(CLO) Để Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 sớm hình thành, đi vào hoạt động, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định pháp luật; triển khai thi công bảo đảm an toàn, bảo đảm các vấn đề về môi trường, hoàn thành với chất lượng công trình tốt nhất và đúng tiến độ.
Chiều 30/8, trong chương trình công tác tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (KCN) tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây là công trình khởi công chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ làm chủ đầu tư, có quy mô khá lớn, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, với diện tích 1.070 ha.
Cùng dự lễ khởi công có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và chủ đầu tư đã cùng chung tay, chung sức, nghiêm túc, nỗ lực hợp tác, tích cực triển khai với quyết tâm cao để có thể khởi công KCN Sơn Mỹ 1 trên một địa bàn phù hợp và với ý tưởng phát triển tốt.
Đánh giá Bình Thuận là vùng đất "biển xanh, cát trắng, nắng vàng", với tiềm năng lớn, được thiên nhiên ưu đãi về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng rất quan trọng, cần tận dụng tối đa để phát triển nền công nghiệp xanh, công nghiệp sạch.
"Do đó, KCN này, ngoài hình hài một số nhà máy điện khí mà nhà đầu tư đã đề cập, phải thu hút được các nhà đầu tư sản xuất các trang thiết bị phục vụ phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư có mặt tại lễ khởi công đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi cho các khoản vay để sản xuất điện có giá thành phù hợp với thu nhập của người Việt Nam và điều kiện nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ đàm phán với các đối tác về vấn đề này, góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Để KCN Sơn Mỹ 1 sớm hình thành, đi vào hoạt động, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật; triển khai thi công bảo đảm an toàn, bảo đảm các vấn đề về môi trường, hoàn thành với chất lượng công trình tốt nhất và đúng tiến độ. Ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa sự quan tâm và hỗ trợ tích cực cho Bình Thuận, hướng dẫn và hỗ trợ một cách thiết thực, tháo gỡ nhanh các khó khăn, ách tắc để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho Dự án KCN Sơn Mỹ 1 triển khai thuận lợi.
Tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cũng như các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư và triển khai dự án trong thời gian sớm nhất. Làm tốt công tác đầu tư, kết nối hạ tầng về điện, nước, viễn thông… cho KCN; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động.
Các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ đầu tư quan tâm thực hiện tốt việc phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, chăm lo an sinh xã hội; thực hiện công tác đền bù giải toả, phải bảo đảm đời sống cho người dân bị di dời tới nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Cũng theo Thủ tướng, đây là khởi đầu rất quan trọng, mong muốn và tin tưởng lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư đầu tư sẽ vào cuộc quyết liệt, làm việc nghiêm túc, nói thật, làm thật trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đưa KCN này sớm hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất.
(CLO) Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy, đổ, thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố là “cứu” tối đa các cây, với dự kiến có khoảng 3 nghìn cây có thể “cứu”, trong đó có 100 cây quý hiếm.
(CLO) Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã rút lệnh báo động 3 trên tuyến đê tả sông Hồng và rút lệnh báo động 2 trên tuyến đê tả sông Luộc kể từ 8 giờ ngày 13/9/2024.
(CLO) Ngày 13/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn công tác của Trung ương đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Bắc Giang và thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở xã Vũ Xá, huyện Lục Nam.