Xung đột Nga - Ukraine: Tròn 6 tháng làm rung chuyển thế giới

Thứ tư, 24/08/2022 20:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đúng ngày này 6 tháng trước, ngày 24/2/2022, Nga chính thức "chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Cuộc chiến sau đó đã làm rung chuyển cả thế giới; khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải chạy trốn và gây ra tổn thất nặng nề cho kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến của những bất ngờ

Có thể nói, dù cuộc chiến Nga - Ukraine đến nay đã kéo dài tới 6 tháng, nhưng nó vẫn còn khiến cho tất cả mọi người phải bất ngờ, bất ngờ từ khi bắt đầu cho đến những bất ngờ về quá nhiều tổn thất, đau thương mà nó mang lại, không chỉ với người dân hai nước, mà cả trên toàn cầu.

xung dot nga  ukraine tron 6 thang lam rung chuyen the gioi hinh 1

Cuộc chiến tại Ukraine đã tạo ra những hệ quả tồi tệ cho toàn thế giới. Ảnh: AP

xung dot nga  ukraine tron 6 thang lam rung chuyen the gioi hinh 2

Dòng người chạy trốn khỏi Kiev ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Ảnh: AP

xung dot nga  ukraine tron 6 thang lam rung chuyen the gioi hinh 3

Rất nhiều binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Ảnh: GI

Cả thế giới đã bàng hoàng khi tiếng còi báo động hú vang vào chạng vạng sáng ngày 24/2 trên bầu trời thủ đô Kiev, Ukraine, kèm theo đó là những tiếng nổ không ngừng bởi các cuộc tấn công tên lửa từ phía Nga. Cuộc chiến đã bắt đầu dù trước đó nhiều người vẫn luôn tin rằng nó không thể xảy ra trong thế giới hiện đại. Nhưng nó đã xảy ra và nó chỉ là bất ngờ đầu tiên.

Không lâu sau khi phát động tấn công, các lực lượng Nga từ các khu vực biên giới đã tiến hành 6 mũi tấn công hướng về thủ đô Kiev của Ukraine, từ phía Nam, phía Đông và cả phía Bắc qua quốc gia đồng minh của Nga là Belarus. Xe tăng Nga được nhìn thấy đã xếp hàng dài tới 64 km ngay ở ngoại ô Kiev, chỉ chờ lệnh phát động để tiến vào trung tâm cách đó chỉ gần 40 km.

Lúc này, thế giới đều có chung một nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẽ sớm sụp đổ. Viễn cảnh xe tăng và quân đội Nga sẽ tràn ngập thủ đô Kiev và phong tỏa tòa nhà chính phủ Ukraine gần như là chắc chắn trong suy nghĩ của nhiều người. Những thông tin về việc Zelenskyy có thể trốn chạy sang Ba Lan đã xuất hiện, hoặc chí ít cũng đã có nhiều lời khuyên ông nên làm như vậy.

Khi đó, thủ đô Kiev cũng gần như không còn một bóng người trên đường phố. Tay đấm huyền thoại và đang là thị trưởng Kiev Wladimir Klitschko tuyên bố vào ngày 10 tháng 3 rằng gần 2 triệu người, một nửa dân số của Kiev, đã rời bỏ thủ đô chỉ sau những ngày đầu của cuộc chiến.

Tuy nhiên, diễn biến sau đó đã nằm ngoài dự báo của tất cả. Nga ban đầu pháo kích dữ dội vào thủ đô, nhắm đến các cơ sở quân sự và thông tin liên lạc của chính phủ Kiev, trong đó có Tháp Truyền hình Kiev. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, đoàn xe tăng dài hàng chục cây số của quân đội Nga bất ngờ án binh bất động, thậm chí còn trở thành mục tiêu của các đợt phục kích của các lực lượng Ukraine; rất nhiều trong số đó đã bị phá hủy bởi các loại vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine, như tên lửa chống tăng NLAW, Javelin… của Anh và Mỹ, hoặc máy không người lái Switchblade của Mỹ và TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine, việc đại quân của Nga không thể tiến vào Kiev còn là do công tác hậu cần thiếu hụt, khi rất nhiều xe tăng của Nga được cho rằng đã hết nhiên liệu giữa đường. Ngoài ra, việc Nga bao vây Kiev còn được cho rằng có thể chỉ nhằm đe dọa để chính phủ của Tổng thống Zelenskyy đầu hàng, chứ thực sự họ không có kế hoạch đánh chiếm Kiev.

Dù thế nào, thì thực tế là vào ngày 29/3, tức chỉ hơn 1 tháng sau khi phát động tấn công Ukraine, Nga đã tuyên bố rút lui khỏi Kiev, với tuyên bố của Tổng thống Putin nhằm “thay đổi kế hoạch”, trong đó chuyển hướng chiến dịch về phía đông và phía nam, nơi gần biên giới và các căn cứ quân sự của Nga hơn, trong đó có khu vực Donbas và bán đảo Crimea. Việc Kiev vẫn trụ vững bất chấp bị bao vây bởi đại quân Nga là bất ngờ lớn thứ hai của cuộc chiến.

Từ cuộc bao vây ở Kiev đến cơn mưa trừng phạt

Sau khi Nga rút lui khỏi Kiev và tiến hành các cuộc chiến cục bộ ở phía đông và phía nam Ukraine, xung đột Nga - Ukraine đã chính thức trở thành một cuộc chiến tiêu hao, dai dẳng và được khẳng định sẽ kéo dài. Lúc này, sự chú ý chính về cuộc chiến là các cơn mưa trừng phạt của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga, với mục đích buộc Tổng thống Putin kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine.

xung dot nga  ukraine tron 6 thang lam rung chuyen the gioi hinh 4

Hình ảnh một đoạn của đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga bao vây Kiev ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Ảnh: GI

Phương Tây, gồm Liên minh châu Âu, Anh và đặc biệt Mỹ, đã gần như cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Nga. Hầu hết tập đoàn kinh tế rời bỏ hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Nga, từ Boeing, Apple, Microsoft, Nike cho đến McDonald’s. Đặc biệt, một lệnh trừng phạt được cho rằng sẽ khiến nền tài chính của Nga sụp đổ là cắt các ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT đã được đưa ra. Ngoài ra, Đức cũng đã chấp nhận hy sinh khi từ bỏ dự án khí đốt Nord Stream 2 có giá hàng trăm tỷ USD với Nga. Tính đến đầu tháng 3/2022, tổng tài sản của Nga bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt lên tới 1000 tỷ USD.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga lúc này cũng được ví như hình ảnh Nga dàn đại quân bên ngoài Kiev, tưởng như sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu. Nhưng một lần nữa, các tính toán, dự báo về cuộc chiến lại hoàn toàn trái ngược với kết quả.

Kinh tế Nga không hề sụp đổ, thậm chí vẫn đứng vứng và thậm chí còn phát triển ở một số lĩnh vực. Ngay cả khi Mỹ và châu Âu quyết định chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga sau đó, tức cắt đứt nguồn thu chính của chính phủ ông Putin, thì nền kinh tế Moscow dường như cũng không hề lung lay. Thậm chí vào ngày 19/4, Tổng thống Putin tuyên bố: "Nga đã chịu được những áp lực chưa từng có này. Tình hình đang ổn định trở lại, tỷ giá hối đoái của đồng rúp đã trở lại mức của nửa đầu tháng 2". Ông cho biết thêm, thặng dư cán cân thanh toán vãng lai ở Nga đã vượt quá 58 tỷ USD trong quý 1, "chạm mức cao nhất mọi thời đại"!

Có nghĩa, nền kinh tế Nga không hề sụp đổ như dự báo, cũng giống như Kiev không hề sụp đổ khi bị đại quân Nga bao vây. Và đây có thể nói là bất ngờ lớn thứ ba và có ý nghĩa khiến cuộc chiến tại Ukraine trở nên dai dẳng.

Niềm hy vọng vào sự kết thúc bất ngờ

Các diễn biến chính trong cuộc chiến ở Ukraine gần như đều ngược lại với những phân tích, dự báo và cả những viễn cảnh tưởng như chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, có một điều đã đúng và thật đáng tiếc, đó là dự báo về hệ quả thảm khốc mà cuộc chiến gây ra cho nền kinh tế thế giới, cũng như chính người dân 2 nước.

Cuộc chiến quân sự tại Ukraine và cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga đã làm rung chuyển cả thế giới, khi đẩy giá năng lượng, phân bón và lương thực tăng vọt; đẩy hàng trăm triệu người rơi vào nguy cơ chết đói ở châu Phi và Trung Đông, cũng như góp phần khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn.

xung dot nga  ukraine tron 6 thang lam rung chuyen the gioi hinh 5

Với tính chất khó lường, người ta có quyền hy vọng cuộc chiến Nga - Ukraine có thể bất ngờ kết thúc...

Ukraine từng được coi là “ổ bánh mì” của thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng của nước này - chiếm 12% lượng lúa mì, 15% ngô và 50% dầu hướng dương của thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực của Ukraine đã không thể đến với thế giới trong suốt gần nửa năm qua, chỉ mới được khai thông gần đây sau khi có sự can thiệp của Liên Hợp Quốc.

Chưa hết, rất nhiều quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á đều đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế bởi tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh giá lương thực, phân bón tăng vọt, việc phương Tây cấm dầu và khí đốt của Nga, cũng như ngược lại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu, đã góp phần khiến tỷ lệ lạm phát tăng đột biến tại nhiều các quốc gia mà nền kinh tế vốn cũng chỉ vừa kịp gượng dậy sau 2 năm bị đại dịch COVID-19.

Lạm phát tháng 7 của khu vực đồng euro đã lập kỷ lục với 8,9%. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của đồng euro tháng 6 tăng 8,6% và tháng 5 tăng 8,1%. Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên cao nhất 38 năm, với 10,8%. Tất nhiên, không chỉ người dân châu Âu, mà mọi người trên thế giới đều có thể cảm nhận được mùi “bom đạn” từ cuộc chiến ở Ukraine thông qua các hóa đơn hàng ngày dù cách đó hàng triệu km.

Cuối cùng không thể không nhắc đến, những người chịu thiệt thòi nhất chính là người dân Ukraine. Đã có khoảng 6,7 triệu người Ukraine mất nhà cửa, trở thành người tị nạn trên chính quê hương hoặc ở các quốc gia trên thế giới. Hàng triệu trẻ em không được đến trường, cũng như theo LHQ đã có ít nhất 5587 dân thường đã thiệt mạng trong 6 tháng đầu của cuộc chiến. Ngoài ra, đã có ít nhất hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn binh lính của cả Nga lẫn Ukraine tử trận trên chiến trường.

Tất nhiên, bất ngờ lớn nhất đến lúc này của cuộc chiến chính là việc bản thân nó đã kéo dài tới 6 tháng, điều không ai nghĩ tới khi tiếng nổ đầu tiên vang lên trên bầu trời Kiev. Nhưng cũng chính bởi tính chất khó đoán định của cuộc chiến, mà người ta có quyền hy vọng rằng nó sẽ sớm kết thúc như một điều bất ngờ cuối cùng và tốt đẹp.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế