Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ KH&CN

Thứ hai, 19/03/2018 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, ngày 19/3, tại Nhà Quốc hội, UBTV Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn, tại phiên chất vấn này, UBTV Quốc hội lựa chọn một số vấn đề vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về tư pháp, khoa học công nghệ.

Báo Công luận
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Để hoạt động chất vấn đạt hiệu quả thiết thực, tại Phiên họp thứ 22 này, UBTV Quốc hội thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Trước hết là tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ngay, thay vì dồn 2- 3 câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng mới trả lời thì đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá một phút; người trả lời chất vấn không quá 3 phút. Đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời có thể giơ biển đăng ký chất vấn lại, nhưng thời gian hỏi và trả lời ngắn hơn.

Để tăng tính tương tác với người hỏi và người trả lời, UBTV Quốc hội cũng mời các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương dự họp, để có thể trực tiếp nêu câu hỏi chất vấn ngay với bộ trưởng, trưởng ngành.

Trong phiên chất vấn sáng nay 19/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho ý kiến bằng văn bản về quan điểm của Bộ trong việc xử lý tài sản tăng thêm trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc đã nêu trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để có thể trình UBTV Quốc hội tại phiên họp trong tháng 4 tới đây.

Khẳng định đây là dự án luật khó, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chuẩn bị trình tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội nhưng hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.

Về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, có ý kiến đề xuất và Chính phủ cũng đã trình là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Ông Lê Thành Long cũng cho biết, theo công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng thì cách xử lý là những gì không chứng minh được thì tịch thu hoặc xử lý hình sự. Trung Quốc cũng xử lý như vậy. Riêng Việt Nam thực hiện ngay thì chưa được, không khả thi.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quan điểm ban đầu của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, đưa ra toà để xem xét, giống như các vụ về chiếm hữu tài sản một cách không có căn cứ. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan liên quan để có ý kiến trình UBTV Quốc hội.

Về tình trạng chậm, muộn trong xây dựng pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng nêu thực tế, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn có tình trạng những dự án phải thay đổi, phải dời chương trình hoặc đưa ra khỏi chương trình. Việc này lặp đi lặp lại khá nhiều và tồn tại trong nhiều năm qua. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này, nhất là việc xử lý trách nhiệm thuộc về ai?, đại biểu Trương Minh Hoàng nêu câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng “xin lùi, xin rút, xin điều chỉnh và bổ sung vào chương trình hàng năm”.

Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Nhưng theo Bộ trưởng, đánh giá theo mặt tích cực thì tình trạng "xin lùi, xin rút" đã bớt đi. Nguyên nhân của tình trạng trên, là do khi lập đề nghị để đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa trù liệu hết được, như Luật Quy hoạch khi xây dựng kéo theo sửa đổi một loạt các luật khác. Bên cạnh đó, số lượng các dự án luật, pháp lệnh hình thành trong thời gian qua rất lớn. Quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chặt chẽ hơn, đòi hỏi đánh giá tác động kỹ càng hơn.

Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu ngành tư pháp cho biết cần chủ động sớm rà soát các nguồn đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ưu tiên tính khả thi; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định; đôn đốc các bộ ngành.

Tại phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ các vấn đề liên quan đến hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Trả lời câu hỏi của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng, đề nghị Bộ trưởng làm rõ tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn kéo”, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, “bỏ ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu khoa học đúng là vấn đề rất trăn trở. 

Với trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, thì kết quả nghiên cứu chậm ứng dụng vào cuộc sống cũng là lãng phí. Dù vậy, Bộ trưởng mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ một số đặc thù của ngành khoa học và công nghệ là các nghiên cứu thường có độ trễ, có rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích.

Về giải pháp, cùng với việc kết nối khoa học và công nghệ phục vụ kinh tế- xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu của khoa học và công nghệ, nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng triển khai. Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội, huy động nguồn lực xã hội cũng được quan tâm.

Tranh luận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thẳng thắn nêu tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn tủ” vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài không gắn với ứng dụng thực tiễn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể hơn tránh lãng phí trong nghiên cứu khoa học.

Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn

Làm rõ hơn phần tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục và hạn chế tình trạng lãng phí trong nghiên cứu, Bộ đã đã có chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chủ động phối hợp với các địa phương xác định triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào những vấn đề gắn với phát triển kinh tế- xã hội, hạn chế các nghiên cứu cấp cơ sở. 

Hiện nay, các địa phương đã kiên quyết bỏ các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội cấp cơ sở để dồn nguồn lực cho các nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa các bộ ngành và địa phương; kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa ứng dụng hiệu quả và sử dụng ứng dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực lớn. Bộ Khoa học Công nghệ cần phải nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, lưu giữ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học; công khai minh bạch xử lý trùng lặp; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kiểm tra rà soát ngay từ khâu đăng ký đề tài để tránh trùng lặp.

PV

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức