Tổng thống Macron, 5 năm nhìn lại và khát vọng tái tranh cử

Thứ ba, 15/03/2022 20:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức tuyên bố tái tranh cử hồi đầu tháng 3. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ lại bước vào một chiến dịch bầu cử khó khăn tới đây. Trong 5 năm đầu tiên, ông đã rất cố gắng, đầy khát vọng, song đáng tiếc phải đối mặt với nhiều “nhiệm vụ bất khả thi”.

Hiện tượng chính trường

Vào một ngày của tháng 8 năm 2014, ông Macron khi đó mới 36 tuổi và vẫn còn là một nhân viên ngân hàng trước đó 6 năm, đã được bầu làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số của Pháp - một trong những bộ ngành quan trọng nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đó có thể nói là một vị trí mơ ước, thậm chí được xem như nấc thang thành công cao nhất mà một chính khách trẻ như ông có thể đạt được.

tong thong macron 5 nam nhin lai va khat vong tai tranh cu hinh 1

Tổng thống Macron mang khát vọng giúp Pháp và EU có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế về cả kinh tế lẫn địa chính trị.

Nhưng không, chỉ sau đó đúng 2 năm, cũng vào một ngày của tháng 8, Macron đã bất ngờ xin từ chức bộ trưởng để bước vào một tham vọng lớn hơn nhiều. Đó là tranh cử vị trí tổng thống, bất chấp bị cả Tổng thống đương nhiệm khi đó là Francois Hollande khiển trách. Thậm chí Macron không chỉ tranh cử đơn thuần, mà còn từ bỏ Đảng Xã hội để thành lập một đảng hoàn toàn mới - Đảng Tiến bước! (En Marche!). Rõ ràng đó là một quyết định điên rồ với rất nhiều người, chứ không muốn nói gây sốc với cả nước Pháp và châu Âu.

Tuy nhiên, Macron sau đó đã làm nên điều thần kỳ, tạo ra một hiện tượng lớn khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 7/5/2017, với việc vượt qua đối thủ chính Marine Le Pen ở vòng 2 với tỷ lệ phiếu bầu là 66,1% so với 33,9%.

Đúng như lời hứa trong chiến dịch tranh cử cách đây 5 năm, cho đến khi nhiệm kỳ của mình sắp kết thúc, nhà lãnh đạo trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoléon vẫn giữ vững vai trò mà ông đặt cho mình sau chiến thắng bất ngờ vào năm 2017: Đó là một tổng thống giàu sức mạnh ngoại giao, đưa Pháp trở lại vị thế hàng đầu trên chính trường quốc tế và tiến hành một "cuộc cách mạng dân chủ".

Mặc dù nhiệm vụ lớn cuối cùng của Macron, tức ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, đã kết thúc trong thất bại, nhưng rõ ràng đó không phải là do ông thiếu cố gắng.

Nhà lãnh đạo Pháp vẫn tìm cách ngăn chặn Nga tấn công vào Ukraine, ngay cả khi các quan chức Mỹ cảnh báo rằng điều tồi tệ sắp xảy ra. Macron đã vội vã đến Moscow vào đầu tháng 2, cầu xin hòa bình trong cuộc đàm phán con thoi với người đồng cấp Nga tại một chiếc bàn khổng lồ. Ông trở lại với những cam kết từ Putin và tiếp tục đàm phán với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Khi đó, Macron có lẽ vẫn tin rằng ông đã bảo đảm hòa bình cho thế giới.

Những hy vọng đó đã tan biến chưa đầy 2 tuần sau, đầu tiên là việc Nga công nhận các nước cộng hòa ly khai Donbas, sau đó là điều mà tất cả đều lo sợ: một chiến dịch quân sự tổng lực vào Ukraine.

Nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron còn phải chứng kiến một điều được xem là thất bại của Pháp nữa trên trường quốc tế. Đó là việc Pháp quyết định rút quân khỏi Mali, nơi quân đội Pháp đã sa lầy trong một cuộc chiến khó khăn kéo dài 9 năm với các phiến quân chống lại chính phủ nước này.

Những thất bại trên trường quốc tế cho thấy sự bất lực của Pháp, nhưng nguyên nhân không phải bởi Macron, mà ông thực ra chỉ là người làm tốt nhất có thể để khiến những thất bại đó trở nên ít bẽ bàng hơn. Không thể phủ nhận, Macron đã tìm cách thiết lập và vun đắp mối quan hệ thân thiết với các cường quốc, kể cả đồng minh hay đối thủ.

“Nhiệm vụ bất khả thi”

Thực ra, không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào mà Macron cố gắng lay chuyển nhiều hơn Tổng thống Vladimir Putin của Nga, người mà ông đã chiêu đãi trọng thể tại Cung điện Versailles vào tháng 5/2017, chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức. Hai năm sau, ông lại tiếp đón Putin, lần này là tại Fort de Brégançon, nơi nghỉ dưỡng mùa hè của các tổng thống Pháp.

“Một nước Nga quay lưng lại với châu Âu không phải là lợi ích của chúng tôi”, Macron tuyên bố vào thời điểm đó. Macron đã áp dụng chiến lược tương tự với một vị khách khó tính khác, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Chỉ vài tuần sau chiêu đãi Putin tại Versailles, tổng thống Pháp đã tổ chức bữa tối với Trump tại Tháp Eiffel.

Ban đầu, phong cách ngoại giao nhiệt huyết và lãng mạn đúng chất Pháp của Macron dường như đã phát huy tác dụng. Ông Trump dành lời khen ngợi cho vị tân Tổng thống Pháp, cùng với những cái bắt tay đầy hào hứng và cử chỉ đầy thân thiện khi hai người gặp lại nhau tại Nhà Trắng vào năm sau. Nhưng sau tất cả, Macron đã tỏ ra bất lực trong việc ngăn Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran!

tong thong macron 5 nam nhin lai va khat vong tai tranh cu hinh 2

Việc thuyết phục ông Putin là một nhiệm vụ quá khó khăn cho ông Macron do khoảng cách giữa 2 bên là quá xa, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và sự bất ổn về chương trình hạt nhân của Iran, Macron còn phải đối mặt với một loạt thách thức ngoại giao khác. Và dường như chúng đều theo cùng một kịch bản: cố gắng, hứa hẹn và kết thúc trong thất bại!

Rất có thể, lý do cũng bởi ông Macron còn khá trẻ và chỉ mới nổi lên trên chính trường quốc tế. Sự nhiệt huyết, có phần cương quyết của vị tổng thống trẻ tuổi này, có thể gây ấn tượng trong những cuộc gặp ban đầu, song lại ít nhiều gây ra những rắc rối cho ông ở những cuộc đàm phán dài hơi và đòi hỏi những cái đầu lạnh.

Đáng ngạc nhiên là quan hệ giữa Pháp và Mỹ đã nhanh chóng chạm mức thấp lịch sử dưới thời Tổng thống Joe Biden. Như đã biết, Mỹ và Anh đã bí mật ký hiệp ước AUKUS với Úc khiến Pháp đánh mất một hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD. Pháp đã đáp trả bằng cách triệu hồi đại sứ của họ từ Mỹ. Phải mất 30 phút điện đàm giữa Macron và Biden, sau đó là cuộc gặp ở Rome, để 2 nước hàn gắn mọi thứ.

Sự thất vọng sẽ đổi màu kỳ vọng?

Tất nhiên, nhiệm kỳ 5 năm của ông Macron không chỉ có quyết tâm, hứa hẹn và rồi thất bại. Bên cạnh việc củng cố lại tầm ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi, ông Macron rõ ràng được đánh giá đã phần nào làm “hồi sinh” vai trò của EU trong vấn đề địa chính trị và an ninh khu vực - nhiệm vụ mà tổ chức này từng gần như hoàn toàn phó mặc cho NATO vốn do Mỹ đóng vai trò dẫn dắt.

Khi Macron bước vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ, vị trí chủ tịch luân phiên EU mà Pháp nắm giữ đã tạo cơ hội cho ông tập trung vào chính sách đối ngoại chiến lược của mình: thúc đẩy hội nhập châu Âu và phát triển "quyền tự chủ chiến lược".

Trong 6 tháng Pháp nắm quyền chủ tịch EU, Macron đã chuyển trọng tâm của khối sang lĩnh vực an ninh, kêu gọi nhiều hơn trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Ông nói trong một cuộc họp báo vào tháng 12: “Chúng ta cần chuyển từ một châu Âu trong biên giới sang một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, hoàn toàn có chủ quyền, tự do lựa chọn và làm chủ vận mệnh".

Nhưng rồi chỉ đúng 3 tháng sau, một cuộc chiến đã nổ ra trước cửa ngõ EU, khiến ngay cả Đức cũng nhanh chóng đưa ra quyết định lịch sử trong việc tăng cường chi tiêu quân sự. Thế giới rõ ràng đã thay đổi so với những thập kỷ gần đây.

Song cũng bởi vậy, phong cách ngoại giao nhiệt huyết, táo bạo và đầy tham vọng của Macron có thể sẽ phát huy hiệu quả trên chính trường quốc tế tới đây. Tất nhiên, nhận định trên chỉ có ý nghĩa nếu nhà lãnh đạo trẻ tuổi này tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp từ ngày 10/4 đến 24/4 tới đây.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế