Vận tải hành khách lo “ế” dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Thứ hai, 10/01/2022 07:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Dù chỉ còn chưa đầy một tháng nữa bước vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng hiện thị trường vé tàu, xe, máy bay vẫn hết sức trầm lắng do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các đơn vị vận tải thất thu.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thậm chí có một số địa phương như Thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khuyến cáo người dân không về quê nếu không thật thực sự cần thiết nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

van tai hanh khach lo e dip cao diem tet nguyen dan nham dan 2022 hinh 1

Thị trường vé tàu, xe, máy bay đang hết sức trầm lắng do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các đơn vị vận tải thất thu.

Cùng với đó là tâm lý e ngại sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển và chờ tình hình dịch lắng xuống hẳn mới mua vé xe, tàu, máy bay về quê ăn Tết. Dù đơn vị vận tải trên các loại hình đã mở bán vé sớm với nhiều ưu đãi song đang có nguy cơ “ế” khách mua.

Xe khách chạy không đủ bù lỗ

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thông thường vào thời điểm này hàng năm khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện tại các bến xe khách lớn của Hà Nội đã hết sức sôi động, nhưng năm nay lại vô cùng ảm đạm.

“Càng chạy càng lỗ, không biết có trụ được nữa hay không...”, đó là câu nói cửa miệng của các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.

Trao đổi với PV, anh Tuấn - một lái xe chạy tuyến Hà Nội  Yên Bái cho biết, đến giờ phút này có thể khẳng định tất cả các doanh nghiệp mà chạy là chạy cầm cự, không doanh nghiệp nào có lãi. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chạy bù lỗ không đủ, không chạy được.

Chi phí cho một chuyến xe tuyến ngắn khi xuất bến gần 3 triệu đồng nếu một chuyến xe có khoảng 10 khách thì không đủ trả cho chi phí này chưa kể lương nhân viên, khấu hao tài sản,...

van tai hanh khach lo e dip cao diem tet nguyen dan nham dan 2022 hinh 2

Hình ảnh vắng vẻ thường thấy tại các bến xe khách lớn ở Hà Nội trong các đợt cao điểm vận tải.

Thông tin từ Công ty TNHH Vận tải Bus Hải Phòng chia sẻ, lượng khách trên tuyến giảm sút mạnh nên doanh nghiệp chỉ duy trì tuyến để có xe đi lại, thực tế doanh nghiệp lỗ rất nhiều. Hiện doanh nghiệp đã dừng hoạt động chở khách đến và đi bến xe Nước Ngầm.

Còn theo đại diện một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Nam Định khẳng định, tình hình này là lượng xe giảm chứ không tăng chuyến được do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là khu vực phía Bắc và người dân hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Mỗi dịp gần Tết là các bến xe đều công bố kế hoạch tăng cường lượng xe để đáp ứng nhu cầu của người dân.Tuy nhiên hai năm nay, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội không có bất cứ thông báo nào và hiện điều đơn vị mong đợi nhất là các nhà xe quay trở lại hoạt động bình thường.

Đường sắt giảm giá, khuyến mãi vẫn vắng bóng người mua

Bắt đầu từ ngày 4/1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở bán vé tàu địa phương phục vụ dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ TP.Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.

Trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết mở bán vé đôi tàu SPT1/SPT2, tuyến Sài Gòn - Nha Trang mở bán SNT1/SNT2, Sài Gòn - Quy Nhơn SQN1/SQN2, Sài Gòn - Quảng Ngãi SE25/SE26.

Trước đó, ngành đường sắt cũng đã mở bán các đôi tàu khách Thống Nhất (Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh) gồm tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 và tuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh SE21/SE22.

Các đoàn tàu áp dụng chính sách nguyên khoang, nguyên toa với ưu đãi giảm giá vé từ 10% đến 15%, cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu. Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu,…

Thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sau gần 2 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị đã bán được hơn 24.000 vé.

van tai hanh khach lo e dip cao diem tet nguyen dan nham dan 2022 hinh 3

Ngành đường sắt dù đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mãi nhưng lượng vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bán được cũng không nhiều.

Còn theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những năm trước đây khi dịch bệnh chưa bùng phát thì chỉ sau 10 ngày đầu mở bán, các đơn vị đã bán 20 nghìn vé tàu Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, mặc dù áp dụng nhiều ưu đãi chưa từng nhưng lượng khách mua vẫn rất cầm chừng.

Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 với tổng số hơn 200 nghìn vé tàu Tết thì có khoảng 70 nghìn vé tàu không bán được, nhiều hành khách sau khi mua vé còn trả lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Năm nay, dù Tết Nguyên đán đã gần kề song các nhà ga vẫn vắng vẻ, hành khách mua vé qua những kênh khác cũng không nhiều.

