Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022):

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: Một cuộc đời đáng sống!

Thứ bảy, 09/07/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi… cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng chói sáng, mãi là bản tráng ca sáng ngời về lòng yêu nước và cách mạng.

Hoạt động cách mạng từ rất sớm

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2022), ngày 1/7 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh - quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ - đã tổ chức ra mắt bộ phim truyện truyền hình “Bình minh phía trước”.

Bộ phim là câu chuyện về một thanh niên An Nam đi tìm ánh sáng và chân lý, về quá trình quan sát, nhận thức, tư duy, hành động và trưởng thành và anh dũng hy sinh của một nhân vật lịch sử; tái hiện hành trình tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng, khắc họa chân dung của nhà cách mạng trẻ tuổi, tài năng, kiên trung, xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước và trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến những năm đầu thế kỷ XX.

Và không chỉ trên những thước phim. Lịch sử đã ghi nhận về nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, sinh ra trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, khi Việt Nam đang trong đêm dài dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhưng với truyền thống yêu nước, hiếu học của gia đình, dòng họ (một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng xứ Kinh Bắc, hậu duệ đời thứ 17 của danh nhân Nguyễn Trãi), của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” (xã Phù Khê - trước đây là tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Kinh Bắc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Cừ với tư chất thông minh, bản lĩnh kiên cường đã sớm tìm thấy ánh sáng và chân lý.

tong bi thu nguyen van cu mot cuoc doi dang song hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Văn Cừ là năm 1925, vượt qua rất nhiều khó khăn về kinh tế, phải vừa dạy học để kiếm sống, vừa ôn thi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Cừ đã tốt nghiệp trường sơ học và thi đỗ loại giỏi vào trường Bưởi ở Hà Nội.

Trường Bưởi hay còn gọi là trường “Bảo hộ” - thời bấy giờ là cái nôi của phong trào yêu nước của học sinh - bởi thế đã là nơi để chàng học sinh Nguyễn Văn Cừ sớm có cơ hội bước vào con đường hoạt động cách mạng. Cũng chính tại ngôi trường này, Nguyễn Văn Cừ vừa học tập, vừa nhanh nhạy tiếp xúc với nhiều tài liệu sách báo cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về và hăng hái tham gia các phong trào yêu nước của sinh viên chống thực dân Pháp.

Đầu năm 1928, ở tuổi 16, Nguyễn Văn Cừ đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN), hăng hái tham gia vào các hoạt động yêu nước cách mạng.Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, tháng 5/1928, lấy cớ các hoạt động yêu nước của Nguyễn Văn Cừ là “hành vi chống đối”, nhà trường thực dân đã buộc người thanh niên yêu nước trẻ tuổi phải thôi học.

Tỏa sáng nơi đất mỏ

Động thái “buộc thôi học” của thực dân dường như chỉ càng làm cháy sáng thêm ngọn lửa cách mạng trong người thanh niên Nguyễn Văn Cừ. Sau khi rời khỏi trường Bưởi, Nguyễn Văn Cừ trở về làng Hà Lỗ (Đông Anh - Hà Nội), ở nhà cụ Dương Tuấn Duy - một nhà nho nghèo yêu nước, mở các lớp dạy học nhằm tuyên truyền giác ngộ cách mạng đối với đông đảo thanh niên, tiếp tục chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa” ở mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh và chính tại mảnh đất cần lao này, phẩm chất của nhà cách mạng trẻ Nguyễn Văn Cừ đã tỏa sáng.

Tới Vàng Danh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhanh chóng lăn mình vào cuộc sống khổ cực của anh em công nhân thợ thuyền lao động và đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng sâu rộng trong quần chúng giai cấp công nhân. Tháng 6/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 9/1929, được cấp trên phân công làm cán bộ Đảng chuyên trách phụ trách công tác kiểm tra hoạt động của các tổ chức Đảng ở vùng mỏ Đông Bắc, giúp đỡ, chỉ đạo các cơ sở Đảng.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê, mở đầu cho thời kỳ thành lập các Chi bộ Đảng Cộng sản ở vùng mỏ. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có sáng kiến thành lập Đặc khu mỏ, được Trung ương đồng ý và đồng chí được cử làm đại diện của Xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách Đặc khu mỏ.

Tuy nhiên, giữa lúc phong trào cách mạng vùng mỏ đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 15/2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt trên đường đi công tác tại Cẩm Phả - Hòn Gai. Biết đồng chí là cán bộ Đảng phụ trách vùng mỏ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về Sở Mật thám Hải Phòng, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng moi tin tức nhưng chúng đều thất bại, sau đó chúng đưa đồng chí về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) giam cầm. Mặc dù không đủ bằng chứng, nhưng Hội đồng đề hình Hà Nội vẫn xử đồng chí án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo.

Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta và những bước chuyển chiến lược của cách mạng

Năm 1936, do áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội liên lạc với Đảng, lập ra “Ủy ban sáng kiến”. Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ ủy Bắc kỳ mở đầu cho thời kỳ khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời mở ra thời kỳ đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

Tại Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 9/1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những ý kiến đúng đắn kịp thời về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương nhằm chống lại đế quốc và phát xít.

Và tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm đó đồng chí mới 26 tuổi. Từ đây, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Với cương vị là Tổng Bí thư, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp…

Đầu tháng 9/1939, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ uỷ Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút số cán bộ hoạt động công khai vào hoạt động bí mật… Tháng 7/1939, đồng chí đã viết và cho ấn hành tác phẩm “Tự chỉ trích”, là một văn kiện lý luận chính trị quan trọng của Đảng ta, tác phẩm có nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ trong Đảng.

Ngày 06/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Hội nghị đã đưa ra Nghị quyết nhấn mạnh: “Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, đồng thời thành lập Mặt trận dân tộc phản đế thay cho Mặt trận dân chủ”. Những quyết định đúng đắn kịp thời trên của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 đã có vai trò quan trọng to lớn cho cách mạng nước ta trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945), thể hiện sự nhạy bén chính trị, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị quân thù xử bắn. Trước họng súng của quân thù, đồng chí đã hiên ngang không cho chúng bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”.

29 tuổi đời, hơn mười ba năm tham gia cách mạng, bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ… cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng chói sáng, mãi là bản tráng ca sáng ngời về lòng yêu nước và cách mạng.

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, có hai nhà cách mạng giữ chức Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi, đó là nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ và nhà cách mạng Trần Phú (1904-1931). Nhà cách mạng Trần Phú cũng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Hải Dương: Tăng cường rà soát số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hải Dương: Tăng cường rà soát số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện

(CLO) Ngày 21/5, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2024 (lần 3) để nghe và cho ý kiến các nội dung quan trọng. Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp.

Tin tức
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận thêm nhiệm vụ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận thêm nhiệm vụ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin tức
Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

(CLO) Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động khi gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động.

Tin tức
Giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển nhà ở

Giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển nhà ở

(CLO) Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm khi Nghị định ban hành sẽ thực hiện thuận lợi, thông suốt.

Tin tức