Trên sân ga năm ấy…

Thứ ba, 21/04/2020 08:16 AM - 0 Trả lời

(CLO) Là người có mặt tại sân ga Hà Nội đầu năm 1977, chứng kiến những đôi mắt rưng rưng, nụ cười rạng rỡ của người dân, soạn giả, NSƯT, nhà báo Khúc Hà Linh đã viết bài thơ cảm động “Tấm vé Hà Nội - Sài Gòn”.

Soạn giả, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà báo Khúc Hà Linh hiện nay vẫn trực tiếp làm đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu

Soạn giả, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà báo Khúc Hà Linh hiện nay vẫn trực tiếp làm đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu

Từ chuyến tàu Bắc Nam Thống Nhất đầu tiên

Bài thơ sau đó đã được đăng trên báo Giải Phóng - cơ quan của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà báo Khúc Hà Linh đã chia sẻ về ký ức thời kỳ ấy với những rưng rưng xúc động.

Hiện thực qua con mắt của người làm báo luôn có những chi tiết vừa chân thực, vừa đầy sức gợi mở. Nhà báo Khúc Hà Linh kể lại:

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước hòa bình nhưng phải đến ngày 31/12/1976 mới có chuyến tàu Bắc Nam Thống Nhất đầu tiên. Hơn hai mươi năm (1954-1975) đôi bờ sông Bến Hải (Quảng Trị) tạm thời chia cắt, chứng kiến bao cảnh vợ chồng, mẹ con, anh em… phân ly. Cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết, những tưởng sau hai năm trở về đoàn tụ gia đình, nhưng kẽm gai, bom mìn của chính quyền Sài Gòn đã chặn lại. Cả dân tộc trường kỳ chiến đấu, giải phóng Sài Gòn, Bắc Nam thống nhất, đất nước hòa bình. Khát vọng của đồng bào miền Nam khi ấy là sớm được trở về cố hương tìm lại người thân sau chiến tranh lưu lạc.

Mấy ai biết rằng, chỉ sau 7 tháng, kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 14/11/1975, Chính phủ đã ra Mệnh lệnh đặc biệt quyết định khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam. Từ đây, đất nước đã phải mất hơn 1 năm làm việc nhọc nhằn gian khổ để hoàn thành mục tiêu. Tính ra đã có hơn 10 vạn lượt cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân tham gia khôi phục công trình. Để rồi sau hơn 400 ngày đêm, nắng mưa, thiếu thốn… tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1.730km đã được nối liền. Cũng mấy ai biết rằng, chặng đường này đã vượt qua 20km cầu lắp đặt mới, có khoảng 660km đường ray mới, và kéo gần 1.700km dây thông tin. Người ta phải đào đắp gần 3 triệu m3 đất và khai thác 7 vạn m3 gỗ để làm đường.

Đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào tới TP.HCM ngày 4.1.1977 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại ảnh tư liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào tới TP.HCM ngày 4.1.1977 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại ảnh tư liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thời gian và tinh thần lao động sáng tạo của con người đã làm nên một sự kiện lịch sử: 6 giờ sáng ngày 31/12/1976, đoàn tàu Thống Nhất kéo hồi còi vang động trong không gian, chuyển bánh xuất phát hướng về phía Sài Gòn, sau hơn hai chục năm chia cắt. Cái giờ phút ấy mãi mãi đi vào lịch sử đường sắt Việt Nam. Sau này được biết, 200 hành khách trên chuyến tàu đặc biệt này phần lớn là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo ngành giao thông vận tải, khách quốc tế và khách mời danh dự.

Đặc biệt, hôm ấy còn có một con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát từ ga Sài Gòn trở ra Hà Nội. Thế là có hai con tàu cùng ra Bắc vào Nam, cùng bắt đầu hành trình nối liền Bắc - Nam đầu tiên. Đây cũng là thỏa ước nguyện của dân tộc, non sông một dải, Bắc Nam một nhà. Dọc đường, những nơi tàu đỗ, nhân dân gần đó đã chờ sẵn hân hoan chào đón, tặng hoa. Cảm động nhất là giây phút hai đoàn tàu gặp nhau trên “khúc ruột” miền Trung (TP. Đà Nẵng).

Khung cảnh sân ga và bài thơ năm ấy vẫn ám ảnh

Soạn giả, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà báo Khúc Hà Linh là khách mời tham gia chương trình của làm phim về lịch sử văn học của VTV

Soạn giả, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà báo Khúc Hà Linh là khách mời tham gia chương trình của làm phim về lịch sử văn học của VTV

Một lần khoảng đầu năm 1977, nhà báo Khúc Hà Linh ra Hà Nội và đã chứng kiến một cảnh tượng quá giản dị đời thường, nhưng vô cùng cảm xúc, chạm vào trái tim của con người. Ông kể:

Ngày ấy đất nước vẫn trong thời bao cấp, các tuyến giao thông đường sắt ở phía Bắc đã ít, với tuyến đường vào Nam lại càng ít hơn. Mỗi ngày số chuyến tàu khách rất hạn chế, lượng người đi tàu lại nhiều, có khi nhỡ 2-3 chuyến mới lên được toa. Ở mỗi cửa bán vé, nhà ga phải dựng những khung sắt làm thành đường dẫn, đủ để xếp “hàng một” nhằm hạn chế người mua chen lấn, xô đẩy hỗn loạn. Những tấm biển treo trên cửa bán vé các tuyến đường như: Hà Nội – Vinh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Nam Định; Hà Nội - Thái Nguyên... đã quen thuộc hàng chục năm, nét chữ màu sơn đã cũ kỹ, mài mòn nắng gió. Nhưng hôm nay, bỗng thấy có gì khang khác. Ông bỗng nhận ra sân ga mới có thêm một cửa bán vé, bên trên có tấm biển ghi “Cửa bán vé tàu Bắc Nam Thống Nhất”.

