Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân: Hai người phụ nữ vẽ “Tháng Ba”

Thứ năm, 31/03/2022 10:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà văn Trần Thị Trường và Tiến sĩ ngôn ngữ Lê Thiếu Ngân vừa có cuộc triển lãm chung “Tháng Ba” khá thành công. Dù đến với hội họa khá muộn nhưng phong cách vẽ tranh của hai nữ họa sĩ đã nhanh chóng để lại ấn tượng cho người thưởng thức và giới chuyên môn.

Tài năng chín muộn

Từ ngày 19/3 đến 28/3, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), hai nữ họa sĩ ngoài 70 tuổi - Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đã giới thiệu đến công chúng 70 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong triển lãm tranh có tên “Tháng Ba”.

Cả Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường đều đến với hội họa khá muộn và trước khi cầm cọ, hai người phụ nữ này đều đã thành công ở những lĩnh vực khác. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân là người Hà Nội gốc, con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng - người đã nhận nhiều giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh. Trước khi đến với hội họa, Lê Thiếu Ngân là Tiến sĩ ngôn ngữ tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Nga). Về nước, bà giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga - Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn, dạy hệ Đại học và Cao học cho đến khi nghỉ hưu.

tran thi truong va le thieu ngan hai nguoi phu nu ve thang ba hinh 1

Họa sĩ Lê Thiếu Ngân và một tác phẩm tranh tĩnh vật.

Chồng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân là ông Nguyễn Phú Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian theo chồng làm đại sứ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, ngoài vai trò phu nhân, đứng bên cạnh chồng quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cũng dành thời gian học vẽ tranh thủy mạc, tham gia triển lãm tranh thường niên tại Tokyo (Nhật Bản), từng tham gia triển lãm nhóm hằng năm tại Tokyo (từ 2008 - 2011) và một số triển lãm nhóm nhỏ khác. Những năm gần đây, bà vẽ nhiều hơn với chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan. Những bức tĩnh vật, phong cảnh của Lê Thiếu Ngân có bút pháp tinh tế, màu sắc hài hòa, giàu cảm xúc.

Còn tác giả Trần Thị Trường từng khá nổi tiếng trên văn đàn với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Tình câm”... Bà được coi là nhà văn tiêu biểu khi viết về thân phận phụ nữ, với những góc nhìn nội tâm sâu kín. Gần đây, Trần Thị Trường còn được nhiều người biết tới với tiểu thuyết “Phố Hoài” gây xôn xao dư luận.

Trần Thị Trường từng đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1973-1978 nhưng do lúc đó hoàn cảnh rất khó khăn, bà đang học thì bỏ ngang. Do hoàn cảnh gia đình, bà bôn ba khắp nơi, sang Đông Âu làm đủ mọi nghề. Về nước, bà làm báo, viết văn và nhiều nghề khác.

Trần Thị Trường cũng được biết đến là nhà tổ chức biểu diễn mát tay, khi bà là người tổ chức hàng trăm show diễn suốt trong nam ngoài bắc cho ca sĩ Ngọc Tân vào thập niên 1990. Sau khi về hưu, bà từng là chuyên gia quyền tác giả tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và chuyên bình luận điện ảnh ở Cà phê thứ 7 với nhạc sĩ Dương Thụ.

tran thi truong va le thieu ngan hai nguoi phu nu ve thang ba hinh 2

Hai họa sĩ Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường tại triển lãm tranh “Tháng Ba”.

Sau khi con cái đã trưởng thành, kinh tế vững vàng, Trần Thị Trường mới quay lại với hội họa. Năm 2019, bà gặp họa sĩ Hải Kiên và theo học vẽ. Vừa học vừa sáng tác, chỉ sau 8 tháng, Trần Thị Trường đã có triển lãm bày 48 bức tranh tại nhà Triển lãm Ngô Quyền - một triển lãm được đánh giá là tác giả có nhiều ấn tượng về phong cách vẽ. Bà cũng là hội viên “rất mới” của Hội Mỹ thuật Việt Nam khi vừa được kết nạp hồi cuối năm 2021.

Hai người phụ nữ cùng có niềm mê say hội họa, cùng sống ở một thành phố, cùng học một thầy và chơi thân với nhau. Họ cũng tự nhận mình có chung một phong cách vẽ, đó là hiện thực pha một chút ấn tượng nhưng tranh của mỗi người lại có những bản sắc riêng. Hoạ sĩ Lê Thiếu Ngân chuyên vẽ phong cảnh và tĩnh vật.

Tranh của bà giàu nữ tính và truyền cảm, bút pháp dịu dàng và như họa sĩ Trần Thị Trường nhận xét, Lê Thiếu Ngân có lối vẽ kỹ càng, tinh tế, rất ý tứ trong việc chọn đề tài, phương pháp thể hiện nhuần nhuyễn. Còn tranh của Trần Thị Trường có nét khỏe khoắn, màu sắc mạnh mẽ, nồng nàn. Đặc biệt, Trần Thị Trường khá mạnh về mảng chân dung.

Bà có khá nhiều tranh vẽ chân dung các nhà văn, nhà thơ: Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Ngọc Thu, các nhà ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Thị Thanh Hà, ca sĩ Ngọc Tân, cellist Ngô Hoàng Quân… Nhiều người nhận xét, ở chung một triển lãm, tranh của hai người dường như bổ trợ cho nhau, hòa quyện với nhau, tôn vinh lẫn nhau.

Nói về cảm tưởng khi đến triển lãm tranh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong cho biết: “Vào phòng tranh “Tháng Ba” của hai chị Lê Thiếu Ngân và Trần Thị Trường như vào một khoảng không gian của đời sống thật yên tĩnh, đằm sâu, để cảm nhận dịu dàng, gặp những cảm xúc yên bình sau bao nhiêu nhọc nhằn, gian khó đã từng nếm trải”.

Còn nhà văn Phạm Thu Yến chia sẻ những đánh giá của mình: “Mỗi bức tranh được hoàn thiện, lồng khung, đặt tên gọi và treo trang trọng tại căn phòng triển lãm, cho thấy một quá trình lao động miệt mài, hăng say của những nữ nghệ sĩ ngoài thất thập. Đặc biệt, những gam màu tươi sáng, những đường nét tinh tế, dịu dàng trong từng bức tranh, khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận rất rõ về sự an vui và tình yêu cuộc sống tha thiết”.

Đưa hội họa đến gần hơn với công chúng

Chia sẻ về ý tưởng làm triển lãm tranh, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết, sau thời gian dịch bệnh COVID-19, cả bà cũng như họa sĩ Trần Thị Trường vẽ khá nhiều. Đến đầu năm 2022, khi được họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ ý tưởng làm triển lãm tranh, bà đã bị thuyết phục. Tên triển lãm nhanh chóng được thống nhất là “Tháng Ba”. Chỉ sau gần hai tháng từ khi có ý tưởng làm triển lãm, tranh của hai bà đã được treo trang trọng tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền và nhận được những phản hồi tích cực.

Nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường bộc bạch: “Tuy tranh của tôi và Lê Thiếu Ngân đều đã được đón nhận, chúng tôi vẫn hy vọng có một triển lãm chung để chia sẻ các tác phẩm với đông đảo người xem hơn. Bên cạnh đó, triển lãm “Tháng Ba” cũng sẽ là một dấu ấn đẹp của cả hai trên chặng đường sáng tác”.

tran thi truong va le thieu ngan hai nguoi phu nu ve thang ba hinh 3

Chiều bên sông Hồng. Tranh: Trần Thị Trường

Chia sẻ thêm, họa sĩ Lê Thiếu Ngân cho biết, đây là những tác phẩm được cả hai bà thực hiện sau khi đã đi qua một chặng đường dài của cuộc đời. Cả hai đều vẽ với niềm say mê hội họa, không phải vì mưu cầu “cơm áo gạo tiền” như hồi còn trẻ, bởi vậy mục tiêu quan trọng nhất của triển lãm là đưa hội họa đến gần hơn với công chúng.

Tuy nhiên, bên lề triển lãm, hai họa sĩ cũng chia sẻ vài nỗi niềm ưu tư, trăn trở. Theo nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường, hiện nay thẩm mỹ của công chúng đã được nâng lên nhiều tuy nhiên, quan niệm về giá trị của hội họa còn “đơn giản quá”. Bà Trường cho hay, hiện có tình trạng nhiều người nhà rất đẹp nhưng trên tường lại treo những tờ lịch rẻ tiền hoặc người ta có thể hài lòng khi treo những bức tranh chép hàng chợ, những bức tranh không ký tên và không có giá trị về thẩm mỹ. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân cũng đưa ra một thực tế rằng, có những đại gia sẵn sàng chi tiền chục triệu, trăm triệu mua một cái túi, một đôi giày cho vợ hay uống chai rượu cả ngàn đô, nhưng sẽ không sẵn sàng chi cho một bức tranh giá chỉ dăm bảy trăm đô.

“Một người giúp việc lao động phổ thông không bằng cấp người ta đã phải thuê với giá 500 nghìn đồng một ngày, trong khi họa sĩ chúng tôi lao động vất vả cả chục ngày để vẽ một bức tranh nhưng khi bán chỉ chục triệu thôi, nhiều người đã kêu đắt. Xem ra quan niệm về giá trị của hội họa còn đơn giản quá”, họa sĩ Trần Thị Trường nói.

Được biết, tại triển lãm “Tháng Ba” số lượng tranh bán được khá nhiều - đó chính là sự đánh giá cao của công chúng đối với tranh của hai nữ họa sĩ. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. “Tôi nghĩ tranh bán được chưa phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá nghệ thuật. Tôi muốn được trình bày khả năng của bản thân ra với cuộc đời và nghe phán xét từ cuộc đời”, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ.

Thế Vũ

Tin khác

Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

(CLO) Đối với người Tày ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ngoài vui khỏe, giải trí, trò chơi kéo co còn mang tính nghi lễ gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu sinh sôi phát triển.

Đời sống văn hóa
Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

(CLO) Sáng nay 3/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) tổ chức triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng nay 3/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Hơn 60 đội tham gia Giải Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024

Hơn 60 đội tham gia Giải Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024

(CLO) Giải Đua ghe Ngo năm 2024 được tổ chức với quy mô vùng, quy tụ từ 60 đến 65 đội trong và ngoài tỉnh tham gia tranh tài.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội'

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội"

(CLO) Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội" - là một trong các hoạt động giàu ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa