TP.HCM 39 năm phát triển về hướng Tây Bắc: Vẫn truyền lửa cách mạng

Thứ sáu, 03/04/2015 18:07 PM - 0 Trả lời

TP.HCM 39 năm phát triển về hướng Tây Bắc: Vẫn truyền lửa cách mạng

LTS: Cùng thời gian 39 năm, nếu Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng đã trở thành đô thị mới thì phía Tây Bắc với các quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi vẫn phát triển khá chậm. Phóng sự ghi chép nhiều kỳ của báo NB&CL sẽ mang đến những góc nhìn vừa khái quát vừa cô đọng về vùng đất rộng và tiềm năng nhưng chưa phát triển đúng tầm như mong mỏi của chính quyền và nhân dân TP.HCM.

 

Bài 2: Cây trầu thưa dần nhưng truyền thống cách mạng vẫn lưu giữ

(Congluan.vn) - Rời quận 12, nhóm PV chúng tôi tiếp tục qua huyện Hóc Môn, tới xã Bà Điểm – trung tâm của 18 Thôn vườn trầu (tiếng Hán là Thập bát phù viên, hay Thập bát phù lưu viên) nức tiếng giàu truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong những năm gần đây, cây trầu cây cau đã thưa dần nhưng truyền thống cách mạng vùng đất này vẫn nguyên vẹn.
 
Đón tiếp chúng tôi, bà Trần Thị Hồng Thu, Bí thư Đảng ủy xã Bà Điểm tặng cuốn sách lịch sử 18 Thôn vườn trầu còn thơm mùi giấy mới, phẳng phiu trong bao nilon. Sau đó, bà đưa chúng tôi gặp ông Mai Công Tài, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, người yêu, hiểu và gắn bó sâu sắc với vùng đất trầu cau giàu truyền thống cách mạng này.
 
>>> 
 

Truyền thống đấu tranh trong mọi con người, mảnh vườn, thớ đất...

Dưới cái nắng chang chang ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, ông Mai Công Tài kể sơ lược về cuốn sách rồi dẫn chúng tôi đội nắng ghé Nhà truyền thống xã Bà Điểm, nơi mà ông nói “chẳng xã nào lớn bằng”. Nơi đây được xây dựng khang trang, bề thế cách trụ sở UBND xã không xa, với những kỷ vật gắn liền với cuộc đời cách mạng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, những bức ảnh của những người con anh hùng của vùng đất 18 Thôn vườn trầu, với bao ký ức hào hùng...

Báo Công luận 
Nhà lưu niệm xã Bà Điểm khang trang, bề thế 

Trong chuyến tham quan, ông Tài bắt đầu kể về thời điểm đầu thế kỷ 17, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, bá tánh lầm than, loạn lạc. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của nhà Trịnh, Nguyễn, họ đã rời bỏ quê hương, vào tới vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Những người nông dân đầu tiên đến đây đã ra sức chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống thú dữ; lao động gian khổ, cật lực, khai phá rừng rậm, bãi hoang để trồng tỉa và chăn nuôi. Chủ yếu họ trồng lúa, khoai và hoa màu, dần dần họ phát triển thành những vườn cây ăn quả. Đặc biệt họ trồng trầu cau thành những mảnh vườn xanh tốt quanh năm. Người nông dân đã lập ra những thôn – ấp, từ 6 thôn đầu tiên dần dần được phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, “Mười tám thôn vườn trầu” đã là nơi dân cư trù mật và là nơi chuyên canh trồng trầu cau nên có tên gọi chung là “18 thôn vườn trầu”.

Báo Công luận
 
Trương Định ngày lui về trấn đồn Thuận Kiều (Xã Tân Thới Nhất - 1861). Tại đây, Trương Định nhận kiếm và cờ Bình Tây Đại nguyên soái do nhân dân trao tặng, thề quyết chống giặc Pháp tới cùng.

Địa giới của “18 thôn vườn trầu” bao gồm huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần đất của huyện Củ Chi ngày nay (Thôn Tân Phú – nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Trung tâm của “18 thôn vườn trầu” là các Thôn Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay thuộc xã Thới Tam Thôn). Riêng thôn Tân Thới Nhứt (nay là xã Bà Điểm) là một trong 6 thôn đầu tiên. Thời Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên “Điểm” nên thôn Tân Thới Nhứt còn có địa danh là Bà Điểm. Đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian địa danh Hóc Môn – hóc hẻm có nhiều cây môn ra đời có lẽ là vì thế.

Vào năm 1782 quân Tây Sơn đã trận giao tranh ác liệt với chúa Nguyễn tại đây, tàn quân Tây Sơn còn sót lại đã ở lại đây lập nghiệp và sinh sống. “Có lẽ với hào khí Tây Sơn hào hùng của cha ông trước mà con cháu nơi đây sinh ra đều với một tấm lòng yêu nước, sẵn sàng vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm” – ông Tài cho biết.

Nơi che chắn, nuôi giấu những hạt nhân cách mạng.

Đến năm 1841, 18 thôn vườn trầu thuộc về quyền quản hạt của huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Tuy vậy, địa thế Thôn vườn trầu thời này vẫn khá hiểm hóc: Phía sau là bưng Tầm Lạc mênh mông, cỏ lấp đầu người, nước ngập ngang lưng và rừng liên tiếp lên tận Cao Miên, Lào. Đây là vùng cư ngụ lý tưởng của những người dân lưu tán, sống ngoài vùng kiểm soát của chính quyền. Đa phần, họ đều giỏi võ nghệ, sống gắn bó, đoàn kết với nhau chống áp bức cũng như thú dữ...

Ngay khi chiếm được 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, Đại úy Lucien de Grammont được cử làm Giám đốc bản xứ sự vụ huyện Bình Long và Trần Phủ Ca được cử làm phụ tá. Do de Grammont thường không có mặt tại nhiệm sở, nên thực tế thì Trần Phủ Ca nắm quyền cai trị trực tiếp, đóng tại dinh quận ở Tân Sơn Nhì. Do lập công đắc lực, Pháp nhanh chóng thăng hàm cho Trần Tử Ca thành Tri huyện (1871) rồi Đốc phủ sứ (1879), Đốc phủ Ca từ đó lạm quyền tàn ác, vơ vét người dân nơi đây một cách thậm tệ.

Báo Công luận 
Lịch sử cách mạng 18 Thôn vườn trầu được chính quyền và người dân nơi đây lưu giữ, trân trọng như báu vật. 

Vào đêm 30 rạng Mùng một Tết Ất Dậu (tức ngày 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885), anh hùng Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá cùng hơn ngàn nghĩa quân chia làm ba mũi, tấn công vào dinh huyện Bình Long, giết chết Đốc phủ Trần Tử Ca, bêu đầu trên cột đèn trước chợ Hóc Môn. Sau cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu 1885, Pháp đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn, chia thành 4 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 18 thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo, nơi cất dấu tài liệu bí mật của Ðảng. Từ đó, bà con nơi đây cùng những vườn trầu xanh tốt, bạt ngàn đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều chiến sĩ ưu tú của cách mạng Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn...

Báo Công luận 
Những rặng trầu xanh bạt ngàn khi xưa là nơi che chắn cho các lãnh đạo Đảng khỏi tầm mắt, nòng súng quân thù. 

“Hồi đó trầu bạt ngàn, vườn này nối tiếp vườn kia, các dây trầu tốt tươi tới mức bên này không nhìn thấy bên kia, là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho các chiến sĩ cách mạng hoạt động. Hồi đó, các chiến sĩ đi trên những nọc trầu để tới các nắp hầm mí mật trong các gốc tre, giặc chẳng thể nào phát hiện được!” – ông Tài cho biết.

Tại làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), Trung ương Đảng đã mở 5 cuộc hội nghị quan trọng. Đặc biệt là hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11/1939) do đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã ra quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Gia đình bà Nguyễn Thị Sóc, bà Nguyễn Thị Giả, ông Trần Văn Hy, ông Phan Văn Đối ở đây là những cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng, nơi họp Hội nghị Trung ương. Trong hồi ký của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN thời kỳ 1936 – 1939 đã viết: “Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào cơ sở đem cho hội nghị thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu là họp gì, chỉ biết là hội nghị quan trọng của Đảng”.

Báo Công luận 
Bàn làm việc và tủ đựng tài liệu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn còn được lưu giữ. Ở Hóc Môn, có một cán bộ huyện được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Thị Minh Khai để ghi nhớ những ngày tháng bà hoạt động.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), dưới sự lãng đạo của Đảng, nghĩa quân làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) đã anh dũng tấn công vào các đồn bót địch ở Lăng Cha Cả, bót Vườn Tiêu, bót Ngã năm Vĩnh Lộc, bót Phú Lâm…Thời kỳ này, làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) được vinh dự là nơi có 04 Xứ ủy viên – Xứ ủy Nam Kỳ đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là các đồng chí: Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, Mai Công Tự, Lê Văn Khương. Cũng tại đây, những chiến sĩ cách mạng ưu tú, kiên trung Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu... đã ngã xuống, trong sự kính yêu, cảm phục và tự hào của nhân dân 18 Thôn vườn trầu. Từ đó, họ dằn lòng tiếp bước.

Dẫn chúng tôi vào các vườn trầu, hàng cau, ông Mai Công Tài tự hào mà nói rằng: Có lẽ không nơi đâu, một xã như Bà Điểm đã che chở, nuôi giấu cho 4 vị Bí thư Trung ương Đảng hoạt động cách mạng, một làng vài ngàn dân khi xưa mà có tới hơn 700 liệt sĩ.

Nhưng giờ, những rặng cau, trầu bạt ngàn, lớp lớp chỉ còn là hoài niệm...

Nguyên Toàn – Kiên Giang

(Bài tiếp theo: Thập bát phù viên: Còn đâu bến nọc, bến phân...) 

Tin khác

Bắc Ninh: Dự kiến hỗ trợ trên 2 triệu đồng mỗi tháng để giữ chân lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Bắc Ninh: Dự kiến hỗ trợ trên 2 triệu đồng mỗi tháng để giữ chân lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

(CLO) Tỉnh Bắc Ninh đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân liên quan tới tiêu chí thành lập, số lượng thành viên và chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trên địa bàn.

Đời sống
Thái Bình xin ý kiến về mức hỗ trợ hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Thái Bình xin ý kiến về mức hỗ trợ hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

(CLO) Tỉnh Thái Bình đang xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự và chế độ chính sách cho thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đời sống
Đến hẹn lại lên, Hà Nội cứ mưa là ngập

Đến hẹn lại lên, Hà Nội cứ mưa là ngập

(CLO) Dù chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa nhưng những ngày qua nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng ngập nặng mỗi khi mưa lớn vào chiều tối ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Đời sống
Hà Tĩnh vinh danh 42 điển hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Hà Tĩnh vinh danh 42 điển hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 16/5, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đời sống
Dự báo thời tiết ngày 17/5: Cả nước trời nắng

Dự báo thời tiết ngày 17/5: Cả nước trời nắng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 17/5/2024, cả nước trời nắng, phía Nam có nơi nắng nóng trên 35-36 độ C.

Đời sống