Thấy gì qua việc Ai Cập rút khỏi hiệp định ngũ cốc toàn cầu?

Chủ nhật, 12/03/2023 16:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, gần đây đã thông báo rằng họ sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại đa quốc gia về ngũ cốc (GTC) vào cuối tháng 6 tới đây. Một động thái gây sốc và ngạc nhiên lớn, nhưng vẫn nói lên được nhiều điều.

Cú "quay xe" của Ai Cập

GTC, hiệp định quốc tế duy nhất về buôn bán ngũ cốc của Liên hợp quốc vốn được tạo ra nhằm thúc đẩy tính minh bạch của thị trường và tăng cường hợp tác thương mại. Ai Cập đã ký GTC ngay từ khi hiệp định này ra đời vào năm 1995. Nước này cũng là thành viên của hội đồng điều hành GTC từ năm 1949.

thay gi qua viec ai cap rut khoi hiep dinh ngu coc toan cau hinh 1

Một bé gái Ai Cập tham gia thu hoạch lúa mì tại làng Bamha, tỉnh Giza, phía nam Cairo. Ảnh: AFP

Thế nhưng, vào tháng 2 vừa qua, Ai Cập đã đệ trình yêu cầu rút khỏi hiệp định này, bắt đầu từ ngày 30/6 năm nay. “Điều này xảy ra mà không có thông tin trước. Một số phái đoàn trong IGC rất ngạc nhiên và buồn về quyết định của Ai Cập”, Arnaud Petit, giám đốc điều hành của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), cho biết.

Ông Petit nói thêm, một số thành viên sẽ yêu cầu Ai Cập xem xét lại quyết định của mình. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Cung ứng và Bộ Thương mại nước này kết luận rằng tư cách thành viên của Ai Cập trong hội đồng “không mang lại giá trị gia tăng”.

Các bên ký kết GTC khác bao gồm các nhà nhập khẩu và xuất khẩu ngũ cốc lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu. Hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, yêu cầu giấu tên, nói với Reuters rằng Ai Cập nợ phí thành viên IGC. Nhưng Bộ ngoại giao Ai Cập đã không đưa ra câu trả lời khi được hỏi về vấn đề lệ phí.

Hiện chưa rõ động thái Ai Cập “quay xe” sẽ xảy ra tác động như thế nào đến thị trường ngũ cốc thế giới. Nhưng dưới góc độ địa chính trị thì việc Ai Cập rời khỏi GTC trong bối cảnh giá ngũ cốc tăng vọt là minh họa mới nhất về hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine đối với tình trạng lương thực toàn cầu.

Quyết định chẳng đặng đừng

Theo Nader Nour El-Din, cựu cố vấn của Bộ trưởng Bộ Cung ứng Ai Cập và chuyên gia về trao đổi lương thực và ngũ cốc quốc tế, hiệp định GTC khi hoạt động hiệu quả sẽ tác động lớn đến thị trường toàn cầu, trong đó có việc bảo vệ các nước đang phát triển khỏi tình trạng giá cả tăng cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và giá lương thực tăng vọt, nó lại đã tác động tiêu cực đến các quốc gia phải nhập khẩu nhiều lương thực như Ai Cập. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, Ai Cập đã phàn nàn về giá cả bất công trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu ngô thứ tư thế giới, nói rằng họ không tìm thấy lý do biện minh nào cho việc giá lúa mì tăng từ 250 USD lên 520 USD/tấn trong năm qua, theo ông Nour El-Din cho biết.

Cụ thể, Ai Cập luôn kêu gọi các thành viên hiệp ước đóng vai trò hiệu quả trong vấn đề này, không lợi dụng khủng hoảng, kiểm soát giá cả và giúp đỡ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các nước đang phát triển như các quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này đã không được chú ý. Trong bối cảnh đó, những ràng buộc từ hiệp định GTC vô tình trở thành rào cản lớn đối với những nước gặp khó khăn về lương thực như Ai Câp. Nour El-Din cho biết, ngay cả khi giá lúa mì thấp, các nước nhập khẩu không được phép nhập khẩu số lượng lớn vượt quá ba lô hàng.

Do đó, theo ông Nour El-Din, thì việc Ai Cập trở thành thành viên của hiệp định GTC là vô nghĩa.

Hệ lụy từ cuộc chiến cách hơn 2000 km

Ai Cập nhập khẩu phần lớn nhu cầu lương thực của mình. Đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào lúa mì để làm bánh mì, một loại lương thực chính trong chế độ ăn uống của người Ai Cập. Theo các quan chức chính phủ, người Ai Cập tiêu thụ gần 100 tỷ ổ bánh mì mỗi năm, được làm từ khoảng 18 triệu tấn lúa mì.

Trước khi bắt đầu cuộc xung đột ở châu Âu, 80% lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập đến từ Nga và Ukraine. Nhưng chiến sự tại Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động mua lúa mì của Ai Cập.

Mặc dù ngũ cốc từ Ukraine bắt đầu được vận chuyển trở lại qua Biển Đen sau khi Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho một thỏa thuận vào tháng 7, thì xuất khẩu vẫn thấp hơn trước.

thay gi qua viec ai cap rut khoi hiep dinh ngu coc toan cau hinh 2

Người dân thủ đô Cairo (Ai Cập) mua bánh mì trên phố. Ảnh: Reuters

Với thỏa thuận ngũ cốc sắp hết hạn vào tháng tới và cuộc xung đột đang diễn ra làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp ở Ukraine, một viễn cảnh bất an vẫn lơ lửng về dòng ngũ cốc từ khu vực này.

Đối với Ai Cập, việc duy trì trợ cấp bánh mì là vấn đề an ninh quốc gia. Các chính trị gia Ai Cập thường viện dẫn khả năng xảy ra “bạo loạn bánh mì” để giải thích tại sao việc cung cấp bánh mì giá rẻ là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.

Họ thường nhắc lại năm 1977, dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ đã tìm cách tăng giá fino, một loại bánh cuộn trắng mềm, lúc đó được trợ cấp, dẫn đến hai ngày bạo loạn trong đó ít nhất 77 người thiệt mạng và 214 người bị thương.

Trở lại với vấn đề ngũ cốc hiện tại, chính phủ Ai Cập thời gian qua đã nỗ lực đàm phán với nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, để cố gắng đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia cụ thể trong việc nhập khẩu lúa mì.

Bên cạnh đó, giá lúa mì leo thang cũng gây áp lực mạnh lên nguồn dự trữ ngoại hối của Ai Cập. Cần biết rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu hậu đại dịch và ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine đang tác động vô cùng tiêu cực tới Ai Cập. Dòng vốn đầu tư nước ngoài, với hơn 20 tỷ USD, đã chảy khỏi quốc gia này. Giá thực phẩm và hàng hóa cơ bản, chủ yếu là hàng nhập khẩu, đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đồng tiền Ai Cập bị phá giá vào đầu năm nay.

Vì thế, việc rút lui khỏi GTC, nghĩa là tự cởi bỏ các rào cản của một hiệp định, cũng là con đường để Ai Cập tự “cứu mình”.

Abdel Ghaffar al-Salamoni, phó giám đốc bộ phận ngũ cốc tại Liên đoàn Công nghiệp Ai Cập, nói: “Chúng tôi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế. Ai Cập muốn giao dịch trực tiếp với các đối tác thương mại ngũ cốc lớn, chẳng hạn như Nga và Ấn Độ”.

Al-Salamoni nói thêm rằng Ai Cập muốn thanh toán tiền nhập khẩu ngũ cốc của Nga bằng đồng rúp và đổi phân bón lấy các lô hàng ngũ cốc của Ấn Độ. “Ai Cập đang đưa ra quyết định này vào đúng thời điểm... Chúng tôi sẽ nhập khẩu ngũ cốc từ các nhà cung cấp mà không phụ thuộc vào đồng USD”, ông đi đến kết luận.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế