(CLO) Theo tân Chủ tịch UBND TP. HCM, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là chống dịch nhưng vấn đề mở cửa nền kinh tế là yêu cầu rất bức thiết, cần có kế hoạch cụ thể trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.
Chia sẻ trên được Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nói tại cuộc họp báo chiều 24/8 sau khi được đại biểu HĐND TP. HCM khóa X bầu người đứng đầu chính quyền thành phố.
Ông Mãi khẳng định yêu cầu mở cửa nền kinh tế hiện cấp thiết, nhưng thành phố sẽ lên kế hoạch, lộ trình phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. Những ngày tới, thành phố sẽ triển khai bộ phận lập kế hoạch, giải pháp cụ thể cho giai đoạn từ nay đến giữa tháng 9 và thời gian sau đó. Tuỳ diễn biến dịch bệnh, việc mở cửa nền kinh tế sẽ triển khai từng bước, đảm bảo an toàn.
Theo ông Mãi, hiện thành phố vẫn ưu tiên hàng đầu là tập trung mọi giải pháp, nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ người tử vong do dịch, trong đó bao gồm các giải pháp mở rộng, nâng cao chất lượng điều trị.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp như siết chặt giãn cách, tăng cường xét nghiệm, tăng độ phủ vaccine... với mục tiêu đến ngày 15/9 kiểm soát được dịch.
"Đây là thời khắc khó khăn của thành phố và cá nhân tôi khi nhận nhiệm vụ, thấy người dân đang trải qua những ngày khó khăn nhất, chịu bất tiện, thiếu thốn và cả sự mất mát người thân", ông Mãi nói và cho biết điều này khiến bản thân rất trăn trở cũng như thấy nhiệm vụ nặng nề hơn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho hay hiện an sinh xã hội là vấn đề được thành phố quan tâm. Đây là việc quan trọng nhưng để giải quyết trôi chảy với một đô thị hơn 10 triệu dân như TP HCM là điều không đơn giản.
Vì vậy, thành phố sẽ rà soát toàn bộ chính sách, những việc đã có chủ trương để thực hiện ngay. Những chính sách hiện hữu nếu thiếu sót hoặc chưa phù hợp sẽ bổ sung để hỗ trợ, chăm lo cho người dân.
Theo tân Chủ tịch thành phố, TP. HCM là nơi hội tụ nhân tài, nguồn lực, nếu biết khơi dậy và hội tụ sẽ là động lực rất lớn giúp thành phố phát triển. Để làm được điều đó, chính quyền phải làm tốt vai trò, chức trách, phục vụ tốt hơn cho người dân. Đồng thời cầu thị, kết nối tốt với các nguồn lực, từ đó tạo niềm tin để nhận được góp sức cho sự phát triển của thành phố.
"Bản thân tôi chịu ơn TP. HCM, từ khi đi học và có thời gian làm việc tại đây. Trong suốt thời gian làm việc, tôi cũng có những liên hệ, nhận được sự giúp đỡ lớn từ thành phố. Với trọng trách sắp tới, tôi tâm niệm là phải học tập nhiều hơn nữa để có thể đảm đương nhiệm vụ được giao", ông Mãi nói.
Để mở cửa nền kinh tế, TP. HCM sẽ thành lập bộ phận, xây dựng kế hoạch một cách cụ thể. Bộ phận này gồm cơ quan chức năng với các cá nhân trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, là những người có kinh nghiệm. TP. HCM cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để bổ sung các biện pháp từ nay đến ngày 15/9 và đồng thời có kế hoạch sau 15/9.
Tùy theo tình hình dịch, thành phố sẽ mở cửa lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, dịch vụ dựa trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.
Các ngành thiết yếu phải có biện pháp an toàn để duy trì, mở rộng. Những ngành quan trọng phải có kế hoạch để duy trì, mở rộng sản xuất. Các địa bàn vùng xanh và an toàn sẽ tiến hành những hoạt động rộng hơn. Những nơi mà doanh nghiệp và người dân có sáng kiến đảm bảo hoạt động sản xuất, dịch vụ an toàn thì sẽ được mở ra từng bước.
Với tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố đang nghiên cứu chương trình quản lý từng cá nhân, sự di chuyển, hoạt động sản xuất, dịch vụ; quản lý điểm đến là các nhà máy, xí nghiệp.
Một người đã tiêm vaccine có thể được xem là cá nhân an toàn. Nếu cá nhân an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn thì sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn.
Thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tiêm vaccine, dùng thuốc trị bệnh, can thiệp cấp cứu… để tính toán mở cửa dần dần.
(CLO)Cơn bão số 3 gây thiệt hại cho tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 20,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình sau bão mới là mối lo đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tối đa lực lượng, sẵn sàng cơ động tham gia ứng phó với mưa lũ.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
(CLO) Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Cao Bằng tập trung cứu chữa người bị thương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, không để thiệt hại thêm về người; tập trung tìm kiếm người mất tích; lo mai táng cho những nạn nhân thiệt mạng.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, sự chia sẻ của 2 địa phương với ngân sách trung ương và các địa phương khó khăn bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
(CLO) Chiều 10/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.