Vấn nạn nhập cư trái phép: Nỗi ám ảnh chưa có lối ra của châu Âu

Thứ năm, 09/03/2023 09:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc Chính phủ Anh ngày 7/3 công bố kế hoạch mới nhằm mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua Eo biển Manche có thể xem là động thái quyết liệt mới nhất từ các quốc gia châu Âu trong nỗ lực chặn dòng người nhập cư ngày càng ồ ạt.

“Nhập cư bất hợp pháp tại Anh đã vượt quá giới hạn”

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman trong phát biểu trình bày trước Quốc hội Anh về dự luật cấm nhập cư trái phép vừa được công bố. Theo bà Suella Braverman, dự luật được đưa ra trong bối cảnh nhập cư bất hợp pháp tại Anh đã vượt quá giới hạn và trở thành một phần của cuộc khủng hoảng di cư trên toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, dự luật quy định, người nhập cư trái phép vào Anh qua Eo biển Manche sẽ bị trục xuất, bị cấm nhập cảnh vào Anh và bị cấm xin cấp quy chế công dân của nước này. Sau khi bị trục xuất, người di cư sẽ được đưa trở lại quê hương của họ hoặc đến một điểm đến an toàn như Rwanda, theo khuôn khổ đối tác đã thống nhất giữa 2 nước. Các quyền pháp lý của những người này sẽ bị hạn chế đáng kể.

van nan nhap cu trai phep noi am anh chua co loi ra cua chau au hinh 1

Người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải chuẩn bị được đưa vào đất liền ở ngoài khơi Libya. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thực ra không phải đến bây giờ, mà từ lâu, đặc biệt là từ năm 2018 khi dòng người nhập cư tăng mạnh, di cư bất hợp pháp đã là vấn đề làm đau đầu các nhà chức trách Anh. Năm 2022 vừa qua, có trên 45.000 người vượt Eo biển Manche nhập cảnh vào Anh, tăng 60% so với năm trước đó, có những ngày như ngày 22/8/2022 số lượng người vượt biển lên tới 1.295 lượt người - con số được xem là cao kỷ lục. Từ đầu năm 2023 đến nay, con số này đã lên gần 3.000 người.

Thực trạng đau lòng

Nạn di cư bất hợp pháp không là nỗi đau đầu của riêng Chính phủ Anh, mà còn là vấn đề toàn cầu, trong đó có toàn châu Âu. Chỉ tính thống kê của Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) từ tháng 11/2022 cho biết trong 10 tháng năm 2022, khoảng 275.500 người đã di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu (EU), tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016. Ông Samir Zaqout - Phó Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Al Mezan từng cho biết: “Khoảng 250.000 người Palestine, chiếm khoảng 10% dân số Gaza, đã tìm cách rời khỏi Dải Gaza và đến Tây Âu. Đây là một tỷ lệ đáng kể”.

Cũng từ vấn nạn này, rất nhiều điều đau lòng đã xảy đến. Người di cư thường sử dụng thuyền nhỏ để di chuyển trong đêm tối, tránh được sự phát hiện của lực lượng an ninh 2 nước, song tiềm ẩn mối nguy hiểm đe dọa tính mạng. Theo dữ liệu từ LHQ, hơn 20.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2022 có trên 1.450 người di cư đã thiệt mạng khi đi qua tuyến đường này để đến châu Âu. Riêng từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 2/2023, ước tính hơn 220 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên hành trình di cư. Nhiều thảm kịch đã xảy ra. Mới đây nhất, chỉ trong tháng 2 vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều thảm kịch di cư chấn động: vụ trên 70 người di cư thiệt mạng do đắm tàu ngoài khơi Libya; vụ chìm tàu chở người di cư ngoài khơi bờ biển miền Nam Italy khiến hàng trăm người thiệt mạng; vụ hàng chục người di cư tử vong trong xe tải tại Bulgaria...

Chính sách phù hợp trong vấn đề nhập cư - vấn đề cấp thiết

Xung đột, thất nghiệp, mất an ninh lương thực được xem là những yếu tố chính khiến dòng người di cư liên tục đổ về châu Âu và cảnh báo mới được Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra là năm 2023 này dòng người di cư vào châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt.

van nan nhap cu trai phep noi am anh chua co loi ra cua chau au hinh 2

Tháng 11/2022, Thủ tướng Áo, Hungary và Tổng thống Serbia tại lễ biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp. Ảnh: Hungarytoday.hu

Cách đây chưa lâu, bàn về vấn đề “xử sự” với người di cư, Tổng Thư ký Guterres LHQ từng nêu quan điểm, rằng hơn 80% những người di cư theo cách an toàn và có trật tự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự năng động và sự hiểu biết. Tuy nhiên, hoạt động di cư lộn xộn và mất trật tự theo các tuyến đường nguy hiểm mà những kẻ buôn người lợi dụng đang tiếp tục gây ra những hệ lụy lớn. Tổng Thư ký Guterres cũng nhấn mạnh người di cư phải được tôn trọng mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ bị ép buộc di cư, di cư tự nguyện hay được cấp phép chính thức. Ông kêu gọi các nước trên thế giới nỗ lực để bảo vệ tính mạng, cuộc sống của người di cư, xem đây là nghĩa vụ đạo đức và pháp lý.

Hồi tháng 6/2022, việc Chính phủ Anh đưa ra giải pháp đưa người vượt biên trái phép sang Rwanda, một quốc gia ở Đông Phi, với hy vọng sẽ ngăn chặn được những người vượt biên chỉ để vào Anh, đã gây ra nhiều tranh cãi Các tổ chức từ thiện và nhóm vận động xã hội đã phản đối cho rằng thỏa thuận không an toàn cho người di cư và có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với cuộc sống của họ. Quốc hội Ý cũng từng thông qua luật mới gây tranh cãi về áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) giải cứu người di cư trên biển. Theo đó, điểm mấu chốt của luật mới là các tàu cứu nạn của NGO phải di chuyển và cập cảng không chậm trễ sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác rồi mới vào bờ. Tàu thuyền vi phạm sẽ chịu mức phạt có thể lên tới hơn 53.000 USD. Nếu vi phạm nhiều lần, phương tiện sẽ bị tịch thu. Hội đồng châu Âu, LHQ và một số tổ chức từ thiện chỉ trích quy định mới bởi nó sẽ cản trở giải cứu người di cư và có nguy cơ làm tăng số vụ chết đuối thương tâm ở trung Địa Trung Hải. 

Phản ứng trước vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cho rằng: “Luật không nhằm mục đích cản trở hoạt động giải cứu theo bất kỳ cách nào, mà giúp chúng diễn ra một cách có trật tự, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Trong một phiên điều trần trước quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cũng từng nói: “Thảm kịch này khiến chúng tôi đau đớn sâu sắc và kêu gọi chúng tôi hành động để ngăn chặn những cuộc vượt biển nguy hiểm như vậy, cũng như tìm ra những phản ứng cụ thể cho vấn đề di cư. Rõ ràng là điều này chỉ có thể được thực hiện bằng hành động quyết đoán của EU và sức mạnh tổng hợp với các quốc gia quá cảnh. Chúng ta phải ngăn chặn việc những người trốn chạy chiến tranh giao phó bản thân cho những kẻ buôn người vô đạo đức. Các chính sách đoàn kết có trách nhiệm của EU là cần thiết”.

Mới đây nhất, ngày 4/3, Bộ trưởng Nội vụ của 5 quốc gia Địa Trung Hải thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất trong giải quyết vấn nạn di cư bất hợp pháp, “thiết lập một cơ chế đoàn kết lâu dài và mang tính ràng buộc”, đáp ứng nhu cầu thực tế của các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp vấn nạn di cư bất hợp pháp và đảm bảo những nhu cầu này được đáp ứng đầy đủ thông qua các nỗ lực chung. Ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng kêu gọi đẩy nhanh cải cách các quy tắc tị nạn của EU, vốn đang bị đình trệ. Trong một tuyên bố, bà Leyen nhấn mạnh, EU phải tăng gấp đôi nỗ lực đối với Hiệp ước về Di cư và tị nạn cũng như Kế hoạch hành động ở Trung Địa Trung Hải.

Trong lúc EU còn chưa đưa ra được giải pháp khả thi nào để xử lý rốt ráo vấn nạn nhức nhối này thì nhiều quốc gia đã đang tự chủ động đề ra gải pháp phối hợp trong vấn đề di cư và những giải pháp này tiếp tục gây tranh cãi và gây chia rẽ trong nội bộ châu lục này. Và điều đáng quan tâm nhất là chừng nào còn tranh cãi, còn chia rẽ thì việc tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư như mong muốn của Đại hội đồng LHQ khi chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người di cư còn chưa thể trở thành hiện thực.

Hà Trang

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế