Vĩnh biệt nhà báo Mai Cương - nữ học viên trường dạy làm báo 70 năm trước…

Thứ sáu, 21/06/2019 10:46 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo Phạm Thị Mai Cương sinh năm 1930 tại Hà Nội, là một trong ba nữ học viên 70 năm trước của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, và là nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính. Bà ra đi để lại niềm kính trọng và những ấn tượng sâu sắc cho người thân và đồng nghiệp làm báo các thế hệ.

Năm 2017, lần đầu gặp gỡ và tiếp chuyện các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trả lời câu hỏi về “duyên cớ” có mặt tại trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, bà Mai Cương đã kể lại rất chi tiết câu chuyện của ngày bà mới 19 tuổi. Đó là năm 1949, bà vừa được kết nạp vào Đảng và đang công tác tại Ninh Bình, đảm đương nhiệm vụ Thường vụ Thanh niên tỉnh. Tỉnh ủy Ninh Bình đã cử nữ đảng viên trẻ xông xáo, hoạt bát lên An toàn khu Việt Bắc để học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với mục đích chuẩn bị người làm báo cho Đảng bộ địa phương sau này.

Nhà báo Mai Cương tại gia đình, ngày 20/2/2019.

Nhà báo Mai Cương tại gia đình, ngày 20/2/2019.

Nhà báo Phạm Thị Mai Cương (tên khai sinh là Phạm Thị Ngọc Tuyết), sinh năm 1930 tại Hà Nội, là một trong ba nữ học viên 70 năm trước của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Thái Nguyên, 1949), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 20/6/2019, lễ tang của bà đã diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Bà Mai Cương nhớ lại: "Khi đi lên Chiến khu để học, qua Hưng Yên thì địch càn, tôi vừa đi vừa chiến đấu cùng chính quyền xã. Có lúc phải nằm ở hầm, địch thì cứ đi rầm rầm bên trên phải nín thở, không dám ho kẻo bị lộ. Sau đó tôi gặp đoàn quân sự của ông Bang Cơ (sau này là chồng bà) và theo đoàn lên Chiến khu Việt Bắc".

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Thái Nguyên, do Tổng bộ Việt Minh mở ra, các giảng viên gồm các đồng chí: Trường Chinh, Xuân Thủy và các văn nghệ sĩ nổi tiếng khác: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), Tú Mỡ. Vào học, ban đầu bà rất bỡ ngỡ vì trước đó chưa từng viết báo, chỉ hoạt động thanh niên ở địa phương. Nhưng bà đã nhanh chóng hòa nhập vào không khí chung và đặc biệt đã cảm nhận được “niềm vinh dự lớn nhất” của mình và các học viên trong khóa học là “được các nhà chỉ đạo chính trị, những nhà báo, nhà văn nhà thơ nổi tiếng lên lớp”!.

Bao nhiêu năm trôi qua, bà vẫn có thể nhớ rất rõ về trường dạy làm báo ngày ấy. Một khu vực hoàn toàn khép kín, được khoanh vùng riêng, trong quá trình học không tiếp xúc với bên ngoài. Mọi nhu cầu về ăn uống, sinh hoạt đều do Tổng bộ Việt Minh tiếp tế để đảm bảo luôn an toàn, do vậy suốt quá trình học không xảy ra vấn đề gì.

Bà kể về cơ sở vật chất của nhà trường, với khu hội trường, nhà ở và bếp. Khu nhà ở rất đơn giản, phân biệt thành khu dành riêng cho học viên nam và học viên nữ. Có bếp ăn riêng, cạnh hội trường. Hội trường khá rộng, bàn ghế trong lớp đóng bằng tre, gồm 3 dãy, sắp xếp theo chiều từ thấp đến cao.

Các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình học, nhà báo Mai Cương vui vẻ cho biết: "Trong lớp, chỉ có 3 nữ học viên đó là: Chị Phương Lâm, Lý Thị Trung và tôi. Cả 3 được ưu tiên ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào. Chúng tôi rất thích được ngồi ở đây vì khi bắt đầu các giờ học, chúng tôi thường được các giảng viên bắt tay".

Trong suốt quá trình học, khi học xong mỗi học phần thì phải làm bài kiểm tra. Một bữa, bà Mai Cương bạo dạn đề nghị Nhà báo Xuân Thủy cho bà viết bài Xã luận mặc dù khi đó cô học viên trẻ hầu như chưa rõ tầm quan trọng và độ khó của Xã luận như thế nào. Nhà báo Xuân Thủy giải thích cho bà hiểu điều đó và khuyên bà tập viết phóng sự. Sau đó, bà Mai Cương được phân công viết phóng sự về chè Tân Cương. Trước khi viết phải đi thực tế, bà tranh thủ đọc những bài phóng sự trên báo để học cách viết, sau đó đến gặp Nhà báo Như Phong, khi đó là Ủy viên Ban Giám đốc nhà trường, người lên lớp dạy về phóng sự, để hỏi thêm và nhờ ông phụ đạo thêm cách viết. Khi hoàn thành bài phóng sự về chè Tân Cương, bà đã được Nhà báo Xuân Thủy khen ngợi.

Ngoài giờ học, các học viên đều có các hoạt động sinh hoạt khác như: múa sạp, hát chơi bóng, nhảy dây.

Học xong khóa thứ nhất tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Nhà báo Mai Cương được điều về làm báo Lao động cùng với các Nhà báo: Ngô Tùng (sau là Tổng Biên tập), Du Viết... Những năm sau đó, bà được chuyển sang Bộ Tài chính, phụ trách Nội san Công tác Thuế. Thế rồi, bà nghỉ hưu với hàm Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Nhóm học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949 (Nhà báo Mai Cương đứng ngoài cùng bên phải). Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nhóm học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949 (Nhà báo Mai Cương đứng ngoài cùng bên phải). Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trước dịp kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) và Lễ khánh thành Bia Di tích địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có tới thăm gia đình bà và quay phim, hỏi thêm thông tin về ngôi trường năm xưa mà nhà báo Mai Cương từng là học viên. Mặc dù sức khỏe yếu, không thể đi lại nhưng bà Mai Cương vẫn nhiệt tình tiếp đoàn, sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các cán bộ nghiệp vụ, quay phim của Bảo tàng. Khi được gợi lại những kỷ niệm về trường xưa, ánh mắt bà ánh lên những niềm xúc động xen lẫn tự hào vì được là một trong "đội quân tiên phong" được đào tạo bài bản, phục vụ cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bà say sưa kể lại những kỷ niệm đáng nhớ của buổi đầu đi bộ lên Chiến khu Việt Bắc tham gia khóa học, gian khổ ra sao "đi đến đâu có giặc càn là cùng dân quân của xã đánh trả" rồi được các giảng viên - toàn là các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng -  bắt tay vì được ưu ái là nữ học viên...

Ngày kỷ niệm và đặt Bia Di tích của Trường, vì điều kiện sức khỏe, nhà báo Mai Cương không thể tới dự, theo chia sẻ của nhà báo Bang Cơ (chồng nhà báo Mai Cương): "Đó là điều mà bà ấy rất tiếc nuối" bởi trước đó khi được hỏi về mong muốn điều gì ở di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhà báo Mai Cương cho biết: "Cần phải dựng bia và làm nhà lưu niệm, nếu có thể thì làm đàng hoàng một chút, đừng quá tiết kiệm bởi vì lớp học này do Tổng Bộ Việt Minh lập ra, cần lưu ý để xây dựng".

Trong những ngày của tháng 6 này, khi cả nước đang hướng tới Kỷ niệm  94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), các cán bộ chuyên viên của Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất bàng hoàng khi nhà báo Lý Thị Trung, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thông báo về sự ra đi của nhà báo Mai Cương. Vậy là thêm một chiến sĩ trong "trung đội 42 chiến sĩ" về với đồng đội ở bên kia thế giới. Từ một học viên của Trường dạy làm báo năm xưa, bà đã trọn đời vì sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước, để lại niềm kính trọng và những ấn tượng sâu sắc cho người thân và đồng nghiệp làm báo các thế hệ. Xin kính cẩn từ biệt một bông mai sắc sảo, giàu bản lĩnh của trường dạy làm báo đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp…

         Nguyễn Ba

Tin khác

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo
Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo