Tiếng quê - Mạch nguồn dào dạt của thơ và đời

Thứ hai, 21/06/2021 10:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mỗi tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh đều chứa đựng những dấu ấn riêng, một lối viết, một cách tiếp cận thơ riêng, để rồi hình thành nên phong cách Hồng Vinh. Ấy là sự giản dị, chân thành mà khơi gợi. Ấy tưởng chỉ là cái rất riêng, nhưng đọc kỹ lại là cái chung của nhân tình thế thái.

Nói đến Nguyễn Hồng Vinh (bút danh Hồng Vinh), bạn đọc biết ngay tới một nhà báo có uy tín của báo Đảng, một cây bút chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm; một cán bộ vững vàng trong công tác văn hóa - tư tưởng; một nhà quản lý sâu sát trong Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Và khoảng hơn 10 năm lại đây, những người yêu văn chương lại biết thêm một Hồng Vinh làm thơ.

10 năm bén duyên thơ ở cái tuổi không còn trẻ, Nguyễn Hồng Vinh cho ra đời tới 9 tập thơ, quả là một con số đáng nể.

Điều ngạc nhiên hơn, đi cùng với tốc độ sáng tác khá nhanh ấy, lại không phải là sự dễ dãi như một số người nghĩ. Mỗi tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh đều chứa đựng những dấu ấn riêng, một lối viết, một cách tiếp cận thơ riêng, để rồi hình thành nên phong cách Hồng Vinh. Ấy là sự giản dị, chân thành mà khơi gợi. Ấy tưởng chỉ là cái rất riêng, nhưng đọc kỹ lại là cái chung của nhân tình thế thái. Điều đó đã thể hiện rất rõ trong tập thơ mới nhất - tập thơ thứ 9 của Hồng Vinh mang tên: TIẾNG QUÊ.

Báo Công luận

Ai chẳng có một miền quê để nhớ, với mỗi chúng ta, quê hương là những gì lớn lao, sâu nặng. Hồng Vinh cũng vậy, mọi cung bậc tình cảm với quê hương được anh dồn tải lên trang viết với mạch nguồn dào dạt. Quê hương cần lao, quê hương thương khó, quê hương nguồn cội, quê hương đùm bọc chở che, quê hương dung dưỡng đắp bồi.

Từ “ổ rơm trải đất”, đến “Trang sách phả thơm nồng hương đất”, “Đất và cát trộn bao xương máu”... Quê hương là quê mình, quê bạn, nhưng miền quê trải suốt chiều dài đất nước, đã song hành cùng nhà thơ suốt năm tháng chiến tranh, hòa bình, dựng xây; và kết tụ, trở thành một phần máu thịt trong anh. Để rồi hôm nay, TIẾNG QUÊ rung động, vang ngân cùng mỗi tiếng lòng, tiếng thơ:

Mảnh vườn ơi, nơi chưng cất tứ thơ

Gói kỷ niệm ủ bao điều thầm kín

Chẳng ngôn từ nào chứa hết điều em muốn

Ơn lắm mảnh vườn đã nuôi dưỡng hồn thơ!...

(Mảnh vườn ký ức)

Và đâu chỉ dừng lại ở yêu, ở thương, ở nhớ. Sau mỗi trang thơ lấp lánh nghĩa tình ấy, là sự lo toan, trăn trở, nghĩ suy, về lương tâm, về thời cuộc, về trách nhiệm của người cầm bút:

Lợi hại gây ra không thể tính bằng tiền

Tế bào lương tâm thấm sâu độc tố...

(Cấp độ)

Giữa thời cơ chế thị trường

Thắc thỏm lo âu nước lũ

 Con đê niềm tin bị vỡ

Đất này còn có mùa xuân?

(Con đê niềm tin)

Vượt lên cái hiện thực của quê anh; quê bạn, là Đất nước sang trang mới sau Đại hội XIII của Đảng đang truyền “Khát vọng” dựng xây một Việt Nam hùng cường trên cơ sở “Lời tiền nhân” nhắn gửi: hãy bằng mọi cách nuôi dưỡng hòa bình để dựng xây Tổ quốc mạnh giàu; và điều ấy chỉ có thể dựa vào sức mạnh nhân dân (“Chữ Nhân Dân lần đầu được viết hoa trong Hiến pháp”, “Những con đường lòng Dân”…).

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Thuộc tính của người làm báo là tính năng động, cập nhật. Sau câu chữ của người làm báo là Đời. Sau câu chữ của người làm văn chương là Người! Người vừa làm báo, làm thơ luôn phải cảnh giác cao độ với sự “xâm lấn nguy hiểm” này, bởi nó dễ phá vỡ cấu trúc của cả hai. Thơ thì lẫn báo, báo lầm chỗ thơ, dẫn đến hiện tượng “dở giăng dở đèn”, gây mất cảm hứng với người đọc.

Trong TIẾNG QUÊ, có khá nhiều bài và nhiều lần Hồng Vinh viết về những chuyện thời sự, như lũ lụt miền Trung, biên giới, hải đảo; về nạn phá rừng; về môi trường, đặc biệt là về chống dịch Covid. Nhưng may thay, đã không gây sự lo lắng nêu trên, mà cái “xâm lấn” kia đã mềm mại đi, chuyển hóa thành những sợi chỉ màu giao thoa có sức gợi. Nhà thơ  mượn tâm bão, tâm dịch, mượn lõi sự kiện để nói về nhân tâm, nhân thế, nhân tình, nên thơ anh đã không bị thời sự “bê tông hóa”. Cái khéo là ở đó:

Đồng ải đã trắng phau

Đang đợi ngày xuống mạ

Bỗng đại dịch tràn về

Cánh đồng như ngừng thở!...

(Tiếng quê)

Bạn bè đông vui trong lễ thành hôn

Cô dâu lệ rơi tặng hoa thầy thuốc

Bản Tăng- gô giữa ngày chống dịch

Lại âm vang cùng nhịp sống trào tuôn!

(Hồi sinh đang tới)

Tôi vừa qua Tây Nguyên mùa mưa

Lòng quặn thắt, nhìn rừng lim bị phá...

Gốc cây cưa như máu nhỏ đến giờ!

(Lời rừng và biển)

Không chỉ dừng lại ở cảm thông, chia sẻ, cũng như rất nhiều nhà thơ khác, Hồng Vinh cũng  trăn trở, day dứt trước mỗi suy đồi, biến cải, khi mặt trái của cơ chế thị trường đang thao túng, làm băng hoại những giá trị nhân bản. Nhưng thơ anh không buồn, có thể là trăn trở, băn khoăn, nhưng không bi lụy, bế tắc. Bằng cách nhìn biện chứng, thơ vẫn tiếp bồi sức sống “Có một tình yêu vô hình/Theo ta suốt đời da diết”. Và thơ anh vẫn chuyên chở niềm tin, vẫn “Truyền đi thông điệp tâm hồn/ Thắp lên hy vọng ngày xuân”, gợi mở nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của người làm văn học, nghệ thuật:

Mọi thi pháp văn chương sẽ trở nên vô nghĩa

Nếu không bám rễ cuộc đời này

(Hồn thơ men rượu nồng say)

Và đây nữa:

Cây vườn cha ươm ngời ngời bóng mát

Đã thành cột thành kèo chắc bền mái nóc

Cháu chắt chật nhà - quả ngọt dâng CHA!...

(Đất quê hương)

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, nếu bạn tìm đến thơ như một sự trải lòng, kiếm tìm đồng điệu, thì với tập thơ TIẾNG QUÊ, bạn đang nhận được nhiều hơn thế. Bạn được truyền cảm hứng. Bạn được đón nhận năng lượng tích cực. Nó giúp bạn vững vàng hơn, tin yêu hơn vào cuộc sống vốn không chút dễ dàng gì, cuộc sống cùng bao thử thách cam go đang hằng ngày hằng giờ sát hạch chúng ta!

Trần Gia Thái- Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Tiếng quê

Thân tặng Nhà thơ Hà Cừ

Đồng ải đã trắng phau

Đang đợi ngày xuống mạ

Bỗng đại dịch ùa về

Cánh đồng như ngừng thở!

 

Thao thức đã bao đêm

Đơn côi trang giấy trắng

Bút cầm lên, lại rơi

Quê hương nuôi ta lớn...

 

Cây đa làng rợp bóng

Khói thuốc lào tỏa bay

Tốp thợ cày nheo mắt

Nhóm thợ cấy cười vang

 

Mùa gặt vui khắp làng

Trời cao diều vi vút

Đêm nghi ngút chè xanh

Chuyện nhà nông không tắt!

 

Anh rời làng ngày ấy

Mang theo cả hồn quê

Thành tiếng thơ đằm thắm

Nay mỏi mong trở về

 

Ơi xứ Đông trầm mặc

Thấm sâu lời tiền nhân

Nay mai trời tỏ rạng

Dang vòng tay đón Anh!

PV

Tin khác

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa
Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

( CLO) Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn then chốt, Trung ương Đảng quyết tâm giành toàn thắng, đã động viên quân dân toàn quốc cùng nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho các chiến sĩ, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho đồng đội trên tiền tuyến và phối hợp chiến đấu với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Tối ngày 27/4, chương trình bắn pháo hoa tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra khiến nhiều người dân hò reo, dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp của màn pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa