TS Trần Đình Thiên: Điều hành giá xăng dầu trong tình thế hiện nay là rất khó khăn

Thứ tư, 16/03/2022 15:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vừa qua, giá xăng dầu liên tục tăng cao và hiện đã đạt mức cao kỷ lục tại thị trường trong nước, ảnh hưởng lớn đến thị, trường giá cả và đời sống của người dân. Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp, ở mức cao trong khoảng một tháng qua?

-PGS.TS Trần Đình Thiên: Thế giới đã không ít lần trải qua những đợt tăng giá xăng dầu khốc liệt, được gọi là “sốc” rồi. Lần này là một trong số đó. Lần tăng giá này được gọi là sốc là hoàn toàn chính xác – do tốc độ và quy mô tăng đều rất dữ dội, có tác động gây “choáng”. Tuy nhiên cú “sốc” này có những điểm khác thường nổi bật, cần phải được mổ xẻ kỹ và nhận diện chính xác. Khi đó, mới có thể có cách ứng phó phù hợp.

ts tran dinh thien dieu hanh gia xang dau trong tinh the hien nay la rat kho khan hinh 1

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tác động của đợt tăng gía xăng dầu lần này rất phức tạp. Ảnh: M.Q

Tôi thấy có mấy điểm cần lưu ý thế này: Thứ nhất, xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bất ổn: Chuỗi cung ứng chưa phục hồi, giá cả thế giới cho nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu, đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Cả thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, cũng đang đối diện với nguy cơ lạm phát ít thấy trong nhiều thập niên. Đặt cú sốc giá xăng dầu – sản phẩm có tầm chiến lược quan trọng bậc nhất - vào bối cảnh đó mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của tình thế “cộng hưởng” tăng giá lần này.

Phải tính rất kỹ đến giá xăng dầu, nhưng chỉ tính đến nó khi bàn triển vọng, nguy cơ, để hoạch định chính sách ứng phó là không đủ, thậm chí sai. Không hề thừa khi ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe cảnh báo chuyên gia về một triển vọng “stagflation” (đình trệ – lạm phát) có thể xảy ra trong nền kinh tế thế giới trong năm nay.

Thứ hai, xăng dầu tăng giá khi nền kinh tế thế giới mới bắt đầu quá trình phục hồi sau hai năm bị đại dịch covid tàn phá. Cấu trúc vận hành thương mại – tiền tệ đang suy yếu nhiều mặt; tình trạng đứt chuỗi và nguy cơ đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn hiện hữu và gia tang; tình trạng sức khỏe tài chính – tiền tệ toàn cầu, sự lưu thông của các dòng tiền, dòng vốn bị đứt, bị chặn, gắn với cuộc chiến Nga – Ukraina chưa rõ hồi kết, tình trạng ốm yếu của các thị trường và các doanh nghiệp, … đều là những yếu tố kích phát tác động tiêu cực của xu hướng tăng giá tổng thể nêu trên. Tình hình rõ ràng là rất đáng lo ngại.

Thứ ba, xăng dầu tăng giá trong tình thế xung đột chiến lược khó lường trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nó “dính” đến tất cả các cường quốc kinh tế – quân sự hàng đầu. Các chiêu thức mạnh nhất, các đòn thế khốc liệt nhất – có lẽ chỉ trừ vũ khí hạt nhân – đều đã và đang được tung ra. Xăng dầu nói riêng, hay xu thế lạm phát nói chung phải đặt trong bối cảnh đó, để chú ý đến đầy đủ các tuyến nguy cơ, xu hướng có thể diễn ra, tránh xu thế chỉ lo tìm kiếm các giải pháp ứng phó tình thế, theo cách “đến đâu hay đến đấy”.

Đối với thị trường trong nước, theo ông còn phải chú ý thêm những điều gì từ tác động của đợt tăng giá xăng dầu này?

- Việt Nam là nền kinh tế mở, độ hội nhập rất sâu rộng. Cho nên phải nhấn mạnh đến những vấn đề toàn cầu, nhất là khi đó là những cú sốc chiến lược.

Đối với Việt Nam, ngoài những lý do khách quan, cơ bản ngoài tầm chi phối nêu trên, còn có những lý do riêng tác động vào xu thế tăng giá và can thiệp điều chỉnh giá xăng dầu.

Báo chí đã nói nhiều về tình trạng cung ứng xăng dầu không đáp ứng nhu cầu vừa qua, là một nguyên nhân gây bất ổn thị trường và tăng giá, bắt nguồn từ chính cấu trúc và cơ chế vận hành hệ thống. Vấn đề nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được bàn luận mổ xẻ nhiều trong thời gian qua. Chính phủ, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn giải trình nhiều vấn đề liên quan lâu nay chưa được tường minh. Rõ ràng là tại thời điểm gay go, nhiều vấn đề yếu kém bộc lộ ra, và thật may mắn, đó chính là cơ hội để nhận diện sai lầm, khắc phục điểm yếu và thay đổi.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt trực tiếp hiện nay là xử lý hậu quả của hoạt động cung ứng và điều hành giá xăng dầu này của Việt Nam trong tổng thể vấn đề giá xăng dầu và rộng hơn, vấn đề kiềm chế lạm phát và thúc đẩy phục hồi của nền kinh tế.

Về điểm này, nhìn tổng thể, trong hoạt động điều hành, liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu, hay rộng hơn, ổn định vĩ mô, có thể nói Chính phủ và các bộ ngành, trực tiếp đóng vai trò chủ công là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đang nỗ lực rất cao và xử lý tốt vấn đề. Kinh nghiệm điều hành vĩ mô, “kiềm chế” giá và giữ ổn định hệ thống trong những năm qua đang được Chính phủ phát huy thật sự hiệu quả.

Tất nhiên, giữa một tình thế khó khăn, đầy sự bất thường và tính cấp bách, khó mà tránh khỏi sơ suất, yếu kém. Cần chỉ ra yếu kém, sai sót đó một cách thẳng thắn, nhưng với tinh thần xây dựng. Tại thời điểm khó khan, càng cần làm như vậy để củng cố lòng tin.

Theo ông, Bộ Công Thương là bộ chịu trách nhiệm trực tiếp vận hành và điều hành giá xăng dầu tại thị trường trong nước cần phải có những thay đổi gì trong chính sách điều hành?

-Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng nhiều biện pháp để một mặt, bảo đảm cung ứng xăng dầu đáp ứng yêu cầu nền kinh tế; mặt khác, kiềm chế mức tăng giá xăng dầu để giảm chi phí cho nền kinh tế. Cả hai tuyến hoạt động đều nhằm mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua “cơn bão giá”, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Đối với Bộ Công Thương, giai đoạn vừa qua, phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt, phức tạp thuộc loại ít thấy, chứ không phải chỉ có vấn đề xăng dầu. Việc tháo gỡ tắc nghẽn hàng nghìn xe container qua biên giới trong suốt nhiều tháng là một ví dụ.

Đặt trong tình thế đó để phân tích, đánh giá hoạt động của Bộ Công Thương trên “mặt trận” xăng dầu sẽ khách quan, công bằng hơn. Theo cách nhìn như vậy, đánh giá tổng quát của tôi là tích cực; tác động điều hành đến nền kinh tế là đáng khích lệ.

Tôi không đi vào những vụ việc cụ thể. Các phương tiện truyền thông đã thộng tin chi tiết, mổ xẻ chúng kỹ, từ nhiều khía cạnh. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã giải trình, chia sẻ thông tin trong tinh thần công khai, minh bạch ngày càng cao.

Bản thân Bộ trưởng, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (16/3) về những vấn đề gay gắt này, cũng bộc lộ rõ sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm, không né khó, khả năng làm chủ vấn đề và sự tự tin. Khó mà nói đã làm hài lòng tất cả, song các câu trả lời của Bộ trưởng đã giúp cung cấp thông tin hệ thống, rõ ràng và khách quan. Tất cả những cái đó thực sự có ý nghĩa khi chúng giúp thị trường củng cố lòng tin giữa lúc khó khăn.

Tôi chỉ xin lưu ý hai điểm.

Thứ nhất, tình thế khó khăn hiện nay, xét nội tại Việt Nam, là kết quả của sự tích đọng các nguyên nhân sâu xa, mang tính cơ chế (ví dụ hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) với những nguyên nhân trực tiếp ngắn hạn. Không nên trộn lẫn, đánh đồng, nhập cục các loại nguyên nhân này, nhất là trong hoạt động điều hành chính sách.

Chính phủ và Bộ Công Thương đang tiếp cận xử lý vấn đề theo logic này. Giải trình của Bộ trước Quốc hội cho thấy nỗ lực phát hiện, mổ xẻ, tận dụng cơ hội để giải trình công khai các vấn đề “ách tắc” do cơ chế, giúp tạo cơ sở để giải quyết chúng một cách căn bản. Nhưng về hành động, Bộ Công Thương nhận thức rõ đây phải là lúc tập trung cho các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu lực mạnh để giúp các doanh nghiệp đứng dậy và nền kinh tế phục hồi nhanh.

