Thế giới 2019: Nỗi buồn đọng lại!

Thứ sáu, 03/01/2020 12:01 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những thảm họa chấn động, những xung đột chính trị, thương mại không lối thoát… tất cả đã khiến bức tranh toàn cầu của năm 2019 đậm một màu xám buồn.

Thảm kịch ở Essex và nỗi nhức nhối về một vấn nạn toàn cầu

Vụ việc 39 người nhập cư trái phép bị chết trong xe tải đông lạnh được phát hiện ở Essex (Anh) ngày 23/10 đã là một trong những sự kiện làm chấn động dư luận thế giới nhất trong năm 2019. #39essex đã là hashtag được sử dụng nhiều nhất và cũng gây nỗi ám ảnh nhiều nhất, bàng hoàng nhất trên mạng xã hội. Liên tục nhiều ngày sau đó, thảm kịch tại Essex vẫn được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông, không chỉ bởi nỗi đau thương quá lớn đã xảy đến, mà còn khiến cả thế giới phải giật mình nhìn lại để nhận ra rằng buôn người và di cư bất hợp pháp vẫn đang là vấn nạn nghiêm trọng và ngày càng diễn biến khó lường. Điều đáng quan ngại nhất là đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra một giải pháp đủ mạnh để giải quyết vấn nạn này, cho dù trên thực tế những năm qua, rất nhiều quốc gia đã đưa ra biện pháp khá quyết liệt. Theo số liệu của UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ trong vòng khoảng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.940 người đến Italy từ Bắc Phi, trong đó gần 350 người đã chết trên đường đi. Tỷ lệ tử vong của những người vượt biên lên tới hơn 15%. Trước đó, theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (IOM), kể từ khi cuộc khủng hoảng di dân bùng nổ năm 2014, hơn 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển (hơn 17.000 người), hoặc chết đau đớn trong thùng xe tải tương tự như sự vụ tại Essex ngày 23/10. Cảnh sát Pháp từng khẳng định 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người. Ảo vọng bất chấp về miền đất hứa, lại được tiếp tay bởi những mánh lới bất hợp pháp của những băng đảng đưa người đi di cư - những kẻ buôn người không hơn đã dẫn tới thảm kịch.

Tổng thống Trump đi thị sát mẫu tường biên giới ngăn Mỹ-Mexico.

Tổng thống Trump đi thị sát mẫu tường biên giới ngăn Mỹ-Mexico.

“Nếu chúng ta không sớm can thiệp, sẽ có một biển máu”, Carlotta Sami, - phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đau đớn cảnh báo. Nhưng can thiệp như thế nào cho hiệu quả lại là điều thế giới sẽ phải chung tay để tìm ra giải pháp, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thương chiến Mỹ - Trung: Quẩn quanh “ăn miếng trả miếng”

Từ sự “châm ngòi” của Mỹ đầu năm 2018, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến hồi cao trào vào tháng 7/2018 và cho tới những tháng cuối cùng của năm 2019, căng thẳng ấy không những không có dấu hiệu giảm nhiệt mà giờ đây đã leo thang lên thành cuộc chiến căng thẳng, bất phân thắng bại và gây tổn hại không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. “Đặc trưng” nhận diện rõ nét nhất về thương chiến có một không hai này là sự “ăn miếng trả miếng” liên tục, không khoan nhượng giữa hai phía. Đơn cử như việc ngày 2/4/2018, đáp trả việc Washington gia tăng thuế nhôm, thép, Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu từ 15% tới 25% đối với 128 loại hàng hóa từ Mỹ với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD; Ngày 15/6/2018, Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hóa đến từ Trung Quốc, thì phía Trung Quốc cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi từ ngày 6/7/2018 quyết định áp thuế 25% lên 545 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD; từ ngày 23/8/2018, 279 mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế 25%, phía Trung Quốc cũng có động thái tương tự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sau cuộc họp song phương tại Hội nghị Thượng định G20 tại Osaka on 29/6/ 2019. Ảnh: Brendan Smialowski | AFP | Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sau cuộc họp song phương tại Hội nghị Thượng định G20 tại Osaka on 29/6/ 2019. Ảnh: Brendan Smialowski | AFP | Getty Images

Liên tiếp các cuộc hội đàm, các vòng đàm phán được tổ chức hồi đầu năm 2019 đã khiến không ít người hy vọng về cái gọi là thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái đột ngột của việc đương kim chủ nhân Nhà Trắng ngày 10/5: nâng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức 25% từ con số 10% trước đó từ ngày 10/5 đã khiến Bắc Kinh ngay sau đó, ngày 1/6, không ngại ngần đáp trả thuế quan với 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Washington, đồng nghĩa với việc đổ toàn bộ nỗ lực đàm phán trước đó “xuống sông xuống bể”, thương chiến Mỹ - Trung những tháng cuối cùng của năm 2019 lại trở về “vạch xuất phát” của những căng thẳng ban đầu. Những hệ lụy tiêu cực từ cuộc thương chiến theo đó mà dày thêm, trong đó đáng kể nhất, như nhận định của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde việc áp thuế lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ có thể khiến mức tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8% và GDP thế giới mất khoảng 455 tỷ USD vào năm 2020. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ khiến xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại phát triển, có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Như vậy, nếu thương chiến Mỹ - Trung còn kéo dài, thì chẳng cứ là “hai kẻ trong cuộc” mà tất cả các nước đều là kẻ thua cuộc và chịu thương tổn.

Năm 2019 là năm tại nhiệm thứ 3 trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump - vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng. Năm 2019 cũng là năm giới quan sát đều đồng nhất một nhận định đây tiếp tục là năm điều hành đầy những ồn ã của ông. Vẫn với “style sa thải nhân sự bất thình lình” như hai năm trước đó, tháng 9/2019, ông chủ Nhà Trắng lại khiến dư luận “ngã ngửa” khi đột ngột quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton với lý do “bất đồng sâu sắc với nhiều lời khuyên” của ông này, dù cách đó chỉ hơn một năm, cũng chính ông Trump là người một mực quyết bổ nhiệm Bolton bất chấp những tranh cãi. Từ quyết định sa thải John Bolton, Đài MSNBC tính ra tỉ lệ thay thế nhân sự cấp cao gần gũi quanh ông Trump trong 1.000 ngày qua lên tới 80%, cũng là tỷ lệ thay thế cao nhất của một chính quyền trong lịch sử hiện đại Mỹ. Lịch sử Nhà Trắng cũng ghi nhận chưa có một tổng thống nào công bố thay đổi nhân sự tới người dân chỉ qua hơn 100 chữ viết trên mạng xã hội Twitter như ông Trump.

Nước Mỹ và câu chuyện Tổng thống bị luận tội

donaldtrumpwhistleblower

Vẫn với “style phát ngôn sốc không cần biết”, năm 2019 tiếp tục là năm người đứng đầu Nhà Trắng khiến báo giới và dư luận sửng sốt bởi những phát ngôn kiểu: “Tôi có một số kế hoạch có thể xóa sổ Afghanistan khỏi bề mặt Trái Đất trong 10 ngày” hay “Afghanistan không thể biến thành một lò luyện khủng bố”… Dư luận cho rằng hồi tháng 7/2019, trong khi đoàn ngoại giao cao cấp của Mỹ đến Thượng Hải để nối lại vòng đàm phán thương mại giữa hai nước thì việc Tổng thống Trump có những phát ngôn gây sốc trên Twitter với nội dung đả kích Chính phủ Bắc Kinh đã khiến tất cả các cuộc đàm phán bị đình trệ, dẫn tới tình hình ngày càng bế tắc trong thương chiến Mỹ - Trung.

Năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn gây chú ý với việc xây dựng bức tường biên giới mà theo ông là “không thể xuyên thủng” “không thể vượt qua” tại biên giới Mỹ - Mexico cùng kế hoạch nhập cư mới mà theo ông là nhằm tạo ra “một hệ thống nhập cư công bằng, hiện đại và hợp pháp cho nước Mỹ”… Tuy nhiên, “dấu ấn” lớn nhất mà người đứng đầu Nhà Trắng tạo dựng được trong năm qua lại chính là việc ông bị điều tra luận tội xoay quanh việc liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực tổng thống gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống năm 2020 - và con trai là Hunter Biden, hòng tạo lợi thế trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm tới. Dù ông Trump với tính cách của mình vẫn cho rằng cuộc chiến là “cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ” và việc luận tội ông sẽ là “một lợi thế” cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông nhưng theo nhiều nhà quan sát, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 4 của Mỹ chịu luận tội cũng chẳng có ích gì cho nước Mỹ. Một khảo sát hồi đầu tháng 11 của tờ Washington Post và ABC News cho biết người dân Mỹ chia rẽ sâu sắc trong việc luận tội Tổng thống Donald Trump khi 49% người dân Mỹ được hỏi cho rằng Tổng thống đáng bị luận tội và phế truất trong khi đó số người phản đối điều này là 47%.

Nếu không có gì thay đổi, cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2020. Như vậy, sẽ chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ tới thời điểm cử tri Mỹ quyết định có trao cho Tổng thống Donald Trump thêm một nhiệm kỳ thứ hai hay không. Với những ồn ã trải dài suốt gần cả nhiệm kỳ, chẳng có ai có thể dám chắc chắn điều gì về tương lai chính trị của ông Donald Trump.

Sau hai năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngày 4/11/2019, Washington thông báo khởi động quá trình rút khỏi Hiệp định Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất. Theo đó, Mỹ sẽ hoàn tất quá trình rút khỏi Hiệp định Paris trước ngày 4/11/2020. Như vậy, Mỹ- nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới về lịch sử, sẽ trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài Hiệp định. Động thái này của nước Mỹ được xem là một toan tính thực dụng nữa của Tổng thống Donald Trump bởi ông cho rằng việc tham gia Hiệp định lợi ít hại nhiều cho nước Mỹ. Các nhà quan sát nhận định, sự rút lui của Mỹ khiến cho toàn bộ thế giới lúng túng, khi giải pháp bảo vệ Trái Đất không có sự hậu thuẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa: “Nỗi đau của nhân loại”

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa.

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa.

18h50 ngày 15/4/2019 (23h50 giờ Hà Nội), cả thế giới như chìm trong cú sốc lớn khi Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng vẻ đẹp và lịch sử của thủ đô ánh sáng, một trong những di sản kiến trúc hàng đầu châu Âu, báu vật của nhân loại mà nói như Jean Clauder Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, “thuộc về toàn thể nhân loại. Nó đã truyền cảm hứng cho các văn sĩ, họa sĩ, triết gia và du khách trên toàn thế giới” - chìm trong biển lửa. Phần tháp nhọn và phần lớn mái vòm nhà thờ đã đổ sập trước sự bàng hoàng của hàng triệu triệu con người. “Thảm họa”, “Nhà thờ rơi nước mắt”, “Trái tim cháy thành tro bụi”, “Thảm kịch nhà thờ”, “Lịch sử đã hóa ra tro”, “Hoang tàn” là những dòng tít trên trang nhất các báo lớn của Pháp xuất bản ngày 16/4 - một ngày sau khi xảy ra thảm họa. “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là nỗi đau của “tất cả những người Công giáo và người dân Pháp”, nhưng sự thật là cả thế giới đang chung một nỗi đau khi chứng kiến tòa nhà hơn 800 năm tuổi chìm trong biển lửa” - nữ ký giả Frida Ghitis - cựu phóng viên thế giới của CNN, cảm thán. Cũng trong những ngày tháng 4 đó, trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố di sản này sẽ không bị mất, những tài năng tốt nhất trên thế giới sẽ được huy động để tái tạo lại Nhà thờ Đức Bà trước đây, rằng: “Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà tốt đẹp hơn và tôi muốn việc này sẽ được hoàn tất trong vòng 5 năm, chúng ta có thể làm được điều này”. Tất nhiên, ai cũng hiểu đó chỉ là những lời an ủi bởi ai cũng rõ cho dù việc tôn tạo có hoàn hảo đến đâu thì việc bảo tồn tại nguyên vẹn di sản là điều không thể. Chỉ có một điều an ủi duy nhất, từ nỗi đau này, nói như nữ ký giả Frida Ghitis, “Trong lúc nhân loại bị chia rẽ bởi chính trị, tôn giáo và các giáo phái, bằng cách nào đó, đám cháy từ một nhà thờ Cơ đốc giáo ở Pháp đã xóa nhòa mọi sự thù địch và trong một khoảnh khắc, kéo mọi người lại gần nhau để tiếc thương cho một nỗi mất mát quá lớn”.

Năm 2019, Hong Kong đã đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi được chuyển giao cho Bắc Kinh vào năm 1997. Cuộc khủng hoảng leo thang vào giữa tháng 6 vì một dự luật dẫn độ tội phạm hiện đã bị hủy bỏ. Dự luật này cho phép đưa người về Trung Quốc đại lục để xét xử. Nhà đầu tư lo ngại kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái sau khi chứng kiến nhiều hoạt động bị tê liệt vì các cuộc biểu tình kéo dài và leo thang.

Tiến trình Brexit của nước Anh: Mãi chưa tới hồi kết

Thủ tướng Anh Boris Johnson thất bại trong việc hiện thực hóa thời hạn 31/10 cho tiến trình Brexit của nước Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thất bại trong việc hiện thực hóa thời hạn 31/10 cho tiến trình Brexit của nước Anh.

Sau hơn ba năm, tiến trình nước Anh ra khỏi EU (Brexit) mãi không tới hồi kết. Rất nhiều giờ G đã được đặt ra, hàng trăm cuộc đàm phán, trao đổi đã được tổ chức, nhưng tất cả, nói như một tờ báo, rốt cuộc cũng đã “lạc trôi” cùng tiến trình Brexit ngày càng vô định của nước Anh. Tháng 7/2019, ngay sau khi nhậm chức, Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố sẽ cùng các bộ trưởng nỗ lực đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào đúng 31/10.  Nhưng rốt cuộc, tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố. Ngày 28/10/2019, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, tức đến ngày 31/1/2020. Quyết định này của EU được xem là phương án gia hạn “linh hoạt”, theo đó ấn định thời hạn được trì hoãn đến 31/1 năm tới, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng Vương quốc Anh có thể “ra đi” vào ngày 30/11 hoặc 31/12 trong trường hợp thỏa thuận được quốc hội nước này phê chuẩn. Trong mọi đường hướng đang dần bế tắc, Thủ tướng Johnson đã liên tục yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 12/12 tuy nhiên Quốc hội Anh đã bác đề xuất. Nước Anh đang rơi vào tình trạng vô định hơn bao giờ hết khi “đi thì không được ở cũng không xong”, còn EU thì thực sự rối miếng bởi mớ bòng bong mà nước Anh, 3 năm rưỡi trước đã tạo ra khi một mực đòi “dứt áo ra đi”. Đến giờ này, không ai có thể nói chắc là tiến trình Brexit bao giờ kết thúc.

Vùng Vịnh lại “nóng”

Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ đi qua Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ đi qua Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Các vụ tấn công vào hai cơ sở sản xuất dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia: Khurais và Abqaiq của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ngày 14/9, trước đó vụ Iran tấn công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6/2019 đã khiến tình hình vùng Vịnh một lần nữa lại “nóng” lên. Nước Mỹ được đà lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó phê chuẩn kế hoạch triển khai binh sĩ, đồng thời tăng cường năng lực phòng không tới Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm thể hiện cam kết của Washington với an ninh của các đồng minh, bảo đảm dòng chảy tự do của nguồn nhiên liệu tại khu vực Vịnh Persian. Các cáo buộc nhắm vào Iran khiến nước này tức giận. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cảnh báo các căn cứ và tàu sân bay của Mỹ ở khu vực đều nằm trong tầm ngắm của các tên lửa Iran. Israel cũng tuyên bố sẽ vào cuộc. Như vậy, dù ai là thủ phạm thì sự vụ này cũng đã khiến vùng Vịnh, vốn đã luôn tiềm ẩn bất ổn, lại một lần nữa rơi vào căng thẳng.

Một trong những điểm xám buồn đáng kể nữa trên bức tranh toàn cảnh thế giới 2019 là cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Syria. Theo Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Ursula Mueller, xung đột, chiến tranh triền miên trong 8 năm qua tại Syria đã khiến 12 triệu người ở Syria sống phụ thuộc cứu trợ nhân đạo và cứ 10 người ở nước này có khoảng 8 người đang phải sống dưới mức tối thiểu. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), hơn 250.000 dân thường đã tháo chạy khỏi các khu vực do người Kurd kiểm soát trước nguy cơ bạo lực bùng phá. Nhiều người dân ở các trại tị nạn trong vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát có thể chết vì đói và bệnh tật. Theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí cần thiết cho công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria dao động từ 300 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ.

Hà Trang

Tin khác

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo