Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường 379, khi nào được xử lý dứt điểm?

Thứ năm, 06/10/2022 17:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán, kinh doanh, xây dựng các công trình trên phần đất nông nghiệp tại hai bên đường 379 đoạn qua xã Đông Dư, Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) diễn ra tràn lan, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Từ phản ánh đến đường dây nóng Báo Nhà báo và Công luận cho biết, tại khu vực đường 379 – đoạn qua xã Đông Dư, Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán, xây dựng các công trình trên phần đất nông nghiệp để kinh doanh nhưng không được xử lý dứt điểm.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 1

Vào mỗi buổi sáng, các quán ăn lại cắt cử nhân viên xuống lòng đường mời chào khách, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: đường 379 đoạn qua xã Đông Dư.

Việc lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi đậu đỗ xe, kinh doanh buôn bán khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn thường trực xảy ra. Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đoạn đường này.

Đặc biệt, tại hai bên dọc ven đường thuộc địa bàn xã Đa Tốn, tình trạng tự ý đổ phế thải xây dựng san lấp đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Sau đó, một số cá nhân còn chiếm dụng luôn hành lang giao thông, dựng lều bạt làm nơi bán hàng nước, làm bãi rửa xe, buôn bán hoa cây cảnh làm mất mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, tuyến đường 379 đoạn qua địa bàn xã Đông Dư, Đa Tốn được cơ quan chức năng cắm nhiều biển báo cấm dừng, đỗ; tuy nhiên, tình trạng đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông diễn ra như “cơm bữa”. Đặc biệt là vào mỗi buổi sáng, đây là thời điểm các quán ăn sáng hoạt động nhộn nhịp, chủ các quán ăn cho nhân viên ra lòng đường mời chào khách và lòng đường cũng trở thành “bãi đỗ xe riêng” đối với các quán ăn này.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 2

Hàng loạt điểm bán dừa xiêm bến tre với những công trình tạm dựng ngay trên đất nông nghiệp, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh nhưng chưa được xử lý. Ảnh: tuyến 379 đoạn qua xã Đa Tốn.

Có thể nói, sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm. Do đó, việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường dường như trở thành hình ảnh quen thuộc, một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, chính sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật vẫn chưa thực sự đủ để răn đe… nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên. Mặc dù hầu hết người dân đều nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 3

Hàng loạt ô tô dừng đỗ chiếm lòng đường 379 đoạn qua xã Đa Tốn để lái xe sang bên đường ăn sáng, gây mất an toàn giao thông.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước do rác thải sinh hoạt; sụp, lún vỉa hè… Việc đậu, đỗ xe dưới lòng đường để mua bán kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nhất là trên các đoạn đường có mật độ phương tiện lưu thông khá cao như đường 379.

Bên cạnh việc làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, gây ô nhiễm từ rác thải… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn ẩn chứa mối nguy hiểm tiềm tàng về an ninh trật tự. Nhiều vụ trộm cắp, cướp, cướp giật đã xảy ra đối với người bán hàng rong, xe đẩy, hoặc các trường hợp đậu, đỗ xe trên hè phố, lòng đường để mua, bán mà không có người trông giữ.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 4

Mặc dù có biển cấm dừng xe, tuy nhiên, xe máy, ô tô vẫn đỗ ngay dưới lòng đường 379 đoạn qua xã Đa Tốn, còn vỉa hè thì thành nơi kinh doanh.

Có thể thấy rằng, chế tài về pháp luật đã quy định rõ ràng về việc này. Cụ thể là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (Khoản 1, Điều 36), nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội theo quy định tại Khoản 1, Điều 35.

Luật Giao thông đường bộ 2008 còn quy định không được họp chợ, mua, bán hàng hóa; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép... trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Trong khi đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính Phủ quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định các mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Theo đó, mức xử phạt thấp nhất là từ 100.000 đồng và cao nhất có thể lên đến 40.000.000 đồng.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 5

Các khu đất nông nghiệp bị san lấp trái phép để làm nơi kinh doanh dịch vụ rửa xe ô tô. Dọc tuyến đường 379 qua 2 xã Đa Tốn, Đông Dư có hàng chục điểm rửa xe.

Mặc dù các quy định của pháp luật rõ ràng như vậy, nhưng vì sao tình trạng vi phạm vẫn xảy ra? Phải chăng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt hay có tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” khiến vi phạm cứ dai dẳng, không được xử lý triệt để?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhật – Chủ tịch UBND xã Đông Dư than phiền, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn trên địa bàn do người dân tận dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán là “kế sinh nhai”, nếu dẹp bỏ thì có nhiều hộ lại “tái nghèo”.

Tuy nhiên, ông Nhật khẳng định, thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo lực lượng công an xã thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm để lập lại trật tự an toàn giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Cùng với đó, sẽ có ra quân để xử lý tình trạng này.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 6

Quán xá lấn chiếm vỉa hè mọc lên như nấm dọc tuyến đường 379.

Ông Đỗ Văn Kiên – Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho biết, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, tuần tới sẽ ra quân xử lý tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Khi được hỏi về các trường hợp vi phạm làm công trình trên đất nông nghiệp, vị lãnh đạo UBND xã Đa Tốn đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn thì cho biết cũng đã kiểm tra, nắm bắt và sẽ có phương án xử lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là khi nào vi phạm sẽ được xử lý dứt điểm?

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 7

Bất kỳ "điểm hở" nào cũng có thể trở thành hàng quán, người dân vô tư đỗ xe dưới lòng đường để nghỉ chân. Ảnh chụp trên tuyến đường 379 đoạn qua xã Đa Tốn.

Trong khi đó, tiếp nhận phản ánh từ phóng viên về tình trạng phương tiện đậu đỗ dưới lòng đường 379 vi phạm an toàn giao thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an huyện Gia Lâm cho biết sẽ cử lực lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Có thể nói, việc xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông chỉ thật sự có hiệu quả khi có sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp nhịp nhàng từ chính quyền địa phương đến các lực lượng chức năng là cảnh sát giao thông – trật tự, thanh tra giao thông.

vi pham hanh lang an toan giao thong duong 379 khi nao duoc xu ly dut diem hinh 8

Nhiều hộ kinh doanh cây cảnh, cây giống lấn chiếm vỉa hè tuyến đường 379 làm nơi kinh doanh tại địa bàn xã Đa Tốn.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Tin khác

Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Tin tức
Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

(CLO) Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tin tức
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tin tức
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức