Khát vọng Việt Nam 2035:

Vững tin đường tới cường thịnh

Thứ tư, 30/01/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Báo cáo “Việt Nam 2035” là sáng kiến của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm 2016, trong đó phác họa một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Càng ý nghĩa hơn, khi 2035 là năm kỷ niệm 60 năm tái thống nhất đất nước.

Việc khơi dậy và thổi bùng khát vọng Việt Nam là không thể đặng đừng, không thể qua loa, bởi chúng ta có nền tảng, có quyết tâm và cơ hội thực sự!

1. Việt Nam, lúc nhân loại đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, lại bị xâm lược, đô hộ suốt hơn một thế kỷ. Tái thống nhất năm 1975, bên cạnh những hậu quả chiến tranh, bị bao vây, cấm vận,… cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp tiếp tục kìm hãm sự phát triển đất nước, cho tới bước ngoặt Đổi mới 1986.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng. Từ tỷ lệ nghèo gần 60% những năm 1990, Việt Nam sau quá trình tăng trưởng kinh tế khá cao, liên tục, ổn định và bao trùm, kéo tỷ lệ này xuống dưới 3%.

Khát vọng Đổi mới đã giúp Việt Nam thay đổi diện mạo, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế hôm nay. Và báo cáo Việt Nam 2035, tiếp tục là lời khẳng định của một dân tộc không ngại thay đổi, không ngừng khát vọng trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Báo cáo “Việt Nam 2035” khuyến nghị việc thực hiện 6 chuyển đổi quan trọng: Hiện đại hóa nền kinh tế - nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm; Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng sự phát triển của xã hội trung lưu; Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Chương trình cải cách gắn với 6 chuyển đổi trên được thể hiện theo ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận - Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận - Ảnh minh họa

2. Bên cạnh những thành tựu Đổi mới, sự vươn mình của các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia,… được xem là động lực thôi thúc Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao hoặc cao.

Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới các mục tiêu cụ thể: GDP/người đạt 10.000 USD; Đa số người dân sống tại đô thị (trên 50%); Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP; Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%; Chỉ số phát triển con người trên 0,7. Tuy nhiên, khát vọng lớn đi kèm thách thức lớn.

Về mục tiêu GDP/người. Việt Nam thực tế trong hơn 20 năm qua đã tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm, cao vào bậc nhất thế giới. Nhờ đó, từ một nước có thu nhập thấp khoảng 98 USD/người năm 1999, đã lên gần 2.200 USD/người năm 2015. Tuy nhiên, để vươn tới con số 10.000 USD/người năm 2035, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phải “thần tốc”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái - Hội Kinh tế Việt Nam, đặt trong bối cảnh hiện nay, mức tăng trưởng 9-10% Việt Nam khó có thể đạt được. Nguyên nhân chính do chất lượng tăng trưởng còn kém, năng suất, hiệu quả không cao. “Thành quả đạt được dưới tiềm năng trong điều kiện mô hình tăng trưởng kiểu cũ, sức cạnh tranh được cải thiện chậm, có mặt kém đi. Ngay tăng trưởng kinh tế cũng sụt giảm khá nhiều, dù đã có bước khôi phục nhưng chưa đạt được mức bình quân 7%/năm của nhiều năm trước…”, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái đánh giá.

Tiếp đó, để đưa đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP tối thiểu 80% cũng không dễ dàng, bởi từ 1986 tới nay, tỷ trọng khu vực công luôn dao động ở mức 33%. Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ, không thể tăng năng suất nhờ chuyên môn hóa hay tận dụng lợi thế quy mô. Số ít doanh nghiệp tư nhân lớn lại kém các doanh nghiệp nhỏ cả về năng suất tài sản và lao động.

Ở các mục tiêu khác, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, chuyển dịch cơ cấu ngành mạnh (nông nghiệp hiện chỉ chiếm 20% GDP),...

Tóm lại, như đánh giá của Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Việt Nam có ít nhất 2 thách thức lớn nhất, đó là: Việc cải cách, tập trung vào khu vực tư nhân để đất đai và nguồn vốn được phân bổ phù hợp; Đầu tư vào con người nhiều đến mức nào để có thể cạnh tranh trong thời đại số hóa.

3. Tại Diễn đàn “Cải cách và phát triển Việt Nam” tháng 12/2018, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: Việt Nam đứng trước yêu cầu lịch sử phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ!

Ông Dũng gọi “đây là thời điểm vàng”, bởi Việt Nam vào vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như tờ trình của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định, nâng cao vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế…

Theo tính toán, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến 2035. Việc có quan hệ FTA với thành viên CPTPP cũng giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao độc lập tự chủ của nền kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế,… Tất nhiên, doanh nghiệp Việt cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn vì trình độ công nghệ gần như “đội sổ”, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”.

Sau CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ sớm được thông qua. Đối với Việt Nam, EVFTA là bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa đối tác thương mại - đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một khu vực cụ thể.

Theo cam kết, EVFTA sẽ loại bỏ hầu hết các dòng thuế giữa EU và Việt Nam, ước tính GDP của Việt Nam tăng thêm 0,5%/năm; xuất khẩu sang EU tăng 30 - 40% trong 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. “ASEAN có hơn 620 triệu người, GDP trên 3.000 tỷ USD, còn EU có khoảng 508 triệu người nhưng GDP đạt mức 18.510 tỷ USD. Tuy nhiên, để được hưởng các cam kết ưu đãi này, sản phẩm của ta phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, an toàn thực phẩm, kiểm dịch; Các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh…”, Bộ Công Thương khuyến cáo.

Về đường hướng phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa khẳng định: “Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, số hóa để chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng CMCN 4.0 làm động lực tăng trưởng!”.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết 3 “điểm nghẽn” để chuyển hóa thành 3 đột phá phục vụ yêu cầu phát triển, đó là cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, thông minh. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ luôn quan tâm và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 chủ yếu ở khu vực này, với nòng cốt là tầng lớp thanh niên có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng dậy.

Có thể thấy, khát vọng Việt Nam 2035 còn rất nhiều cam go, nhưng với những bước tiến quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, quyết tâm cải cách hừng hực như đang “đứng trước yêu cầu lịch sử”, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Thậm chí, hành trình hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ hoàn toàn có thể được rút ngắn!

 Kiên Giang

Tin khác

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp
Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

(CLO) Theo báo cáo triển vọng toàn cầu cập nhật từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng chậm sẽ đẩy Pháp ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

(CLO) Ngày 26/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp