Từ mái trường tuyên giáo, chúng tôi đi

Thứ bảy, 29/04/2017 22:43 PM - 0 Trả lời

Điều may mắn là sau ngót 50 năm ra trường, bây giờ, tôi và một số bạn đồng nghiệp lại được ở ngay trong ấp Thái Hà, nơi ngày xưa, ngót 50 năm trước, đã nhen nhóm nên trung tâm đào tạo báo chí ở nước ta, cái nôi sinh thành khoa báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(NB&CL) Điều may mắn là sau ngót 50 năm ra trường, bây giờ, tôi và một số bạn đồng nghiệp lại được ở ngay trong ấp Thái Hà, nơi ngày xưa, ngót 50 năm trước, đã nhen nhóm nên trung tâm đào tạo báo chí ở nước ta, cái nôi sinh thành khoa báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Những thế hệ làm báo trước chúng tôi, ngày xưa từng học các lớp báo chí ngắn ngày ở đây, để rồi, khi ra trường, người vào Nam, người lên phía Bắc, người về các tỉnh đồng bằng, ai cũng nhớ mặt hồ Vuông trước hội trường đỏ, cá chép, cá mè lao xao trên mặt hồ; nhớ hồ bán nguyệt trước những lăng tẩm xây bằng đá mà dưới lòng đất, chưa có hài cốt của con người. Những lúc chuẩn bị thi kết thúc môn học, nhiều người cứ quây quanh hồ để học bài yên tĩnh.

Ngày xưa, cỏ mọc đầy bên ấp.

Còn bây giờ, đường Thái Hà to, rộng, cắt đôi khu ấp, nhà cao tầng che khuất những kỷ niệm ngày xưa.

Dọc đường làm báo, hay đến tận bây giờ, tôi vẫn nghe các nhà báo lớp trước kể lại những kỷ niệm không thể nào quên về những ngày học làm báo hoặc viết bài kể lại bạn bè thuở ấy, gửi về Tạp chí Người làm báo, cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nếu năm 1947, xóm Bờ Rạ thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (trên An toàn khu (ATK) Việt Bắc- Thủ đô của cuộc kháng chiến chống Pháp là nơi Đảng ta tổ chức lớp viết báo đầu tiên mang tên nhà trí thức yêu nước Huỳnh Thúc Kháng thì sau ngày thắng Pháp trở về, ấp Thái Hà giữa Thủ đô Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng báo chí, văn nghệ của nước ta.

Các thế hệ đi trước về học làm báo ở ấp Thái Hà rồi từ ấp Thái Hà kế bước nhau ra đi, làm nên sự nghiệp báo chí ở những năm khôi phục và phát triển kinh tế, khởi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ở nửa nước phía Nam.

Còn chúng tôi, lớp học sinh lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, khi vào trường học làm báo, chỉ là thế hệ theo gót các chị, các anh.

Người đời nay thường xuyên truyền miệng: nơi ấp Thái Hà có “phong- thủy” tốt, nhà trường có chủ trương đào tạo đúng, có các thầy, các cô tận tụy với trò ham học nên trường của chúng tôi có lắm nhà báo tài hoa.

[caption id="attachment_160889" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Làng Sêu- nơi trường Tuyên giáo Trung ương sơ tán trong nhữn gnăm đánh Mỹ. Ảnh: TL[/caption]

Tháng tư đã về. Mùa xuân đang còn ở lại.

Các buổi hội khóa do nhà trường tổ chức cứ gợi về biết bao điều rất nhớ đã qua.

Đêm nay, trước ánh đèn khuya, tôi lần dở từng trang nhật ký ở trường, từng trang nhật ký khi ra trường, sao mà nhớ làng Sêu thuở ấy.

Làng Sêu là một làng trồng dâu, nuôi tằm thuộc xã Kim Bôi, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây xưa, nơi gần bến Đục, chỉ sang sông là đã gặp chùa Hương.

Dạo đó là 20/10/1969…

Lúa mùa Hà Tây đang xanh ngát khắp đồng. Dâu tằm trải ra mênh mông trên cánh đồng Mỹ Đức. Làng Sêu giang tay chờ đón chúng tôi về.

Đây là nơi nhà trường sơ tán trong những năm đánh Mỹ. Nhà tre, lợp lá cọ mọc lên trên khu đất đầu xóm là hội trường và nhà ăn tập thể để đón học viên về học khóa đào tạo phóng viên báo chí và biên tập viên xuất bản, hệ bốn năm đầu tiên của trường.

Suốt ngày mùa thu tháng mười, gần 50 năm trước, các ngả đường về Sêu nhộn nhịp những người và đủ các loại xe. Họ là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ đã từng công tác ở các ngành (chỉ có một số ít học sinh phổ thông) được tuyển về trường học tập. Giấy của trường triệu tập học là hai trang pô puya, đánh máy, ai cũng để kín nơi va ly hay túi xách để tránh bất trắc giữa đường. Tờ giấy gọi học của trường với ai cũng thiêng liêng vô cùng. Thiêng liêng vì ngay từ ngày đó, được học để thành nhà báo, biên tập viên xuất bản đã là sự khát khao của rất nhiều người.

Tôi nhớ, đến trường, Ban giám hiệu đón học viên rất ân cần, niềm nở. Một số học viên về trước, được nhà trường trưng dụng để làm công việc lễ tân. Nộp giấy tờ xong, mỗi tốp học viên được dẫn về một nhà dân để ở trọ. Làng kháng chiến của thời đánh Pháp xa xưa vẫn ấm tình cho đến bây giờ, giữa những năm cả nước đánh Mỹ. Giường tre, chõng tre, ổ rơm, giếng khơi và bếp rạ…đã quyện hồn chúng tôi với bà con nơi sơ tán, nhà ai cũng trĩu nặng hai vai: tiền tuyến- hậu phương. Đến bây giờ, dễ mấy ai quên những bữa ăn đạm bạc: sáng - bánh mỳ, trưa - bánh mỳ, tối - ăn cơm. Sáng mong trưa. Trưa mong tối. Tối lại mong buổi sáng mau đến. Tuổi trẻ, ăn 13,5kg lương thực một tháng, cái đói cứ đeo đuổi suốt ngày. Dân Sêu rất nghèo, vậy mà đêm đến, tê tái rét đông, nồi khoai lang luộc và ấm trà khuya vẫn hội đủ những tổ học tập chúng tôi ăn đỡ đói lòng. Đất nghèo, giàu mãi tấm lòng. Làng Sêu còn giữ trong chúng tôi biết bao ký ức buồn, vui một thuở…

Bài học đầu tiên chúng tôi được học là bài mở đầu môn triết học do thầy Minh giảng. Thầy chỉ còn một cánh tay nhưng giọng nói thì rành mạch, hấp dẫn vô cùng. Những phép duy vật biện chứng đó gieo vào mỗi chúng tôi cách nghĩ, cách đánh giá những sự kiện, sự việc, bổ ích vô cùng cho nghề làm báo và nghề xuất bản.

Sau gần 50 năm, nhớ lại, tôi vẫn khẳng định: Làm báo rất cần phải có năng khiếu báo chí. Nhưng có năng khiếu báo chí và được đi học để làm báo, nếu không được dạy cặn kẽ về các môn: Triết học, chính trị - kinh tế học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế, lịch sử Đảng và đường lối của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng như học ở trường thì cái năng khiếu bẩm sinh sẽ mòn mỏi, sao nhãng, dẫn đến khô cạn, làm báo sẽ theo thói quen, khó phát triển được.

[caption id="attachment_160890" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Nhà báo Ngọc Đản (bên phải)- học viên trường Tuyên giáo và các đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân, từ Huế đến TP. Đà Nẵng tháng 3-1975.[/caption]

Khi ngồi đọc lại các dòng nhật ký, tôi hình dung ra rất rõ các thầy, các cô dạy dỗ chúng tôi những môn lý luận. Thầy Tào Hào, thầy Minh dạy môn triết học: thầy Hoàng Sô, thầy Chẩm, thầy Linh và cô Lan dạy chính trị - kinh tế học; môn chủ nghĩa xã hội khoa học do thầy Hoàng Phong- phó hiệu trưởng và thầy Thanh Phong (trường Nguyễn Ái Quốc) giảng. Những môn lịch sử Đảng và lịch sử đường lối của Đảng do nhiều thầy giáo giảng dạy với nhiều báo cáo bổ trợ của cán bộ công tác ở các ban, ngành Trung ương. Vui nhất và hấp dẫn nhất vẫn là những buổi ngoại khóa, được nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Chính Hữu nói về cuộc đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng trong những năm 1958-1963. Nghe rồi mới biết, khi cách mạng chuyển giai đoạn kẻ thù đã phản công ta mà sự bắt đầu là cố gắng từng bước để làm sao giành lấy vũ khí báo chí và văn nghệ. Sự kiện và sự việc do các nhà thơ kể lại đã nói với học viên nhiều điều bổ ích về cuộc đấu tranh cần phải có để giữ lấy quyền lãnh đạo báo chí và văn nghệ - một vũ khí rất lợi hại trên mặt trận tư tưởng ở mọi thời kỳ.

Hạnh phúc của học viên khóa chúng tôi là được các thầy giáo có tiếng của trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Sư phạm giảng khá kỹ về hệ thống văn học trong nước và nước ngoài, về lịch sử cổ đại và cận đại trong nước và thế giới. Những bài giảng của các thầy: Hoàng Xuân Nhị, Ngụy Như Kon Tum, Hà Minh Đức, Nguyễn Lộc (Trường Đại học Tổng hợp) và các thầy: Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Thiếu Sơn (Trường Đại học Sư phạm), nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Đình Kỵ, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… đã khắc họa rất rõ cơ sở lý luận văn học, lịch sử văn học, các tác giả và tác phẩm văn học rất cần cho các nhà báo, các nhà biên tập xuất bản có cơ sở lý luận để nhìn nhận, đánh giá xu thế văn học và các tác phẩm văn học dưới góc độ báo- chí- xuất bản.

Các bài giảng về lịch sử cổ đại và cận đại của Việt Nam và thế giới do thầy: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, và Phan Huy Lê (trường Đại học Tổng hợp) giảng dạy đã bồi bổ cho học viên cách nhìn tổng quan về lịch sử Việt Nam và thế giới với sự tác động qua lại lẫn nhau, làm cơ sở cho học viên nhìn nhận, đánh giá sự vận động hiện tại của lịch sử dân tộc và thế giới.

Sau này, khi đi vào làm báo, đôi khi có những bài chính luận cần đến sự thể hiện bằng phương pháp so sánh, những nội dung bài giảng của các thầy về văn học và lịch sử cứ tự nhiên bật ra, làm nền cho sự cảm hứng ở những tác phẩm báo chí.

Đến bây giờ, nhìn lại, tôi và nhiều bạn đồng nghiệp vẫn đánh giá rất cao những bài giảng về lý luận báo chí nhưng bổ ích nhất vẫn là sự truyền nghề của những người đã từng làm báo. Đọc lại “Nhật ký học tập” tôi quý nhất các bài nói chuyện của các nhà báo: Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Trần Lâm, Phạm Chỉ, Thép Mới, Hữu Thọ, Nguyễn Mạnh Hào, Nguyễn Đình Ước, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản, Trần Ngọc, Triệu Hùng và nhiều nhà báo khác. Kinh nghiệm nghề nghiệp qua các chuyến công tác, các tác phẩm báo chí cụ thể qua các bài viết và các tấm ảnh do chính người trong cuộc kể lại và phân tích đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với học viên.

Chắc không ai quên các nhà báo: Lưu Quý Kỳ, Phạm Chỉ, Trần Bá Lạn, Việt Thái, Lam Giang, Mạnh Hào… nhận xét rất kỹ từng trang tin và bài viết của học viên báo chí về các sự kiện trong trường, những buổi đi thực tế, lên Ba Vì đắp đê Trung Hà, về Phúc Thọ, Chương Mỹ (Hà Tây) chống lụt mùa thu 1971; đến nhà máy dệt kim Đông Xuân, Bưu điện Bờ Hồ, trận địa đại đội 5 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô tháng 4/1972… Người chữa tin, bài tâm huyết, người học viết tin, bài trân trọng lắng nghe. Hai ý chí gặp nhau đã vun thu cho học trò sự quen dần về nghề nghiệp để khi được “cất cánh” sẽ có điều kiện bay lên, từ thấp đến cao.

[caption id="attachment_160891" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Nhà báo Ngọc Đản (đội mũ tai bèo phía sau) đang tác nghiệp tại Sở chỉ huy mặt trận B5 năm 1972. Ảnh chính diện là Tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh mặt trận.[/caption]

Ngày đó, thời giặc dã, sự nguy hiểm thường kề bên sự sống còn của mỗi gia đình nên sinh hoạt của học trò cũng mang tính quân sự khá rõ. Mỗi sự kiện chính trị xuất hiện, từng chi bộ, từng chi đoàn đều tổ chức diễn đàn để nghe và hội thảo, giúp nhau nâng cao chất chính trị cho nghề. Kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng (3/2/1970), cả trường học lại Di chúc của Bác, cùng đọc và thảo luận tác phẩm lý luận của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mang tựa đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, Lon Non được Mỹ giúp sức làm cuộc đảo chính ở Campuchia, các tổ chức Đảng và Đoàn cùng tìm hiểu về lịch sử của đất nước này và theo dõi rất sát trên báo, đài về Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống Mỹ. Mùa xuân năm 1971, khi Tố Hữu làm thơ:

“…..Ta sẽ đánh/ Đánh những đòn sét đánh/ Lũ diều hâu phải rã cánh, tan đầu/ Tổ quốc gọi/ Không sợ dài lâu/ Ta quyết mau lớn mạnh/ Mở con đường Hồ Chí Minh sáng đến mai sau…”

Cả trường hướng về mặt trận đường 9 - Nam Lào, nô nức mừng chiến công đánh bại quân thù trong cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của chúng. Những cuộc tọa đàm về Lê Mã Lương với lý tưởng “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường dục dã bước hành quân” được tổ chức ở tất cả các chi.

Cuối năm 1971, Tổng thống Mỹ Ních- xơn tung ra chiến lược ngoại giao nhằm đánh vào “sân sau” của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam, cả trường lắng nghe trên loa truyền thanh các bài xã luận ngùn ngụt tính chiến đấu của nhà báo Hoàng Tùng, đăng trên báo Nhân Dân “Học thuyết Ních - xơn nhất định phá sản”, “Một dân tộc bách chiến, bách thắng”.

Mùa xuân năm 1972, cả trường bật dậy trước chiến thắng vang dội ở các điểm cao: 244, 544, Đông Hà, Ái Tử, La Vang, mừng Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.

Những hoạt động chính trị kế tiếp nhau là sự bổ sung sâu sắc đối với các nhà báo, nhà biên tập xuất bản tương lai về sự tin tưởng ở đường lối cách mạng của Đảng, về sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm lắng sâu trong tâm hồn tuổi trẻ niềm tự hào về Đảng, Bác Hồ, về nhân dân anh hùng và Tổ quốc vĩ đại. Có lẽ, từ tình cảm ấy mà nhiều tối thứ bảy và ngày chủ nhật được phát động học thêm, ai cũng hăng hái ở trường.

Ngày gặp lại bạn bè báo chí trùng hợp giữa tháng Tư, gợi nhớ những ngày đầu hạ, cuối xuân 1972 lịch sử. Trường từ làng Sêu sơ tán trở về Hà Nội giáp Tết âm lịch 1970 thì tháng 4 năm 1972 lại sơ tán về Ứng Hòa (Hà Tây) khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ hai ập đến miền Bắc XHCN. Ngày 16/4/1972, giặc Mỹ đem B52 rải thảm ở Hải Phòng. Suốt ngày 16 và 17/4/1972, máy bay cường kích liên tiếp đánh phá ngoại ô Hà Nội, làm kho xăng Đức Giang bốc cháy ở huyện ngoại thành Gia Lâm. Đêm 20/4 và ngày 21/4/1972, những nhà báo, nhà biên tập xuất bản tương lai hành quân về Hà Tây sơ tán.

Ai có xe, đi xe. Ai không có xe thì cuốc bộ. Cuộc hành quân đêm dài 80 kilômét đã kéo cả trường dũng cảm ra đi, để lại một hồ Vuông, một hội trường Đỏ vắng tanh hình bóng học trò.

Ngày đó, bạn bè đi, còn chúng tôi ở lại, 53 học viên lớp phóng viên tiền phương từ cơ sở I ở Cầu Giấy về lại cơ sở II ở ấp Thái Hà đưa tiễn bạn bè rồi sửa soạn sẵn sàng vào chiến trường Quảng Trị. Ngày 25/5/1972, chúng tôi mặc quân phục mới đổi xanh màu vải Tô Châu, đội mũ tai bèo, đeo súng ngắn, máy ảnh và túi phóng viên màu xanh, lên xe tải bịt kín vải bạt để vượt Trường Sơn, đến với Trị- Thiên khói lửa. Có những người đi, mối tình dang dở đang ở lại trường, xe cứ chạy, tay vạch góc bạt để nhìn xuống làng quê Ứng Hòa, mong gặp lại người thân và bạn bè. Không ai nói với ai nhưng ai cũng nghĩ: Mình đi vào Quảng Trị ác liệt, có thể về và có thể không về. Nhưng, may thay, sau “Mùa hè đỏ lửa” ở Quảng Trị và mùa mưa trộn bùn cùng máu của hàng vạn đồng bào, đồng chí trong cuộc phản kích trên quy mô lớn của quân thù, đến đầu tháng 12/1972, tất cả chúng tôi đã về với hậu phương đông đủ, chỉ có một cán bộ quản lý lớp - nhà báo Hồ Minh Khởi vĩnh viễn nằm lại ở Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh trước khi đoàn phóng viên tiền phương ra Bắc một ngày. Bây giờ, giở lại những tờ báo xuất bản ngày ấy, chúng tôi vẫn rất tự hào với các tấm ảnh, những tác phẩm báo chí viết từ chiến trường, gửi về hậu phương, được các báo chọn đăng và Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần trên sóng. Đó là các tác phẩm: Trận địa phía Tây Nam Thành cổ, Trai gái Triệu Phong lên đường đánh Mỹ, Bên bờ Kiến Giang, Tay súng B40 xuất sắc, Uy lực của quả lựu đạn cuối cùng, Trận địa bên dòng Thạch Hãn không dứt tiếng “ Hoa mua”, Lái xe tăng Mỹ trở về với cách mạng, Phòng ngự tốt nhất là biết tiến công… Ở nơi sơ tán, bạn bè nghe được Đài phát các bài của phóng viên tiền phương, mọi người rất vui, khi gặp lại nhau, ai cũng kể lại. Còn các thầy, các cô càng vui lòng về những học trò mà nhà trường dày công rèn luyện.

Tháng chạp năm ấy, mới từ Quảng Trị ra Phúc Thọ (Sơn Tây) được năm tuần, lớp phóng viên tiền phương lại được điều đi tham gia viết bài, chụp ảnh trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và các tỉnh ven Hà Nội. Đó là trận đánh có một không hai, khó có thể lặp lại trong lịch sử dân tộc. Ngày đó, nếu báo chí nhiều như bây giờ, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm của bạn bè còn lưu lại.

Dẫu có ai nói rằng: “Biết rồi mà cứ nói mãi” thì trong chúng tôi, ai cũng cứ muốn nhắc lại như niềm tự hào chung của lớp, của trường. Đó là cuộc hội quân hùng vĩ tại Sài Gòn ngày 30/4 và 1/5/1975, khi kẻ thù đầu hàng vô điều kiện. Tất cả năm cánh quân tiến vào thành phố đều có mặt học viên báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương, sau 18 tháng ra trường, đã trở thành phóng viên mặt trận. Trên hướng Tây Bắc có: Lê Trung Đạo, Lê Viết Lung, Nguyễn Xuân Điện, Dương Văn Xuyển (Báo Binh đoàn Quyết Thắng- quân đoàn I). Hướng Đông Bắc có: Nguyễn Đức Thiện, Quốc Việt, Đinh Hữu Ngọt (Báo Binh đoàn Hương Giang- quân Đoàn II). Hướng Bắc có: Nguyễn Đắc Sinh, Lê Thanh, Trần Kim Dung, Nguyễn Mạnh Tuấn (Báo Binh đoàn Tây Nguyên- quân đoàn III). Hướng Tây Nam có: Đỗ Xuân Trường, Vũ Hồng Hưng, Đỗ Đình Nghiệp, Nguyễn Ngọc Quỳnh (Báo Binh đoàn Cửu Long- quân đoàn IV). Hướng Tây Nam, từ Đồng Tháp Mười lên có: Vũ Đạt và Thiều Quang Biên (phóng viên Báo Quân đội Nhân dân). Từ trên miền Đông Nam Bộ đổ xuống có: Hoàng Huân, Nguyễn Văn Sung, Đỗ Tất Thắng, Trần Đình Bá, Cầm Hùng, Việt Ân, Lê Nhật (Báo Quân Giải phóng miền Nam). Từ miền Bắc, đi theo các quân đoàn từ hậu phương vào chiến dịch- Huế - Đà Nẵng, đi dọc miền Trung, Tây Nguyên, vào B2 rồi vào Sài Gòn có: Ngọc Đản, Hoàng Thiểm (phóng viên Thông tấn Quân sự), Khánh Toàn (Buổi Phát thanh Quân giải phóng miền Nam, Đài Phát thanh Giải Phóng). Tại Trị- Thiên, khi tiến vào giải phóng Huế có Nguyễn Hải Chinh (phóng viên Thông tấn Quân sự Trị - Thiên - Huế). Tại khu 5, khi tiến vào giải phóng Đà Nẵng, có Nguyễn Duy Quyền, Nguyễn Khắc Thông, Nguyễn Tuấn, Vũ Văn Tuân, Vũ Mạnh Long, Phạm Văn Rục, Minh Quang, Phí Văn Chiến (Báo Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ). Tám người vào khu 5, chỉ có Phạm Quang Dụ, hy sinh tháng 12- 1974, trước khi mùa xuân đại thắng mở màn.

Gần 50 năm ra trường, nhớ về một thời học làm báo dưới mái trường xưa, gần 300 học viên của 6 chi học tập thuộc Khoa Báo chí và Khoa Xuất bản hầu hết chung thủy với nghề, trong đó rất nhiều người thành đạt từ nghề, bằng ngòi bút và những tác phẩm tâm huyết. Chức vụ và sự giàu sang, thành đạt và không thành đạt trước hết đều do ý chí của mỗi người nhưng cũng còn do cả sự may rủi trên đường đời và do cả số phận như ông cha ta đã từng tổng kết.

Ngày về trường, cứ nhìn lại những người đã từng học các khóa ngắn hạn đi trước, nhìn tới các khóa đào tạo tập trung và tại chức tiếp theo, chúng tôi - những học viên báo chí- xuất bản khóa 1969 -1973, dù khiêm tốn đến đâu, cũng có quyền tự hào về bạn bè mình vì đã ghi được những dấu ấn khó quên đối với mái trường mình học. Ngày vui gặp mặt, tôi cứ tự hỏi: Cuộc sống thị trường đang cuồn cuộn tiến về phía trước, có ai còn nhớ làng Sêu một thời sơ tán? Có ai còn nhớ Ứng Hòa, bến Đục với mẩu bánh mỳ mơ ước và rổ khoai leo lét ánh đèn dầu? Có ai nhớ thầy, nhớ cô ngày xưa mình học, bây giờ ai mất, ai còn? Ai nhớ hồ Vuông, hồ Bán nguyệt, hội trường Đỏ trong ấp Thái Hà đông vui một thuở? Ai nhớ sân trường Cầu Giấy, bao giờ cũng được che mát bởi tình bạn bè, nghĩa thầy- trò dưới tán bàng sum suê?

Kỷ niệm xưa, nếu ai không nhớ, chắc gì hạnh phúc sẽ đi trọn cả cuộc đời?

Hà Nội, tháng 4- 2017.

K.T

Tin khác

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo
Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo