉ dưỡng, Sở GTVT đang được giao đề xuất xây dựng cầu tại Bình Khánh nối Cần Giờ với đất liền. Cây cầu dài 2,85km (toàn tuyến là 5,8km) này là mong mỏi của biết bao thế hệ người Sài Gòn, hứa hẹn sẽ là động lực để kinh tế - xã hội, nhất là du lịch Cần Giờ thức giấc.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, quý I năm 2017, TP.HCM đã đón và phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016 (cả năm 2016 đón 5,2 triệu lượt khách quốc tế). Năm 2017, chỉ tiêu đưa ra của thành phố là đón 7 triệu lượt khách quốc tế.

Kế hoạch trên đã có ngay một đòn bẩy. Sau phố sách ở đường Nguyễn Văn Bình (quận 1) và phố đông y tại 3 tuyến phố Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), cuối tháng 4/2017, TP.HCM đã chính thức đưa phố vàng bạc, đá quý tại Chợ Lớn đi vào hoạt động. Ở đường Nhiêu Tâm, phường 5, quận 5, một số hộ dân đã dần phát triển nghề vàng bạc, đá trang sức, chế tác, gia công nữ trang, rồi nhân rộng trên suốt tuyến đường và các đường kế cận như Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, phố chuyên doanh này còn là cách để thành phố bảo vệ, lưu giữ nét đẹp của một làng nghề truyền thống - nghề thợ bạc, gia công, chế tác nữ trang được kế thừa từ sự phát triển của nghề kim hoàn tại vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, đồng thời cũng dễ dàng để cuốn hút và “thôi miên” du khách.

Trong cuộc sắp xếp lại thành phố một cách mau mắn, quyết liệt và cầu thị này, người Sài Gòn chờ mong sẽ sớm được kể cho nhau nghe về Sài Gòn hôm nay, về Sài Gòn cô tiên - tên một bài hát nổi tiếng năm 2000 - hôm nay, để những câu chuyện về “Hòn ngọc viễn Đông” sẽ dần trở thành hoài niệm.

Đoàn Kiên Giang

Tin khác

Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về bệnh nhân 589 mới nhiễm Covid -19

Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về bệnh nhân 589 mới nhiễm Covid -19

(CLO) Theo đó, ngày 18/7/2020, bệnh nhân đi du lịch Đà Nẵng cùng gia đình. Ngày 20-21/7/2020, bệnh nhân đi tham quan tại Hội An.

OLD
Nghệ An: Xuyên đêm tìm kiếm thi thể hai mẹ con và cháu đuối nước khi tắm ở sông Lam

Nghệ An: Xuyên đêm tìm kiếm thi thể hai mẹ con và cháu đuối nước khi tắm ở sông Lam

(CLO) Chị H. cùng con trai và cháu (con của em trai) xuống bến sông Lam cạnh cầu Yên Xuân mới để tắm, nhưng không may cả 3 người bị đuối nước thương tâm.

OLD
Tờ báo Mỹ gây phẫn nộ vì bức ảnh minh họa vụ thảm sát ở Vegas

Tờ báo Mỹ gây phẫn nộ vì bức ảnh minh họa vụ thảm sát ở Vegas

Một tờ báo địa phương đã gây phẫn nộ trong dư luận khi sử dụng một bức tranh biếm họa không màu mô tả hình ảnh hàng núi xác người nằm lên nhau kèm lời bình "Những gì xảy ra ở Vegas".

OLD
Xe khách chở 23 người lộn nhào xuống ruộng

Xe khách chở 23 người lộn nhào xuống ruộng

OLD
Thông cáo báo chí: ĐÔNG Á M&C tuyển CTV

Thông cáo báo chí: ĐÔNG Á M&C tuyển CTV

OLD