640 doanh nghiệp “biến mất” khỏi thị trường mỗi ngày: Liệu có bất thường?

Chủ nhật, 25/06/2023 14:49 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn hoặc bằng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là đi ngược lại xu hướng phát triển của nền kinh tế. Điều này chứng tỏ, nền kinh tế có nhiều bất ổn, phải bất ổn doanh nghiệp mới phải tạm ngừng hoạt động”.

Đó là trao đổi của bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận trước việc số lượng doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường ngày càng nhiều hiện nay.

Bài liên quan

Thực trạng rất đáng quan ngại

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong 4 tháng đầu năm 2023, có tới 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng tới 25,1% so với cùng kỳ trong nước. Bình quân, mỗi tháng có 19.200 doanh nghiệp “phá sản”, tương đương 640 doanh nghiệp “biến mất” khỏi thị trường.

Điều đáng nói, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tương đương với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, khoảng 78.900 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng có khoảng 19.700 doanh nghiệp thành lập mới.

640 doanh nghiep bien mat khoi thi truong moi ngay lieu co bat thuong hinh 1
Theo quy định, để được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không là rất khó khăn. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Mỗi ngày có khoảng 640 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là rất đáng quan ngại. Đáng quan ngại hơn cả, đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn hoặc bằng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, điều này đang chứng minh rằng, kinh tế Việt Nam đang có sự bất ổn.

“Số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn hoặc bằng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là đi ngược lại xu hướng phát triển của nền kinh tế. Điều này chứng tỏ, nền kinh tế có nhiều bất ổn, phải bất ổn doanh nghiệp mới phải tạm ngừng hoạt động”, bà Thảo chia sẻ.

Theo bà Thảo, trên thực tế, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã được nhận diện từ nửa quý IV/2022, thế nhưng, sang năm 2023, sự khó khăn này trở nên trầm trọng hơn.

Có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp bắt đầu khó khăn khi có đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021. Sang năm 2022, gặp phải xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Sau đó là ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhân đạo.

Một số ý kiến cho rằng, chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dòng vốn yếu mới là đối tượng chịu tác động của các yếu tố khủng hoảng, dẫn tới việc phá sản. Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, cả những doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.

“Tôi được biết, một số doanh nghiệp lớn phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng, đóng cửa một số nhà máy. Đây là điều rất nguy hiểm, là sự tổn thất rất lớn đối với nền kinh tế, nên tôi cho rằng, Việt Nam cần phải có cơ chế hỗ trợ riêng đối với nhóm doanh nghiệp này”, bà Thảo bày tỏ quan điểm.

Các chính sách tiền tệ chưa thực sự hiệu quả

Nhận diện được khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp từ rất sớm, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, với rất nhiều giải pháp cụ thể, đi kèm theo đó là các gói hỗ trợ đủ sức nặng để tạo lực đẩy cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới nay, một số giải pháp hỗ trợ được đánh giá là thiếu hiệu quả, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, các chương trình phục hồi, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% về tinh thần là điều rất tốt, nhưng lại rất khó tiếp cận. Từ cuối năm ngoái, gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được đánh giá là không hiệu quả, vì tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ này không đáng kể, bản thân các doanh nghiệp cũng than phiền việc tiếp cận gói hỗ trợ này là bất khả thi.

Bà Thảo phân tích: Những quy định liên quan tới gói hỗ trợ lãi suất rất ngặt nghèo, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thiện hết được. Bên cạnh đó, các hướng dẫn về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đủ rõ ràng, cụ thể để các ngân hàng thương mại sẵn sàng cho doanh nghiệp vay. Cũng chính vì hướng dẫn chưa rõ ràng, cũng đưa các ngân hàng thương mại vào thế rủi ro lớn, trong giai đoạn thanh, kiểm tra về sau.

“Các quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, khiến các ngân hàng thương mại chần chừ, bản thân các ngân hàng này cũng không mặn mà giải ngân gói hỗ trợ lãi suất”, bà Thảo nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 2023,  số tiền hỗ trợ lãi suất theo gói hỗ trợ này chỉ đạt 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, bằng 0,64% tổng quy mô. Số tiền dự kiến không sử dụng hết của chương trình hỗ trợ lãi suất là 37.430 tỷ đồng, đây là một con số rất thấp. Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chuyển sang chính sách khác, thay vì tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, dù có giảm, nhưng nhìn chung nền lãi suất vẫn đang cao, nhất là dòng vốn tín dụng dài hạn.

“Đặt trong bối cảnh thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp, chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, thì lãi suất như hiện nay vẫn cao, dù đã giảm nhưng chưa chạm tới mức khả năng doanh nghiệp chống chịu được”, bà Thảo nói.

Phân tích rõ hơn về điều này, bà Thảo nói: Hiện nay, các kênh huy động vốn như trái phiếu, chứng khoán đều đang khó khăn. Vì vậy, tín dụng - ngân hàng đang trở thành giải pháp duy nhất của doanh nghiệp, để có dòng tiền duy trì sản xuất - kinh doanh, chờ thời điểm phục hồi.

“Qua 2 đợt điều chỉnh lãi suất, có thể thấy, vốn tín dụng ngắn hạn có giảm, thế nhưng dòng vốn này chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được một số vấn đề cấp bách trước mắt. Trong khi đó, vốn tín dụng dài hạn vẫn ở mức cao, dòng vốn này mới là động lực cho doanh nghiệp hồi phục. Vì muốn hồi phục, doanh nghiệp cần phải có tiền để tiến hành các hoạt động đầu tư, mà muốn đầu tư thì cần phải dài hạn”, bà Thảo nói.

Một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng thương mại nên tiếp tục hạ lãi vay xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, khá khó để tiếp tục giảm lãi vay xuống nữa. Bởi lẽ, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, lãi suất huy động cao, đương nhiên lãi vay sẽ cao, chứ không thể giảm được.

“Do đó, trong thời điểm này, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng trong việc điều hành lãi suất”, bà Thảo nhận định.

640 doanh nghiep bien mat khoi thi truong moi ngay lieu co bat thuong hinh 2
Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, hiện 70% doanh nghiệp cho rằng đang gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính. Do đó, bà Thảo kỳ vọng, Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét, rà soát lại thủ tục hành chính, dần gỡ bỏ các thủ tục không cần thiết, để gỡ bỏ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kỳ vọng vào gói hỗ trợ giảm VAT 2%

Trong các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội đã triển khai, bà Thảo đánh giá, các chính sách tài khóa đem lại hiệu quả cao nhất. Trong đó, bà Thảo đánh giá rất cao chương trình giảm thuế VAT 2%.

Cuối tháng 5/2023, Chính phủ cũng trình Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến hết năm.

“Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, vì các thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc giảm thuế VAT 2% có thể kích cầu thị trường trong nước, đi vào chính cuộc sống, doanh nghiệp trực tiếp được hưởng lợi”, bà Thảo nói.

Dù vậy, bà Thảo mong muốn áp dụng sớm việc giảm thuế VAT, vì thời gian từ nay đến hết năm 2023 không còn nhiều, thời gian bị giới hạn, thì doanh nghiệp nhận được hỗ trợ sẽ rất hạn chế.

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay phải dùng dòng tiền tích lũy nhiều năm để duy trì hoạt động. Ở đây tôi nói là duy trì hoạt động, chứ chưa nói đến việc phục hồi, rõ ràng doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên ban hành sớm khi nào, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi đó”, bà Thảo nhận xét.

Hoài Nam

Bình Luận

Tin khác

IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

IMF: Mỹ nên tiếp tục mở cửa thương mại, hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, Mỹ sẽ tốt hơn nếu duy trì hệ thống thương mại mở thay vì áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác cùng nhau để giải quyết căng thẳng thương mại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

Từ vụ trả lại bộ bikini đã mặc sau một tuần, nhiều người bán hàng bức xúc với chính sách của Shopee

(CLO) Xoay quanh sự việc một cửa hàng kinh doanh bikini tố khách trả hàng khi đã mặc được một tuần gây nên nhiều tranh cãi về chính sách hoàn hàng trong vòng 15 ngày của Shopee.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

Giới phân tích thế giới dự báo xu hướng giá vàng, bạc, bạch kim

(CLO) Giá vàng, bạc và bạch kim đã tăng vọt từ đầu năm đến nay và các chiến lược gia cho rằng các kim loại quý này có thể tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới trong những tháng tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tổng thống Nga: Mỹ 'lạm dụng' thị trường sẽ tự gây lạm phát

Tổng thống Nga: Mỹ "lạm dụng" thị trường sẽ tự gây lạm phát

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu của phương Tây đối với nhiều sản phẩm của Nga và Trung Quốc sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF cảnh báo phương Tây không nên tịch thu tiền của Nga

IMF cảnh báo phương Tây không nên tịch thu tiền của Nga

(CLO) IMF cảnh báo kế hoạch của phương Tây nhằm tịch thu trực tiếp dự trữ ngân hàng trung ương đang bị đóng băng của Nga hoặc sử dụng lợi nhuận mà họ tạo ra có thể làm suy yếu hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Thị trường - Doanh nghiệp