Thứ hai, tìm kiếm giải pháp thoát khỏi tình thế “lưỡng nan” luôn luôn là đặc biệt khó khăn. Mà cả thế giới lẫn nền kinh tế Việt Nam đều đang trong tình thế đó – tình thế “stagflation”. Khó mà có những giải pháp toàn vẹn cho mọi tuyến lợi ích, đáp ứng tốt cả yêu cầu ngắn hạn lẫn dài hạn. Giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu, luôn là trung tâm của cái gọi là “hài hòa” hay “xung đột” lợi ích hiện đang nổi lên gay gắt và cấp bách.

Tôi cho rằng dưới sự chỉ đạo thống nhất và rất kiên quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đang đề xuất thực thi nhiều giải pháp – từ sản xuất đến lưu thông, từ cung ứng hàng đến điều chỉnh giá – tiền một cách khá linh hoạt, trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước – một sự phối hợp được ghi nhận là đang tốt lên rõ rệt.

Tôi tin là với kinh nghiệm và năng lực điều hành vĩ mô chắc tay của Chính phủ, với sự phối hợp hoạt động điều hành chính sách liên bộ như vậy, nền kinh tế của ta sẽ “trụ vững”, qua đó, có thời cơ để phục hồi nhanh.

Theo nhiều tổ chức, nghiên cứu kinh tế ngoài nước thì giá xăng dầu vẫn còn có thể tăng cao, theo ông, nếu giá xăng dầu còn tăng như vậy thì mức độ ảnh hưởng của nó đến thị trường trong nước như thế nào?

-Tình thế này không ai yên lòng được cả. Bóng ma “stagflation” là thứ không thể chủ quan được đâu, nhất là lúc doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam còn yếu và thế giới còn bất ổn thế này.

Tuy nhiên, nói như thế không phải để bi quan mà là để cảnh báo, để không chủ quan.

Mọi chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, hoạt động của các bộ ngành phải định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn nữa. Dường như ta vẫn lo cho “an toàn ngân sách”, lo “ổn bộ máy” hơn là cho việc bảo vệ, củng cố các cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu nhưng lại khao khát phục hồi nhanh để chớp thời cơ tiến vượt lên.

Giúp doanh nghiệp Việt Nam “trụ vững”, mạnh lên là lợi ích chiến lược ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Theo logic đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần và có thể mạnh dạn hơn trong nỗ lực giữ giá xăng dầu thấp – hoặc cố gắng làm chậm đà tăng giá bằng các biện pháp hiện đang được thực hiện một cách “khá thận trọng”, nếu không nói là rụt rè. “Phí môi trường”, quỹ bình ổn giá, … là những công cụ hữu dụng trong lúc này.

Đây là thời điểm bất thường. Tình thế phát triển rất không bình thường. Muốn thoát ra khỏi nó, thậm chí, tận dụng nó để bứt lên, chắc chắn không thể theo logic thông thường, bằng cách giải pháp vốn có. Khi đó, thách thức sẽ biến thành cơ hội.

Tôi thật sự mừng khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề cập đến việc chấp nhận các thách thức đặt ra cho Bộ theo cách tiếp cận này một cách tự nhiên trên diễn đàn Quốc hội sáng nay. Chúng ta còn nhiều dư địa để làm việc này. 

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hà Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

(CLO) Các nhà quản lý danh mục đầu tư đã đặt cược rằng giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu sẽ tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, dự kiến sẽ tiếp tục biến động khi khối hiện đang bắt đầu dự trữ nguồn cung cho mùa đông tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

(CLO) Người đứng đầu công ty năng lượng quốc gia Ukraine đã kêu gọi các nước EU giúp bảo vệ các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của họ khỏi một loạt các cuộc tấn công gần đây của Nga để quốc gia này có thể tiếp tục góp phần “hạ nhiệt” giá nhiên liệu trên khắp lục địa.

Thị trường - Doanh nghiệp
23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

(CLO) Các gia đình giàu có toàn cầu quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị cho con cái quản lý tài sản của mình, nhưng rất ít người thực sự chuẩn bị cho việc đó.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

(CLO) Ngày mai (2/5), tức sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, giá xăng trong nước có thể tăng nhẹ. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Châu Âu có thể áp thuế lên tới 55% để hạn chế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc

Châu Âu có thể áp thuế lên tới 55% để hạn chế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc

(CLO) Theo một phân tích mới của Rhodium Group, Liên minh châu Âu sẽ cần đánh thuế cao hơn dự kiến, lên tới 55% đối với xe điện của Trung Quốc để hạn chế nhập khẩu vào khối.

Thị trường - Doanh nghiệp