Áp lực phương Tây đang đưa Trung Quốc và Nga đến gần nhau hơn bao giờ hết

Thứ ba, 21/12/2021 17:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trung Quốc và Nga đang không ngừng tăng cường hợp tác về mọi mặt, từ quan hệ quân sự, chính trị, kinh tế… cho đến năng lượng và vũ trụ. Điều đáng nói, sự hợp tác toàn diện đó đang tỷ lệ thuận với sức ép mà phương Tây dành cho hai cường quốc này.

Trung Quốc và Nga cùng chiến tuyến

Hội nghị trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng này đã kết thúc bằng những… lời đe dọa! Biden tuyên bố về một “hậu quả tàn khốc” dưới hình thức trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine. Ngược lại, Putin cũng đưa ra lời thách thức không thể cứng rắn hơn khi tuyến bố họ sẽ dùng vũ lực nếu NATO tiếp tục mở rộng ra phía đông.

ap luc phuong tay dang dua trung quoc va nga den gan nhau hon bao gio het hinh 1

Trước sức ép từ phương Tây, Trung Quốc và Nga đang ngày càng bắt chặt tay nhau hơn. Minh họa: Craig Stephens

Thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp, Mỹ và các đồng minh ngày càng gay gắt hơn với Nga và cả Trung Quốc. Hồi tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lần đầu trong đại dịch Covid-19 đã họp với các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, nhằm đưa thêm Trung Quốc vào chương trình nghị sự an ninh khu vực.

Mỹ nêu tên Trung Quốc là một “mối đe dọa thường trực”, trong khi NATO xác định Bắc Kinh là một thách thức quân sự. Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana còn trình bày chi tiết những sự “bành trướng” của Trung Quốc tại châu Phi, Bắc Cực cho đến không gian mạng. Ông nêu rằng Trung Quốc đang không ngừng đầu tư vào công nghệ 5G, rồi xây dựng hải cảng và sân bay trên khắp các châu lục.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa từ Nga đã chi phối chương trình nghị sự của NATO. Hai nước này đã làm thay đổi rất nhiều chi tiết trong chiến lược 10 năm vừa được sửa đổi vào ngày 25/11 của NATO. Tài liệu ghi Trung Quốc là một "thách thức có hệ thống", ngang hàng với Nga; một sự khác biệt hoàn toàn so với tài liệu cũ vốn không hề đề cập một từ nào liên quan đến Trung Quốc.

Những mũi dùi nhắm vào Nga và Trung Quốc không chỉ đến từ NATO, mà cả từ các diễn đàn khác do Mỹ đứng đầu. Cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao G7 mới diễn ra tại Anh đã được khai mạc bằng chủ đề: “Chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ các thế lực thù địch”.

Cùng với sự chia tay chính trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được xem như chiếc cầu nối hòa bình cuối cùng giữa các bên, thì rõ ràng người ta càng có lý do để lo rằng khoảng cách giữa “phương Đông” và “phương Tây” sẽ ngày càng lớn hơn, thậm chí ngày càng mang tính thù địch hơn

Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), đã mô tả Trung Quốc là một "thách thức chiến lược và ý thức hệ". Điều này càng làm phức tạp thêm các vấn đề khác, như cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc với Litva về quan hệ với Đài Loan hay sự tẩy chay ngoại giao mà phương Tây đang thực hiện với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

 Anh còn đang cố gắng củng cố sự phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Để rồi, Trung Quốc đã gọi điều này là chính trị hóa các vấn đề, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Nga. Bắc Kinh cũng ủng hộ các yêu cầu của Moscow về sự đảm bảo an ninh từ Mỹ tại khu vực và ủng hộ lời kêu gọi của Nga triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2022.

Về phần mình, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc bằng cách tố cáo "chính trị hóa" thể thao khi phương Tây tẩy chay Thế vận hội mùa đông. Ông Putin thậm chí hứa sẽ đến hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, rồi sau đó tham dự Thế vận hội diễn ra vào đầu tháng Hai năm sau này.

Mối quan hệ “đồng minh” và “toàn diện”

Mỹ và các đồng minh đã nhiều lần miêu tả Nga và Trung Quốc là những quốc gia chuyên quyền và vi phạm nhân quyền. Trong nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu, Mỹ vừa tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về nhân quyền với hơn 100 nước, để ngăn chặn cái mà Tổng thống Biden gọi là "những thách thức lâu dài và đáng báo động với nền dân chủ".

ap luc phuong tay dang dua trung quoc va nga den gan nhau hon bao gio het hinh 2

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin hồi tháng 6/2019. Ảnh: AP

Sau đó, hội nghị thượng đỉnh đã nhận được rất nhiều sự chế nhạo từ cả Nga lẫn Trung Quốc; hai nước gọi nó là "sản phẩm hiển nhiên của tâm lý Chiến tranh Lạnh". Sau đó, ông Tập và ông Putin đã hội đàm trực tuyến vào ngày 15/12 để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác và đánh giá những thành tựu song phương giữa hai nước trong năm qua.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc hội đàm nói trên, các quan chức Nga còn thường xuyên dùng khái niệm "đồng minh" - một thuật ngữ hiếm hoi được sử dụng khi nói về mối quan hệ giữa 2 quốc gia có nhiều duyên và cả nợ trong quá khứ này. Putin còn gọi quan hệ Trung Quốc-Nga là “chuẩn mực của sự hợp tác”, trong khi ông Tập nói Trung Quốc “sẽ làm mọi cách để mang lại sức sống mới” cho mối quan hệ giữa 2 nước.

Tóm lại, hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung vừa qua đã củng cố tình hữu nghị của cả hai nước, cáo buộc Mỹ và các đồng minh can thiệp vào luật pháp quốc tế và vạch ra các kế hoạch ứng phó.

Sự căng thẳng giữa các bên có thể sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới, khi Nga và Mỹ đều hướng tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Trong khi đó, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm. Những sự kiện này sẽ tạo ra những phản ứng và động thái gay gắt hơn từ mọi phía.

Không nghi ngờ gì, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục xây dựng và củng cố quan hệ song phương về mọi mặt: chính trị, năng lượng, kinh tế, khoa học và đặc biệt quân sự. Thậm chí, hai nước đã ký lộ trình hợp tác quân sự mới, cũng như đang tiến tới một thỏa thuận cùng nhau đối phó các áp lực từ phương Tây.

Có thể tin rằng những cái bắt tay giữa Trung Quốc và Nga sẽ ngày càng chặt hơn trong thời gian tới, bởi cả hai nước đều thấy rằng Mỹ vẫn đang tập hợp các đồng minh để gây khó cho họ.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế