Báo chí Cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng dân tộc

Suối Reo - Chuyện về “phong cách làm báo” chưa từng có

Chủ nhật, 21/06/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lật lại những trang vàng của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hẳn không thể không nhắc tới Suối Reo.

Tờ báo được khắc họa đầy bay bổng trong 4 câu thơ của vị chủ bút - nhà cách mạng, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối Reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối reo lên để cho lòng ta reo” - cũng là tờ báo đại diện tiêu biểu cho bản lĩnh, khí phách cũng như phong cách làm báo cách mạng chưa từng có tiền lệ trước đó.

Một tờ báo đặc biệt

Dường như có quá nhiều điều đặc biệt về Suối Reo. Tháng 2/1941, hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập chi bộ. Ngay từ những ngày đầu tiên, Chi bộ đã chủ trương phải đề ra nhiều hoạt động và hình thức đấu tranh nhằm đoàn kết, động viên anh em trong tù vững tâm chiến đấu. Sáng tạo và nhanh nhạy, nhiều đảng viên của Chi bộ ngay thời điểm ấy đã cho rằng một trong những hình thức đấu tranh hiệu quả nhất là xuất bản một tờ báo, vừa giáo dục đảng viên nâng cao lập trường, ý chí chiến đấu vừa là vũ khí tuyên truyền, cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi nhà tù Sơn La. Ý tưởng này ngay sau khi được đề xuất đã nhận được sự tán thưởng nhiệt thành của Chi bộ, chủ trương xuất bản một ấn phẩm báo chí được chấp thuận.

Nhà tù Sơn La nơi ra đời nhiều tờ báo trong tù gây tiếng vang.

Nhà tù Sơn La nơi ra đời nhiều tờ báo trong tù gây tiếng vang.

Cái tên của tờ báo cũng là một dấu ấn khá đặc biệt. “Sau này, tôi có hỏi các anh em sao lại lấy tên báo là Suối Reo? Các anh em giải thích dưới chân đồi Khau Cả có con suối Nậm La quanh năm réo rắt chảy ra sông Đà về hướng Đông Bắc, thế là anh em quyết lấy tên là Suối Reo, cũng là tinh thần yêu đời của các anh em trong tù”, một chứng nhân của những năm tháng ấy kể lại.

Trong một số tài liệu cũng tương đồng câu chuyện này khi ghi lại hồi ức của vị chủ bút đầu tiên Trần Huy Liệu cho rằng không thể chọn một cái tên nào khả dĩ có tính địa phương cho tờ báo. “Nơi đất Sơn La, chỉ có suối là vẫn đẹp, vẫn vui mặc dầu rất thường, đi đâu, ở đâu cũng thấy suối. Mùa đông suối lạnh, nhưng càng trong. Tờ báo lại bắt đầu xuất bản vào mùa đông giữa những đìu hiu của cảnh vật và màu xám của nhà tù. Kết luận, tôi và mấy anh em phụ trách đều đồng ý ở cái tên tờ báo Tiếng suối reo”.

Nhân sự, bộ máy hoạt động thì “nhà có thứ gì dùng thứ đó”. Nhưng thực tế, cũng toàn người có bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm làm báo. Đơn cử như chủ bút đầu tiên của báo - nhà cách mạng, nhà báo, nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969) - 16 tuổi, đã bước vào nghiệp báo và sớm thành danh trong làng báo từ những năm 20 của thế kỷ trước, từng làm chủ bút nhiều tờ báo danh tiếng như: Nông cổ mím đàm, Hồn trẻ, Tiếng trẻ, Le travail, Rassemblement, En avant, Hà thành thời báo, Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay… Còn Xuân Thủy (tức Nguyễn Trọng Nhâm), người tiếp nối  Trần Huy Liệu làm chủ bút Suối Reo, cũng đã viết báo từ 10 năm trước đó.

Phương thức xuất bản Suối Reo cũng là một nét rất đặc biệt nữa. Tháng 5/1941, chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, Suối Reo chính thức được xuất bản. Báo phát hành mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số, khổ báo 20cm x 14cm, tuy nhiên, không phải được in ấn như báo giấy bây giờ mà Suối Reo được… viết tay trên giấy tận dụng. Giấy đã là thứ cực khó kiếm trong tù, có được mực, bút cũng là sự rất kỳ công.

Những người được phân công xuất bản Suối Reo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực để viết thư gửi về cho gia đình. Chưa hết, giặc Pháp nơi nhà tù Sơn La cấm tất cả mọi hình thức tụ tập, kiểm tra rất gắt gao nơi ở của người tù thế nên để cùng nhau “tác nghiệp” là vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Nhà báo - nhà cách mạng Xuân Thủy, người chủ bút của báo Suối Reo.

Nhà báo - nhà cách mạng Xuân Thủy, người chủ bút của báo Suối Reo.

Không chỉ có thế, trong hồi ức của chủ bút Xuân Thủy, phương thức xuất bản Suối Reo mới thật là độc đáo, hiếm có. Cứ vào khoảng 20 giờ tối mỗi ngày, khi đèn điện các trại giam phải tắt hết, mới là lúc các “phóng viên tù nhân” âm thầm bí mật “tác nghiệp”. Họ cặm cụi viết, vẽ, trình bày, thường đến tận 3 giờ sáng dưới ánh sáng ngọn đèn được mắc vào xó tường đã bịt hết ánh sáng không cho tỏa ra ngoài; hoặc tận dụng ánh sáng trăng, luôn có người canh cửa để báo động khi cần. Người đứng viết, người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn gạch, lên đống chăn đắp... Có những lúc cai ngục kiểm tra gắt gao, các “phóng viên” đã phải chui vào… nhà vệ sinh để tác nghiệp.

Nhưng vượt lên tất cả mọi khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm tới tính mạng, những người làm báo nơi ngục tù Sơn La đã thành công trong việc tạo dựng tờ báo xuất bản trong ngục tù, là món ăn tinh thần bổ ích với khá nhiều chuyên mục được đánh giá là thú vị như xã luận đấu tranh, tuyên truyền chính trị, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ vui…

Thời gian sau đó, việc xuất bản Suối Reo được duy trì. Tờ báo như nguồn động lực, thắp lên niềm hy vọng, tin yêu về công cuộc chiến đấu, về sự nghiệp cách mạng, không chỉ với các tù nhân mà cả với quần chúng yêu nước địa phương và cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi này. Thực sự, Suối Reo đã làm được điều mà chủ bút Xuân Thủy đã viết trong lời tựa trong số báo đầu tiên: “Thu sang, hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối Reo lên để cho lòng ta reo”.

4 năm tồn tại (1941 - 1945), Suối Reo đã thực sự reo vang khúc tráng ca của người cách mạng nơi chốn ngục tù.

Độc đáo, kỳ công dòng báo chí cách mạng trong tù

Sự ra đời, hành trình tồn tại và làm tròn sứ mệnh của Suối Reo đã là một sự ngạc nhiên đáng thán phục. Nhưng ít ai biết rằng, trước và sau Suối Reo còn có rất nhiều tờ báo được xuất bản trong lao ngục, làm nên dòng báo chí cách mạng trong tù trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đầy hiểm nguy gian khổ cũng rất đáng tự hào.

Có lẽ sớm nhất là những tờ báo xuất bản trong nhà tù Hỏa Lò. Từ tháng 2/1931 đến năm 1932, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại nhà tù Hỏa Lò đã có cho mình tờ báo Con đường chính. Chủ bút Con đường chính là đồng chí Trường Chinh, bút danh Cây Xoan. Báo được chép tay, mỗi số ra 5-7 bản chuyền đọc trong nội bộ. Cũng thời gian này, ngày 04/01/1932, Chi bộ Cộng sản nhà tù Hỏa Lò tiếp tục cho ra đời tờ báo tiếp theo mang tên Lao tù đỏ, sau đổi thành Lao tù tạp chí. Sau đó, trước năm 1945, tại nhà tù Hỏa Lò còn xuất hiện nhiều tờ báo nữa như Đời tù, tạp chí Vô sản.

Trang báo Lao tù tạp chí số đặc biệt ngày 12/12/1934 của Nhà tù Hỏa Lò xuất bản nhân kỷ niệm Công xã Quảng Châu.

Trang báo Lao tù tạp chí số đặc biệt ngày 12/12/1934 của Nhà tù Hỏa Lò xuất bản nhân kỷ niệm Công xã Quảng Châu.

Tại nhà tù Côn Đảo, nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, năm 1934, Bàn góp - tờ báo đầu tiên của tù chính trị do Chi bộ cộng sản trong nhà tù chủ trương đã ra đời. Một năm sau đó, thêm một tờ báo nữa ra đời có tên gọi “Ý kiến chung”, được viết tay trên giấy vở học trò, khổ 13cm x 19cm. Thời gian sau đó, còn là sự ra đời của các tờ như “Người tù đỏ”, “Độc lập”…

Cũng như những người làm báo Suối Reo, những “nhà báo nơi ngục tù” đã phải “tác nghiệp” trong điều kiện làm việc thiếu thốn nhất, nguy hiểm nhất, cam go nhất, vừa phải chịu đựng những đòn roi tra tấn khốc liệt của kẻ thù, vừa phải vượt qua sự nghi xét của chúng, vừa tìm kiếm mọi nguồn lực, nguồn “nguyên vật liệu” khả dĩ nhất có thể (như mực in làm từ thuốc, giấy được lọc từ bìa các tông… bất kỳ cái gì có thể viết ra và viết lên đều được tận dụng để làm báo) để có thể xuất bản, duy trì ấn phẩm báo chí giữa chốn ngục tù.

Nhiều cuộc triển lãm về dòng báo chí cách mạng trong tù về sau này được tổ chức đã cho thế hệ sau hiểu rõ và cảm phục vô ngần về những tờ báo thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của các tù binh Côn Đảo, Hỏa Lò, Phú Quốc… Chính họ và những tờ báo ấy đã là phương tiện đấu tranh hữu hiệu cũng như là liều thuốc tinh thần hiệu quả động viên tinh thần những người tù cách mạng.

Thực sự, Báo chí Cách mạng trong tù là dòng báo chí với “phong cách làm báo chưa từng có” là “tài sản vô giá” và vô cùng độc đáo của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hà Anh

Tin khác

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo
Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo