Nhà báo Uông Huyền - Đài Tiếng nói Việt Nam:

Tôi luôn trăn trở tìm tòi cách truyền tải thông tin hấp dẫn tới thính giả

Thứ sáu, 25/06/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo Uông Huyền (tên thật là Uông Chu Huyền - Ban Thời sự (VOV1) Đài Tiếng nói Việt Nam) là cái tên ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm chất lượng, được vinh danh tại nhiều giải thưởng báo chí uy tín.

Báo Nhà báo & Công luận đã trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về những kỹ năng xử lý thông tin, tạo sự thu hút, hấp dẫn cho tác phẩm, từ đó đạt hiệu quả tuyên truyền cao, tạo sức lan tỏa nhất.

Một tác phẩm phát thanh thành công là khi nghe xong người ta nhớ được

+ Đồng nghiệp thường trầm trồ về cánh phóng viên nội chính, bởi họ được theo dõi một lĩnh vực rất quan trọng, thậm chí có thể gọi là “oách” so với các mảng đề tài khác. Thế nhưng đi kèm với vinh dự sẽ luôn là áp lực, thách thức không nhỏ. Huyền có thể chia sẻ đôi chút về công việc của mình?

Tôi được phân công theo dõi thông tin tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, cụ thể là mọi hoạt động của các cơ quan nội chính, gồm cả hoạt động tư pháp, lập pháp…

Không chỉ trực tiếp sản xuất tin bài, phóng sự mà còn đảm nhận nhiệm vụ dẫn chương trình trên sóng phát thanh trực tiếp các bản tin, sự kiện, vấn đề thời sự. Với hơn 10 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là từng ấy năm tôi theo dõi lĩnh vực này, thực hiện tuyên truyền những sự kiện lớn trọng đại của đất nước, duy trì thông tin về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Quốc hội.

Như năm 2020, 2021 diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của đất nước, đặc biệt là công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII và gần đây nhất là tuyên truyền về công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp… đều là những giai đoạn mà tôi cùng đồng nghiệp “căng mình” với nhiệm vụ để mang tin tức quan trọng đến với hàng triệu người dân qua làn sóng phát thanh.

Nhà báo Uông Huyền phỏng vấn đại biểu tại tòa nhà Quốc hội.

Nhà báo Uông Huyền phỏng vấn đại biểu tại tòa nhà Quốc hội.

Điều áp lực lớn chính là thông tin bao giờ cũng phải nhanh nhất, chính xác nhất, đối với tác phẩm phát thanh còn phải dễ nghe và hấp dẫn. Nhưng muốn hấp dẫn thì mình cần cố gắng thể hiện cho uyển chuyển, dễ hiểu để người nghe muốn nghe. Ngày nay mức độ cạnh tranh thông tin lớn, nếu không đổi mới tác phẩm của mình, công chúng cũng dễ dàng chuyển sang phương tiện truyền thông khác.

Tại thời điểm này, ở đơn vị tôi đang duy trì chương trình “Quốc hội với cử tri”, “Chính phủ với người dân”. Song hành cùng các ý kiến thảo luận tại nghị trường, bao giờ tôi cũng ghi nhận thêm ý kiến của người dân, cử tri để tạo sự đồng thuận, góp ý, bổ sung…

Các chương trình như thế đã tạo ra cầu nối bền chắc giữa hai bên. Tôi luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp của người dân, cố gắng lấy những ý kiến từ nhiều phía, tạo ra thông tin khách quan, đặc biệt những ý kiến không những đúng mà còn đắt, thẳng thắn thì càng quý hơn. Trong hành trình nghề nghiệp, tôi luôn trăn trở tìm tòi cách truyền tải thông tin hấp dẫn tới thính giả.

+ Liên quan đến các chính sách, pháp luật, đơn thư, kiến nghị, hệ thống văn bản… vậy làm sao chị có thể “biến” một lĩnh vực khó, khô như vậy thành những tác phẩm phát thanh hấp dẫn, ấn tượng với thính giả?

- Quả là khi thực hiện các chương trình thời sự chính trị, luôn đòi hỏi người phóng viên phải tìm tòi, sáng tạo ra những đề tài mới. Đặc biệt là lựa chọn đối tượng, nhân vật cho tác phẩm của mình, bài toán đặt ra là làm sao khi mới nêu vấn đề khán thính giả đều cảm thấy hào hứng ngay từ đầu.

Tôi luôn làm cho câu chuyện đó phải dễ nghe, dễ hiểu, hấp dẫn, đặc sắc, người nghe muốn nghe. Bởi vậy, ngoài yếu tố chất lượng âm thanh, phóng viên cũng cần bỏ công sức để tìm hiểu, tham khảo đồng nghiệp, thậm chí tham khảo ý kiến từ chính khán thính giả để có những tác phẩm hay nhất.

Để thu hút thính giả đôi khi chúng tôi còn lựa chọn những câu hài hước và dí dỏm gần gũi, giọng đọc cần có âm điệu, mang cảm xúc. Bởi thế mới nói, người làm phát thanh cần cảm nhận được người nghe đang mong muốn điều gì và khi nghe xong người ta nhớ được, thì đây là một tác phẩm phát thanh thành công.

Luôn thổi vào tác phẩm của mình hơi thở cuộc sống

+ Tôi được biết chị là phóng viên rất có duyên với các giải thưởng. Vừa qua chị đã giành giải cao tại Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” và Giải Báo chí Toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).  Chị có thể hé mở một số điều thú vị về những tác phẩm đoạt giải này?

- Năm 2020, tôi và đồng nghiệp làm tác phẩm “Quốc hội điện tử - Đổi mới vì cử tri” (đoạt giải A tại Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam”). Tác phẩm này có thời lượng hơn 20 phút phát sóng nhưng tác phẩm đã cho thính giả một cái nhìn bao quát về sự thay đổi tích cực trong hoạt động của Quốc hội về việc lắng nghe tiếp thu các ý kiến của người dân cũng như cử tri.

Qua nhiều năm theo dõi hoạt động Quốc hội, tôi nhận thấy có sự thay đổi tích cực này, từ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tham dự bắt đầu sử dụng thiết bị ipad để thực hiện xử lý văn bản, họp trực tuyến, cũng qua thiết bị công nghệ này cử tri ngoài việc gửi tài liệu, kiến nghị có thể sử dụng phần mềm video call để trao đổi trực tiếp các nội dung với đại biểu.

Có thể nói, lúc này tiếng nói của cử tri được đại biểu Quốc hội ghi nhận một cách trực tiếp, không còn đợi chờ vào dịp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri như trước đây. Nhờ vậy tác phẩm “Quốc hội điện tử - Đổi mới vì cử tri” sau khi phát sóng đã có sức lan tỏa lớn, qua đó người dân, cử tri đều nhận thấy Quốc hội đã và đang thay đổi để gần với cử tri hơn.

Nhà báo Uông Huyền (giữa) đạt Giải A Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” với tác phẩm “Quốc hội điện tử - Đổi mới vì cử tri”. 

Nhà báo Uông Huyền (giữa) đạt Giải A Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” với tác phẩm “Quốc hội điện tử - Đổi mới vì cử tri”. 

Hay giữa năm 2020, với mong muốn để Đại hội Đảng các cấp được thành công trọn vẹn, chúng tôi đã triển khai loại bài “Vi phạm bầu cử - nhìn từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở”.

Chúng tôi xác định đây là đề tài khó, động chạm trực tiếp đến sai phạm ở nhiều cơ sở Đảng và Đảng viên ở cơ sở, chúng tôi đã đi xuống tận các địa phương để tìm hiểu.

Lúc đầu nhiều địa phương cũng ngại ngần và lờ đi, vì không muốn nhắc lại sai phạm. Sau thời gian thuyết phục, may mắn cho chúng tôi là những Đảng viên mắc lỗi đó đã nhận trả lời, họ nói thẳng vào những vi phạm đã gây ra vì đâu mà có, làm sao để không lặp lại. Đặc biệt hơn họ hiểu được ý nghĩa, mục đích tác phẩm của chúng tôi muốn truyền đạt, đó là tính xây dựng, biết sai, sửa sai và vì thành công chung của Đại hội Đảng trong cả nước đang diễn ra lúc bấy giờ.

+ Nghề báo luôn là nghề vất vả, đặc biệt đối với những nữ nhà báo khi phải dành khá nhiều thời gian cho công việc, trong suốt hành trình làm báo, điều gì thôi thúc chị vượt qua mọi khó khăn đó?

- Từ khi mới vào nghề, tôi được giao phụ trách mảng nội chính, đối với một phóng viên trẻ, lĩnh vực này sẽ tạo ra thử thách lớn. Tôi luôn cố gắng học hỏi, duy trì thói quen đọc báo, nghe đài và rất may tôi nhận được sự giúp đỡ từ các anh chị đồng nghiệp, sự hướng dẫn này đã giúp tôi vượt qua khó khăn.

Giống như nhiều phóng viên mới vào nghề, thời gian đầu tôi cũng đi cơ sở, lựa chọn nhân vật nhưng từng gặp bế tắc vì không ai nhận lời phỏng vấn, lo lắng, áp lực từ nhiều phía. Trong khi các chương trình phát thanh thì không thể dừng lại chờ, mỗi ngày trôi qua, vượt qua tất cả thách thức đó tôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm nghề và bản lĩnh hơn.

Đối với mỗi phóng viên nội chính cũng cần đi nhiều, nghe nhiều, tìm hiểu nhiều hơn những chính sách pháp luật, hiểu được câu chuyện của đời sống. Trước đây tôi thường muốn làm nhanh, muốn có tác phẩm sớm nhưng sau dần tôi hiểu rằng nâng cao chất lượng mới là điều quan trọng hơn cả. Cái khó của thông tin nội chính là do ban đầu mình không hiểu được chính sách, các điều luật, quy định… khi mình hiểu rồi thì kiên trì, tập trung thực hiện, từ đó việc truyền tải thông tin cho công chúng sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, phóng viên nội chính cũng cần chỉn chu và chắc chắn hơn trong câu chữ, luôn thổi vào tác phẩm của mình hơi thở cuộc sống.

Tâm Lê (Thực hiện)

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo