Toshiba bất ngờ đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc sau 30 năm đầu tư

Thứ năm, 09/09/2021 14:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Gã khổng lồ điện tử Nhật Bản Toshiba mới đây xác nhận sẽ ngừng sản xuất tại nhà máy ở thành phố Đại Liên sau hơn 30 năm vào cuối tháng 9 tới đây và quá trình thanh lý sẽ diễn ra vào tháng 10.

Theo South China Moring Post, cơ sở sản xuất của Toshiba tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc – từng được ví là “hòn ngọc sáng” cho nền kinh tế của Khu Phát triển Đại Liên – bắt đầu đi hoạt động vào năm 1991 sau khi phó thị trưởng thành phố khi đó, ông Bo Xilai, giới thiệu về tiềm năng của vùng này.

“Cú sốc lớn”

toshiba bat ngo dong cua nha may tai trung quoc sau 30 nam dau tu hinh 1

“Ông lớn” Nhật Bản Toshiba bất ngờ thông báo di dời nhà máy khỏi Trung Quốc sau 30 năm. Ảnh: South China Morning Post.

Giờ đây, ông Bo hiện đang phải ngồi tù chung thân vì tội tham nhũng. Trong khi đó, Đại Liên lại đang phải gánh chịu cú sốc lớn khi “ông lớn” điện tử Nhật Bản Toshiba bất ngờ xác nhận thông tin sẽ ngừng hoạt động sản xuất của nhà máy tại địa phương này.

“Việc duy trì vận hành nhà máy sản xuất trong thời gian gần đây ngày càng trở nên khó khăn hơn do tập đoàn chúng tôi có những thay đổi trong cơ cấu kinh doanh, bao gồm mảng kinh doanh TV và thiết bị y tế”, trích tuyên bố do Tập đoàn Toshiba đăng tải.

“Tuyên bố này được đưa ra nhằm giải thể và thanh lý cơ sở Toshiba Dalian Co. Ltd do việc sản xuất động cơ và máy phát sóng được quyết định tạm ngừng. Hiện, chúng tôi không có kế hoạch sản xuất mới tại đây”, đại diện tập đoàn Toshiba nhấn mạnh.

Thông tin trên cũng gây nên nhiều lo ngại khi cơ sở sản xuất này đang sử dụng khoảng gần 1.000 nhân công lao động. Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, hàng trăm nhân viên của Toshiba Đại Liên đã đăng tải trạng thái lên các trang mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc với sự tiếc nuối.

“Toshiba, từng là viên ngọc sáng của Đại Liên, giờ đang rời đi. Rất nhiều thế hệ đã làm việc cho công ty. Chúng tôi từ những thanh niên trẻ tuổi, giờ đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc sau khi làm việc cho công ty. Tôi thật sự rất sốc khi nghe thông tin này”, một nhân viên của Toshiba Đại Liên chia sẻ.

“Tôi đã gắn bó với công ty suốt 18 năm trời - đó là một phần tuổi trẻ, cũng là quê hương thứ hai của tôi - thật buồn khi phải ra đi”, một bình luận khác cho hay.

Đại diện phía Toshiba cho biết công ty sẽ trả “khoản kinh phí bồi thường thỏa đáng cho nhân viên, với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng gã khổng lồ điện tử của Nhật Bản “đang phát triển hàng loạt các hoạt động kinh doanh khác tại Trung Quốc và sẽ tiếp tục hướng tới tăng trưởng kinh tế hơn nữa tại thị trường Trung Quốc”.

Kịch bản đã lường trước

toshiba bat ngo dong cua nha may tai trung quoc sau 30 nam dau tu hinh 2

Nhiều nước lớn trên thế giới đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Getty Images.

Trên thực tế, kịch bản về việc tập đoàn điện tử của Nhật Bản Toshiba rời đi đã được lường trước, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước lớn trên thế giới, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Quá trình này được chính phủ các nước lớn gọi là quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Liu Zelandao, giáo sư kinh tế tại Đại học Nam Kinh, cho hay.

Ngoài ra, các sản phẩm điện tử của các công ty như Toshiba hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu Trung Quốc, và điều này đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các thương hiệu nước ngoài.

“Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển nhanh với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chi phí bảo vệ môi trường, lao động và sử dụng đất cho đầu tư nước ngoài cũng ngày càng tăng. Vì vậy các công ty nước ngoài cần tìm nguồn lợi nhuận mới”, ông Liu nêu nhận định. “Những sản phẩm này không phải là công nghệ cao, do đó chúng phải có mức giá sản xuất hợp lý nếu muốn thu lời.”

