Tổng thống Trump và truyền thông Mỹ: Cuộc chiến không có hồi kết?

Thứ bảy, 10/11/2018 14:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong lịch sử 44 đời tổng thống trước đó của nước Mỹ, có lẽ không có một vị Tổng thống nào lại có mối quan hệ nhiều “giông bão”, rặt những hiềm khích với giới truyền thông nước này như Donald Trump- ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. Được “châm ngòi” tháng 1/2017 , trong cuộc họp báo đầu tiên sau ngày nhậm chức của Donald Trump, từ bấy đến nay, cuộc chiến giữa người đứng đầu nước Mỹ và giới truyền thông nước này liên tục có những diễn biến mới và không hề có dấu hiệu kết thúc.

1. “Khi các anh có mặt tại Nhà Trắng- một nơi rất thiêng liêng, rất đặc biệt với cá nhân tôi- các anh phải xử sự với nơi chốn này, với người được gọi là Tổng thống một cách tôn trọng”- Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố với giới truyền thông Mỹ như vậy ngay trước cửa máy bay trước khi lên đường sang Pháp. Ông cũng không quên bồi thêm: “Tôi sẽ đáp trả với những kẻ không biết thể hiện sự tôn trọng”. 

Báo Công luận
Tổng thống Trump và phóng viên CNN Jim Acosta cãi tay đôi tại cuộc họp báo ngày 7/11. Ảnh: AP. 
Không quá khó để biết người đứng đầu Nhà Trắng đang ám chỉ đến các phóng viên, trong đó “cứng đầu” nhất là Jim Acosta- phóng viên chuyên trách Nhà Trắng của CNN- cũng là người đang giữ kỷ lục về số lần đối đầu với ông Donald Trump. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tối 7/11/2018 nhân sự kiện cuộc bầu cử giữa kỳ vừa khép lại, Jim Acosta đã liên tục đặt câu hỏi với ông Doanld Trump trong đó có câu hỏi việc ông dùng từ “xâm lược” để mô tả đoàn 3.600-7.200 người từ Trung Mỹ đang tiến về biên giới Mỹ-Mexico để tìm cách tị nạn ở Mỹ. Acosta đã hỏi Tổng thống Trump liệu ông có đang “biến người di cư thành quỷ dữ” khi nói như vậy hay không. Trước câu hỏi đầy tính chất “khiêu khích” của Jim Costa, ông Trump đã ngay lập tức ngắn lời và đáp trả gay gắt: Tôi nghĩ anh nên để yên cho tôi điều hành đất nước". 

Báo Công luận
Jim Acosta tranh cãi gay gắt với ông Trump. Ảnh: Reuters 
Không phải “dạng vừa”, ngay khi ông Trump cố gọi một phóng viên khác đặt câu hỏi, Acosta vẫn từ chối đưa micro và tiếp tục hỏi về vụ điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan tới việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. “Đủ rồi. Đủ rồi. Đủ rồi. Đủ rồi đấy”, ông Trump tức giận hét lên và yêu cầu Acosta “bỏ míc xuống”. Ngay sau đó, cũng vẫn trong bừng bừng tức giận, ông chủ Nhà Trắng nói thẳng vào mặt Jim Acosta rằng “CNN nên tự cảm thấy xấu hổ vì những phóng viên như anh- vô cùng thô lỗ”. Mọi chuyện tưởng đến đó đã là đỉnh điểm nhưng không, khi Jim Acosta đứng lên và tỏ ý muốn hỏi tiếp thì ông Trump ngay lập tức cắt ngang kèm lời tuyên bố: “Khi anh đưa các tin giả - điều mà CNN đã làm rất nhiều, thì anh là kẻ thù của người dân Mỹ".

Đây không phải là lần đầu tiên, CNN nói riêng, truyền thông Mỹ nói chung bị ông Trump gọi tên bằng biệt danh rất nhạy cảm này. Trong một trạng thái đăng tải trên Twitter hồi tháng 2/2017, ông Trump cũng đã gọi truyền thông là kẻ thù của người dân Mỹ. “Truyền thông đưa tin bịa đặt không phải kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ”. Ông thậm chí còn chỉ đích danh một hãng tin và tờ báo như New York Times, NBC News, ABC, CBS và CNN. 

Báo Công luận
Ông Trump với đoạn tweet gọi truyền thông Mỹ là kẻ thù của người dân Mỹ. Ảnh: TTXVN. 
Tháng 7/2018, ông lặp lại quan điểm này khi bị chỉ trích liên quan đến cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki (Phần Lan). “Thượng đỉnh với Nga là một thành công to lớn, ngoại trừ với kẻ thù đích thực của người dân - truyền thông tin giả”, Tổng thống Mỹ viết. 

Không dừng lại ở đó, trong một loạt dòng trạng thái trên mạng Twitter ngày 5/8/2018, ông Trump viết "Chính họ- giới truyền thông- đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh".

2. Nhưng giới truyền thông Mỹ với những cá tính sắc sảo, dĩ nhiên, đã không chịu ngồi yên để mặc ông Trump muốn nói gì thì nói. Jim Acosta đã từng cố buộc Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders phải nói rõ cụ thể những hãng tin nào bị coi là “kẻ thù của người dân”. Phóng viên phụ trách mục tin tức chính trị của NBC New Chukc Todd đăng tải trên Twitter rằng: “Đây là sự sỉ nhục. Xin lỗi nhưng tôi không biết phải nói thêm điều gì nữa đối với ai đó đang cáo buộc tôi và các đồng nghiệp của tôi là đang gây ra một cuộc chiến. Tôi biết ông ta đang “nhử” chúng tôi đáp trả. Tôi sẽ đáp trả với hy vọng rằng công chúng nhận ra đây là điều sai lầm và nguy hiểm”. 

Tờ The Economist thì mỉa mai “Việc chỉ trích các tập đoàn truyền thông có thể là sở thích phù hợp nhất của ông Donald Trump”. Tờ báo còn cho rằng, việc ông Trump “tấn công” giới truyền thông có thể phản tác dụng. Còn tờ New York Times từng cảnh báo rằng, các tuyên bố gây hấn của ông Trump đối với truyền thông nước Mỹ là "nguy hiểm" và gây tổn hại cho đất nước, thậm chí sẽ kích động bạo lực. 

Trong tuyên bố đêm 7/11, CNN như nói hộ quan điểm của giới truyền thông Mỹ khi đăng tải trên trang Twitter của CNN rằng: “Những cuộc tấn công không ngừng của ông Trump nhằm vào báo chí đang đi quá xa. Chúng không chỉ nguy hiểm mà còn đi ngược lại những giá trị của Mỹ. Trong khi Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng ông tôn trọng tự do báo chí, thì ông có nghĩa vụ phải bảo vệ nó. Tự do báo chí là điều quan trọng của dân chủ”.

“Tôi nói với ông ấy rằng cụm từ ‘tin giả’ là không đúng sự thật và có hại, ngoài ra tôi còn lo lắng hơn khi ông ấy gắn mác cho nhà báo là ‘kẻ thù của người dân’. Tôi cảnh báo những ngôn từ mang tính kích động này sẽ khiến nhà báo đối mặt với nhiều nguy cơ và có thể dẫn tới bạo lực”, ông Arthur Gregg Sulzberger, chủ biên tờ New York Times hé lộ về những gì ông đã nói thẳng với người đứng đầu Nhà Trắng trong cuộc gặp kín giữa ông và ông Donald Trump ngày 20/7/2018.  

Báo Công luận
Ông Arthur Gregg Sulzberger, chủ biên tờ New York Times. Ảnh: AFP. 
Cuộc gặp với thủ lĩnh của một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, cũng là một trong những tờ báo đã bị ông Donald Trump đưa vào “danh sách đen” dường như đã được kì vọng sẽ mang tính chất “hòa giải” cho mối quan hệ căng thẳng giữa giới truyền thông và Tổng thống nhưng rốt cuộc đã không đạt được kết quả như kì vọng.

Gần một tháng sau đó, ngày 11/8/2018, hơn 100 tờ báo, trong đó có những nhật báo phát hành tại các thành phố lớn như Houston Chronicle, Miami Herald, Denver Post lẫn các tuần san nhỏ đã đăng ký tham dự chiến dịch đăng tải nội dung chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì những công kích ông liên tục nhắm vào báo giới. "Cuộc chiến bẩn thỉu nhằm vào báo chí tự do phải chấm dứt"- tờ Boston Globe – tờ báo khởi xướng chiến dịch tuyên bố. Tuy nhiên, với liên tiếp những pha đối đầu mới ấn tượng giữa ông Trump và giới truyền thông Mỹ, cuộc chiến này rõ ràng chưa có hồi kết.   

Hà Anh

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo