Trạm thu phí BOT đã dừng hoạt động: “Những cái bẫy giao thông” cần được xử lý

Thứ năm, 08/07/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện trên địa bàn cả nước tồn tại nhiều trạm thu phí đã dừng hoạt động, trở thành điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đòi hỏi những giải pháp xử lý triệt để từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

“Điểm đen” tai nạn giao thông từ những trạm BOT dừng thu phí

Sau hơn 4 năm dừng hoạt động, trạm thu phí Tào Xuyên nằm trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trở thành công trình bỏ hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tai nạn giao thông.

Dự án chính thức được cho phép thu phí hoàn vốn tại trạm Tào Xuyên từ ngày 1/1/2009. Đến ngày 10/8/2017, trạm thu phí dừng hoạt động do số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đã đạt đến mức cao nhất. Vị trí đặt trạm thu phí BOT cách dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa tới gần 30km.

Theo phản ánh của nhiều tài xế, việc di chuyển qua trạm thu phí Tào Xuyên rất nguy hiểm, đặc biệt là vào thời điểm chập choạng tối và đêm. Nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế nhầm làn khi qua trạm, xe chạy quá tốc độ.

Hàng loạt những vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người xảy ra tại khu vực các trạm thu phí đã dừng hoạt động.

Hàng loạt những vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người xảy ra tại khu vực các trạm thu phí đã dừng hoạt động.

Tháng 12/2019, xe ô tô khách mang BKS 29B-112.15 chở theo 12 hành khách đang lưu thông theo hướng Hà Nội - Thanh Hóa đã bất ngờ tông vào cabin của trạm thu phí. Cú tông mạnh khiến ô tô vỡ nát phần đầu, cabin trạm thu phí bị hư hỏng nặng và 5 người bị thương.

Không chỉ tại trạm thu phí Tào Xuyên mà nhiều trạm thu phí bỏ hoang khác trên cả nước cũng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, trở thành “điểm đen” mất an toàn giao thông. Gần đây nhất, khoảng 6h sáng ngày 6/7/2021, một chiếc xe bồn lưu thông theo hướng Bắc - Nam đã đâm vào trụ của trạm thu phí Cầu Rác khiến phần đầu xe hư hỏng nặng, tài xế bị thương nhẹ.

Trước đó 2 tháng (ngày 28/4), một chiếc xe tải bất ngờ đâm thẳng vào các trụ ngăn cách tại trạm thu phí Cầu Rác rồi lật nằm ngang đường, đầu xe biến dạng bẹp nát, bánh găm vào các cột bê tông của trạm, nhiều dải phân cách cứng bị xô nghiêng.

Được biết trạm thu phí Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng trên Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh đưa vào khai thác từ tháng 1/2009. Sau gần 10 năm thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tạm dừng trạm thu phí này vào năm 2019. Tuy đã dừng hoạt động được 2 năm nhưng đến nay trạm vẫn chưa được tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác.

Một trong những trạm thu phí “bỏ hoang” gây bức xúc dư luận nhất phải kể đến trạm thu phí BOT cầu Ðồng Nai nằm trên Quốc lộ 1. Trạm thu phí này dừng thu từ cuối tháng 8/2020 theo văn bản yêu cầu của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam. Từ tháng 4/2021, nhà đầu tư (Tổng Công ty Xây dựng số 1) cũng dừng luôn việc cắt cử người bảo trì, duy tu trạm,... và tai nạn theo đó liên tiếp xảy đến.

Đã có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại trạm thu phí cầu Ðồng Nai và nguyên nhân được cho là do tại thời điểm xảy ra, hệ thống đèn cảnh báo tại trạm hoạt động không ổn định.

Thông tin từ Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, kể từ thời điểm 3 trạm BOT trên địa bàn tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện tăng cao khiến tình hình trật tự an toàn giao thông tại các trạm này diễn biến phức tạp hơn. Trong khi công tác bảo trì, duy tu mặt đường không được thực hiện.

Bao giờ những “cái bẫy” người đi đường mới được xử lý?

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên địa bàn cả nước có 9 dự án đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số đó có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km 2+478 - Km 12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy.

Ngoài ra còn có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km 14 - Km 50+889. Có 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Cần quy định rõ trách nhiệm di dời, xử lý những trạm BOT đã dừng thu phí để không trở thành những “cái bẫy” người đi đường. Ảnh minh họa

Cần quy định rõ trách nhiệm di dời, xử lý những trạm BOT đã dừng thu phí để không trở thành những “cái bẫy” người đi đường. Ảnh minh họa

Trong khi chờ đợi giải pháp xử lý dứt diểm của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì chính quyền địa phương đã phải đề nghị chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng lắp đặt giải phân cách cứng, lắp biển hạn chế tốc độ hai phía của trạm, đảm bảo hệ thống chiếu sáng tại các trạm vào ban đêm để phòng ngừa tai nạn giao thông tại những trạm thu phí “bỏ hoang” này.

Trở lại câu chuyện chưa thể tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác, theo ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (Cục Quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam), trạm thu phí Cầu Rác đã dừng thu phí từ tháng 2/2019.

Tuy nhiên đến cuối tháng 12/2020, Tổng Công ty Sông Đà mới hoàn tất thủ tục bàn giao tài sản sang cho Cục quản lý. Công tác đảm bảo an toàn giao thông vẫn được các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện. Việc đến nay vẫn chưa thể tháo dỡ trạm là do đang trong giai đoạn làm thủ tục chuyển giao tài sản.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với các dự án BOT đã dừng thu phí do đã thu đủ theo phương án tài chính, sau khi có báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ tài chính nghiên cứu trả lời.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư và hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu ý kiến của các Bộ để trả lời Bộ Giao thông Vận tải. Trong thời gian Bộ Tài chính chưa trả lời, các Cục Quản quản lý đường bộ đang phối hợp với các nhà đầu tư để thực hiện các công việc bảo trì tại các dự án này.

Để di dời một trạm thu phí “bỏ hoang”, vừa qua một đơn vị quản lý đường bộ đã đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước cả tỷ đồng để thực hiện. Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội Bùi Danh Liên khẳng định, trạm thu phí đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhưng khi hết hạn thu phí thì ngân sách lại phải chi tiền tỷ để tháo dỡ thể hiện sự bất cập.

Về nguyên tắc, trạm thu phí được xây dựng theo dự toán, đến khi hoàn thành nhiệm vụ, thanh lý hợp đồng sẽ giải quyết những tồn tại của trạm thu phí đó như chi phí giải phóng mặt, di dời trang thiết bị,... đều được quy định rất chi tiết.

Nếu thủ tục chuyển giao trạm thu phí dừng hoạt động từ doanh nghiệp về cho Nhà nước tốn nhiều thời gian như vậy thì thay vì Nhà nước chịu trách nhiệm tháo dỡ các trạm thu phí, hãy để cho chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ này. Các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cần rõ ràng, không nên để các trạm thu phí “bỏ hoang” trở thành những “cái bẫy” người tham gia giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả các trạm thu phí hết thời hạn thu đều phải sớm dỡ bỏ để đảm bảo an toàn giao thông, các phương tiện được lưu thông dễ dàng để không trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường với những vụ tai nạn chết người xảy ra.

Thế Anh

Tin khác

Vụ tai nạn giữa 2 xe khách khiến 18 người thương vong ở Gia Lai: Một xe khách chạy 86km/h khi qua ngã tư

Vụ tai nạn giữa 2 xe khách khiến 18 người thương vong ở Gia Lai: Một xe khách chạy 86km/h khi qua ngã tư

(CLO) Cơ quan chức năng xác định, xe khách BKS 51B-294.89 chạy với tốc độ 86km/h khi qua ngã tư đường tránh Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Giao thông
Gia Lai: Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe khách, khiến 18 người thương vong

Gia Lai: Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe khách, khiến 18 người thương vong

(CLO) Tại hiện trường, cột đèn tín hiệu giao thông bị tông gãy, dải phân cách cứng ở nút giao thông cung bị tông vỡ vụn. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, 17 người bị thương.

Giao thông
Kiểm tra toàn diện các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải khách từ bờ ra đảo

Kiểm tra toàn diện các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải khách từ bờ ra đảo

(CLO) Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm tra rà soát toàn diện trên các tuyến vận tải thủy nội địa, tuyến vận tải khách từ bờ ra đảo.

Giao thông
Chi tiết các trạm dừng nghỉ phục vụ người dân trên cao tốc Bắc - Nam

Chi tiết các trạm dừng nghỉ phục vụ người dân trên cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Theo Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Quang Giang, hiện Cục đang chỉ đạo và phối hợp các cơ quan, đơn vị rà soát để triển khai đầu tư bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến cao tốc đã và đang triển khai đầu tư.

Giao thông
Gia Lai: Danh sách 18 người thương vong trong vụ 2 xe khách tông nhau lúc rạng sáng

Gia Lai: Danh sách 18 người thương vong trong vụ 2 xe khách tông nhau lúc rạng sáng

(CLO) Hai xe khách va chạm lúc rạng sáng đoạn qua địa bàn huyện Chư Sê ( tỉnh Gia Lai) đã khiến 1 người tử vong tại chỗ, 17 người khác bị thương.

Giao thông