Nhà báo Khúc Hà Linh cho biết, những khuôn mặt người háo hức, vui mừng, xếp hàng mua vé. Đó là những anh bộ đội trả phép, những cán bộ đi công tác lần đầu, còn có những khuôn mặt già nua, nhăn nheo, tụ dồn bao nhiêu sương gió cuộc đời, những nỗi nhớ mong khắc khoải. Ông để ý tới một bà mẹ khoác khăn rằn, vận áo bà ba đang xếp hàng giữa dòng người. Trên khuôn mặt nhăn nheo, giọt nước mắt bà ứa ra lăn trên gò má. Có lẽ không phải bị chen lấn xô đẩy, bởi vì trên tay, bà đang cầm tấm vé tàu mới mua.

Ngày ấy vé tàu được in trên giấy nện cứng, màu xanh lam, xinh xắn, hình chữ nhật, diện tích gần bằng hai ngón tay. Có lẽ nhà ga thiết kế tấm vé dày dặn như thế để hành khách sử dụng không bị rách hỏng, nhàu nát sau một chặng đường dài. Thời ấy, chuyến tàu thống nhất vào Nam chạy mất 80 giờ, gần 4 ngày đêm. Có khi phải dừng nghỉ dọc đường. Tiếng loa phóng thanh nhắc hành khách lên tàu nghe giục giã, nghe thân thương. Tội nghiệp bà cụ, chẳng có ai đưa tiễn. Thỉnh thoảng bà lại móc túi giở ra xem tấm vé tàu, và tờ giấy ghi địa chỉ, có lẽ phải kỳ công lắm mới được người thân gửi từ miền Nam, sau mấy chục năm cách xa tưởng là vô vọng.

Nhà báo Khúc Hà Linh đứng trong sân ga, nghe con tàu kéo một hồi còi, rồi bánh xe rùng mình chuyển động. Phương Đông mặt trời ửng hồng. Chuyến tàu Thống Nhất năm ấy đã dời ga trong cảnh bình minh lên. Lúc ấy, ông đi tàu về Hải Dương và đặt ra câu hỏi: Người mẹ miền Nam sẽ về đâu? Tới ga Sài Gòn, rồi đi đâu nữa? Chiến tranh bom đạn mấy chục năm, bao nhiêu lần giặc dồn dân đổi ấp, làm sao người thân của bà vẫn còn ở chỗ cũ? Đôi chân gầy guộc rồi còn đi đâu? Lên Tây Nguyên, hay về miền Đông, hay lên Đà Lạt? Cuộc chiến tranh đâu chỉ lấy đi sinh mệnh con người, còn hủy hoại cả niềm tin, và hy vọng?

Đêm ấy ông mất ngủ, loay hoay trước ngọn đèn và con chữ hiện dần lên thành một bài thơ. Nói đúng hơn là một ghi chép còn thô nháp tả cái cảm xúc giữa sân ga. Sau đó bài thơ được đăng báo Giải Phóng và tòa soạn đã gửi báo biếu kèm theo thư cảm ơn tác giả. Tờ báo ấy ông giữ gìn mãi, rồi sau mấy lần chuyển nhà, bị thất lạc chỉ còn tấm bì thư kẹp trong cuốn sổ đã nhàu.

Thấm thoát 43 năm trôi qua, nhưng khung cảnh sân ga và bài thơ năm ấy vẫn ám ảnh, khắc khoải nhà báo Khúc Hà Linh mỗi khi nhớ về sự kiện ngày 30/4/1975, về ngày đoàn tàu Thống Nhất nối liền hai miền Nam - Bắc.

Tấm vé Hà Nội - Sài Gòn

Cửa bán vé Hà Nội - Sài gòn

Giờ mở cửa:

Giá vé:

Giữa những tấm biển thân quen

Ga Hà Nội hôm nay có thêm biển mới

Nền tươi sắc xanh sông núi

Nét chữ vàng chói lọi ước mong

Tôi thấy dòng người mua vé rất đông

Những con mắt vui nhòe lệ

Tay nâng niu tấm vé

Ngỡ mình sống giữa chiêm bao…

Má ơi, cho con xem tấm vé chút nào

Ôi tấm vé xinh xinh trìu mến

Vuông vắn giản đơn, thoảng hương thơm giấy mịn

Sao lạ lùng sao thấy thiêng liêng

Má về đâu, Rạch Giá, Tây Nguyên?

Về Sài Gòn má đi đâu nữa?

Đêm Tháp Mười triệu hoa sen thắp lửa

Hay Cần Thơ muôn thuở nắng xôn xao?

Đường đã nối liền tới mũi Cà Mau

Dòng Bến Hải lành vết đau chia cắt

Con đường Một đã thành Đường Thống Nhất

Cả Việt Nam là một Con đường

Mặt trời lên sáng rực phương đông

Tàu thổn thức, kéo hồi còi da diết

Má lên đi! Hãy chùi nước mắt

Cuộc đời vui quá cũng nghẹn ngào...

Ga Hà Nội, tháng 2 năm 1977

Khúc Hà Linh

An Vinh

Tin khác

Hà Tĩnh triển khai kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ VII

Hà Tĩnh triển khai kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ VII

(CLO) Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch số 37-KH/BTCG, ngày 22/4/2024 về tổ chức Giải báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII – năm 2024.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

(CLO) Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai vừa tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc”.

Nghề báo
Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam vừa công bố chùm chương trình trọng điểm, trong đó có cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng. Chương trình có 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh - sẽ được truyền hình trực tiếp tối 5/5/2024 trên kênh VTV1.

Nghề báo
Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo