Triển khai đồng bộ giải pháp để yêu cầu nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam

Thứ năm, 06/04/2023 21:23 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đó là một trong những nội dung được thông tin tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới, chiều 6/4 tại Hà Nội.

Sẽ tổ chức mỗi tháng/lần cuộc họp báo thường kỳ

Chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông (TT&TT) cho biết: Thực hiện Nghị định 09 của Chính Phủ quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông có giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị từ bây giờ sẽ tổ chức mỗi tháng một lần một cuộc họp báo thường kỳ (không thay thế các cuộc họp báo đột xuất)… nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách kịp thời nhất, giải đáp các vấn đề nóng mà báo chí và người dân quan tâm liên quan Bộ, ngành Thông tin - Truyền thông. 

trien khai dong bo giai phap de yeu cau nen tang mang xa hoi xuyen bien gioi tuan thu phap luat viet nam hinh 1

Toàn cảnh cuộc họp báo

Bài liên quan

Theo báo cáo từ Văn phòng Bộ TT&TT, trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý I/2023 là 14,62%.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4/2023 được xác định cụ thể đó là: Về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 năm 2023; chuẩn bị tốt nội dung của dự án Luật. Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về Phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”; phương án thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Xây dựng kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông...

Kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam

Rất nhiều các vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo trong đó, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH &TTĐT) nhấn mạnh đến những vi phạm của Tiktok.

trien khai dong bo giai phap de yeu cau nen tang mang xa hoi xuyen bien gioi tuan thu phap luat viet nam hinh 2

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH &TTĐT) chia sẻ tại họp báo

Theo đó, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em; sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,….

MXH này cũng không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được. Tiktok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.

Ông Lê Quang Tự Do phân tích, Tiktok không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác. Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý của họ vi phạm.

Điều này vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, những vi phạm của TikTok dẫn đến các hệ lụy đó là: Tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội; khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; nội dung vi phạm bản quyền tràn lan...

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, những vi phạm tương tự TikTok đã xuất trên hiện trên Facebook Reels và Youtube Shorts. Đặc biệt là các nội dung phản cảm, quảng cáo game cờ bạc, bán thuốc và thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Bàn về các giải pháp từ phía Bộ Thông tin & Truyền thông, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT chia sẻ, thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Đồng thời phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông,..để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, VHTT-DL, Công an, Tổng cục Thuế,… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Đồng thời, Bộ TT&TT và Cục PTTH &TTĐT  sẽ nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video; tổ chức hội nghị với các mạng lưới đa kênh của Youtube, TikTok, Facebook để tăng cường hiệu quả quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam giữa các mạng xã hội xuyên biên giới với các MCN/KOLs.

Bộ TT&TT cũng sẽ chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh; phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: "Để ngăn chặn các nền tảng xuyên biên giới, các kênh xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam, chúng ta sẽ đi theo phương án chặn dòng tiền trên không gian mạng để không chảy về nội dung xấu độc. Các doanh nghiệp không đưa dòng tiền của mình vào các nội dung xấu độc. Các nền tảng xuyên biên giới và các kênh xấu độc đang để người xem có thể cho tặng vào các kênh có nội dung phản cảm, lệch chuẩn, nên sẽ phải xem xét lại việc hợp tác từ các kênh thanh toán của Việt Nam đến các nền tảng này. Các cơ quan truyền thông sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm để xử lý, làm lành mạnh môi trường mạng. Bộ TT&TT đánh giá công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để tạo nhận thức chung của cộng đồng cùng chung tay làm sạch môi trường mạng"

Hà Vân

Bình Luận

Tin khác

Báo Nhân Dân trao tặng 800 phụ san tranh panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' cho Sở GD&ĐT Ninh Bình

Báo Nhân Dân trao tặng 800 phụ san tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" cho Sở GD&ĐT Ninh Bình

(CLO) Ngày 21/5, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Ninh Bình đã trao tặng trên 800 phụ san ấn phẩm báo in tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" do Báo Nhân Dân phát hành, số đặc biệt chào mừng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.

Nghề báo
Trang tin Cafeland bị phạt 25 triệu đồng, tước giấy phép 3 tháng

Trang tin Cafeland bị phạt 25 triệu đồng, tước giấy phép 3 tháng

(CLO) Sở TT&TT TP HCM cho biết, hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp https://cafeland.vn có dấu hiệu “báo hoá”, vì đã trích dẫn không nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí.

Nghề báo
Tập huấn Kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tập huấn Kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Ngày 20/5, Báo Long An tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024.

Nghề báo
Phát động cuộc thi tìm hiểu về môi trường “Giấc mơ xanh”

Phát động cuộc thi tìm hiểu về môi trường “Giấc mơ xanh”

(CLO) Ngày 20/5, tại Trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo Tiền Phong chính thức được phát động cuộc thi tìm hiểu về môi trường “Giấc mơ xanh”.

Nghề báo
Nguyễn Viết Tôn, cây bút của biên cương, biển đảo

Nguyễn Viết Tôn, cây bút của biên cương, biển đảo

(CLO) Từ những ngày Nguyễn Viết Tôn làm phóng viên thường trú của TTXVN ở Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái những tin bài của anh đã dự báo cái duyên, mà cũng có thể là cái nghiệp, của một người làm báo sẽ gắn bó lâu dài với mảng đề tài dân tộc và miền núi, nơi vùng xa vùng sâu - những vùng đặc biệt khó khăn của đất nước.

Nghề báo