Tết và nỗi lo thực phẩm bẩn

Thứ tư, 30/01/2019 14:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) Còn bao nhiêu các cơ sở đang hàng ngày, hàng giờ sản xuất và đưa ra thị trường những loại thực phẩm bẩn, độc hại đến tay người tiêu dùng vẫn còn trong bóng tối? Không dễ để có câu trả lời và người tiêu dùng chưa bao giờ hết lo lắng, bất an về mâm cỗ trong những ngày Tết.

Càng gần Tết Nguyên đán thì nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm của người dân càng tăng mạnh. Đồng nghĩa với việc thời gian này các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, thực phẩm giả…cũng bất chấp mọi thủ đoạn và sức khỏe người tiêu dùng miễn sao thu được lợi nhuận.

Chỉ trong những ngày đầu của tháng 1/2019, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ các đối tượng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.

Điển hình như khoảng 15h30 ngày 22/1, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, CAH Gia Lâm phối hợp với Đội An ninh nông nghiệp nông thôn, Phòng An ninh Kinh tế CATP Hà Nội bất ngờ kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cơ sở này do bà Lý Thị Quy (SN 1986, trú tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường) làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 3.000 lọ sa tế thành phẩm, số lượng lớn sa tế đã qua chế biến đang chờ đóng hộp, hàng nghìn lọ, vỏ nhãn hiệu, máy đóng gói...

Chủ cơ sở khai nhận đã mua nguyên liệu về sản xuất sa tế giả nhãn hiệu Thuận Phát. Mỗi ngày, cơ sở ngày đóng gói được khoảng vài nghìn lọ. Các sản phẩm này sau đó được phân phối cho các kênh bán lẻ và tiêu thụ tại thị trường các tỉnh lân cận Hà Nội.

Trước đó, ngày 15/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất riềng xay của gia đình bà Nguyễn Thị Linh (SN 1970) và chồng là Nguyễn Văn Khánh (SN 1966), tại xóm Đồng Neo, thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đã sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là lưu huỳnh (diêm sinh) và chất tạo màu vàng không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ để trộn vào thực phẩm là củ riềng đã được xay nhỏ.

Lực lượng chức năng đã thu giữ 500 kg củ riềng; 400 kg củ riềng đã rửa sạch và đang ủ lưu huỳnh; 400 kg riềng thành phẩm đã xay nhỏ được trộn bột màu vàng.

Hay như gần nhất, chiều ngày 23/1, các trinh sát Đội Cảnh điều tra tội phạm về kinh tế (Công an TP. Quảng Ngãi) bắt quả tang bà Đặng Thị Mùa ở số 26, đường Phan Đình Phùng, TP. Quảng Ngãi đang dùng axit và nước lã để sản xuất giấm ăn. Theo đó, Cảnh sát kinh tế phát hiện bà Mùa cùng chồng đang sử dụng 2 can nhựa loại 20 lít bên trong có chứa axít, pha chế với nước lã tạo thành giấm ăn. Tại hiện trường, hơn 100 chai nhựa, loại 1.5 lít (vỏ chai nước suối đã qua sử dụng được bà Mùa mua lại) bên trong có chứa giấm ăn vừa pha chế chuẩn bị tung ra thị trường. 

Cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn chưa khi nào hết nóng nhưng càng những ngày giáp Tết Nguyên đán thì càng khó khăn và phức tạp hơn. Các đối tượng nắm bắt được tâm lý trước, trong và sau Tết nhu cầu tiêu thụ hàng hóa bao giờ cũng tăng mạnh vì thế mà hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa nói chung và thực phẩm bẩn nói riêng càng mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Thịt lợn lở mồm long móng, thịt lợn thối được hô biến thành đặc sản Trâu gác bếp. Ảnh minh họa.

Thịt lợn lở mồm long móng, thịt lợn thối được hô biến thành đặc sản Trâu gác bếp. Ảnh minh họa.

Người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi các món ăn đặc sản ngày Tết được dùng phổ biến những năm gần đây như thịt trâu gác bếp lại được làm bằng những con lợn lở mồm long móng, chết thâm đen, bốc mùi hôi thối tại một cơ sở ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị phanh phui, gây chấn động dư luận. Hay như món đặc sản giò me (giò bê) nổi tiếng xứ Nghệ cũng bị phát hiện làm giả từ thịt lợn và gia vị tạo mùi.

Những chai rượu vang, sâm panh được mọi người tin dùng vào những dịp lễ Tết lại được sản xuất bằng quy trình siêu tốc tại một cơ sở sản xuất ở Phú La (Hà Đông, Hà Nội). Cơ sở này pha trộn một vài dung dịch với nhau theo kiểu áng chừng và chỉ trong nháy mắt, một chai rượu vang nho hay sâm panh hảo hạng đã ra đời với giá bán rẻ đến mức giật mình.

Rồi các loại bánh kẹo, mứt Tết, nước ngọt bẩn cũng xuất hiện ngày càng nhiều đặc biệt vào dịp cuối năm. Những loại bánh kẹo Trung Quốc được một số cơ sở sản xuất ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) gắn mác thành hàng Thái Lan, Hà Quốc hay Indonesia... rồi tung ra thị trường.

Ngoài những vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, các cơ quan thông tấn báo chí phanh phui trước công luận thì còn bao nhiêu cơ sở đang hàng ngày, hàng giờ sản xuất và đưa ra thị trường những loại thực phẩm bẩn, độc hại đến tay người tiêu dùng vẫn còn trong bóng tối? Không dễ để có câu trả lời và người tiêu dùng chưa bao giờ hết lo lắng, bất an về mâm cỗ trong những ngày Tết.

Để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP cần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Đồng thời, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, chính quyền trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

Ngoài việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành ATTP theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về ATTP.

Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý của cơ quan chức năng, chính bản thân người tiêu dùng cũng cần lên tiếng tố cáo những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không an toàn mặc dù đấu tranh với các hành vi gian dối, sai phạm về ATTP không đơn giản bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Và quan trọng nhất là phải làm sao thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Nếu họ vẫn coi trọng lợi nhuận hơn là sức khỏe của người tiêu dùng, của chính đồng loại thì cuộc chiến với thực phẩm bẩn sẽ còn rất gian nan.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã cận kề, không còn cách nào khác, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, nên mua thực phẩm ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ tem mác…để có những mâm cỗ ngày xuân đầm ấm và an toàn.

Hoàng Thao

Tin khác

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Ở độ tuổi 97 nhưng cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn hừng hực khí thế khi kể lại những ngày tham gia phá bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Đời sống
Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

Đời sống
120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Đời sống
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống