Vì sao nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chuộng phát hành trái phiếu riêng lẻ hơn công chúng?

Thứ hai, 03/10/2022 09:45 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, uy tín, đủ điều kiện phát hành trái phiếu ra quốc tế nhưng vẫn chọn phát hành riêng lẻ thay vì ra công chúng. Điều này dẫn đến phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vọt thời gian qua.

Lo ngại ách tắc thị trường

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thị trường trái phiếu Việt Nam với sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua, nhưng gần như tất cả công ty phát triển rất tốt ở Việt Nam đều không phát hành trái phiếu ra công chúng, mà lại chọn phát hành riêng lẻ. Theo ông Nghĩa, thực trạng này không phải lỗi của doanh nghiệp mà có lẽ là lỗi từ thị trường.

vi sao nhieu doanh nghiep lon van chuong phat hanh trai phieu rieng le hon cong chung hinh 1

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, uy tín, đủ điều kiện phát hành trái phiếu ra quốc tế nhưng vẫn chọn phát hành riêng lẻ thay vì ra công chúng.

Theo ông Nghĩa, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành "đẳng cấp thấp". Ông nhấn mạnh, quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ dựa vào phát hành trái phiếu riêng lẻ để “sống” là một sai lầm, đẳng cấp của doanh nghiệp trên thị trường sẽ thấp dần đi, cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị.

Xét đến cấu trúc rủi ro, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm việc phát hành trái phiếu riêng lẻ rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu ra công chúng. Chỉ những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao mới có thể đầu tư.

"Chúng ta dùng từ 'nhà đầu tư chuyên nghiệp' khiến cho việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trở nên cao cấp hơn, như một đẳng cấp cao hơn so với phát hành ra công chúng. Đó là một nghĩa rất dở của từ này”, ông Nghĩa cho hay.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, khu vực phát hành ra công chúng mới là nơi xếp tín nhiệm phát huy được hiệu lực, qua đó tạo tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu doanh nghiệp chỉ phát triển ở khía cạnh phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt.

Ông mong muốn thu hẹp khu vực phát hành trái phiếu riêng lẻ, chuyển hẳn sang khu vực phát hành sang công chúng, khi đó tổ chức phát hành có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn.

Theo chuyên gia này, hiện nay một số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ nhưng họ thực sự có khả năng ra quốc tế, tuy nhiên họ cảm thấy khó khăn khi phát hành riêng lẻ ở Việt Nam lãi suất cao, phát hành ra quốc tế lãi suất cũng cao bởi họ “chưa đủ đẳng cấp để phát hành ra công chúng ở Việt Nam”. Trong khi đó, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất hoàn toàn cơ hội kinh doanh.

Ông Nghĩa cho biết thêm, do có quá nhiều hồ sơ doanh nghiệp nộp lên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải mất ít nhất 6 tháng đến khoảng 1 năm để xử lý 1 bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc ra đời Nghị định 65/2022/NĐ-CP mà không xử lý thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng thì không chỉ tạo ra ách tắc của bộ phận trong thị trường này mà còn ách tắc thị trường kia.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh đây là điều mà các cơ quan quản lý phải suy nghĩ nghiêm túc, hành động thực sự.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, pháp lý

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp thời gian qua phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng bản thân họ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để phát hành ra công chúng. Thế nhưng khi phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải có phê duyệt từ đại hội đồng cổ đông, nộp hồ sơ lên UBCKNN, sau đó Ủy ban duyệt và đồng ý phương án phát hành thì doanh nghiệp phát hành. Khi hoàn tất, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ để niêm yết trái phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán để giao dịch trái phiếu với tất cả nhà đầu tư (từ nhà đầu tư cá nhân không chuyên đến tổ chức chuyên nghiệp) như giao dịch cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên thời gian qua, thị trường gặp phải vướng mắc khi nộp hồ sơ lên UBCKNN có thời gian xử lý lâu, dẫn đến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành trái phiếu. Từ đó doanh nghiệp không kịp huy động đủ nguồn vốn kinh doanh. 

Trong khi đó, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có thể chủ động triển khai hầu hết khâu, không phải xin ý kiến, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả phát hành.

Trước thực trạng có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành ra công chúng nhưng họ vẫn chọn phát hành riêng lẻ, ông Quỳnh cho biết điều này dẫn đến việc phát hành riêng lẻ tăng vọt trong khi phát hành ra công chúng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2021, tỷ lệ này chỉ chiếm có 5% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường. Trong 95% còn lại phát hành riêng lẻ có rất nhiều doanh nghiệp rất lớn, rất uy tín, chất lượng. 

Ông Quỳnh nhận định, về mặt nguyên tắc, phát hành ra công chúng có nhiều lợi thế hơn phát hành riêng lẻ bởi doanh nghiệp không phải lo lắng về thanh khoản, do trái phiếu có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có thể bán cho mọi đối tượng nhà đầu tư, huy động vốn dễ và rẻ hơn.

Theo ông Quỳnh, hiện nay các ngân hàng phát hành trái phiếu ra công chúng và giao dịch trên thị trường, lãi suất thấp bằng 1/2 , thậm chí bằng 1/3 lãi suất phát hành của các doanh nghiệp. Bởi tính minh bạch, hạ tầng giao dịch thuận lợi, thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều nên chi phí huy động vốn của các ngân hàng này giảm xuống, bên cạnh đó, tăng thương hiệu và uy tín của ngân hàng hơn. 

“Vậy nên không doanh nghiệp nào không chọn phát hành ra công chúng nếu họ thuận lợi. Đây cũng là điểm chúng ta cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nền tảng pháp lý để chúng ta giúp các doanh nghiệp đạt chuẩn có thể sử dụng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng một cách hiệu quả”, ông Quỳnh nhận định.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn. Tuy vậy, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch hơn.

"Với các quy định như vậy, những doanh nghiệp nào đã công bố thông tin một cách minh bạch vẫn có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để huy động được, nhất là đối với những doanh nghiệp có những dự án tốt, có sức khỏe tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh tốt. Một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể coi trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Những lúc như thế này, doanh nghiệp sẽ phải tính toán các kênh huy động hiệu quả khác" - ông Dương thông tin.

Trà My

Bình Luận

Tin khác

Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động, mặt bằng mới được thiết lập

Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động, mặt bằng mới được thiết lập

Từ đầu tháng 5 tới nay đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Trước đó, trong tháng 4, thị trường đón nhận thông tin 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động. 

Tài chính - Bảo hiểm
Lần thứ 4 đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Lần thứ 4 đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

(CLO) Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (VAT) cho nửa cuối năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là lần thứ 4, Bộ Tài chính giảm loại thuế này.

Tài chính - Bảo hiểm
Càng Sài Gòn (SGP) tăng lãi Quý 1 nhờ công ty liên kết và hoạt động tài chính

Càng Sài Gòn (SGP) tăng lãi Quý 1 nhờ công ty liên kết và hoạt động tài chính

(CLO) Nhờ doanh thu hoạt động tài chính và lợi nhuận từ công ty liên kết, CTCP Cảng Sài Gòn (SGP) báo lãi Quý 1/2024 tăng trưởng mạnh.

Tài chính - Bảo hiểm
Thu hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm từ bán điện, nhưng lợi nhuận của Điện lực miền Nam (EVNSPC) mỏng, đóng thuế cả năm chỉ tương đương khoảng 2 giờ bán điện

Thu hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm từ bán điện, nhưng lợi nhuận của Điện lực miền Nam (EVNSPC) mỏng, đóng thuế cả năm chỉ tương đương khoảng 2 giờ bán điện

(CLO) Năm 2023, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có doanh thu 162.647 tỷ đồng, ước tính mỗi ngày thu về hơn 445 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có biên lãi ròng rất mỏng chỉ 0,3%, tức là 1.000 đồng doanh thu mới đổi được 3 đồng lãi. Vì vậy, EVNSPC chỉ ghi nhận lãi mỏng và nộp thuế "bèo". Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 chỉ vỏn vẹn hơn 32 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 2 giờ bán điện.

Tài chính - Bảo hiểm
Đầu tư I.P.A (IPA) doanh thu tăng trở lại, dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ

Đầu tư I.P.A (IPA) doanh thu tăng trở lại, dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ

(CLO) CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) đã thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào cuối tháng 5.

Tài chính - Bảo hiểm