Thế giới 2021 một năm nhìn lại: Hàn lại những vết đau và niềm tin vào sự tử tế

Thứ bảy, 01/01/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Xin được bắt đầu về năm 2021 bằng sự kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào những ngày tháng 8.

Đó có thể là một cuộc rút quân hỗn loạn và lịch sử sẽ phán xét quyết định này, nhưng nó là hình ảnh cô đọng và nổi bật của một năm mà thế giới đang cố hàn lại những vết thương với niềm tin vào điều tốt đẹp ở phía trước.

Câu chuyện chấm dứt chiến tranh và nỗ lực hàn gắn của Joe Biden

Không hẳn những quốc gia đã và đang hứng chịu các cuộc xung đột mới hiểu rõ nỗi đau và tổn thất của “những cuộc chiến bất tận”, nước Mỹ tự hào là cường quốc số 1 thế giới là thế mà suốt 20 năm qua người dân của họ cũng phải đổ lệ không biết bao nhiêu lần. Con số 7.100 quân nhân thiệt mạng kể từ khi Chính phủ nước này tiến hành chiến dịch chống khủng bố, sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York, khiến gần 3 nghìn người chết đã nói lên tất cả.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 1

Binh sĩ Anh và Mỹ phối hợp để sơ tán người Afghanistan tại sân bay Kabul - Ảnh: Getty Images

Quyết định đưa quân vào Afghanistan để truy quét tổ chức khủng bố IS và lật đổ chính quyền Taliban có thể tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, nhưng nó đã khởi đầu cho những đau thương sau này của cả người dân Mỹ, người dân các nước đồng minh của Mỹ và lớn nhất là người dân Afghanistan. Bất cứ ai nhìn lại con số thống kê của 20 năm cuộc chiến chống khủng bố mà nước Mỹ khởi xướng đều không thể cầm lòng.

Reuters dẫn dữ liệu từ dự án Chi phí Chiến tranh tại Viện Watson của Đại học Brown nói rằng, nước Mỹ đã chi gần 6 nghìn tỷ USD cho các cuộc xung đột này, trong đó bao gồm 2,26 ngàn tỷ USD ở Afghanistan. Đổi lại, cuộc chiến đã giết chết 171.000 đến 174.000 người ở Afghanistan; 47.245 thường dân Afghanistan, 66.000 đến 69.000 quân đội và cảnh sát Afghanistan và ít nhất 51.000 chiến binh đối lập. Tính đến năm 2021, 2,6 triệu người Afghanistan phải đi tị nạn hoặc chạy trốn, trong khi hơn 4 triệu người khác mất nhà cửa phải sống trong nghèo đói.

Từ năm 2009, ông Biden khi ấy còn là Phó Tổng thống Mỹ đã phản đối quyết định tăng cường lực lượng tạm thời ở Afghanistan của Tổng thống Obama, dường như ông đã nhìn thấy cái giá phải trả là rất lớn nếu sa lầy vào “mồ chôn của những đế chế”. Vì thế, sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã cụ thể hóa quyết định rút quân được người tiền nhiệm Donald Trump đàm phán với Taliban một năm trước đó.

Cuộc không vận hỗn loạn có thể khiến Biden bị chỉ trích, nhưng những người dân Mỹ chân chính hẳn sẽ đồng tình với sự quyết đoán của Tổng thống, bởi người Mỹ không thể mãi sắm vai “cảnh sát của thế giới” để can thiệp vào mọi cuộc xung đột. Chính người Mỹ phải đau khổ với những cuộc chiến bất tận, khi họ cảm thấy bị bòn rút cả về con người và tiền bạc. Điều quan trọng là sự can thiệp của quân đội Mỹ rốt cuộc không mang lại kết quả mong muốn, đơn cử như Afghanistan, Taliban đã trở lại nắm quyền, đưa nước này về trạng thái của 20 năm trước.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 2

Một binh sĩ Mỹ bế em bé Afghanistan trong đợt không vận hỗn loạn tại sân bay Kabul - Ảnh: AFP/Getty

Nhìn qua lăng kính của sự hàn gắn các chia rẽ và xung đột, 2021 chứng kiến một năm sôi động của chính trường Mỹ, nhưng nó không đi theo phong cách sốc và giật gân của Donald Trump, mà thay vào đó là sự mạnh mẽ, gấp gáp của nỗ lực chữa trị những “vết thương” chia rẽ quốc gia dân tộc, với cương quyết từ bỏ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” được “đóng đinh” dưới thời người tiền nhiệm.

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden ký hàng loạt sắc lệnh, rất nhiều trong đó đảo ngược chính sách của ông Trump, như đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, quay lại Tổ chức Y tế thế giới, bên cạnh việc điều chỉnh các vấn đề nổi cộm ở trong nước, từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, môi trường cho đến nhập cư và kinh tế.

Những chuyến đi con thoi của các quan chức hàng đầu chính quyền tới khắp các điểm nóng trên thế giới như những sứ giả, giúp Mỹ hâm nóng mối quan hệ nguội lạnh giữa hai bờ Đại Tây Dương, mang lại cái nhìn tích cực hơn về họ trong các vấn đề mà quốc tế quan tâm. Nước Mỹ không còn “bốc đồng” và ngẫu hứng theo những cái nhấp chuột của ông Trump trên mạng xã hội, mà can dự thường xuyên hơn vào các sự kiện lớn, ở vị thế dẫn dắt của siêu cường số 1 - điều ông Trump gần như chối bỏ trước đó.

Thông điệp muốn “Nước Mỹ đã trở lại” của Biden được thể hiện bằng hành động cụ thể khi Mỹ liên tiếp đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp dai dẳng, mang lại cơ hội hợp tác vì một tương lai có thể dự đoán được.

Nhờ Biden, cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm giữa hai tập đoàn máy bay Boeing và Airbus kết thúc, mở ra kỷ nguyên hợp tác mới cho hai bờ Đại Tây Dương. Nhờ Biden, Washington và Brussels đạt được thỏa thuận về thuế của Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu vốn được đưa ra dưới thời ông Trump.

Vẫn là ông Biden tạo điều kiện để Mỹ và Nga tổ chức hàng loạt cuộc đàm phán kín về an ninh mạng. Rồi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 sự khởi đầu cho hàng loạt cuộc tiếp xúc “phá băng” quan hệ.

Ngay cả với Trung Quốc, quốc gia họ coi là đối trọng số 1, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đã bớt giọng điệu hiếu chiến và thù địch hơn. Những bất đồng giữa hai siêu cường vẫn còn rất lớn và tiếp tục trải dài trên nhiều khía cạnh từ thương mại, công nghệ, COVID-19, đến nhân quyền hay vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Biển Đông, nhưng gay gắt đã giảm.

Cuộc hội đàm thượng đỉnh ảo kéo dài 3 tiếng rưỡi giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 15/11 diễn ra căng thẳng song thẳng thắn, trực diện và cả hai đều nhất trí thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức cũng như những bất đồng, vạch ra ranh giới để tránh dẫn tới xung đột.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự lễ tưởng niệm các binh sỹ Mỹ tử trận ở Afghanistan - Ảnh: AP

Sự thỏa hiệp thậm chí hợp tác về nhiều vấn đề với Trung Quốc như chống biến đổi khí hậu, năng lượng cho thấy cả một thay đổi của Mỹ so với một năm trước đó. Thay đổi này tất nhiên không chỉ Trung Quốc sẵn sàng chào đón, mà các nước nằm trong tầm ảnh hưởng của họ cũng hy vọng và hưởng lợi do không còn bị sức ép “chọn bên”.

Trong quan hệ quốc tế, người ta thấy rõ tinh thần sẵn sàng hợp tác của Mỹ. Chính sách ngoại giao đa phương có tính đến lợi ích của các đồng minh của Mỹ đã mang lại nhiều cơ hội hơn để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nó khác hẳn với cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc của ông Trump, dựa trên lợi ích quốc gia và không can thiệp vào các quá trình chung của thế giới. Việc Biden lựa chọn đưa nước Mỹ trở lại theo cách tích cực nhất có thể đã góp phần làm thế giới bình tâm trở lại, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Vì một thế giới hòa bình và niềm tin vào sự tử tế

Năm 2021, thế giới vẫn tràn ngập tiếng súng bởi xung đột và bất ổn ở nhiều nơi. Đáng kể nhất là cuộc chiến 11 ngày (từ ngày 10-21/5) giữa Israel và Phong trào Hamas ở Dải Gaza. Cuộc giao tranh ác liệt nhất từ năm 2014 đã khiến gần 300 người thiệt mạng từ hai phía và hàng nghìn công trình bị phá hủy hoặc hư hại. Ước tính thiệt hại của Gaza vào khoảng 350 triệu USD.

Tại châu Phi, xung đột giữa các cộng đồng và khủng bố ở vùng Sahel (Bắc Phi) trở nên nghiêm trọng, bên cạnh các yếu tố gây bất ổn như mất an ninh lương thực, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phải tổ chức thảo luận về hoạt động của lực lượng chống khủng bố chung giữa 5 nước khu vực Sahel.

Cuộc nội chiến ở Yemen khiến hơn 10 nghìn chết cho đến nay sắp bước sang năm thứ 8. Các cuộc đụng độ giữa quân đội của Tổng thống Mansur Hadi có sự hỗ trợ của Saudi Arabia và liên quân với phiến quân Houthi không có dấu hiệu hạ nhiệt, đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, khi 13 triệu người phải sống bằng trợ cấp nhân đạo, 3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và hàng chục người chết đói mỗi ngày.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 4

Một tòa nhà tại Gaza bị Israel không kích trong cuộc chiến 11 ngày

Hamas phóng khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, làm 12 người thiệt mạng và một số công trình hư hỏng. Trong khi đó, các đợt ném bom và pháo kích của Israel vào Gaza khiến 250 người Palestine chết, trong đó có 67 trẻ em; phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà, 17.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng; tàn phá hơn 500 xí nghiệp với hơn 50 nhà máy.

“Chảo lửa” Syria vẫn sôi sục với hàng tấn bom đạn dội xuống vùng chiến sự mỗi ngày. Các nhóm phiến quân với sự hậu thuẫn của nhiều lực lượng bên ngoài chia nhau chiếm đóng ở nhiều khu vực miền Bắc chống lại quân đội chính phủ, đẩy Syria vào sâu vòng xoáy xung đột. Sự can thiệp ngày càng sâu của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trở nên phức tạp, biến giấc mơ hòa bình và tái thiết đất nước của người dân Syria trở nên xa vời.

Ở những khu vực khác, căng thẳng biên giới thỉnh thoảng lại bùng lên giữa Armenia và Azerbaijan tại lãnh thổ tranh chấp Nargono-Karrabakh; xung đột sắc tộc tại Bosnia & Herzegovina đang manh nha đẩy khu vực Balkans tới miệng hố chiến tranh; miền Đông Ukraine tiếp tục trở thành điểm nóng với những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn và các động thái quân sự của Nga tại khu vực biên giới bên cạnh sự ủng hộ Ukraine từ NATO và Mỹ đẩy sự thù địch giữa Ukraine và Nga lên cao; cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus vào đầu tháng 11 làm châu Âu vốn đang căng thẳng bởi đại dịch trở nên bấn loạn.

Trong khi đó, Đông Á đang đứng trước một cuộc chạy đua vũ trang khi Triều Tiên, Hàn Quốc liên tục thử tên lửa và vũ khí chiến lược. Một Trung Quốc đang trỗi dậy tiếp tục khiến thế giới phải dè chừng khi liên tiếp có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học quân sự, với việc tàu thăm dò Thiên Vấn-1 hạ cánh thành công xuống bề mặt Sao Hỏa và thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh. Còn chính phủ mới của Nhật Bản đã thông qua ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục, với hơn 430 tỷ yên sẽ đầu tư cho các dự án quân sự.

Tại Đông Nam Á, cuộc đảo chính của quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2/2021 đã chấm dứt quá trình 10 năm chuyển đổi sang xã hội dân sự tại nước này. Tính đến tháng 10/2021, cuộc đảo chính dẫn đến đụng độ kéo dài giữa người biểu tình và quân đội đã khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị bắt và hàng triệu người phải sơ tán hoặc trốn chạy. Liên hợp quốc cảnh báo Myanmar đang đối diện “một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, với 3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. ASEAN đứng trước áp lực và thách thức về vai trò của Hiệp hội sau sự kiện này.

Trong bối cảnh u ám của những cuộc xung đột và bất ổn diễn ra triền miên tại nhiều khu vực và áp lực từ đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, thế giới vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Ở đó, vai trò của những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… cho thấy trách nhiệm và nỗ lực giải cứu thế giới không phải của riêng ai.

Tháng 2/2021, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết chấm dứt can dự vào cuộc chiến tại Yemen và gây áp lực với Saudi Arabia và các đồng minh rút quân khỏi nước này. Sau đó, Mỹ, EU và cộng đồng Ả Rập vào cuộc quyết liệt giúp ngăn chặn cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và Palestine, đồng thời cam kết hàng trăm triệu USD hỗ trợ tái thiết dải Gaza; xung đột Armenia và Arzerbaijan cũng nhanh chóng hạ nhiệt với sự can thiệp của Nga và EU.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 5

Làn sóng COVID-19 thứ hai khiến hàng trăm nghìn người Ấn Ðộ thiệt mạng - Ảnh: Reuters

Song, nổi bật nhất phải kể đến nỗ lực của Mỹ, Trung Quốc, EU và các quốc gia giàu có khác trong việc tài trợ vắc-xin cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo số liệu do UNICEF công bố, Mỹ là nhà tài trợ vắc-xin lớn nhất thế giới cho đến tháng 9/2021, với 120 triệu liều vắc-xin thông qua chương trình COVAX của Liên hợp quốc. Chưa dừng lại, bên lề kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9, Tổng thống Biden cam kết sẽ tài trợ 500 triệu liều vắc-xin và hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng, nâng tổng số vắc-xin nước này tặng lên hơn 1,1 tỷ liều.

Cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm triệu liều vắc-xin cho hơn 80 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, các nước thuộc nhóm G7, G20 cũng cam kết tài trợ hàng tỷ liều vắc-xin, cấp phép sản xuất vắc-xin, xóa nợ và hỗ trợ tái thiết nền kinh tế hậu COVID. Một bầu không khí thúc đẩy hợp tác, gác lại bất đồng, bỏ qua xung đột đang là nền tảng trong các hội nghị quốc tế.

Năm 2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus không ít lần đăng đàn kêu gọi chấm dứt bất bình đẳng vắc-xin và cho rằng những nỗ lực trên của các nước giàu có là không đủ khi mà đa số người dân ở các nước nghèo, thu nhập thấp tại châu Á, châu Phi và nhiều khu vực khác vẫn chưa được tiêm và tiêm đầy đủ vắc-xin. Song, nhận thức và sự hào phóng của các quốc gia giàu có, các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trong thời qua thắp lên niềm tin vào sự tử tế mà người ta có thể hy vọng, để chấm dứt đại dịch.

the gioi 2021 mot nam nhin lai han lai nhung vet dau va niem tin vao su tu te hinh 6

Mỹ là một trong những nhà tài trợ vắc-xin lớn nhất của thế giới với hàng triệu liều gửi qua chương trình COVAX của Liên hợp quốc - Ảnh: UNICEF Viet Nam

Một năm trước, bàn Kiên quyết trong phòng Bầu dục ở Nhà Trắng chứng kiến sự ra đời của hàng loạt sắc lệnh trừng phạt cùng những lời dọa nạt. Một năm sau, vẫn tại căn phòng này, những chữ ký của Tổng thống Mỹ đa số không phải trừng phạt, mà là thông điệp của hòa giải, hợp tác và hàn gắn thế giới!

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 do Báo NB&CL bình chọn

1/ Mỹ rút quân khỏi Afghanistan kết thúc 20 năm của cuộc chiến chống khủng bố.

2/ Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm, kết thúc 16 năm cầm quyền.

3/ Cuộc chiến 11 ngày (10-21/5) giữa Israel và Palestine, khiến gần 300 người thiệt mạng. Ðây là cuộc chiến nghiêm trọng nhất giữa hai bên từ năm 2014.

4/ Sau một năm bị hoãn vì COVID, Nhật Bản đã tổ chức thành công Olympic Tokyo 2020 (từ 23/7-8/8) trong bối cảnh dịch bệnh.

5/ Ngày 15/5, tàu thăm dò Thiên Vấn - 1 và robot thám hiểm tự hành đầu tiên của Trung Quốc - Chúc Dung, đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Sao Hỏa, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai đặt chân lên hành tinh đỏ sau Mỹ.

6/ Trung Quốc thiếu điện trầm trọng và châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng chưa từng có.

7/ Ngày 8/7, Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát, tạo ra cơn địa chấn với quốc gia vùng Caribe nghèo đói, vốn trượt dài trong khủng hoảng sau cuộc động đất khiến 200.000 người thiệt mạng năm 2010.

8/ Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Pandora gây rúng động thế giới khi hàng chục nguyên thủ, người nổi tiếng sở hữu những tài sản bí mật ở các thiên đường thuế.

9/ Mỹ, Anh và Úc thành lập hiệp ước quốc phòng Aukus, tạo điều kiện để Úc sở hữu các tàu ngầm hạt nhân, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp với Mỹ và Úc.

10/ Cuộc đảo chính tại Myanmar ngày 1/2 của quân đội đã kết thúc quá trình 10 năm chuyển đổi sang xã hội dân sự ở nước này.

Hoài Đức

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế