Tại sao mục tiêu không phát thải vào năm 2070 của Ấn Độ đáng để ghi nhận?

Thứ bảy, 06/11/2021 15:05 PM - 0 Trả lời

(CLO) Là nước phát thải Co2 lớn thứ ba trên thế giới, Ấn Độ cuối cùng cũng đã tham gia vào nỗ lực của toàn cầu để chống biến đổi khí hậu. Dù nước này đặt mục tiêu đến năm 2070 mới đạt được mức phát thải ròng bằng không, thì đây cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận và đầy hứa hẹn.

Điều gì thúc đẩy Ấn Độ cam kết mạnh mẽ?

Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu, được gọi là COP26, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố rằng nước này đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2070.

tai sao muc tieu khong phat thai vao nam 2070 cua an do dang de ghi nhan hinh 1

Thủ tướng Narendra Modi đưa ra cam kết tại Hội nghị COP26 ở Glasgow vào ngày 02/ 11. Ảnh: Reuters

Thông báo trên là một phần trong tuyên bố năm điểm của Thủ tướng Modi, mà ông gọi là Panchamrit - một món ăn thiêng liêng theo tín ngưỡng của người Ấn Độ gồm năm thành phần được chế biến để cúng các vị thần.

Những điều này bao gồm cam kết nâng cao tỷ trọng nhiên liệu không hóa thạch, đặt mục tiêu cao hơn cho năng lượng tái tạo, giảm tổng lượng phát thải carbon, giảm tỷ lệ carbon trong tổng sản phẩm quốc nội và mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2070.

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất thúc đẩy Ấn Độ hướng tới việc tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng không là mong muốn đóng vai trò lãnh đạo trong số các nước đang phát triển trên thế giới.

Những yêu cầu mà ông Modi mạnh dạn đề nghị tăng mức tài chính khí hậu từ các nước phát triển lên 1000 tỷ USD, cũng như theo dõi tiến trình của việc đóng góp, thực sự đã củng cố tiếng nói của các nước đang phát triển tại COP26.

Yếu tố thứ hai thực tiễn hơn chính là việc bảo vệ môi trường và khí hậu của Ấn Độ và khu vực. Ngoài Ấn Độ, các quốc gia khác có tỷ trọng công nghiệp lớn tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Indonesia cũng đều đã cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa, Ấn Độ sẵn sàng chung tay với các quốc gia trong khu vực để cùng giải quyết các vấn đề về môi trường.

Thứ ba, dưới chính quyền Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ khí hậu và phát triển các giải pháp năng lượng sạch. Ấn Độ hiện có một trong những chương trình phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất châu Á, khi đặt ra mục tiêu đạt 450 gigawatt vào năm 2030.

Đến năm 2016, Ấn Độ đã giảm được 24% cường độ phát thải trên GDP, không quá thấp so với mục tiêu 33% trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Những tiến bộ như vậy đã tạo niềm tin cho bộ máy hoạch định chính sách Ấn Độ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phát thải trong tương lai.

tai sao muc tieu khong phat thai vao nam 2070 cua an do dang de ghi nhan hinh 2

Việc đưa nền kinh tế ra khỏi các mỏ than ngay lập tức là rất khó vì hơn 3,6 triệu việc làm của Ấn Độ bị ràng buộc trong lĩnh vực này - Ảnh: Reuters

Những rào cản thách thức Ấn Độ

Thực ra, thời hạn đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2070 là khá chậm so với các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn khác. Trung Quốc, Mỹ hay Đức đặt ra thời điểm này là từ năm 2030 đến 2050. Song dẫu sao, việc Ấn Độ đạt mục tiêu vào năm 2070 cũng rất đáng khích lệ bởi nước này phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trước tiên, đúng là Ấn Độ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng than đá vẫn sẽ tiếp tục chiếm phần lớn nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp tại nước này.

Hơn nữa, việc chuyển đổi ngay lập tức khỏi than là rất khó vì hơn 3,6 triệu việc làm tại Ấn Độ đang bị ràng buộc trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa, Ấn Độ cần có một quá trình chuyển đổi lâu dài, để việc tái thiết lực lượng lao động phụ thuộc vào than không gây ra những bất ổn lớn về chính trị và xã hội.

Thứ hai, Ấn Độ đã phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe con người và nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu năng lượng để phục hồi đất nước là rất lớn. Việc sớm siết chặt quy định và thời hạn phát thải ròng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ.

Thứ ba, một số bang của Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ khai thác nguyên liệu hóa thạch. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu vào ngay giữa thế kỷ này rất khó đạt được. Nó sẽ tạo ra gánh nặng quá lớn đối với chính phủ, cũng như chính quyền các bang, để chuyển đổi nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch sang các lĩnh vực khác.

Thứ tư là vấn đề công nghệ. Ấn Độ vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài trong việc phát triển ngành năng lượng tái tạo. Cho đến đầu năm 2020, khoảng 80% pin mặt trời được sử dụng ở Ấn Độ được nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc.

Tương tự, để khử cacbon trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải, việc thiếu công nghệ giá rẻ vẫn là thách thức lớn. Nếu không đảm bảo sự hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ các nước phát triển, việc hướng tới mức phát thải ròng bằng không là thách thức nghiêm trọng với Ấn Độ.

Thứ năm, mặc dù Ấn Độ có một chương trình năng lượng tái tạo khổng lồ, song hầu hết đều phục vụ cho các lĩnh vực phi quân sự. Nhu cầu năng lượng để duy trì cơ sở hạ tầng, máy móc quân sự… của Ấn Độ là rất lớn.

Ấn Độ phải triển khai một lực lượng quân đội và thiết bị quân sự rất lớn dọc theo các biên giới nhạy cảm về địa chính trị của mình, khiến quốc phòng là một trong những lĩnh vực tiêu thụ năng lượng hàng đầu của Ấn Độ.

Cùng với cuộc khủng hoảng than đá gần đây và nhu cầu năng lượng tăng vọt sau đại dịch trên toàn cầu gần đây, việc Ấn Độ đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2070 cũng đã cho thấy quyết tâm và nỗ lực rất lớn của nước này.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Nhà leo núi Nepal lập kỷ lục 29 lần leo lên đỉnh Everest

Nhà leo núi Nepal lập kỷ lục 29 lần leo lên đỉnh Everest

(CLO) Nhà leo núi người Nepal, Kami Rita Sherpa, đã leo lên đỉnh Everest lần thứ 29 vào hôm 12/5, phá vỡ kỷ lục bản thân về số lần chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.

Thế giới 24h
Ông Donald Trump lại công kích công tố viên và thẩm phán phiên tòa hình sự

Ông Donald Trump lại công kích công tố viên và thẩm phán phiên tòa hình sự

(CLO) Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã lại công kích công tố viên và thẩm phán trong phiên tòa hình sự đang xét xử ông ở New York tại một cuộc mít tinh lớn ở bang New Jersey, Mỹ vào thứ Bảy (11/5).

Thế giới 24h
Cảnh sát Tunisia bắt luật sư và nhà báo vì chỉ trích Tổng thống

Cảnh sát Tunisia bắt luật sư và nhà báo vì chỉ trích Tổng thống

(CLO) Cảnh sát Tunisia đã bắt giữ Sonia Dahmani, một luật sư nổi tiếng, vì những lời chỉ trích của cô này đối với chính quyền của Tổng thống Kais Saied.

Thế giới 24h
Số người chết vì lũ lụt ở miền nam Brazil tăng lên 136

Số người chết vì lũ lụt ở miền nam Brazil tăng lên 136

(CLO) Số người chết vì mưa lớn ở bang Rio Grande do Sul nằm ở phía nam của Brazil đã tăng lên 136, theo cơ quan chính phủ địa phương cho biết vào thứ Bảy (11/5).

Thế giới 24h
Tai nạn xe buýt trường học khiến hàng chục người thương vong ở Indonesia

Tai nạn xe buýt trường học khiến hàng chục người thương vong ở Indonesia

(CLO) Ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi một chiếc xe buýt chở học sinh trung học gặp nạn trên hòn đảo lớn nhất Indonesia, theo cảnh sát cho biết hôm Chủ nhật (12/5).

Thế giới 24h