Ứng phó linh hoạt, nâng cao vai trò tấm lưới an toàn bảo vệ người lao động trước rủi ro

Thứ ba, 21/04/2020 10:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước những biến động phức tạp của đại dịch Covid-19, toàn ngành BHXH thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt, tạo nên một tấm lưới an toàn để bảo vệ người lao động trước những rủi ro trong lao động và cuộc sống.

BHXH (bao gồm cả BHTN, BHYT) đã và đang thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với những tác động đến việc làm, thu nhập.

Chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp và người lao động trước dịch bệnh

Có thể thấy rằng, tác động của đại dịch COVID-19 là rất lớn. Mặc dù đến nay, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là quốc gia khống chế dịch tốt nhất. Tuy nhiên, những khó khăn mà dịch bệnh tạo ra thì chúng ta vẫn đang phải đối mặt. Trước tình trạng người lao động bị thất nghiệp, phát sinh chi phí y tế và giảm thu nhập khi nghỉ ốm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thời gian qua, chính sách và tổ chức thực hiện BHXH đã thực hiện điều chỉnh trên nhiều phương diện.

BHXH đã và đang thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với những tác động của dịch Covid-19 đến việc làm, thu nhập.

BHXH đã và đang thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với những tác động của dịch Covid-19 đến việc làm, thu nhập.

Trước hết, trong việc tham gia và thu BHXH, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 11/CT-TTg giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo công bằng giữa các đối tượng tham gia, tránh tình trạng trục lợi chính sách; sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan BHXH cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc về tạm dừng đóng. 

Mặc dù quy định này đã có từ trước khi xảy ra dịch COVID-19, tuy nhiên việc thực hiện quy định kịp thời đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin tạm dừng đóng, không thực hiện thanh tra - kiểm tra trong quá trình tạm dừng đóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là cần thiết nhằm chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp và người lao động trước dịch bệnh.

Song song với đó, về chi trả BHXH, ngành cũng tích cực, linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho lao động.

Trước hết, trong chi trả chế độ ốm đau có sự quan tâm đặc biệt tới những người lao động dương tính với COVID-19, phát sinh chi trả chế độ ốm đau và bảo hiểm y tế. Những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT bổ sung nội dung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống Bưu điện. Theo đó, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ tổ chức vào cùng một kỳ. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chi trả, đảm bảo an toàn cho người hưởng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan Bưu điện rà soát danh sách người hưởng từ 80 tuổi trở lên; người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, đi lại khó khăn, người hưởng bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú, có thông báo cho cơ quan Bưu điện để tổ chức chi trả tại nhà... Kiểm tra việc tổ chức chi trả của cơ quan Bưu điện; phối hợp xử lý, giải quyết, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường, vận động, khuyến khích người hưởng nhận chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân.

Ngoài ra, vấn đề chi trả BHYT cũng được tính toán phù hợp nhất có thể để đảm bảo tốt nhất cho người lao động. Theo quyết định công bố dịch của Chính phủ ngày 1/2/2020 quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus này. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.

Bộ phận giám định bảo hiểm y tế tại các bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi nghi ngờ nhiễm virus.

Trong tình hình dịch bệnh, bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cơ sở nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của quý 01/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus…

Ngoài ra, chi trả BHTN cũng là vấn đề được quan tâm hiện nay khi mà tình trạng thất nghiệp gia tăng. BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời BHXH cân đối nguồn kinh phí chi trả BHXH có thể gia tăng đột biến do tác động của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế.

Tiếp tục giải pháp tăng cường vai trò của BHXH trước đại dịch Covid-19

Có thể nói rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới người lao động, không chỉ mất/giảm việc làm mà còn phát sinh chi phí y tế và giảm thu nhập do nghỉ ốm. Chính vì lẽ đó, sự điều chỉnh kịp thời chính sách BHXH, BHYT, BHTN và sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện thu, chi các chế độ BHXH, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết BHTN cho người lao động là bài toán cần thiết, cấp thiết và phù hợp. Sự vào cuộc của ngành BHXH đã phần nào giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động, thể hiện vai trò là tấm lưới an toàn bảo vệ người lao động trước rủi ro làm mất, giảm thu nhập của chính sách BHXH.

Ngành BHXH tích cực, linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho người lao động.

Ngành BHXH tích cực, linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho người lao động.

Không thể phủ nhận rằng, cùng chung tay với các bộ ban ngành, BHXH đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua. Nhưng trước mắt còn không ít khó khăn, chắc chắn cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong hành động.

Theo các chuyên gia, đối với những quy định được điều chỉnh để kịp thời ứng phó với đại dịch, cơ quan BHXH tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp, người lao động kịp thời nắm bắt thông tin. Đồng thời, trong bối cảnh con người cảm nhận rõ rệt nhất sự khó khăn trước dịch bệnh, cũng là thời điểm để tác động đến ý thức của người tham gia BHXH về tầm quan trọng của chính sách BHXH, từ đó, chủ động, tự giác tham gia.

Ngoài ra, toàn ngành cũng cần thực hiện dự báo biến động lao động tham gia và hưởng BHXH, đo lường những tác động của đại dịch COVID-19 một cách toàn diện đến BHXH bao gồm số lao động tham gia BHXH (bắt buộc, tự nguyện), sự suy giảm tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, số thu của Quỹ BHXH, số lao động và doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH, số lao động nhận trợ cấp BHTN, trợ cấp ốm đau, nhận quyền lợi BHYT, khả năng cân đối của Quỹ BHXH…

Song song với đó, cần tiến hành dự báo, chuẩn bị nguồn lực cho việc chi trả các chế độ BHXH ảnh hưởng trực tiếp và trước mắt bởi đại dịch Covid-19. Có sự chuẩn bị về nhân lực, tiếp tục đổi mới quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động và cán bộ, nhân viên BHXH. Các kênh tư vấn về những điều chỉnh chính sách, tổ chức thực hiện BHXH do tác động của dịch bệnh Covid-19 cần được duy trì, phổ biến thông qua đường dây nóng, website của cơ quan BHXH, chính quyền địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh.

Thêm nữa, cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi biến động của dịch bệnh, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề mới phát sinh của thực tiễn để kịp thời tham mưu chính sách, điều chỉnh quá trình tổ chức thực hiện; góp phần cùng cuộc chiến chống dịch của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động...   

  BM

Tin khác

Nam Định: Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Nam Định: Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nigeria và Ấn Độ quyết định sử dụng nội tệ trong thương mại

Nigeria và Ấn Độ quyết định sử dụng nội tệ trong thương mại

(CLO) Ấn Độ và Nigeria có thể sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận về giải quyết nợ và thanh toán bằng nội tệ, với mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine hoàn tất thỏa thuận thương mại với UAE

Ukraine hoàn tất thỏa thuận thương mại với UAE

(CLO) Ukraine và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã hoàn tất thỏa thuận thương mại song phương, đặt nền tảng cho việc tăng cường đầu tư và thương mại giữa hai nước, theo Bộ Kinh tế Ukraine.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ván gỗ công nghiệp Vĩnh Phát – Sản phẩm thân thiện vì môi trường xanh

Ván gỗ công nghiệp Vĩnh Phát – Sản phẩm thân thiện vì môi trường xanh

(CLO) Là đơn vị tiên phong trong sản xuất các loại ván gỗ công nghiệp tại Gia Lai, nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp Vĩnh Phát đang sản xuất, bán ra thị trường nhiều chủng loại, kích thước, vân gỗ hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024

(CLO) Ngày 4/5, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân năm 2024. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh tri ân các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian qua, đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh năm bắt được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ.

Thị trường - Doanh nghiệp