Xuất hiện dịch vụ sang nhượng sổ tiết kiệm khi lãi suất tiền gửi vừa giảm nhẹ

Thứ năm, 11/05/2023 06:51 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đây là dịch vụ không còn mới và được quy định trong luật. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tại một số hội nhóm gửi tiết kiệm ngân hàng, loại dịch vụ này lại bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Chỉ cần gõ các từ khóa như “sang nhượng sổ tiết kiệm”, “mua sổ tiết kiệm lãi suất cao”… trên các trang mạng xã hội là có thể thấy nhiều bài viết đăng tải với nội dung chuyển nhượng, mua bán sổ tiết kiệm có lãi suất cao. Thậm chí có nhiều môi giới cũng đang quảng cáo dịch vụ này rất rầm rộ trong thời gian gần đây.

Qua tìm hiểu loại dịch vụ này thì được biết, việc sang nhượng, bán sổ tiết kiệm chủ yếu từ những người đã gửi tiền với lãi suất cao trong giai đoạn cuối năm 2022, với lãi suất ưu đãi có thể lên tới 11%-12%. Tuy nhiên do thời điểm hiện tại cần vốn, tất toán sổ trước hạn thì sẽ mất hết lãi nên những người này đã rao tìm người mua lại sổ.

Trong khi đó, những người mua lại sổ tiết kiệm là những người đang có vốn nhàn rỗi, chưa biết đầu tư vào đâu nên có nhu cầu gửi tiết kiệm. Với việc lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm xuống dưới mức 9% thì việc mua lại những cuốn sổ tiết kiệm có kì hạn dài, lãi suất cao là một lựa chọn không tồi.

xuat hien dich vu sang nhuong so tiet kiem khi lai suat tien gui vua giam nhe hinh 1

Một người có nhu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm có mức lãi suất cao.

Đơn cử như trường hợp của chị Thảo, một người vừa đăng tải bán cuốn sổ tiết kiệm có lãi suất 11,5% với kì hạn 18 tháng. Chị này cho biết, thời điểm cuối năm 2022, do thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất gửi tiết kiệm lại cao nên đã gửi phần lớn tiền của mình vào ngân hàng. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, do các chính sách chiết khấu của thị trường quá hấp dẫn, có nhiều phân khúc đang có dấu hiệu cắt lỗ mạnh tay nên chị Thảo muốn rút tiền về để đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên với số tiền gửi lớn, lãi suất tiết kiệm cao, số tiền lãi tích cóp được trong gần 6 tháng vừa qua cũng là một con số không nhỏ. Tiếc số tiền đó nên chị Thảo đã đăng tin chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho người có nhu cầu. Nhưng chị này cũng cho biết, khả năng tìm người nhận chuyển nhượng được sổ cũng rất khó vì số tiền của chị Thảo cũng khá lớn.

Còn như trường hợp của anh Minh, một người kinh doanh nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vào thời điểm năm 2022, do nước bạn vẫn đang đóng biên giới vì đại dịch COVID-19, anh Minh đã dừng mọi hoạt động của công ty và gửi gần như tất cả vốn của mình vào ngân hàng với lãi suất khoảng 10%.

Đến thời điểm hiện tại, do Trung Quốc đã mở cửa biên giới, vì cần vốn gấp nên anh Minh đã có ý định tất toán sổ tiết kiệm trước hạn để thu tiền về. Nhưng nghe một người bạn quảng cáo, anh này đã lên các hội nhóm gửi tiết kiệm trên Facebook để rao sang nhượng sổ tiết kiệm của mình.

Tuy nhiên anh Minh cho biết, anh chỉ rao sang nhượng trong 1 tuần, nếu không tìm được người có nhu cầu thì anh sẽ tất toán sổ tiết kiệm và chịu mất lãi. Anh này lý giải, mức lãi tiết kiệm khi anh gửi tiền không phải là “đỉnh” của giai đoạn lãi huy động tăng cao nên khả năng cũng sẽ có ít người quan tâm.

Với nhu cầu chuyển nhượng ngày một tăng, trong các hội nhóm cũng bắt đầu xuất hiện các nhân viên môi giới, nhận kết nối giữa người bán và người mua sổ tiết kiệm có lãi suất cao. Hoặc những người có nguồn tiền dồi dào đang muốn thu mua lại sổ tiết kiệm lãi suất cao để hưởng lợi từ phần lãi suất chênh lệch với thị trường hiện tại.

xuat hien dich vu sang nhuong so tiet kiem khi lai suat tien gui vua giam nhe hinh 2

Được biết, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là vấn đề lạ lẫm hay vi phạm pháp luật. Bởi theo Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm đã có hành lang pháp lý cho việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, sổ tiết kiệm cũng được coi là giấy tờ có giá và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.

Thông tư 48 cũng nêu rõ việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).

Bên cạnh dó, tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.

Các bên phải lập giấy chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm theo mẫu quy định của ngân hàng. Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi, người nhận chuyển nhượng chỉ được thực hiện giao dịch tại nơi đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng.

An Vũ

Bình Luận

Tin khác

Yến Sào Khánh Hòa (SKV) đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 26%

Yến Sào Khánh Hòa (SKV) đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 26%

(CLO) Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến CTCP Yến Sào Khánh Hòa (SKV) phải 'cài số lùi' đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 26% so với năm ngoái.

Tài chính - Bảo hiểm
Số lượng doanh nghiệp toàn cầu phá sản tăng gấp đôi trong tháng 4

Số lượng doanh nghiệp toàn cầu phá sản tăng gấp đôi trong tháng 4

(CLO) Báo cáo từ S&P Global Ratings cho thấy số doanh nghiệp toàn cầu phá sản trong tháng 4 đã tăng gấp đôi so với tháng 3 trước đó.

Tài chính - Bảo hiểm
Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp mã cổ phiếu nào bứt phá?

Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp mã cổ phiếu nào bứt phá?

(CLO) Theo báo cáo của Chứng khoán SSI, nhiều công ty trên sàn chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhựa Bình Minh (BMP) chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 61%

Nhựa Bình Minh (BMP) chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 61%

(CLO) CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) chuẩn bị chi 499 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 61%.

Tài chính - Bảo hiểm
Viconship (VSC) Chủ tịch từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ

Viconship (VSC) Chủ tịch từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ

(CLO) HĐQT CTCP Tập đoàn Container Việt Nam - Viconship (VSC) vừa từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên.

Tài chính - Bảo hiểm