Theo một nguồn tin thân cận, một số các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đang dần chuyển nhà máy sang Đông Nam Á kể từ cuối năm ngoái. Nguyên nhân cho tình trạng này là do tình trạng khó tuyển dụng lao động tại Trung Quốc, đặc biệt là khi các chi phí nhân công tại nước này liên tục tăng mạnh.

Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến “thúc đẩy đầu tư vào Nhật Bản nhằm tăng cường chuỗi cung ứng” và tung gói hỗ trợ trị giá 220 tỷ yen (khoảng 2 tỷ USD) dành cho các doanh nghiệp nước này.

Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản được phê duyệt sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ nhằm giúp họ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc xây dựng các nhà máy mới trong nước. Mục đích để giúp đảm bảo nguồn cung các sản phẩm và nguyên liệu thiết yếu cho Nhật Bản.

Năm ngoái, 233 doanh nghiệp đã nhận được khoản trợ cấp từ chính phủ và chỉ trong tháng 7 vừa qua đã có thêm 151 dự án được phê duyệt nhận hỗ trợ, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Nguồn đầu tư lớn bị chặn

“Đầu tư của Nhật Bản đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong hơn hai thập kỷ qua”, ông Li, một doanh nhân hiện đang sinh sống tại Đại Liên, chia sẻ.

“Việc hàng loạt doanh nghiệp rút vốn đầu tư nước ngoài ít nhiều sẽ gây tác động đến tâm lý và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài đối với các tỉnh thành phố của Trung Quốc”, giáo sư Liu nhận định.

Liu Xiaonan, Giám đốc đầu tư nước ngoài tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cho biết ông dự đoán sẽ có “những yếu tố bất lợi” có thể ngăn cản đầu tư từ các công ty đa quốc gia trong nửa cuối năm nay do đại dịch.

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lượng vốn nước ngoài sử dụng tại Trung Quốc sẽ tăng trong cả năm, có thể tốt hơn chúng tôi mong đợi,” ông Liu cho hay.

Từ tháng 1 đến tháng 7, việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đã tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 672,19 tỷ nhân dân tệ và tăng 26,1% so với mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2019, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, được công bố vào tháng 3, cho thấy niềm tin kinh doanh giữa các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc giảm sút vào năm 2020. Mặc dù tỷ lệ các công ty duy trì lợi nhuận đã giảm trên tất cả các quốc gia và khu vực, song, vẫn ghi nhận hơn 60% các công ty Nhật Bản thu về lợi nhuận ở Trung Quốc.

Hương Vũ

Bình Luận

Tin khác

Các công ty bảo hiểm phương Tây: Cơ chế áp trần giá dầu Nga không còn tác dụng

Các công ty bảo hiểm phương Tây: Cơ chế áp trần giá dầu Nga không còn tác dụng

(CLO) Một nhóm các công ty bảo hiểm phương Tây cho biết cơ chế áp trần đối với giá dầu Nga (60 USD/thùng) đã trở nên không thể thực thi được và chỉ đẩy thêm nhiều tàu tham gia vận chuyển dầu thô của Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine hy vọng tăng 60% lượng dự trữ khí đốt mùa đông cho châu Âu

Ukraine hy vọng tăng 60% lượng dự trữ khí đốt mùa đông cho châu Âu

(CLO) Ukraine hy vọng sẽ dự trữ khoảng 4 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho các công ty và thương nhân nước ngoài trong mùa đông này, tăng 60% so với năm ngoái, bất chấp các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước Ukraine cho biết.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lễ hội Tinh dầu lần thứ nhất, chủ đề “Quế và tinh dầu quế”

Lễ hội Tinh dầu lần thứ nhất, chủ đề “Quế và tinh dầu quế”

(CLO) Nhằm hưởng ứng lễ chào mừng 65 năm ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ ngày 24 - 26/4/2024, Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xăng E5 RON92 giảm nhỏ giọt... 8 đồng/lít từ 15h ngày 2/5

Xăng E5 RON92 giảm nhỏ giọt... 8 đồng/lít từ 15h ngày 2/5

(CLO) Từ 15h hôm nay (2/5), giá xăng E5 RON92 giảm 8 đồng/lít, còn xăng RON95 tăng 40 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp
Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

(CLO) Nền kinh tế Phú Quốc trong năm 2023 đã có những bứt phá ấn tượng. Tổng thu ngân sách toàn tỉnh Kiên Giang năm 2023 đạt 15.120 tỉ đồng, trong đó Phú Quốc đóng góp 51,7%, doanh thu từ du lịch Phú Quốc chiếm 85% toàn tỉnh. Trên đà tăng trưởng của kinh tế, thị trường bất động sản Phú Quốc có sự khởi sắc. Đáng chú ý, bất động sản đảo ngọc ghi nhận sức hút lớn của bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài.

Thị trường - Doanh nghiệp