Nguyên nhân vé tàu Tết “ế” khách ngoài tâm lý e ngại dịch bệnh còn do một lượng lớn người lao động từ các đô thị lớn đã trở về địa phương trước đó khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác ngành đường sắt cũng thiếu hụt số lượng lớn hành khách là sinh viên các trường đại học.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công Luận, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, chạy tàu Tết có thể không có lợi nhuận thậm chí lỗ nhưng ngành đường sắt vẫn chạy để phục vụ người dân.

Hàng không im ắng, ngóng chờ diễn biến dịch bệnh

Nhằm phục vụ người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ ngày 29/12/2021 đến hết ngày 16/2/2022. Trên đường bay Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh sẽ tăng lên 25 chuyến khứ hồi/ngày giai đoạn từ 29/12/2021 đến 18/1/2022 và 52 chuyến khứ hồi/ngày từ 19/1 - 16/2.

Các đường bay khác như TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tăng tương ứng 20 chuyến khứ hồi/ngày và 27 chuyến khứ hồi/ngày, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng tăng 20 chuyến/khứ hồi/ngày cả 2 giai đoạn.

Đường bay TP.Hồ Chí Minh - Hải Phòng/Nghệ An/Thanh Hóa tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 14 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đi và đến Phú Quốc, Khánh Hòa tăng tương ứng 14 chuyến khứ hồi và 27 chuyến khứ hồi.

Trên đường bay TP.Hồ Chí Minh - Bình Định tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 18 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay khác tổng cộng 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Dự kiến tổng cung ứng dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của ngành hàng không là 14 nghìn chuyến bay với khoảng 2,7 triệu ghế cung ứng.

van tai hanh khach lo e dip cao diem tet nguyen dan nham dan 2022 hinh 4

Hành khách di chuyển bằng đường hàng không đang ngóng chờ diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để quyết định có về quê ăn Tết hay không.

Nhưng hiện thị trường vé máy bay chứng kiến sự trầm lắng, giá vé ở mức thấp chưa từng có. Ngay cả “đường bay vàng” Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh khởi hành ngày 29/1 (27 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6/2 (6 tháng Giêng năm Nhâm Dần) giá vé máy bay cũng đang ở mức rẻ.

Hãng hàng không Vietjet Air đang đưa ra mức giá vé máy bay thấp nhất 3,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí trên đường bay này; thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.

Với Bamboo Airways là 3,3 triệu đồng, Vietnam Airlines là từ 4,7 - 4,9 triệu đồng và Vietravel Airlines là 5,1 triệu đồng. Trung bình giá vé máy bay mà các hãng hàng không đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ từ 500.000 đồng tới hơn 1 triệu đồng.

Trên đường bay TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, giá vé khứ hồi khởi hành ngày 29/1 và trở lại vào ngày 6/2 mà Vietjet Air đưa ra là 2,8 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Hành khách cũng có thể lựa chọn di chuyển bằng máy bay của Bamboo Airways với chi phí khoảng 3 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, giá vé máy bay giảm mạnh là do các hãng hàng không liên tục tăng chuyến trên đường bay Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh trong cao điểm Tết và giảm giá mạnh để cạnh tranh nguồn khách.

Bên cạnh đó, một lượng lớn người lao động đã rời khỏi các đô thị lớn trước đó và tâm lý e ngại, nghe ngóng diễn biến của dịch bệnh để quyết định có về quê ăn Tết hay không.

Hoàng Lan

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương bổ sung ống 2 cho các hầm trên cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương bổ sung ống 2 cho các hầm trên cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nói về công tác thi công hầm Tuy An trong chuyến thị sát công trường dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong ngày 29/4/2024.

Giao thông
Hà Nội: Gần 4.000 trường hợp vi phạm giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ

Hà Nội: Gần 4.000 trường hợp vi phạm giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra, xử lý 3.930 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt; tạm giữ 1.508 phương tiện, tước 758 giấy phép lái xe.

Giao thông
Lấy ý kiến địa phương về đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Lấy ý kiến địa phương về đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến của 2 địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Giao thông
Kiểm tra việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, sát hạch lái xe

Kiểm tra việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, sát hạch lái xe

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Giao thông
Người dân trở lại TP HCM sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Người dân trở lại TP HCM sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân trở lại TP HCM để chuẩn bị đi làm lại vào ngày mai (2/5). Tình trạng đông đúc, ùn ứ xuất hiện ở một số nút giao thông, đặc biệt tại cửa ngõ phía Tây và phà Cát Lái.

Giao thông