Toa thuốc nào để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường?

Thứ bảy, 27/04/2019 19:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian gần đây, bạo lực học đường xảy ra thường xuyên với tính chất ngày một nghiêm trọng, và đang trở thành vấn nạn chưa có lời giải. Câu hỏi không ít người đặt ra là: Các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường của ngành giáo dục có thực sự mang lại hiệu quả?

Cần sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh minh họa.

Cần sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh minh họa.

Còn nhớ, 20 năm trước, để liên lạc với cha mẹ học sinh nhà trường có sổ liên lạc. Chức năng của cuốn sổ bé bằng nửa tờ giấy A4 đó là mỗi cuối tuần, tổ trưởng và cán bộ lớp sẽ nhận xét về ý thức kỉ luật của mỗi bạn trong lớp, bằng cách viết nhận xét, sau đó giáo viên chủ nhiệm sẽ kí.

Mọi tình hình về điểm số trên lớp, các hoạt động tập thể và thái độ với các bạn trong lớp đều được ghi lại rõ ràng. Tuần nào phụ huynh cũng được yêu cầu kí và nộp lại vào thứ hai tuần tiếp theo.

Tôi còn nhớ năm lớp 6, bạn tổ trưởng khi ấy nhận xét tôi trong sổ: Còn trầm tính, chưa xung phong tham gia các hoạt động của trường. Cô giáo tôi cũng ghi ở phần nhận xét: Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và động viên cháu mạnh dạn hơn. Khi ấy lớp tôi sĩ số 36 nên giáo viên có thể đọc và nhận xét từng học sinh một cách tỉ mỉ.

Sau này không còn hình thức sổ liên lạc viết tay nữa mà đổi sang sổ liên lạc điện tử, thuận tiện và nhanh hơn. Mọi thay đổi về lịch học, thông báo lịch thi đều được thực hiện qua tin nhắn. Còn về tình hình kỉ luật của học sinh, chỉ khi nào đặc biệt nghiêm trọng mới bị gọi hoặc có tin gửi riêng.

Cùng là một hình thức nhằm tạo mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình nhưng có thể thấy, mối liên kết đó đã bị phai nhạt nhiều. Để rồi đến bây giờ khi mà cả mạng xã hội biết thì mới tới nhà trường và phụ huynh biết, như trong vụ việc bạo hành nữ sinh lớp 9 tại THCS Phù Ủng (Hưng Yên).

Một nhóm 5 học sinh nữ lớp 9 lột quần áo, liên tiếp đấm đá vào vùng mặt một nữ sinh cùng lớp tại trường khiến nữ sinh này phải nhập viện điều trị và có sang chấn tâm lí. Đây không còn là sự việc riêng của một nhóm học sinh nữa mà nó đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại của không ít nhà trường, phụ huynh, học sinh.

Thống kê từ Bộ Công an cho biết, mỗi năm Việt Nam phát hiện từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em. Thực trạng này đã đến mức báo động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần trong thời gian dài. 

Riêng cuối tháng 3, đầu tháng 4, hàng loạt các vụ bạo lực học sinh đã diễn ra tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh. Đối tượng chủ yếu là các em học sinh THCS và THPT. Bạo lực học đường xảy ra hàng năm nhưng tính chất nghiêm trọng lại ngày một cao ở một số vụ việc trong thời gian gần đây. Nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành giáo dục.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng đã gây bức xúc xã hội. 

Trong tọa đàm "Ngăn ngừa bao lực học đường" do báo Tiền Phong tổ chức, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu những lí do dẫn đến tình trạng trên: “Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kĩ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.

Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng còn thiếu, hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai.”

Xét theo góc nhìn pháp luật, đánh người là hành vi phạm pháp cố ý gây thương tích. Trong trường hợp trên nạn nhân còn bị xé quần áo, quay clip và chia sẻ trên mạng xã hội, hành vi đó có thể bị kết vào tội cố ý xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm.

Nhưng điều mà dư luận cũng như các bậc phụ huynh quan tâm lúc này không chỉ dừng lại ở việc giải quyết một sự việc mà làm thế nào để tình trạng bạo lực học đường phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Mọi quy trình đều cần có thời gian đề thực hiện và điều chỉnh, chứ không phải là những biện pháp “rầm rộ” trong một thời gian rồi lại rơi vào quên lãng, sau đó khi phát giác ra những sự việc mới và nghiêm trọng hơn, người ta mới buông một câu thở dài và tự hỏi: Trong suốt thời gian qua chúng ta đã làm được những gì? Mọi giải pháp có thực sự mang lại hiệu quả?

Sự việc học sinh đánh nhau cần nhận được trách nhiệm từ nhiều phía. Có thể kể đến là sự theo dõi từ phía phụ huynh. Sự tin tưởng tuyệt đối, gửi gắm con em mình cho nhà trường là một khoảng trống vô hình được tạo ra cho bố mẹ và các em. Các bậc phụ huynh cần để ý và quan tâm, đôi khi chỉ một câu hỏi đơn giản về mối quan hệ với bạn bè trên lớp cũng đủ để phát hiện và ngăn những vụ việc bạo hành đau lòng.

Trên thực tế, Việt Nam đang có cơ sở pháp lý đầy đủ, có hành lang bảo vệ nhưng phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ, vì thế mà về lâu về dài đã biến thành tật xấu chung của xã hội - đó là sự im lặng trước tội ác. Do vậy, muốn chống được vấn nạn này phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về pháp luật. Các nhà trường nên lồng ghép chương trình giáo dục trẻ em vào nội dung giảng dạy,…

Theo cô giáo Trịnh Thị Bích Vân, Giáo viên Toán trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: “Để xã hội tốt, mỗi gia đình cần là cái nôi tốt trước đã. Đừng bất cứ chuyện gì xảy ra với một đứa trẻ, cũng đổ hết trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường. Chúng ta, những bậc làm cha mẹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.  Chúng ta hãy dành cho con cái nhiều yêu thương, nhiều sẻ chia hơn.”

Đứng trên quan điểm là một phụ huynh, nhà báo Hoàng Anh Tú, Phóng viên báo Sinh viên Việt Nam cho rằng, cần dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các con, không chỉ là những vấn đề về kiến thức hay điểm số, mà đó còn là những lời khuyên về kĩ năng sống, và hướng dẫn các con nhỏ cách xử lý khi bị bắt nạt ở trường.

Về phía nhà trường, ban lãnh đạo và các thầy cô giáo cần phát huy vai trò của mình. Theo cô Nguyễn Thị Lệ Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Hào: “Giáo viên chủ nhiệm giữ vị trí then chốt trong việc giảm thiểu bạo lực học đường. Giáo viên cần phải nghiên cứu học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý và tình hình học tập của từng em, từ đó có giải pháp tác động phù hợp. Xây dựng tập thể đoàn kết, yêu thương nhau bằng cách cho học sinh thảo luận về một số chuyên đề như kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, kỹ năng ứng phó với stress. Qua đó, học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân và học hỏi được những điều cần thiết.”

Còn các em học sinh, cả người đánh và bị đánh, đều là nạn nhân. Điều các em cần bây giờ là sự quan tâm và giáo dục có định hướng từ nhà trường và gia đình. Những biện pháp xử phạt là cần thiết để răn đe song những giải pháp lâu dài để các em phát triển tốt toàn diện là điều cần thiết hơn cả.

Để các em có thể hiểu rằng vấn đề nên giải quyết bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực, và khi xảy ra bạo lực, các em phải lên tiếng và chống lại chứ không phải là vô cảm đứng nhìn.

Giáo dục đạo đức và kiến thức giờ đây phải được song hành với nhau, nếu một trong hai thứ bị xem nhẹ sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Nhà trường và gia đình phải là cầu nối để các em có những bước đi vững chắc trên hành trình trở thành công dân có ích.

Thanh Hằng

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục