Thanh Hóa: Dấu hiệu "bất thường" từ những khoản chi cho chương trình "Nghĩa nặng tình sâu"?

Chủ nhật, 19/04/2020 07:27 AM - 0 Trả lời

(CLO) “Nghĩa nặng tình sâu” là một trong những hoạt động tiêu biểu kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam (12/3/1960 – 12/3/2020). Tuy nhiên, những khoản tiền chi không đúng với thực tế chương trình phát sóng đang làm "méo mó" hình ảnh ý nghĩa này, gây bức xúc dư luận.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật:

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật: "Nghĩa nặng tình sâu". Ảnh: TL

Tìm hiểu của phóng viên được biết, theo kế hoạch ban đầu, dự kiến 2 tỉnh sẽ tổ chức cầu truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thường trực Tỉnh ủy Thanh HóaQuảng Nam đã quyết định tạm dừng một số hoạt động quan trọng.

Tại hội nghị lãnh đạo 2 tỉnh ngày 18/2,  Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đã thống nhất điều chỉnh các hoạt động của Lễ kỷ niệm cho phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19.

Theo đó, thống nhất giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hai tỉnh chủ trì xây dựng kịch bản chào mừng kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa – Quảng Nam thời lượng khoảng 90 phút để phát sóng trên Đài Phát thanh & Truyền hình hai tỉnh.

Ngày 10/3, chương trình có tên gọi: “Nghĩa nặng tình sâu” do Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa và Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện đã tổ chức ghi hình tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam, đến tối ngày 12/3, phát trên sóng truyền hình địa phương.

01 tuần sau ngày chương trình phát sóng, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính, ngày 19/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền ký Quyết định phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam. Riêng chương trình nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” được duyệt mức kinh phí lên đến 1.700.500.000 đồng (hơn 1,7 tỷ đồng).

Theo Quyết định nêu trên, chương trình “Nghĩa nặng tình sâu” có thời lượng 90 phút, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tuy nhiên, thực tế, chương trình phát sóng chỉ có thời lượng hơn 68 phút với 11 tiết mục ca, múa nhạc. Trong khoảng 68 phút chương trình phát sóng, đoàn Quảng Nam biểu diễn khoảng 23 phút, đoàn Thanh Hóa biểu diễn khoảng 45 phút.

Như vậy, đơn vị được giao thực hiện chương trình là Sở VH-TT-DL Thanh Hóa chỉ thực hiện khoảng một nửa thời lượng so với tổng thời lượng chương trình theo Quyết định phê duyệt kinh phí là 90 phút.

Bảng kê chi tiết kinh phí chi cho chương trình trên (gọi tắt là bảng kê) cho thấy nhiều nội dung mập mờ, có dấu hiệu khai tăng số lượng, thậm chí "lập khống" để "rút ruột" ngân sách.

Cụ thể, bảng kê cho biết có 30 người là nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đến Quảng Nam tham gia chương trình (hát bè, múa phụ họa, biểu diễn trống hội) nhưng ở mục thanh toán kinh phí cho nghệ sỹ, diễn viên múa lên tới 120 người với tổng số tiền 360.000.000 đồng (3.000.000 đồng/người).

Cùng với đó, có tới 80 người là diễn viên hát bè, thu âm được bồi dưỡng 64.000.000 đồng (800.000/người), hát trên sân khấu ghi hình được trả ...thù lao 160.000.000 đồng (2.000.000 đồng/người).

Như vậy, tổng số ca sỹ hát bè, nghệ sỹ diễn viên múa là 200 lượt người được ngân sách tỉnh Thanh Hóa trả chi trả lên tới 584.000.000 đồng. Chương trình phát sóng cũng không cho thấy có tới 200 nghệ sỹ, diễn viên phục vụ hát bè, múa phụ họa. Vậy bằng cách nào đó, con số 30 người đã được … “phù phép” thành 200 người?

Nguồn tin từ Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho hay: Đoàn nghệ sỹ, diễn viên, nhân viên thuộc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đi công tác, tham gia biểu diễn và phục vụ biểu diễn tại Quảng Nam từ ngày 8/3 đến 11/3 (4 ngày 3 đêm) nhưng bảng kê duyệt chi tiền ăn, nghỉ, thuê xe, hỗ trợ tập luyện lại lên tới …6 ngày, 6 đêm.

Chưa dừng lại ở đó, trong chương trình không hề có nghệ sỹ đọc lời bình nhưng Quyết định duyệt chi 20.000.000 đồng để thu âm lời bình (10.000.000 đồng/người)?

Ngoài ra, kinh phí duyệt chi cho màn hình LED (120m2) lên tới 350.000.000 đồng cho một chương trình quy mô ở mức ca múa nhạc tạp kỹ được cho là không sát với giá thị trường.

Chương trình nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” phát sóng tối 12/3/2020. Đến ngày 16/3, Sở Tài chính mới thẩm định kinh phí và đến 19/3, UBND tỉnh Thanh Hóa mới phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí.

Để hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán, ngày 26/3, tức nửa tháng sau khi chương trình ghi hình, phát sóng, 01 tuần sau ngày UBND tỉnh phê duyệt kinh phí (hơn 1,7 tỷ đồng), Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT-DL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến mới ký công văn gửi Sở Tài chính đề nghị cơ quan này tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý lựa chọn Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Hoàng Gia xây dựng kịch bản và thực hiện chương trình.

Liệu trong quá trình thẩm định, phê duyệt, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa có xem chương trình phát sóng và phát hiện ra điều gì “bất thường” từ những khoản chi phí nói trên?

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Quang Duy

Tin khác

Triệt phá đường dây tội phạm rửa tiền, chuyển tiền trái phép quy mô lớn

Triệt phá đường dây tội phạm rửa tiền, chuyển tiền trái phép quy mô lớn

(CLO) Ngày 27/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, vừa triệt phá một đường rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với quy mô lớn.

Vụ án
Công an cảnh báo 'bẫy' rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Công an cảnh báo "bẫy" rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

(CLO) Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi.

Vụ án
Bắt khẩn cấp đối tượng 'nổ' cán bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bắt khẩn cấp đối tượng "nổ" cán bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(CLO) Để "đánh bóng”, tạo niềm tin, uy tín với các cá nhân, tổ chức, Trần Hữu Minh đã "nổ" là cán bộ Bộ Quốc phòng với cấp bậc Đại tá, hưởng lương Thiếu tướng và là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng; cán bộ Văn phòng Chính phủ; cán bộ Thanh tra Chính phủ,…

Vụ án
Triệt phá đường dây buôn ma túy liên tỉnh, thu giữ nhiều súng đạn

Triệt phá đường dây buôn ma túy liên tỉnh, thu giữ nhiều súng đạn

(CLO) Lê Huy Quỳnh trực tiếp mua ma túy từ Hà Nội về, sau đó chia nhỏ để tiêu thụ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Mọi giao dịch mua, bán thông qua các trang mạng xã hội. Sau khi giao dịch hoàn thành, các đối tượng xóa mọi thông tin liên lạc.

Vụ án
Nghi án bác sĩ giết người, phân xác phi tang ở Đồng Nai

Nghi án bác sĩ giết người, phân xác phi tang ở Đồng Nai

(CLO) Do mâu thuẫn cá nhân, nghi phạm đã ra tay sát hại nạn nhân rồi phân xác bỏ nhiều nơi nhằm phi tang, che giấu hành vi phạm tội.

Vụ án