Vững chãi Hoành Sơn

Thứ sáu, 03/04/2015 12:13 PM - 0 Trả lời

Vững chãi Hoành Sơn



Doanh nhân Phan Hoành Sơn.

Đi lên từ gánh hàng xáo

Sinh Nhâm Tý (1972) cộng cả “tuổi mụ” mới được 40, nhưng trông Sơn già dặn hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Sơn kể, anh dường như không hề có tuổi thơ. Lớn lên trong thời kỳ bao cấp, bố đi bộ đội biền biệt chiến trường, mẹ một tay chèo chống nuôi bốn anh em Sơn. Dù rất yêu nghề dạy học nhưng mẹ anh, cô giáo trường làng Trung Lễ, đành gạt nước mắt rời bục giảng, theo các chị đi buôn. Vốn liếng chẳng là bao, bà vay người thân một ít tiền, ngày ngày la cà ở các cửa hàng mậu dịch, mua lại tem phiếu bán trao tay cho những người cần. Là con đầu nên Sơn sớm ý thức được “trọng trách” của mình trong gia đình. Gánh nước, thổi cơm, trông các em khi ông anh cũng chỉ mới lên 7. Nhiều hôm mẹ về muộn, Sơn như một người chị lo chu tất việc ăn uống, ngủ nghê cho các em rồi mới ngồi vào bàn học. Sơn bảo, nếu hồi ấy nhà khá giả thì em chẳng theo nghiệp thương trường. Bởi Sơn học giỏi cả văn lẫn toán, nổi tiếng không chỉ ở đất học Trung Lễ mà ra cả huyện Đức Thọ. Thế nhưng, mọi ước mơ trở thành “ông nọ bà kia” anh đành gác lại khi học hết cấp ba, theo chân mẹ để duy trì cuộc sống. Mới tuổi 14, anh được mẹ giao cho một chiếc xe đạp cà tàng với khoản tiền vốn nho nhỏ. Hàng ngày sáng tinh  mơ, Sơn nhét vội mấy củ khoai vào túi xách vừa đi vừa ăn, nhằm hướng chợ Nhe, chợ Tổng ở Can Lộc, cách nhà hàng chục cây số, mua lúa về làm hàng xáo. Mỗi chuyến đi dù mệt, dù ngược gió đạp bở hơi tai, Sơn vẫn cố lai cho được một tạ thóc. Chiều về đem ra máy xát đầu làng. Trừ tấm cám anh cũng kiếm cho mẹ được vài chục ngàn. Thấy nghề hàng xáo quá vất vả, đạp xe lên tận chợ Đàng, chợ Bộng 20-25km để bán mà lời lãi chẳng là bao, Sơn quyết định mua máy xát đặt tại nhà. Được cái hiền lành, sởi lởi, chiều khách nên cửa hàng của anh hoạt động đều đều. Hình ảnh “Sơn máy xát” tay lấm lem dầu mỡ, tóc tai, quần áo trắng
bụi cám ngày nào vẫn đọng mãi trong ký ức bạn bè mỗi lần gặp lại nhau họp lớp.

Sau hơn chục năm chinh
chiến, bố Sơn được chuyển ra Bắc công tác rồi nghỉ hưu. Đấy là khoảng những năm 1986, 1987. Sơn bàn với mẹ vay tiền ngân hàng mua một chiếc xe tải, tự mình lái lấy, cất hàng đi buôn đường xa, vào tận Sài Gòn. Thời kỳ này phân bón đang khan hiếm, Sơn thuê thêm một người, thay chân mẹ ra tận Bỉm Sơn, Lâm Thao (Phú Thọ) mua phân lân, xi măng về bỏ mối cho khách. Công ty tư nhân của mẹ con Sơn đang “vào cầu” thì một tai họa ập tới. Mẹ anh bị bệnh hiểm nghèo, qua đời vào năm 2003. Bà ra đi để lại cho anh một khoảng trống lớn cả về tình thần và tài chính khó khỏa lấp.

Sơn tâm sự: Cung mạng của em trong sách tướng nói có can chi đồng hành. Mặc dù tuổi trẻ có khó khăn, nhưng nhờ vào sự cần cù, nỗ lực lại có nhiều người tin cậy, nâng đỡ nên khó mấy cũng xoay xở được. Có lẽ vì thế mà, trong lúc công ty bang bách nhất, bỗng xuất hiện mấy “quý nhân”. Suốt đời mình, em mãi biết ơn những ân nhân đó.

Chữ Tâm kia mới
bằng ba chữ Tài

Mẹ qua đời, công ty mất
giám đốc, còn Sơn gặp phải muôn vàn khó khăn. Bởi lâu nay, mọi việc làm ăn, vốn liếng đều do bà đảm nhiệm. Anh chỉ là người thừa hành. Nay “sờ” vào khoản nào cũng thấy lạ lẫm, nhất là về mặt quản lý, Sơn chưa từng được học, được làm. Cái duy nhất mà mẹ để lại cho anh và chính anh cũng thừa hưởng được ở bà là niềm tin cậy của khách hàng và các đối tác. Nhờ giữ chữ “Tín” trong làm ăn, chẳng những Sơn chắp nối lại được với những cơ sở cũ của mẹ, mà anh còn mở rộng thêm hàng loạt đối tác mới. Từ vài ba chục ngàn tấn nay công ty của anh mỗi năm cung cấp xấp xỉ 60 ngàn tấn phân bón cho nông dân các tỉnh từ Nghệ An cho đến tận Thừa Thiên-Huế. Doanh thu những năm 90 cỡ
dăm tỷ/năm, nay nhảy vọt lên hàng ngàn tỷ.

Anh có thể “bật mí” về nghệ thuật kinh doanh của công ty?

Cụ Nguyễn Du nói chí
phải, “ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Em như anh biết đó, không được học hành bài bản nhưng nhờ đi nhiều, lại hay quan hệ với các đàn anh hơn tuổi, nên sớm khôn, sớm chín chắn, học ở họ được nhiều điều. Có hai anh đều là những nhà quản lý kinh tế giàu kinh nghiệm, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành đạt của em. Sau mẹ mất, công ty bên bờ phá sản, thì em gặp được anh Đặng Đình Thích, cán bộ tín dụng của VietcomBank những năm 90, nay là GĐ Chi nhánh ngân hàng VP Bank Hà Tĩnh. Từ chỗ tin mẹ em, thấy công ty khó khăn, anh giúp em thủ tục vay vốn làm ăn. Anh còn bỏ cả thời gian cùng đi với em ra tận nhà máy phân lân Lâm Thao để một mặt động viên, khích lệ em, một mặt nghiên cứu thị trường, tư vấn thêm cho em cách buôn bán. Nhờ trợ giúp của ngân hàng, Hoành Sơn nay đã có bước phát triển vượt bật cả về đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, vốn liếng, cơ sở vật chất.

Người thứ hai đã giải cứu em rất kịp thời lúc khó khăn là anh Dương Tất Thắng, nay là TGĐ Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Những năm đầu 2000, Hà Tĩnh rất bế tắc về đầu ra của Thạch Cao.
Anh Thắng hồi đó là Giám đốc Xí nghiệp Thạch Cao của TCT ở bên Lào. Công ty có rất nhiều hàng mà không tiêu thụ được. Cơ duyên run rủi đã đưa hai đứa đến với nhau. Bọn em quan hệ tìm được đầu ra với hàng loạt nhà máy xi măng lớn như Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Ninh Bình… vừa giải quyết được thị phần cho Thạch Cao, vừa giúp công ty em mở ra một hướng làm ăn mới đầy triển vọng.

Chữ Tâm của cụ Nguyễn, với em hiểu là phải thực lòng trong lối sống, trong quan hệ làm ăn. Do thật thà, sòng phẳng trong kinh doanh mà em được các đối tác tin cậy cho vay vốn, cho khất, dãn nợ lúc khó khăn. Nhờ đó, từ một công ty nhỏ nay đi lên thành một doanh nghiệp lớn với dăm trăm công nhân, dăm chục kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, hơn 200 xe, máy loại “xịn”, với tài sản hàng ngàn tỷ đồng.

Cũng do thật lòng với nông dân mà bọn em trở thành đại lý độc quyền về phân bón Lâm Thao trên đất Nghệ Tĩnh đã gần 15 năm nay. Sau trận lũ lịch sử 2010, doanh nghiệp cung ứng hơn 30 ngàn tấn phân bón với giá hỗ trợ, theo hình thức trả chậm, chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. Tính ra, với việc độc quyền bình ổn giá đầu vụ, cuối vụ về phân bón, hàng năm bọn em đã góp phần giảm giá thành cho Hà Tĩnh so với bên ngoài vài ba chục tỷ.

Theo anh, văn hóa doanh nhân được hiểu như thế nào?

Làm ăn phải đàng hoàng, cách sống phải chững chạc. Em như hiện nay có thể xếp loại là một doanh nhân thành đạt. Song khác với một số người trong giới kinh doanh, em không bao giờ sa đà vào chơi bời, cờ bạc. Lúc nào cũng giữ được tư cách đàng hoàng, chững chạc trước mọi người, đặc biệt là với đối tác. Theo em, giám đốc mà đã sa vào cờ bạc, đề đóm thì đầu óc đâu để nghĩ đến làm ăn. Tiền tỷ rồi cũng đổ xuống sông, xuống biển. Bài học nhỡn tiền, nhiều ông chủ thuộc loại đại gia, bỗng chốc tự mình xóa luôn thành quả, tiền tài, thương hiệu mà đã bao năm khốn khó lắm mới tạo dựng nên được.

Nguyễn Khắc

Tin khác

Bắc Ninh: Hơn 1.100 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2024

Bắc Ninh: Hơn 1.100 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2024

(CLO) Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.137 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký hơn 9.212 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,1 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô
Một công ty khác trong hệ sinh thái của 'shark' Thủy bị phạt 95 triệu đồng

Một công ty khác trong hệ sinh thái của "shark" Thủy bị phạt 95 triệu đồng

(CLO) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt đối với công ty CP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục vì nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Tài chính - Bảo hiểm
Giá vàng SJC tăng chóng mặt, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng đấu thầu

Giá vàng SJC tăng chóng mặt, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng đấu thầu

(CLO) 9h30 sáng nay (8/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Trên thị trường, giá vàng SJC tăng chóng mặt lên mức 87,5 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng

(CLO) Giá xuất khẩu lúa mì của Nga tiếp tục tăng trong tuần trước do điều kiện thời tiết bất ổn khiến dự báo sản lượng trong vụ mùa khó khăn.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU đề xuất phương án mới để khai thác tài sản của Nga

EU đề xuất phương án mới để khai thác tài sản của Nga

(CLO) EU được cho là sẽ cho phép các quốc gia thành viên trung lập từ chối kế hoạch sử dụng doanh thu được tạo ra từ dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để mua vũ khí cho Ukraine và hạn chế cung cấp viện trợ phi quân sự cho nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp