Thành phố sáng tạo, cái nhìn từ Hà Nội

Thứ ba, 24/01/2023 14:45 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2022 đánh dấu tròn 3 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Sự kiện: Hà Nội

Từ những gì Thủ đô đang làm và thu được kể từ khi được công nhận là thành phố thiết kế sáng tạo, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xung quanh nỗ lực của TP. Hà Nội cũng như chia sẻ về tiềm năng của một mạng lưới thành phố sáng tạo ngay tại Việt Nam trong tương lai.

+ Thưa bà, năm 2019, Hà Nội được công nhận là thành phố thiết kế sáng tạo. Trong 3 năm qua, Hà Nội đã khai thác vai trò và giá trị của việc công nhận thành phố sáng tạo ra sao? Việc kết nối của Hà Nội với các thành phố trong mạng lưới sáng tạo hiệu quả thế nào, đặc biệt ở góc độ văn hoá?

- Sau khi trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Hà Nội đưa ra tầm nhìn và cam kết trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên văn hóa của thành phố, sự sáng tạo của các cộng đồng những người sáng tạo, doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà thiết kế, thời trang, điện ảnh, những đối tượng trong thành tựu văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, dự án, chương trình, không gian… để có thể biến các sản phẩm dịch vụ đó trở thành những giải pháp giúp Hà Nội phát triển bền vững hơn, phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân một cách thiết thực hơn, đẹp hơn và hội nhập hơn. Từ đó, góp phần giảm thiểu áp lực về mặt đô thị, giao thông, tạo ra công ăn việc làm, sinh kế của những người yếu thế trong xã hội và quan tâm đến giới trẻ.

thanh pho sang tao cai nhin tu ha noi hinh 1

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Công việc đầu tiên Hà Nội triển khai khi trở thành thành phố thiết kế sáng tạo là tạo ra các cuộc thi về thiết kế. Từ đó đến nay hàng loạt cuộc thi được tổ chức. Tháng 11/2022 là tháng bùng nổ của các hoạt động thiết kế sáng tạo, nổi bật là cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022 nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022. Điểm nhấn của các cuộc thi này là có tính kết nối, thiết kế sử dụng sáng tạo, thiết kế gắn với di sản, thiết kế gắn với công nghệ, thiết kế gắn với tính liên kết ở các lĩnh vực khác nhau.

Việc tạo ra các hoạt động, cuộc thi, lễ hội, diễn đàn, triển lãm ở các không gian công cộng như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, không gian dựa vào di sản và bằng sự sáng tạo tạo ra sức sống mới như Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Bảo tàng Hà Nội mang tính biểu tượng cho thiết kế sáng tạo của thành phố, diễn ra rất sống động. Nó tạo ra một không khí mới, làm thay đổi diện mạo của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh kết nối với mạng lưới thành phố sáng tạo như tổ chức tuần lễ thiết kế sáng tạo, kết nối mạng lưới thiết kế sáng tạo Đông Nam Á. Trong 3 năm qua, thành phố tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, mời nhiều thành phố khác đến chia sẻ kinh nghiệm. Tại đây, các thành phố trong mạng lưới chia sẻ sáng kiến của mình, đồng thời tiếp thu sáng kiến của các thành phố khác. Và điều đó thể hiện ở những gì chúng ta đang chứng kiến tại Thủ đô. Hà Nội đã và đang xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...

Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền không chỉ trong thành phố mà còn ra quốc tế. Các hoạt động cụ thể, thiết thực của Hà Nội đã lan tỏa ra các địa phương, tạo thành động lực, lôi cuốn các thành phố khác tham gia vào quá trình này.

thanh pho sang tao cai nhin tu ha noi hinh 2

Không gian Triển lãm “Chuyện Nghề” tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đình Trung

+ Việt Nam có nhiều thành phố như Hội An, Đà Lạt, Huế hay TP.HCM có thể tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo. Lợi ích của việc này như thế nào?

- Với kinh nghiệm là người nghiên cứu, tôi nhận ra Hà Nội là một thành phố hoàn toàn có khả năng trở thành thành phố thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời là người trực tiếp viết hồ sơ, tôi hiểu rõ việc vì sao Việt Nam cần có những thành phố sáng tạo. Bởi vì, Việt Nam có Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa, nhưng trong quá trình chuyển động chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Vậy thì, có một mạng lưới trên thế giới như vậy, ở đó có những khung thể chế để nó phù hợp với các mô hình, chúng ta gắn với việc đưa Hà Nội vào trong mạng lưới này như Hội An, Đà Lạt, Huế hay TP.HCM… ở những lĩnh vực khác nhau đó, thì chúng ta có những mô hình khung. Chúng ta có thể phát huy được cái tiềm năng, lợi thế vào quá trình này và dần dần sẽ tạo thành mạng lưới của quốc gia và trong mạng lưới quốc gia đó chúng ta tích hợp với mạng lưới của khu vực và thế giới. Như vậy, ngành công nghiệp văn hóa sẽ mang lại sự phát triển hài hòa trong sự đáp ứng nhu cầu của đất nước, địa phương.

Nhưng mà nó phải đi theo cái khung chung, bởi vì muốn hội nhập chúng ta phải giữ được bản sắc, mà bản sắc ấy phải là cái khung. Đó là câu chuyện vì sao chúng ta phải có nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả và tác động từ khi thành phố Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu, đánh giá về tác động, chưa lượng hóa được các tiêu chí mức độ hưởng lợi của các chủ thể tham gia như chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, giới trẻ, các nghệ sĩ, những nghệ sĩ làm thủ công mỹ nghệ, đạo diễn, diễn viên, người kinh doanh. Nhưng sang năm thứ 4 buộc phải có.

thanh pho sang tao cai nhin tu ha noi hinh 3

Không gian thư pháp nghệ thuật “Sen trong đời sống văn hóa Việt” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Ảnh: Đình Trung

+ Ngày 07/10/2020, Bộ VH-TT&DL giao nhiệm vụ cho Cục Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với các chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”. Tiến độ thực hiện đề án này đến đâu?

- Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL) có tổ chức, xây dựng một đề án về mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam. Đó là đề án tiền khả thi, trong đó Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam là đơn vị tham gia phối hợp tích cực.

Khi chúng tôi đi khảo sát các thành phố, lắng nghe chính quyền thành phố, người dân, các nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo, họ cùng nhau phân tích, cùng đưa ra những thực tế và thể hiện quyết tâm của thành phố. Có thành phố lựa chọn 1 tiêu chí, có thành phố lựa chọn 2 tiêu chí (trong 7 tiêu chí của UNESCO). Chúng tôi thấy rằng, trong cả lộ trình dài này có những thành phố có thể tiệm cận trong một thời gian ngắn. Ví dụ như là Hội An. Nhưng có những thành phố có tầm nhìn xa hơn hoặc có bối cảnh riêng. Ở khía cạnh nào đó, tưởng rằng các thành phố trực thuộc Trung ương dễ vào mạng lưới hơn, nhưng trên thực tế triển khai trên thế giới, những thành phố có quy mô vừa và nhỏ có tính quyết tâm cao hơn.

Để trở thành thành phố sáng tạo cần nhiều sự hỗ trợ, bởi vì khi thành phố sáng tạo đòi hỏi phát triển về cơ sở hạ tầng, không gian công cộng, không gian di sản hoặc không gian cần sự hỗ trợ. Trong cộng đồng sáng tạo, có rất nhiều những người trẻ, giàu nhiệt huyết. Họ có ý thức nhưng họ không đủ nguồn lực tài chính để có thể làm chủ những không gian đó. Cho nên phải tăng cường cơ chế, hỗ trợ về mặt không gian.

thanh pho sang tao cai nhin tu ha noi hinh 4

Bộ Lọ Đĩa Chạm Khắc Lá Sen của nghệ nhân Đỗ Văn Cường - Ảnh: Đình Trung

Thêm nữa, các đơn vị cần hỗ trợ kinh phí, nguồn lực cho các hoạt động. Để thiết kế sáng tạo họ phải cần có những chính sách ưu đãi đặc thù về thuế và những ưu đãi khác. Hiện nay các hợp tác công tư trong các lĩnh vực như Giao thông, Giáo dục, Y tế rất rõ ràng, nhưng trong lĩnh vực Văn hóa lại chưa rõ. Hoặc là những ưu đãi trở lại cho lĩnh vực văn hóa. Lĩnh vực văn hóa có 9 chuyên đề nhưng các ưu đãi lại chủ yếu về Di sản. Chưa tính đến là ngành công nghiệp văn hóa cũng cần phải có ưu đãi về sự phát triển. Ở trên thế giới, người ta làm rất rõ những cơ chế chính sách này, nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa rõ ràng. Nếu như Hà Nội đi đầu trong chuyện này thì điều đó sẽ tạo động lực cho thay đổi về mặt chính sách.

Ngoài ra, cần nhiều hơn các diễn đàn mà ở đó các chủ thể là thành tố trong thành phố sáng tạo có sự chia sẻ cùng nhau, tìm giải pháp để tạo hướng phát triển. Khi những người nghệ sĩ ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thấy họ được tôn trọng, được đối thoại, được tiếp cận nhiều hơn những quy định của nhà nước, thì họ sẽ có sự thấu hiểu hơn, cùng nhau chia sẻ hơn.

+ Xin cảm ơn bà!

 Hữu Kế (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Hải Phòng nhất trí lựa chọn biểu tượng thành phố

Hải Phòng nhất trí lựa chọn biểu tượng thành phố

(CLO) Ngày 16/5, thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí cao đối với các Đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 và lựa chọn biểu tượng NTM 787 bản gốc là biểu tượng thành phố.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Liên hoan tiếng hát cựu thanh niên xung phong Hà Nội

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Liên hoan tiếng hát cựu thanh niên xung phong Hà Nội

(CLO) Tối 15/5, tại không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội tổ chức "Liên hoan Tiếng hát cựu thanh niên xung phong Hà Nội" năm 2024.

Đời sống văn hóa
Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Trong quá trình sinh sống, cộng đồng người S’tiêng ở Bình Phước đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.

Đời sống văn hóa
Thừa Thiên Huế: Triển lãm “Hương Sen' lan tỏa những giá trị về lòng từ bi và nhân ái

Thừa Thiên Huế: Triển lãm “Hương Sen" lan tỏa những giá trị về lòng từ bi và nhân ái

(CLO) Chiều ngày 15/5, giữa mùa sen nở, mùa Phật đản lại về trên mảnh đất Cố đô Huế. Phật giáo Huế long trọng tổ chức Triển lãm “Hương Sen", đây là điểm nhấn để mở đầu cho tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Kiệt tác ballet 'Hồ thiên nga' trở lại với diện mạo mới

Kiệt tác ballet 'Hồ thiên nga' trở lại với diện mạo mới

(CLO) Việc đưa kiệt tác ballet “Hồ thiên nga” trở lại nhằm đáp ứng niềm mong mỏi được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả tại Việt Nam.

Đời sống văn hóa