(CLO) Hoat động tài chính tiêu dùng được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; Giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy nhiên, để phát triển hoạt động này một cách minh bạch và bền vững thì không phải việc dễ dàng. Đứng trước cơ hội "vàng" Tại “Tọa đàm về phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Cụ thể, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam đã tăng phi mã từ 52,5% (năm 2005) lên đỉnh điểm 77,7% (năm 2009). Giai đoạn 2010-2016 nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm khiến chỉ số này cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,3% vào năm 2016. [caption id="attachment_172471" align="aligncenter" width="680"]
Hoạt động cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá là tiềm năng, song rủi ro nợ xấu tiềm ẩn không nhỏ. (Ảnh internet)[/caption] T.S Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục 20% - 30%/năm từ năm 2010, con số 1 triệu tỷ có thể sẽ còn sớm đạt được hơn dự báo. Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển "vàng" nhờ những điều kiện lý tưởng như nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số đang trong độ tuổi lao động chiếm 52%. Lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng. Hoạt động này được coi là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; Giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; Giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú. Theo báo cáo mới nhất vào tháng 6/2017 của Stoxplus, tín dụng tiêu dùng của Việt Nam (9,8%) vẫn còn thấp so với các nước khác như Malaysia (14%), Anh (16%), Mỹ (23%) nên dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Tăng trưởng phải song hành với phát triển bền vững Bên cạnh việc bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng và phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tăng trưởng phải song hành với phát triển bền vững. Đề xuất các giải pháp phát triển thị trường tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ. Các công ty tài chính cần nâng cao quy trình thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay, trả và các yếu tố khác của khách hàng để tránh những xung đột xã hội. Theo T.S Cấn Văn Lực, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước… không chỉ cần hoàn hiện hành lang pháp lý mà còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới. Về pháp lý, LS Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, cần có một hành lang pháp lý đối với công ty tài chính (CTTC). Hiện nay, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định riêng về điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC. Thông tư đã có những quy định đơn giản và hợp lý, phù hợp với thực tế, giúp CTTC dễ dàng cho vay, người vay có thể linh hoạt vay vốn.
"Thông tư 43 vừa bảo vệ tốt hơn quyền lợi khách hàng, vừa tạo môi trường phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức tín dụng", LS Đức nhận định. Ông Đức dẫn chứng, ở các nước trên thế giới, hoạt động cho vay tiêu dùng tương tự như ở Việt Nam như không có trần lãi suất và lãi suất cho vay cũng rất cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên họ quản lý dữ liệu về tiêu chuẩn, biện pháp, con số rất chuẩn như tuổi tác, sức khỏe, thu nhập, điều kiện kinh tế khách hàng nên rủi ro thấp hơn. Trong khi ở Việt Nam, mọi dữ liệu đều là con số ảo, không chuẩn nên áp dụng các biện pháp xử lý theo hướng rủi ro cao như lãi suất cao, tiêu chuẩn được vay cao hơn. Có thể thấy, với 95 triệu dân số có tỷ lệ trong độ tuổi lao động chiếm 52%, tuy nhiên tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ ở mức 9,8% là chưa tương xứng. Trong tương lai, cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, nhưng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Trên thực tế, thị trường đã chứng kiến không ít thất bại của CTTC, và kể cả ngân hàng trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, do không kiểm soát được rủi ro nợ xấu. Nói như nhiều chuyên gia: "Tiềm năng lớn, song rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính, tiêu dùng nhỏ, lẻ cũng không dễ kiểm soát".
Bảo Quyên