Tháng tám, trời thu xanh thẳm!

Thứ tư, 14/08/2019 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đã đành tiết Thu thì nắng tỏa, bầu trời cao xanh lồng lộng, mây nhởn nhơ bay, lòng  người  thường xao động. Nhưng với con dân Việt Nam, còn  một cảm xúc lớn lao hơn thế, đó là mùa của độc lập, tự do mà Đảng, Bác đã đem lại.

Tôi chọn ngả đường về chiến khu xưa, về với những chiếc nôi của cách mạng,vcủa kháng chiến- Việt Bắc, cũng là cách du ngoạn để cảm nhận, để viết…

Đi về hướng Đông, về với những địa chỉ đỏ của cách mạng: Bắc Sơn, Võ Nhai. Vâng, qua sông Sông Hồng, Sông Đuống mùa này đỏ nặng phù sa, cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên nuột nà, êm ái. Phía tay trái là những địa chỉ thân quen; những Đền Sóc, nơi thờ Thánh Gióng, vươn mình Phù Đổng đánh đuổi giặc Ân xâm lăng, đem lại thái bình cho xã tắc. Kìa Núi Đôi với câu chuyện tình bi tráng thời kháng Pháp giữa một chiến sỹ Vệ quốc Đoàn và cô du kích làng Xuân Dục Trần Thị Bắc, tạc vào thời gian bất diệt từ thơ ca…

Khu công nghiệp Yên Bình được mọc lên từ những đồi sim, mua với điểm nhấn là nhà máy Sam Sung hiện đại, công nghệ sản xuất điện thoại thông minh tầm cỡ thế giới, thu hút ngót trăm nghìn lao động. Khu công nghiệp luyện kim gang thép Thái Nguyên cho dù bây giờ đã giảm dần vai trò lịch sử nhưng những năm tháng đứa con đầu lòng của nền công nghiệp nặng XHCN này luôn là niềm tự hào, sự cổ vũ mạnh mẽ với hành trình đi tới của đất nước. Thành phố Thái Nguyên, một trong 3 thành phố đầu tiên của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa (Thành lập ngày 19-10 năm 1962 cùng TP Việt Trì, Nam Định) ở tuổi 57 đang ở thời kỳ rất vượng. Cảm nhận về thành phố này phải bắt đầu từ những trang lịch sử, những điểm nhấn mà nó chứng kiến. Không hẳn là thung lũng, nhưng vị trí nơi đây thật tuyệt vời. Có đất bằng, có con sông Cầu lững lờ trôi, tưới mát những ruộng vườn cây trái; có các dẫy núi cao bao quanh tạo thế tiến, thủ rõ nét.

Các triều đại phong kiến dù định danh là Châu Thái Nguyên, Thái Nguyên Thừa Tuyên hay đến ngày 4-9-1831, Vua Minh Mạng ban chiếu thành lập tỉnh Thái Nguyên thì nơi đây vẫn là thủ phủ của tỉnh, của vùng. Hôm nay, Thành phố này có những bước đi của thời kỳ hiện đại với những phố dài, cao ốc; với sang trọng của nhà hàng, xe cộ… thì những gì là căn bản để làm nên một Thái Nguyên vẫn còn đó, cho dù, trong lịch sử 188 năm của Thái Nguyên, có 32 năm mang tên Bắc Thái. Một khu di tích khởi nghĩa Thái Nguyên đêm 31-8-1917 với ngọn cờ đào Nam binh phục quốc, dưới sự chỉ huy của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến vùng lên khởi nghĩa đánh đuổi ngoại bang là Thực dân Pháp xâm lược. Một khu quảng trường Võ Nguyên Giáp, minh chứng một thời đại rực rỡ gắn với tên tuổi một con người. Đó là chiều 20-8-1945, Chỉ huy Võ Nguyên Giáp tổ chức một cuộc mit tinh, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên và ngày này đi vào lịch sử không chỉ với Thái Nguyên…

Quê hương cách mạng Võ Nhai hôm nay

Quê hương cách mạng Võ Nhai hôm nay

Về đây, ngẫm về những gì đang có, sẽ có, vừa thấy yên lòng, vừa thấy rạo rực, tin yêu. Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ vai trò chủ đạo của một trung tâm vùng. Với mức huy động ngân sách của tỉnh Thái Nguyên ngót nghét 15 nghìn tỷ, chứng tỏ tầm vóc trung tâm Việt Bắc vẫn còn đó như mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân. Chúng tôi nhớ lại cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên tháng tư vừa qua… Anh  thông tin về quyết tâm của tỉnh tự chủ ngân sách ở năm cuối của nhiệm kỳ này. Ý chí và khát vọng đó thật cách mạng, thật thiết thực…

Đã từng làm việc nơi này, rất hiểu nơi này, khi lắng lại, ngẫm nghĩ mới thấy Thái Nguyên vùng đất cách mạng là đúng, nhưng không phải là nơi có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, cũng chưa được đầu tư cho sản xuất ngang tầm. Một buổi lãng đãng ngắm, lãng đãng đi… mới thấy giật mình tự hỏi: Sao thấy quá nhiều nhà hàng, nơi hưởng thụ, thấy quá vắng bóng các cơ sở sản xuất ra sản phẩm? Thấy nhiều ô tô du lịch, ít ô tô tải, bán tải? Có gì đó băn khoăn quá đi?

Năm ngoái tôi có đưa đoàn nhà báo các nước thường trú tại Giơ- ne –vơ, Thụy Sỹ thăm vùng chè Tân Cương. khi về nước đưa tin, họ cứ tiếc cho việc đầu tư, phát huy thương hiệu chưa đến tầm. Tiếc cho một vùng nguyên liệu nổi tiếng nhưng bị xé lẻ, manh mún và canh tác, chế biến lạc hậu. Lại nữa, những mảnh đất vàng cho chè sẽ bị bó lại hoặc thu hẹp do các cơ sở tâm linh hoạt động kinh doanh tín ngưỡng thay thế?... Họ ví rằng nếu như cả vùng đất ven hồ Núi Cốc như một sân khấu lớn thì những xóm, làng và từng người dân ở đó là những diễn viên làm cho vở diễn luôn sống động và luôn có người xem… Rằng du lịch vùng này chè Tân Cương là lõi, là điểm nhấn không thể đánh mất…

Vẫn cứ theo hướng Đông,vgiữa trưa tháng Tám, theo đường 1B, bạn phóng viên trẻ lần đầu lên đây cao hứng ngâm  mấy câu mở đầu trong bài thơ Ta đi tới của  cố nhà thơ Tố Hữu:

   “ Ta đi giữa ban ngày

      Trên đường cái ung dung ta bước

       Đường ta rộng thênh thang 8 thước/

                       Đường Bắc Sơn- Đình Cả- Thái Nguyên

                       Đường qua Tây Bắc

       Đường lên Điện Biên

       Đường cách mạng dài theo kháng chiến…”

Những câu thơ trên như nhắc nhớ về một thời chưa xa nhưng trong tâm khảm con người Việt Nam không thể nào quên được.

Với tôi, từ nghề nghiệp đã  lăn lộn với mảnh đất Võ Nhai- Bắc Sơn này từ những năm 80 của thế kỷ trước nên mỗi lần trở lại đều thấy bồi hồi khôn tả… Vùng đất này vốn là nơi định cư lâu đời của đồng bào Nùng, Dao. Di chỉ khảo cổ học khai quật tại hang Phiêng Tung và mái đá Ngườm thuộc xã Thần Sa năm 1980 đã xác định đây chính là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ 1 vạn năm trước. Rồi trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, từ Lũng Nhai (Võ Nhai), Hồ Đề nữ chủ 70 động đã kéo quân xuống Mê Linh giúp Trưng Trắc dẹp giặc, công lao, trí dũng  được Trưng Trắc phong làm phó tướng, ngang cấp với Trương Nhị… Với những nét chấm phá ấy, Võ Nhai phải là điểm đến của hôm nay, là nơi tụ nguồn của lịch sử…

La Hiên đây rồi, lâu chưa trở lại nhưng cảm nhận trong tôi là luôn có nhiều cái mới. Cùng với những dẫy núi đá vôi cao ngất dường như vô tận là các nhà máy xi măng công suất cả triệu tấn: La Hiên, Quang Sơn; là xanh ngăn ngắt những nương lúa, đồi chè và những xóm làng trù phú là kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới. Ký ức dội về:

…Một chiều hè 21 năm trước, khi đó tôi làm Phó Tổng biên tập tờ báo Đảng bộ tỉnh, tiếp một cộng tác viên. Anh tên Phạm Khắc Mã, cán bộ Nhà máy xi măng La Hiên. Sáng đó, anh có dự buổi tiếp xúc cử tri tại xã La Hiên. Trong một ý kiến cử tri có nói đến một thửa ruộng có tên là ruộng Đồng Chí, anh quyết định tìm hiểu, muốn đăng báo để có thông tin. Tôi động viên anh Mã, nói anh gửi đăng ở các tờ báo phát hành rộng như Nhà báo và Công luận, Quân đội... Sau khi các báo đăng, nhiều thông tin quý dội về.

Một cuộc quy tập đã diễn ra, kết quả là 12 bộ hài cốt liệt sỹ cùng với nhiều hiện vật được quy tập. Thế là hơn nửa thế kỷ, các liệt sỹ được về nghĩa trang liệt sỹ Võ Nhai, trong sự chăm sóc của đồng bào, đồng chí… Câu chuyện thế này: Cuối năm 1947, giặc Pháp điên cuồng tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến: Trung ương Đảng và chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Đầu tháng 10, Pháp nhảy dù Bắc Cạn,Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cơ quan đầu não của ta kịp rút hết về An toàn khu Định Hóa. Chiều 15-10-1947, Pháp bất ngờ nhảy dù xuống La Hiên và Liên Minh (Võ Nhai). Bộ đội ta vừa chặn giặc, vừa đánh lạc hướng, tạo thời gian để các cơ quan  và lãnh đạo cao cấp rút về Định Hóa theo đường mòn qua Phú Lương an toàn. Trận chiến tại La Hiên vô cùng ác liệt,ta và địch đều thiệt hại lớn. Khi màn đêm buông xuống, đồng bào thu gom xác bộ đội rải rác bên bờ suối rồi mai táng chung, đặt tên là ruộng Đồng Chí…

Ngược dòng lịch sử, sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Võ Nhai năm 1940, thấy cần thiết phải có lực lượng bán vũ trang mới có thể đánh Pháp, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh thuộc xã Tràng Xá, Đội Cứu quốc quân 2 được thành lập ( Chủ yếu là con em đồng bào dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu văn Tấn), ngay sau đó đánh một số trận mang chiến thắng về báo cáo với Đảng. Đội Cứu quốc quân 2 sáp nhập với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Đình làng Quặng xã Định Biên (Định Hóa) ngày 15-5-1945 thành Việt Nam giải phóng quân…

Tràng Xá, nơi ra đời Cứu quốc quân 2 năm 1941

Tràng Xá, nơi ra đời Cứu quốc quân 2 năm 1941

Trừ lớp tiền bồi cách mạng như Chu Văn Tấn, Đường Thị Ân, lớp tiếp theo như Lê Dục Tôn, Võ Quốc Vinh… Võ Nhai là cái nôi cung cấp cán bộ các dân tộc thiểu số cho Đảng và ngược lại cũng là nơi đào tạo cán bộ kinh qua thực tế ở nơi này.Tôi nhớ những năm 1980, về đây được Bí thư huyện ủy Trịnh Uy, vào thăm đồng chí Lê Dục Tôn, nguyên cán bộ chủ chốt của Khu tự trị Việt Bắc, các đồng chí đó luôn mong mỏi về một quê hương Võ Nhai sớm phát triển, trả nghĩa với đồng bào.

Hay như anh Triệu Quang, từ một trai bản Dao, luồn rừng sáu chục cây số ra huyện rồi đi làm cách mạng, đến lúc đứng đầu huyện vẫn ước quê mình có đường có điện, được lên tỉnh làm Chủ tịch UBMTTQ,vanh là một trong những trung tâm quy tụ đồng bào vùng cao đoàn kết xây dựng quê hương. Anh Đàm Thanh Nghị sinh ra và lớn lên tại chính địa chỉ đỏ rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân 2 ngày 15-9-1941, anh lăn lộn với phong trào làm tới bí thư huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

Rất nhiều cán bộ được đưa về Võ Nhai rèn luyện và đều trưởng thành từ cái nôi cách mạng này. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên từng giữ vị trí bí thư huyện ủy; mới đây nhất, đồng chí Dương Văn Tiến, một cán bộ trẻ, năng động, chu đáo, sáng tạo cũng vừa hoàn thành xuất sắc “khóa” bí thư huyện ủy, về tỉnh nhận nhiệm vụ mới... Nhờ những yếu tố như thế mà Võ Nhai mùa thu này đã thay đổi nhiều lắm. Những bản làng hẻo lánh của Nghinh Tường, Sảng Mộc, Phương Giao… đều đã có điện, đường, trường, trạm xá, chợ búa. Kinh tế xã hội một vùng quê cách mạng đang đổi thay từng ngày, nhiều xã đã cận kề chuẩn nông thôn mới.

Các thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, kinh tế đồi rừng, nông nghiệp sạch được phát huy tốt. Võ Nhai không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn vài phần trăm,vsố gia đình giầu có tăng nhanh. Đảng mạnh, chính quyền vững, đồng bào phấn khởi xây dựng quê hương…

Đi trong thăm thẳm trời thu tháng Tám giữa quê hương cách mạng, trong tôi dâng trào cảm xúc biết ơn những thế hệ đã hy sinh, vun đắp cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay./.                                                                                                  

Tùy bút của Hữu Minh

    

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo