Tết ấm đất Chín Rồng

Chủ nhật, 11/02/2024 18:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đất Chín Rồng ở đây, tôi muốn nói về tên của miệt Đồng bằng sông Cửu Long cò bay thẳng cánh cùng đồng vàng, biển bạc đầy cá tôm. Thì Cửu Long là Chín Rồng chứ còn gì nữa. Chín nhánh sông hợp thành tên gọi một dãy đất đậm màu phù sa.

Tết ấm ở đây, người viết muốn nói sự nồng ấm của tình người từ những phong tục tập quán đón Tết ở miệt này, được người dân Chín Rồng giữ vẹn qua bao mưa nắng dãi dầu. Tết ấm còn là sự ấm áp của gian bếp của các mẹ, các bà; của nồi bánh tét tỏa khói thơm lừng bên hiên nhà ai...

Thiêng liêng hồn Tết Việt

“Má ơi, năm nay cả nhà mình cùng nhau nấu nồi bánh tét đi má. Má chỉ việc ngồi gói thôi, tụi con chuẩn bị hết từ a đến z luôn, nghen má”. Chị Hai đại diện cả nhà nài nỉ má sau khi cả bốn chị em đã “thống nhất” với nhau chuyện “xúi” má gói bánh tét ăn Tết năm con Rồng.

Ở thời buổi bước chân ra đường là có bất cứ món gì cần mua, kể cả những món ăn nhà quê đậm vị Tết truyền thống. Mà cũng không cần bước chân ra ngõ, nằm đu đưa trên võng cầm cái điện thoại thông minh “oder” bánh trái gì cũng có luôn. Người ta nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng theo mùa nên gần Tết là các trang Facebook xôn xao kiểu “mời khách lên đơn để em chốt số lượng Tết giao ạ”. Người ta bán online đủ thứ, nào là bánh chưng, bánh tét, củ kiệu muối, tôm khô, bánh phồng, rồi thì hoa chưng Tết, liễn Tết...

tet am dat chin rong hinh 1

Pháo hoa đón Giao Thừa trên Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Cả nhà xúi má gói bánh tét đâu phải chỉ để ăn, mà chủ yếu muốn tạo cái không gian ấm áp của Tết khi cùng nhau quây quần, người gói bánh, kẻ cột dây, đàn ông trai tráng đào cái lò nấu bánh “dã chiến”, trước đó việc chuẩn bị củi chụm nấu bánh cũng đã sẵn sàng. Nấu bánh tét bằng bếp than đá nhanh hơn, tiện lợi hơn nhưng nhiều gia đình vẫn chọn cách nấu bằng bếp củi đào dưới sân nhà mình. Vậy mới đúng cái không khí của nồi bánh tét ngày Tết.

Nồi bánh tét chính là một trong những nét đẹp mang hồn thiêng của Tết ở miệt đất Chín Rồng có lắm mỹ tục trong ba ngày Tết này. Những mỹ tục ấy cũng đã trở thành ký ức tuổi thơ của bao người, để lỡ khi phải sống xa nơi chôn nhau cắt rốn thì Tết luôn thúc giục người ta trở về bản quán để được ăn cái Tết với bao điều thân thương gắn với hình bóng quê nhà.

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, đâu đó đã dần phai đi những mỹ tục Tết quê. Chính vì muốn gìn giữ, muốn lưu lại những điều thiêng của Tết mà khá nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức tái hiện lại không gian Tết xưa. Đó là những “Chợ quê ngày Tết” được Bạc Liêu, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Cà Mau… tái hiện ngay giữa lòng thành phố. “Bỏ rơi” những quán xá với trống nhạc nhạc xập xình, những view sang chảnh với nhà cao tầng, góc phố chill…, người ta tìm đến thưởng ngoạn những gánh hàng hoa, nồi bánh tét, góc cho chữ thư pháp của ông đồ trong ngày xuân, bàn thờ gia tiên trang hoàng thịnh soạn, cung kính… trong “Chợ quê ngày Tết”. Là vì hồn Tết Việt vẫn luôn chiếm ngự tâm hồn người Việt.

Dấn ấn Tết Chín Rồng

Du khách được trải nghiệm làm mứt Tết là một trong những hoạt động của chương trình tour Tết ở khu du lịch Cồn Sơn (TP. Cần Thơ) hồi Tết năm ngoái. Du khách được tự tay tham gia chế biến các món mứt truyền thống như mứt dừa, mứt bưởi, kẹo chuối... dưới sự hướng dẫn của người dân bản địa. Khách du lịch giờ đến một vùng đất mới, đâu chỉ muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp choẹt các kiểu mà còn muốn trải nghiệm, tự mình làm nông dân, tự mình thành nội trợ để chế biến những thành phẩm trong niềm thích thú, háo hức. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều tỉnh, thành phố ĐBSCL ngày càng bày ra nhiều không gian ngạt ngào hương vị Tết để đón chân du khách!

tet am dat chin rong hinh 2

Tái hiện khung cảnh quê tại không gian “Chợ quê ngày Tết” ở Bạc Liêu.

Hay trải nghiệm tát đìa bắt cá cũng là “phát minh” của nhiều điểm du lịch ĐBSCL hiện nay. Nhất là vào mùa người ta chộn rộn đón Tết. “Phát minh” này khiến cho những người có tuổi nhớ về cái thuở tát đìa ăn Tết từng là tập tục ở miền Tây. Người ta tát đìa bắt cá, phân loại ra, cá nào đem bán lấy tiền sắm tết, cá nào “gộng” lên để ăn dần, cá nào xẻ thịt làm khô, cá nào hủn hỉn thì bỏ vô hủ, khạp làm mắm. Khô lóc, khô phi, khô trê và bao nhiêu loại khô khác từ cá đồng, rồi thì bún nước lèo nấu từ hũ mắm trong gian bếp phục vụ trong ba ngày Tết ở xứ Chín Rồng cũng là từ những buổi tát đìa chứ còn đâu.

Múa Lân Sư Rồng ảnh hưởng văn hóa người Hoa cũng từ lâu trở thành mỹ tục không thể thiếu. Đang trang hoàng nhà cửa đón Tết mà nghe tiếng “cắc tùng xèng” vọng từ xa là nôn cả ruột, có khi bỏ việc chạy ù một phát ra xem đội Lân ấy đi ngang.

Rồi thì nàng Xuân đẹp nhất chính là nhờ hoa mùa Tết, hoa ở chợ hoa và hoa ở mỗi góc nhà người ta trưng bày để tạo không gian Tết đầy sắc hương. “Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết/ Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương/Mai vàng nở như em về đúng hẹn/Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường/Anh tuốt lá đợi mai về ngày tết/Chở mùa xuân trên mỗi đóa vàng tươi" (trích bài thơ “Hoa mai ngày Tết” của Lê Viết Tư). Nếu miền Bắc hồng tươi với hoa đào thì miền Nam vàng rực rỡ với hoa mai. Có những chậu mai bonsai người ta chăm chút mấy chục năm trời với giá bạc tỷ, cũng có những cây mai vàng trồng ở hiên nhà người dân, đợi mùa về là rủ cả nhà ra “tuốt lá cho mai về kịp Tết” như câu thơ ngọt ngào trên. Ngoài mai, người dân ĐBSCL còn thích chưng bông Vạn thọ tượng trưng cho tuổi thọ, sức khỏe, hoa cúc biểu trưng cho may mắn, hoa vạn huê lầu sặc sỡ tượng trưng cho thành công, hạnh phúc…

tet am dat chin rong hinh 3

Gói bánh tét được tổ chức tại các không gian “Chợ quê ngày Tết”.

Bàn thờ gia tiên là nơi được trưng bày trang trọng nhất trong dịp Tết. Trên bàn thờ người ta thường đơm mâm ngũ quả (thường gồm có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, tượng trưng cho ước nguyện “cầu vừa đủ xài”, sung túc…). Cặp dưa hấu, bưởi cũng là thứ không thể thiếu tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy, thịnh vượng, tương xứng.

Trong gian bếp ba ngày Tết, luôn có sự hiện diện của nồi thịt kho Tàu (còn gọi là thịt kho hột vịt), củ kiệu, dưa hành, dưa tỏi, bánh tét, bánh phồng tôm... Món nào bây giờ cũng được bày bán đầy chợ, đầy các trang mạng xã hội, vậy mà nhiều phụ nữ ở miệt đồng bằng này vẫn giữ nguyên “quan điểm” tự tay làm mới ngon, mới tạo nên được không khí Tết, mang hương vị Tết về trong mái ấm gia đình mình…

Có lẽ chính vì vậy mà trong những gian nhà đơn sơ ở những miền quê heo hút, dù không có pháo hoa, đèn màu rực rỡ thì cái Tết vẫn hiện hữu, ấm áp vô cùng! Và ấm áp thay trong từng gian nhà nhỏ, vợ chồng, con cái sum vầy bên mâm cơm ngày Tết. Khói nhang thơm lừng trên bàn thờ tổ tiên được trang hoàng chu đáo để ta thấy rằng đó cũng là mỹ tục của văn hóa Tết Việt! Người Việt luôn biết nhớ cội thương nguồn, nhớ người hôm qua cũng chính là nhắc nhở, giáo dục cho người hôm nay và mai sau…

Phải chăng chính từ những mỹ tục ở Tết quê mà trong tâm thức của nhiều người, cái Tết quê nhà luôn là đẹp nhất, là đáng cho người ta quay về để đón thời khắc chuyển giao kỳ diệu của đất trời!

Trải nghiệm Tết quê trong những không gian “Chợ quê ngày Tết” mà các nơi bày ra trong nhiều năm gần đây, chính là giúp người ta trải nghiệm một nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ trong ba ngày Tết.

Và khi bài báo này tới tay độc giả, cả gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho nồi bánh tét để Tết con Rồng được nhâm nhi khoanh bánh tét thơm mùi Tết. Bánh này chắc chắn đậm đà hơn bánh mua ngoài chợ nhiều, vì có cái tình của má, có cái không khí sum vầy đoàn tụ bên nhau gói ghém trong một đòn bánh quê mùa...

Cẩm Thúy

Bình Luận

Tin khác

Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

(CLO) Chương trình quảng diễn đường phố "Quê hương mùa Sen nở" diễn ra sôi động với sự tham gia trình diễn của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

(CLO) Tỉnh Thái Bình kỳ vọng, thông qua các hoạt động của Tuần du lịch, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước tiếp tục đến với Thái Bình trong mùa du lịch năm 2024.

Đời sống văn hóa
Công bố giá vé các chương trình Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

Công bố giá vé các chương trình Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

(CLO) Giá vé các chương trình nghệ thuật và dạ yến Hoàng cung tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 có mức giá từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình chi 130 tỷ đồng xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị

Ninh Bình chi 130 tỷ đồng xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị

(CLO) UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị từ thị trấn Thiên Tôn đến cố đô Hoa Lư với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Hà Nội: Người dân thích thú khi xem màn tái hiện trận đánh của Thánh Gióng

Hà Nội: Người dân thích thú khi xem màn tái hiện trận đánh của Thánh Gióng

(CLO) Hàng nghìn người dân và du khách tham dự Hội Gióng Phù Đổng 2024, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đều tỏ ra thích thú và hào hứng khi xem các trai tráng trong làng tái hiện lại trận đánh của Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng).

Đời sống văn hóa