Thế giới chào đón 2023, bỏ lại sau lưng một năm giông bão

Thứ hai, 02/01/2023 20:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều người phàn nàn, năm 2022 quả là một năm đầy giông bão, nổi bật là cuộc xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc,… kéo theo nhiều ảnh hưởng đến thế giới, cụ thể nhất là kinh tế toàn cầu.

Kinh tế năm 2022 ảm đạm khép màn, tuy nhiên, lại mở ra một năm 2023 với hy vọng kinh tế toàn cầu khởi sắc, lạm phát tại nhiều quốc gia “hạ nhiệt” đáng kể, giá xăng dầu ổn định, cục diện các cường quốc trên thế giới không nhiều “chuyển động”. Dẫu biết đó chỉ là ước mơ, nhiều người cũng muốn biến nó thành sự thật.

Vào tháng cuối cùng của năm 2022, Trung Quốc bất ngờ nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, đây có thể là tin nửa mừng nửa lo của nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục vào đêm giao thừa.

the gioi chao don 2023 bo lai sau lung mot nam giong bao hinh 1

Ảnh minh hoạ: Internet.

Trong năm tới, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, đủ để hồi phục sau các cú hích lớn toàn cầu từ đại dịch Covid-19 chưa dần phai, lại đến xung đột Nga - Ukraine...

Cuộc chiến nhiều hệ lụy

Năm 2022, nổi cộm là những chủ đề gây "ám ảnh" với nhiều quốc gia như lạm phát leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng vọt, nguy cơ suy thoái kinh tế và mối đe dọa mất an ninh lương thực đã phơi bày tất cả những sự phức tạp và thách thức mà các khuôn khổ và thể chế quốc tế hiện tại khó có thể “ghìm cương”.

Thế giới đã biến đổi quá nhiều trong năm ngoái. Trật tự quốc tế phân cực rõ nét khi các nước phương Tây trở nên "đoàn kết" hơn, tạo thành "mặt trận" thống nhất nhằm cô lập nước Nga cả về chính trị lẫn kinh tế. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục không thay đổi trong năm 2023, khi hai bên đang dần thích nghi với cục diện thế giới mới.

Trong khi đó, hệ lụy từ cuộc chiến này đối với kinh tế toàn cầu lại quá rõ ràng. Đầu tiên phải kể đến giá năng lượng. Kể từ khi khủng hoảng Nga - Ukraine nổ ra, hàng loạt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đã áp lên các thực thể và chính “pháo đài” kinh tế của quốc gia này.

Lần áp trừng phạt gần đây nhất phải kể đến cơ chế áp trần giá dầu mỏ Nga (5/12), đồng thời là lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của G7, EU và các đồng minh.

Giá dầu mỏ, khí đốt đã “nhảy múa” do nguồn cung bị hạn chế, các lệnh trừng phạt, và các động thái của những quốc gia được cho là “cầm chuôi” thế cục.

Sau khi đu đỉnh vượt quá 120 USD/thùng, giá dầu đến nay đã giảm nhiệt và kết thúc năm 2022 với mức khoảng 80 USD/thùng, nhưng như giới chuyên gia dự báo thì “thế giới sẽ không còn quay lại thời kỳ giá dầu rẻ”.

Giá năng lượng “sụt giảm” đã kéo lùi nền kinh tế của nước Nga, trong khi Ukraine bị tàn phá với thiệt hại mà giới phân tích dự báo phải tiêu tốn hàng trăm tỉ USD cùng nhiều năm mới có thể khắc phục.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến giá dầu, chiến sự tại Ukraine còn thay đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu khi châu Âu tìm cách hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Qua đó, Mỹ từng bước trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho “lục địa già”

Ngoài ra, câu chuyện giá thực phẩm toàn cầu leo thang cũng là nỗi trăn trở khá lớn với nhiều quốc gia. Ước tính, khi bùng nổ chiến sự, Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Nga cùng với Ukraine đang chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nguồn ngũ cốc của hai quốc gia này có vai trò quan trọng với nhiều nơi, điển hình chiếm gần 70% trong lượng nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Được mệnh danh là “giỏ bánh mì của châu Âu”, Ukraine là nhà cung cấp lượng lớn lúa mì và bắp cho các nước trong khu vực này. Vì thế, chiến sự Ukraine khiến giá lúa mì và ngô tăng cao, dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền đối với thị trường thực phẩm.

Không những vậy, Ukraine và Nga còn là nhà cung cấp lớn trên thế giới trong lĩnh vực phân bón, và lúa mì, bắp cũng là nguyên liệu chính của nhiều loại thức ăn chăn nuôi. Cho nên, ngay cả tại những quốc gia không sử dụng lúa mì, bắp làm nguồn nông sản chính thì giá cả thực phẩm vẫn tăng do chi phí chăn nuôi, trồng trọt tăng lên.

Ngoài ra, trong năm 2022, chi phí vận chuyển cũng tăng do giá dầu tăng. Việc Nga tích cực bán năng lượng sang châu Á (khách hàng lớn: Trung Quốc, Ấn Độ) đã làm khan hiếm đội tàu với sức vận chuyển lớn. Hàn Quốc - quốc gia nổi tiếng về đóng tàu cũng cảm thấy quá tải, trong khi đó, Trung Quốc cũng thu được món “hời” nhờ biết nắm bắt thời cơ: từ bán lại năng lượng đã tinh chế đến đúc tàu vận chuyển.

Tất cả tạo nên một chuỗi hệ lụy cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia. Kết quả, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cơ bản, kéo theo việc ngân hàng trung ương hầu hết các nước đều áp dụng tương tự khiến kinh tế thêm khó khăn.

Kết thúc trật tự hậu Xô viết

Theo nhà phân tích Timur Fomenko, trong năm 2022, "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga là một bước ngoặt quyết định khi phá bỏ sự kết nối cuối cùng với trật tự thế giới hậu Xô viết.

Chứng kiến sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc và Nga, Mỹ bắt đầu quay lại với cạnh tranh nước lớn, đồng thời có những nỗ lực nhằm xác lập kiểm soát đối với các đồng minh có xu hướng xa rời mình.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cách tiếp cận không khoan nhượng trong việc mở rộng khối quân sự NATO, đồng thời triển khai nhiều biện pháp đề kiềm chế Trung Quốc thông qua việc xây dựng các hệ thống liên minh mới như AUKUS.

Vừa rồi, Mỹ đã gây áp lực để Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua năng lượng của Nga và chuyển sang mua khí đốt của Mỹ với giá cao hơn. Tương tự, Mỹ cũng có động thái để cô lập Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Trong khi đó, dù chịu áp lực, phía châu Âu vẫn chọn con đường “trung lập”, vì so với việc phải lựa chọn nghiêng về Mỹ hay Trung Quốc, đứng giữa ngã ba đường sẽ là lựa chọn an toàn nhất.

Thế giới ngày nay ngày càng giống với thế giới trước năm 1914 hoặc trước năm 1939, khi không chỉ có 2 đại cường quốc đối địch mà có rất nhiều nước cùng tranh giành ảnh hưởng. Khi Mỹ cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, còn có các nước đang nổi lên khác như Ấn Độ và Indonesia.

Hưởng lợi từ nghịch cảnh

Trong khi nhiều nền kinh tế chịu cảnh lạm phát ngất ngưởng, vỡ nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ tan rã, nhiều quốc gia đã được hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine.

Nhiều người dân Nga đã tìm đến Gruzia như một nơi trú ẩn an toàn. Từ đó, dòng tiền đổ vào quá lớn đã tác động đến nền kinh tế Gruzia vốn đang phục hồi sau đại dịch. Đồng nội tệ của nước này tính đến thời điểm hiện nay đã tăng 15% so với đồng USD.

Trong báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Gruzia lên 10% trong năm nay, tăng 3 lần so mức dự báo 3% hồi tháng 4.

Tương tự, IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là 5% trong năm nay, trong khi đó Armenia là 11%. Lý do cho sự bùng nổ này, theo IMF, là nhờ "dòng tiền lớn từ bên ngoài, vốn và lao động" đổ vào.

Trong đó, Gruzia được hưởng lợi nhờ dòng vốn ngoại tăng vọt trong năm nay, đặc biệt là từ Nga. Chỉ riêng trong tháng 10, Nga chiếm 3/5 (tương đương 59,6%) tổng vốn ngoại vào Gruzia. Tổng dòng vốn từ Nga vào Gruzia trong năm nay đã tăng 725% so với cùng kỳ hàng năm.

Ngoài ra, việc Trung Quốc liên tiếp phải hứng chịu các đợt bùng phát dịch do COVID-19, đã tạo động lực cho "gã khổng lồ" công nghệ Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch tích cực hơn để lắp ráp các sản phẩm mới của Apple ở một số nước châu Á khác, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với sự dẫn đầu của Foxconn.

Tình hình không ổn định tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxonn ở Trịnh Châu đã thúc đẩy sự thay đổi của Apple.

Theo nhiều nhà phân tích, Ấn Độ có thể sẽ là “ngôi sao sáng” trên nền trời kinh tế 2023.

Lê Na (Theo Bloomberg, Al Jazeera)

Bình Luận

Tin khác

Hải Phòng: Khởi công Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao trị giá 100 triệu USD

Hải Phòng: Khởi công Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao trị giá 100 triệu USD

(CLO) Ngày 11/5, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ Khởi công Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao ECOVANCE của Nhà đầu tư Ecovance Co.Ltd trị giá 100 triệu USD.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hà Nội: Người dân xếp hàng đi mua vàng, nhẫn tròn trơn 'cháy hàng'

Hà Nội: Người dân xếp hàng đi mua vàng, nhẫn tròn trơn "cháy hàng"

(CLO) Ngày 11/5, "cơn sốt" mua vàng tại Hà Nội vẫn chưa hề giảm. Người dân đổ xô đi mua vàng, hàng loạt thương hiệu vàng lớn “cháy hàng" nhẫn tròn trơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các công ty châu Âu tại Trung Quốc đang chịu áp lực chưa từng có

Các công ty châu Âu tại Trung Quốc đang chịu áp lực chưa từng có

(CLO) Theo một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc công bố hôm 10/5, các công ty châu Âu ở Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn cả trong việc kiếm tiền ở nước này khi tăng trưởng chậm lại và áp lực dư thừa công suất gia tăng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Cần xem game là một ngành đào tạo, có cơ sở giảng dạy chuyên sâu

Cần xem game là một ngành đào tạo, có cơ sở giảng dạy chuyên sâu

(CLO) Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất trong khu vực để phát triển ngành game. Theo đó, cần xem game là một ngành đào tạo, có cơ sở giảng dạy chuyên sâu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng SJC bất ngờ giảm mạnh sau phiên lập đỉnh lịch sử

Giá vàng SJC bất ngờ giảm mạnh sau phiên lập đỉnh lịch sử

(CLO) Sau cơn tăng điên loạn của giá vàng với mức đỉnh liên tục được xác lập, sáng nay (11/5), giá vàng SJC đã bất ngờ giảm mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp