Văn hóa - Nghệ thuật 2023: Những điểm nhấn nổi bật

Chủ nhật, 31/12/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Năm 2023 kết thúc cũng là lúc những người làm văn hóa, công chúng và người yêu nghệ thuật nhìn lại những thành công và cả những điều trăn trở, chưa làm được trong một năm có rất nhiều sự kiện văn hóa lớn, nổi bật, để từ đó tạo niềm tin, động lực để hướng đến năm 2024 với những kỳ vọng mới.

Báo Nhà báo & Công luận nhìn lại những điểm nhấn đáng nhớ trong đời sống văn hóa giải trí một năm qua.

Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Hoạt động nổi bật nhất, xuyên suốt năm 2023 là chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên khắp cả nước đồng loạt diễn ra các chương trình cụ thể. Ở Trung ương, Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp tổ chức ba hoạt động lớn gồm: Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và phim tài liệu “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.

van hoa  nghe thuat 2023 nhung diem nhan noi bat hinh 1

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam diễn ra vào tối 28/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân Dân

Nhân dịp này, nhiều hoạt động kỷ niệm cũng diễn ra rộng khắp trên cả nước như: Tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu Đề cương về văn hóa Việt Nam… Cùng với đó là các hoạt động nhìn lại, đánh giá kết quả một năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; từ đó, làm sâu sắc hơn ba nội hàm của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là tính dân tộc, khoa học và đại chúng…

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với các hình thức đa dạng, tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần hơn nữa ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cũng đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

“Đề cương văn hóa Việt Nam” có thể nói như Kim chỉ nam cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và giải trí trên cả nước, tiếp thêm sinh lực để đội ngũ những người làm văn hóa mạnh dạn dấn thân vào công cuộc chăm lo, phục vụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tín hiệu tích cực từ thị trường phim Việt

Sau năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thị trường phim Việt đã đón những tín hiệu tích cực trong năm 2023, đặc biệt ở góc độ thương mại. Có nhiều bộ phim cán mốc 100 tỷ như: “Nhà bà Nữ” (475 tỷ đồng) và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (270 tỷ đồng), “Em và Trịnh” (hơn 100 tỷ), “Bỗng dưng trúng số” (hơn 170 tỷ đồng) và “Đất rừng phương Nam” (gần 140 tỷ), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (121 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (121 tỷ đồng). Ngoài ra, còn một số bộ phim cũng đạt doanh thu cao như: “Người vợ cuối cùng” (gần 100 tỷ), “Con nhót mót chồng” (75 tỷ)…

van hoa  nghe thuat 2023 nhung diem nhan noi bat hinh 2

Không phủ nhận, phim Việt vẫn đang bị “lép vế” tại sân nhà khi các tác phẩm ra rạp chưa nhận được sự chào đón nhiệt tình của khán giả bởi chất lượng phim Việt còn hạn chế ở nhiều yếu tố, từ nội dung, mô tuýp, kịch bản, diễn xuất cũng đến các vấn đề hậu trường… Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng cho thấy sự nỗ lực và cố gắng chuyển mình của các nhà làm phim nội. “Đất rừng phương Nam” có thể gây tranh cãi nhưng xứng đáng xem là bộ phim nổi bật nhất, đóng vai trò tiên phong cho phim Việt trong giai đoạn cuối năm trước sự “tấn công” của những tác phẩm điện ảnh của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại TP. Đà Lạt vào cuối tháng 11/2023 thể hiện những dấu ấn rõ nét của phim nội khi số lượng phim tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay (Từ 177 tác phẩm tham dự, Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 146 bộ phim, gồm 91 phim dự thi, 56 phim chiếu trong chương trình Toàn cảnh).

Theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh, Trưởng ban tổ chức, LHP lần này có nhiều bộ phim hay, chất lượng nghệ thuật được nâng cao, ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo, có sự tìm tòi độc đáo trong cách kể chuyện. Đội ngũ làm phim từ nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, đến quay phim, âm nhạc, âm thanh và dựng phim ngày càng chuyên nghiệp. Nhiều phim có nội dung tư tưởng tốt, nghệ thuật thể hiện lôi cuốn, hướng tới giá trị nhân văn.

“Cơn bão” BlackPink và bài học phát triển công nghiệp văn hóa

Trong năm 2023, Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ âm nhạc thế giới với hàng loạt siêu sao “đổ bộ”, trở thành mốc son khẳng định sự vươn tầm bằng các siêu nhạc hội thương hiệu Việt trên bản đồ công nghiệp giải trí toàn cầu. Nổi bật nhất chính là chuyến lưu diễn của BlackPink, ban nhạc nữ hàng đầu K-pop. Sự xuất hiện của “bốn bông hồng” Hàn Quốc sau hơn 2 năm các hoạt động giải trí gần như đóng băng do đại dịch COVID-19 thực sự khuấy động, thổi một làn gió mới vào thị trường giải trí nội. Chỉ trong 2 đêm 29 và 30/7/2023, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đón hơn 67.000 người đến xem show âm nhạc của BlackPink. Và cũng chỉ trong hai đêm diễn này, doanh thu đem lại cho nhà tổ chức lên hơn 13 triệu USD (trên 333 tỷ đồng).

Ngoài tour lưu diễn của BlackPink, còn có hàng loạt tên tuổi “khủng” của làng nhạc Hàn Quốc như CL - cựu thủ lĩnh nhóm nhạc 2NE1, Super Junior, Taeyang (BIGBANG), BoA, Hyoyeon (SNSD), KARD,... rồi sự xuất hiện của “tượng đài pop rock” Maroon 5, “thần đồng âm nhạc” Charlie Puth… tại Siêu nhạc hội quốc tế 8Wonder tại Phú Quốc, Nha Trang. Và cuối tháng 11/2023 là sự xuất hiện của ban nhạc nổi tiếng thế giới tới từ Ireland – Westlife.

van hoa  nghe thuat 2023 nhung diem nhan noi bat hinh 3

Những sự kiện giải trí đình đám này tạo cơ hội cho khán giả trong nước được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, tiệm cận với nền giải trí thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, nó cũng mang lại nhiều bài học cho các nghệ sĩ và cả những nhà quản lý. Trong đó, các chuyên gia truyền thông nhấn mạnh đến nhiều vấn đề, từ công tác tổ chức, bản quyền đến cách tạo ra nội dung giải trí chất lượng và sáng tạo, việc đầu tư vào việc phát triển năng lực của các nghệ sỹ và nhóm nhạc, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khán giả.

Thành công của BlackPink tại Việt Nam cũng cho thấy các ngành công nghiệp giải trí và công nghiệp văn hóa - sáng tạo của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản và thách thức dù chúng ta đã có chủ trương và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa từ năm 2016.

Hiện nay, nhiều quốc gia nhận thức rất rõ, các tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt, nhưng văn hóa sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, phát huy giá trị của nó. Ở góc độ kinh tế, các sản phẩm công nghiệp văn hóa có thể “mang tiền về” cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào. Không chỉ vậy, văn hoá còn là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, lan toả “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đặt được nền móng “công nghiệp văn hoá”, trước hết chúng ta cần phải thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò “sức mạnh mềm” của văn hoá. Chúng ta cần những luật định cụ thể và rõ ràng cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước; cần sự liên kết đồng bộ, chuyên nghiệp để tạo thành một hệ thống giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật, phát hành, phân phối và quảng bá các sản phẩm... Vẫn biết, để biến những sáng tạo văn hóa thành những con số doanh thu là bài toán không dễ dàng, nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu, bởi nếu không, chúng ta sẽ mãi ở phía sau.

Hồi hương cổ vật - hành trình nhiều gian nan

Rạng sáng ngày 18/11/2023, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã “an toàn” về tới Việt Nam. Sự kiện này kết thúc những nỗ lực của hơn 1 năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại Pháp và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn cổ vật Việt Nam bị “chảy máu” ra nước ngoài từ nhiều năm qua. Thế nhưng, việc đưa các cổ vật về nước còn rất nhiều gian nan. Khó khăn đầu tiên là cổ vật được mang đấu giá sẽ có giá rất cao và khả năng rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài. Do đó mua cổ vật đấu giá là “con đường” rất rủi ro, mà ví dụ điển hình là thất bại của tỉnh Thừa Thiên Huế trong đợt đấu giá bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi năm 2010.

van hoa  nghe thuat 2023 nhung diem nhan noi bat hinh 4

Ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo đã “an toàn” về tới Việt Nam vào rạng sáng ngày 18/11/2023.

Ngoài ra, một điểm “vướng” rất rõ khác là về thể chế. Chúng ta chưa có một điều luật hoặc một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật hoặc di sản văn hóa vật thể của Việt Nam trở về nước. Chính vì vậy, với các cá nhân, đơn vị tư nhân, để đưa cổ vật hồi hương, họ thường phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi là sự quản lý chồng chéo, nhiêu khê của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa... Số các cổ vật được “hồi hương” hằng năm không được thống kê cụ thể bởi nhiều lý do, trong đó, rất nhiều nhà sưu tầm cổ vật không muốn công khai thay vì được vinh danh lại bị phiền hà… Rõ ràng, đến lúc chúng ta cần có một chiến lược cụ thể với những cơ chế, chính sách đủ mạnh, để khơi thông, khuyến khích các cá nhân, đơn vị chung tay đưa cổ vật về nước.

Và những lùm xùm, ồn ào…

Bên cạnh những nét tích cực, những mảng màu tươi sáng của đời sống văn hóa, giải trí trong một năm có hàng trăm, hàng ngàn sự kiện được tổ chức, vẫn còn những câu chuyện buồn, những điều trăn trở… khiến không chỉ người làm văn hóa mà cả công chúng, người yêu nghệ thuật cảm thấy băn khoăn, lo lắng.

Đó là tình trạng vi phạm bản quyền văn học nghệ thuật vẫn xảy ra hằng ngày. Thực trạng phim xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội chưa được ngăn chặn triệt để dù Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT rất nỗ lực phối hợp với các bộ ngành liên quan để “dẹp loạn”, như việc: quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại, cảnh báo; tăng cường giám sát, xử phạt các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền, truyền bá tin xấu độc trên không gian mạng…

Hay như việc vẫn có văn nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, trong hoạt động quảng cáo; tình trạng câu view bằng những hành vi phản cảm, nguy hiểm của một số nghệ sĩ... Những điều này khiến dư luận bức xúc, lên tiếng đòi hỏi các nhà quản lý cần phải “cấm sóng”, “cấm mạng”, “cấm diễn” để ngăn chặn các vi phạm, từng bước làm lành mạnh không gian nghệ thuật, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Trường hợp người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam 3 tháng vào cuối tháng 10/2023 vì hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, sau khi đăng tải lên mạng xã hội các clip biểu diễn trên xe mô tô phân khối lớn, là một trong những vụ việc nổi cộm.

Sau một năm 2022 bùng nổ cuộc thi sắc đẹp, năm 2023 tiếp tục chứng kiến “cơn mưa” cuộc thi hoa hậu và kéo theo đó không ít lùm xùm. Dư luận vẫn chưa thể quên sự cố phát ngôn của Hoa hậu thế giới Việt Nam Huỳnh Trần Ý Nhi hồi tháng 7/2023. Chưa hết, ngay sau đó, Á hậu 1 Đào Thị Hiền cũng lại “gây bão” vì “vạ miệng”. Những câu chuyện về hoa hậu còn tiếp tục nối dài với tranh chấp về tên gọi cuộc thi Hoa hậu giữa hai đơn vị Sen Vàng và Minh Khang; vụ tranh chấp tài sản giữa bà Đặng Thùy Trang và bị đơn là Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên…

Ngoài ra, làng giải trí Việt còn chứng kiến không ít ồn ào bởi một số chiêu trò “lố” trên các games show Việt; vụ tranh chấp bản quyền giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh. Rồi gần nhất là ồn ào quanh việc ca sĩ Đinh Trang “tố” học trò vô ơn, miệt thị cô giáo…

Vào những ngày cuối năm 2023, đời sống văn hóa giải trí Việt tiếp tục “nóng lên” với câu chuyện xét duyệt NSND, NSƯT của NSƯT Đỗ Kỷ, sau khi ông không có tên trong danh sách xét duyệt danh hiệu NSND đợt 10; sự việc diễn viên Bùi Lan Hương đăng ký tham gia hạng mục nữ chính tại LHP Việt Nam lần thứ 23, nhưng thắng giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc”…

Hữu Kế - Tiến Toàn

Bình Luận

Tin khác

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

(CLO) 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trên cả nước sẽ có 7 ngày để thực tế, sáng tác tại nhiều di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

(CLO) Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện ẩm thực, thể thao, diễu hành, ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật…

Đời sống văn hóa
Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

(CLO) Chiều 10/5, UBND Thành phố Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức buổi lễ phát động Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Sự kiện diễn ra nhằm tìm kiếm những ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo và khai thác quỹ đất thành phố hiệu quả.

Đời sống văn hóa
Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

(CLO) Đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Đời sống văn hóa
Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(CLO) Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.

Đời sống văn hóa