Thực thi EVFTA - “cú hích” để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá!

Thứ năm, 20/02/2020 09:52 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ tạo ra cú “hích” lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác, thị trường khu vực trên thế giới, đồng thời kỳ vọng sẽ có những đột phá trong thời kỳ mới.

Kỳ vọng vào “sân chơi” mới

Theo Bộ Công Thương, thực thi EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tạo được bứt phá khi thâm nhập sâu vào thị trường EU, qua đó sẽ thúc đẩy và cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Như hiện tại, đối với nhiều ngành thủy, hải sản Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực với các biện pháp chống phá giá ở một số quốc gia. Ngay cả khi doanh nghiệp đã chủ động minh bạch thông tin, tránh những nghi ngờ từ phía nước bạn, nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, ngành tôm kỳ vọng vào những dấu hiệu tích cực khi Hiệp định EVFTA được thông qua và có hiệu lực. Khi mức thuế từ 12% đến 20% được giảm xuống 0%, chắc chắn con tôm Việt Nam sẽ được “rộng đường” xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

Hàng hóa Việt Nam sẽ sớm có mặt tại thị trường EU.

Hàng hóa Việt Nam sẽ sớm có mặt tại thị trường EU.

Theo các chuyên gia, không chỉ thủy hải sản mà còn các mặt hàng khác như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản… cũng sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu. Có thể nói, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường khó tính, nhưng đầy tiềm năng này. Một trong những vấn đề đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thích ứng được với các tiêu chuẩn của EU về: chất lượng, an toàn, vệ sinh, môi trường… Nhất là hiện nay, thị trường EU có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần “vượt” qua nhiều quy định khác để có thể khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các yêu cầu khắt khe trong hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở thị trường EU sẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi lại cách quản lý, thay đổi lại hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng… nếu muốn đưa hàng hóa và dịch vụ vào thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải biết rõ các hàng rào kỹ thuật này đối với từng hàng hóa, từng thị trường, từng nước, đồng thời liên tục cập nhật những tiêu chí mới cho từng mặt hàng ở EU.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng một khi các mặt hàng xuất khẩu đã vào được thị trường EU thì có thể bán được khắp thế giới. Điều này cũng sẽ phản ánh được độ lớn, trưởng thành không chỉ dành cho hàng hóa mà còn là cả nền kinh tế Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023; từ 4,57% đến 5,30% vào giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2028 và từ 7,07% đến 7,72% tại giai đoạn từ năm 2029 đến năm 2033. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuần Anh cho rằng, cùng với cơ hội thì việc thực thi các FTA thế hệ mới sẽ đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế như: sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại... Để tận dụng tốt cơ hội, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước về các cơ chế, chính sách, mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường mới này. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng là một giải pháp quan trọng mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.

evfta

Vượt thách thức, khai thác cơ hội

Việc thực thi Hiệp định EVFTA đã đặt ra không ít thách thức, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với các sức ép cạnh tranh không chỉ tại thị trường EU mà còn ngay ở trên “sân nhà”. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khá lạc quan, cho rằng hoàn toàn có thể giữ vững được thị phần và thị trường nội địa. Như đối với ngành dịch vụ viễn thông, ông Vũ Thế Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể “nhảy” vào sân chơi viễn thông ở Việt Nam. Còn với thị trường cung cấp dịch vụ Internet thì các nhà cung cấp hiện cũng đã tăng lưu lượng đường truyền cho người sử dụng. Khả năng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet. Không chỉ vậy, ở một số ngành mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp cũng hoàn toàn tin tưởng vào việc nắm giữ được “sân nhà”.

Mặt khác, để tiếp cận thị trường EU, nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng chưa thể nắm bắt rõ thông tin về thị trường, những tiêu chuẩn, quy định của EU. Doanh nghiệp cũng chưa có được nguồn cung cấp thông tin hệ thống, chính xác, cùng những hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp cận thị trường. Hiện tại doanh nghiệp sử dụng Cổng thông tin công cụ hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU nhận thấy chưa hiệu quả. Các thông tin nhận được chưa cập nhật đầy đủ về thuế nhập khẩu của từng nước, thuế nội địa, thuế đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật thương mại… cho từng dòng sản phẩm muốn xuất sang EU. Do đó còn gặp khó khăn trong việc định hướng, có những phương án đúng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, mặc dù EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng không giống nhau. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện thì nên có cách tiếp cận thị trường phù hợp. Việc nắm bắt thông tin khá quan trọng, bởi EU là một thị trường lớn nhưng khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hằng năm Bộ Công Thương đã có các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường châu Âu. Từ đó, xây dựng đề án xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thương vụ Việt Nam ở EU thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế… Đồng thời chú trọng đẩy mạnh hợp tác với thương vụ, đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước trong khối EU nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các bên…

EVFTA đã “thổi” luồng gió mới vào nền kinh tế Việt Nam, chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là các doanh nghiệp Việt. Để tận dụng được những lợi thế từ EVFTA, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các hoạt động nghiên cứu tại thị trường các nước EU. Mặc dù Nhà nước đã có những hỗ trợ, nhưng tự thân các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những phương án sát thực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu... Qua đó thì mới có thể đạt được kỳ vọng thấy nhiều mặt hàng Việt Nam có mặt ở thị trường EU, nâng cao vụ thế của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Gia Nguyên

Tin khác

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

(NB&CL) Đó là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà trong buổi trò chuyện với PV Báo Nhà báo & Công luận. Theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, trước những khó khăn, thách thức, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giữ vững và duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và hướng tới phục hồi, phát triển.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

(CLO) Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tiếp tục bám sát các mục tiêu kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

(CLO) Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov nói với các nhà báo hôm 27/4, các nhà sản xuất Nga sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi đã bị bắt giữ sau khi bị coi là nghi phạm chính thức trong cuộc điều tra tham nhũng khu đất trị giá hơn 7 triệu USD khi ông còn là người đứng đầu một công ty nông nghiệp lớn và là thành viên Quốc hội.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thị trường BĐS phía Tây “dậy sóng” với tòa căn hộ phong cách Singapore mới ra mắt

Thị trường BĐS phía Tây “dậy sóng” với tòa căn hộ phong cách Singapore mới ra mắt

(CLO) Gần 1.000 nhân viên nhân viên kinh doanh đến từ nhiều đại lý đã có mặt tại sự kiện kick-off tòa căn hộ phong cách Singapore TC3 - The Canopy Harmony thuộc đại đô thị Vinhomes Smart City, cho thấy sức nóng chưa bao giờ giảm nhiệt của thị trường bất động sản khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang “khát” nguồn cung.

Bất động sản