Thi cử và tuyển sinh - vòng luẩn quẩn và lúng túng của giáo dục nước nhà!

Thứ năm, 19/07/2018 09:47 AM - 0 Trả lời

(CLO) Bi kịch từ vụ việc làm sai lệch điểm thi tốt nghiệp được phát hiện tại tỉnh vùng cao Hà Giang lên tới trên 300 bài thi của trên 100 thí sinh mà theo như báo chí phản ánh thì hầu hết là con em của nhiều vị chức sắc của tỉnh Hà Giang... đã làm bùng nổ sự giận dữ trong nhân dân cả nước về một góc khuất của nền giáo dục nước nhà. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải kiểm tra, phúc tra trên phạm vi cả nước; thậm chí cả năm trước đó để tìm ra các sai phạm tương tự trong thi cử và tuyển sinh…

Sự phẫn nộ trong cộng đồng là có thể hiểu được vì lâu nay, một thực tế là việc chạy trường, chạy điểm, chạy lớp diễn ra hồn nhiên từ những đô thị sầm uất cho tới các vùng quê ở hầu khắp cả nước. Đã có rất nhiều bài báo, nhiều ý kiến trên các diễn đàn khác nhau… nhưng vẫn như rơi tõm vào hư vô mà chưa tìm được giải pháp để giải quyết tận gốc. Kết thúc kỳ thi, nhiều em học thật thì khóc vì không đủ điểm tuyển sinh; trong khi nhiều em học giả thì chễm chệ ngồi vào giảng đường các trường danh giá…

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một thực trạng mà ai cũng nhận thấy là nền giáo dục nước nhà nhiều năm nay, dường như lúng túng và luẩn quẩn trong việc tìm ra chiến lược và sách lược dài hạn cho sự nghiệp giáo dục. Từ việc cải cách giáo dục; thay đổi sách giáo khoa; thay đổi chương trình; ghép các môn học; và đáng nói nhất là thay đổi cách thức thi cử, tuyển sinh trong vòng 20 năm trở lại đây đã đem lại nhiều biến động với các thế hệ học sinh hết cấp học. Đã có nhiều ý kiến cho rằng “đừng đem các em ra làm chuột bạch nữa” nhưng hình như những kiến nghị như thế chưa được lắng nghe đầy đủ để có cách giải quyết triệt để.

Từ thi riêng đến thi 2 chung rồi 3 chung… rồi việc đăng ký nguyện vọng, xét tuyển mỗi năm một khác; lúc thì chặt, lúc thì mở quá… đã khiến cho thí sinh và gia đình cứ tít mù, vòng quanh… Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành giáo dục với mong muốn tìm ra một chiến lược, một cách thức thi cử và tuyển sinh phù hợp với cả nước… Nhưng cũng không thể thống kê hết được những bất cập trong mỗi lần ngành giáo dục thay đổi cách thức thi cử và tuyển sinh đã tác động to lớn và sâu sắc thế nào tới các thế hệ học sinh… 

Vì vậy, điều cần làm hiện nay, là ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận thẳng vào những bất cập, những hạn chế, khuyết điểm trong chiến lược giáo dục của mình; nhất là với công tác thi cử và tuyển sinh để có giải pháp mang tính đột phá và ổn định là điều cần thiết .Khi mà các trường đại học, cao đẳng… căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, chọn sinh viên vào học; trong khi kỳ thi lại do các tỉnh, thành thực hiện… thì việc tiêu cực làm sai lệch điểm lên đến cả 8-9 điểm /bài thi là điều đã xảy ra, mà Hà Giang là tỉnh điển hình.

Báo Công luận
Ngành giáo dục, đào tạo nước nhà cần nhìn thẳng vào sự thật,  đánh giá đúng sự thật để phá đi cái vòng luẩn quẩn, lúng túng trong sự học, sự thi và tuyển sinh. Ảnh minh họa- Nguồn: Internet
Từ thực tế ấy, một vấn đề đặt ra là giáo dục phổ thông thì có nhất thiết phải thi tốt nghiệp không? hay là chỉ cần cấp chứng nhận cho các em đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Vì suốt 12 năm học, có năm nào, học kỳ nào mà không thi đâu! Mà sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, cơ bản là 100% các em đều đỗ tốt nghiệp ở các trường; có chăng chỉ có số ít các em không đỗ vì những lý do khác nhau… Do vậy, nên chăng chỉ cần phân cấp, giao thẩm quyền cho Sở Giáo dục, Đào tạo và các trường THPT công nhận các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trên cơ sở kết quả học tập các năm học đã có trong hồ sơ học tập.

Đi cùng với đó, việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng… cần phải được giao cho các nhà trường chủ động thực hiện trên cơ sở kết hợp xét tuyển theo hồ sơ và thi tuyển, sát hạch đầu vào. Không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia một cách tốn kém như thời gian qua mà vẫn không đảm bảo sự minh bạch, khách quan theo đúng nghĩa của thi cử.

Đã đến lúc phải xóa bỏ tư duy bao cấp trong giáo dục, nhà nước lo hết mọi thứ mà không phân cấp, phân quyền cho các nhà trường, các cơ sở giáo dục… để chuyển sang tư duy thị trường trong giáo dục. Trong cơ chế thị trường, hội nhập của thời kỳ công nghiệp 4.0, cần phải coi mỗi một học sinh, lên lớp, ra trường, tốt nghiệp, đi làm… là một sản phẩm của giáo dục. Một học sinh có ý thức học tập từ tiểu học cho đến khi học xong một trường chuyên nghiệp, trưởng thành, đi làm và làm tốt công việc được đào tạo thì sản phẩm đó là chính phẩm; ngược lại, một học sinh lên lớp, thi cử, đi học chuyên nghiệp, đi làm bằng con đường gian dối, quan hệ, do được làm sai lệch kết quả thi cử như ở Hà Giang… thì khi được tuyển vào một trường chuyên nghiệp nào đó sẽ vẫn tiếp tục như vậy… khi ra đời sẽ làm tổn hại sự phát triển của đất nước…thì sản phẩm đó là phế phẩm. Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra mô hình hội đồng tự quản học sinh gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban tham gia hội đồng. Có thể thấy là với các em còn chưa trưởng thành, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo còn mạnh dạn giao cho các em thẩm quyền lớn; thay vì lớp trưởng là vai trò chủ tịch?! Thế mà tại sao không mạnh dạn giao quyền cho Hiệu trưởng các trường THPT trong việc công nhận tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức một kỳ thi tốn kém mà lại đang có rất nhiều ý kiến góp ý thay đổi hiện nay! 

Phải chăng, ngành giáo dục không muốn các cơ sở giáo dục trưởng thành trong quản lý và có trách nhiệm cao hơn trong việc đào tạo sản phẩm giáo dục của mình? Trong thời kỳ hội nhập, nhìn ra bên ngoài các nước sự tự chủ trong giáo dục đã đem đến những thương hiệu, địa chỉ giáo dục, đào tạo đẳng cấp thế giới với danh tiếng của các trường tại Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Nhật, Singapore… Nhiều nước không cần có kỳ thi tuyển sinh quốc gia mà vẫn tuyển sinh và đào tạo được những sinh viên hàng đầu mà có thể được nhận việc ở bất cứ quốc gia nào … 

Mong rằng ngành giáo dục, đào tạo nước nhà cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để phá đi cái vòng luẩn quẩn, lúng túng trong sự học, sự thi và tuyển sinh… Âu cũng là góp phần chống các tiêu cực đang mọc lên như nấm sau mưa … và không chừng sẽ tạo thành hiệu ứng đô mi nô sau sự đổ vỡ tại Hà Giang đang làm cả xã hội tuy có thể không ngạc nhiên nhưng với những con số được công bố cũng làm cho số đông sững sờ, đau xót và cay đắng!

Mong lắm thay sự DŨNG CẢM và THAY ĐỔI !

Bắc Việt

Tin khác

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục