Bắc Kạn: Doanh nghiệp "bức tử" môi trường, thiệt hại người dân gánh!

Thứ năm, 16/07/2020 09:59 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dự án xây dựng Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh là một trong những dự án dính nhiều “tai tiếng” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Không chỉ chậm tiến độ nhiều năm mà đến nay hoạt động của nhà máy đang gây thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp đến “kế sinh nhai” của người dân trên địa bàn xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.

Từ chậm tiến độ đến đe dọa cuộc sống người dân

Dự án xây dựng Nhà máy điện phân Chì kẽm công suất 30.000 tấn/năm tại xã Ngọc Phái được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, số 13101000018 cho Công ty TNHH Ngọc Linh với mục tiêu sản xuất kẽm thỏi và các sản phẩm khác từ kẽm như chì, bột oxit kẽm,… phục vụ cho ngành công nghiệp; quy mô sản xuất hằng năm 25.000 tấn kẽm, 6.000-10.000 tấn chì, 1.200 tấn bột kẽm oxit và 40.000 tấn axit sunfuaric.

Theo giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư là 789 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 180 tỷ, tương đương với chưa tới 23%, còn lại là vốn vay. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 10/2007 và hoàn thành vào tháng 12/2008.

Đất, đá vùi lấp ruộng lúa của người dân thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái.

Đất, đá vùi lấp ruộng lúa của người dân thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái.

Tuy nhiên, đến năm 2018 dự án này đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8 (gần nhất là ngày 1/11/2017). Tổng vốn dự án đã tăng lên 2.170 tỷ đồng, tức tăng gần 1.400 tỷ đồng theo đăng ký ban đầu. Vốn góp đã tăng lên là 355,8 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ chiếm 16%.

Theo như giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì đến tháng 3 năm 2018 hoàn thành đưa xưởng sản xuất bột cát kết và phân xưởng axit đi vào hoạt động; tháng 11/2018 phân xưởng kẽm đi vào hoạt động.

Cũng từ khi có phân xưởng đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy liên tục xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá chảy trôi theo nguồn nước suối Khau Củm, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đất canh tác nông nghiệp của người dân.

Mới đây nhất, tháng 6/2020, sạt lở tiếp tục xảy ra, vùi lấp nhiều diện tích ruộng của người dân. Một phần cánh đồng thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái thay vì màu xanh của lúa thì nay chỉ còn trơ toàn sỏi, đá. Ruộng lúa bị vùi lấp, đồng nghĩa hàng chục hộ dân ở đây mất mùa.

Trường hợp gia đình anh Nông Văn Huấn, thôn Bản Diếu là ví dụ khi gia đình anh có 500m2 ruộng, sắp đến kỳ thu hoạch thì giờ đã bị vùi lấp toàn bộ, bao nhiêu công sức coi như đổ bể.

Bà Nguyễn Thị Tỵ, một người dân thôn Bản Diếu cho biết, gia đình có 1.300m2 ruộng, từ khi làm đường 254, doanh nghiệp đổ thải ra ta-luy âm, rồi đập đất hồ điều hòa của nhà máy chế biến khoáng sản phía trên bị trôi góc cửa xả thì ruộng nhà tôi liên tục bị vùi lấp. Gia đình hết sức lo lắng vì chỉ có diện tích đất canh tác này, nay bị trôi hết cũng chưa biết phải làm thế nào.

Theo thống kê, đã có gần 1ha đất ruộng và nhiều ao nuôi cá của người dân ở thôn Bản Diếu bị ảnh hưởng. Trên cánh đồng, đất, đá vùi lấp lúa gần đến ngọn, một số bùn ngập ngang gốc, tất cả đã mất trắng.

Doanh nghiệp "nhờn" chỉ đạo?

Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn cho biết, năm 2018, tại vị trí cuối cửa xả đập chứa nước Nhà máy điện phân Chì kẽm Bắc Kạn xảy ra việc sạt lở đất, đá chảy trôi theo nguồn nước suối Khau Củm. UBND huyện phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa và yêu cầu Công ty khắc phục, xử lý.

Tháng 8/2019, theo kiến nghị, phản ánh của nhân dân, UBND huyện Chợ Đồn phối hợp cùng UBND xã Ngọc Phái tiếp tục kiểm tra thực địa tại vị trí trên, hiện tượng bồi lấp suối Khau Củm và các đập thủy lợi, một số diện tích đất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng. Nhưng chưa được doanh nghiệp khắc phục, nước từ đập chứa nước của Nhà máy vẫn tiếp tục chảy tràn qua cửa xả, chảy qua vị trí sạt lở làm cho khu vực sạt lở tiếp tục sạt lở và vào cả thân đập của Công ty, gây đổi màu nước suối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân thôn Bản Diếu. Đặc biệt, đe dọa đến việc tưới tiêu của 60ha đất lúa, 6ha đất nuôi trồng thủy sản của các thôn Bản Diếu, Bản Ỏm, Phiêng Liềng 1, 2, Nà Tum, bồi lấp hơn 2km suối Khau Củm và vùi lấp 2 đập thủy lợi (đập Phai Diểm, Phai Pán) lấy nước tưới tiêu cho một số cánh đồng thôn Bản Diếu.

Người dân bức xúc vì tình trạng sạt lở chậm được giải quyết dứt điểm.

Người dân bức xúc vì tình trạng sạt lở chậm được giải quyết dứt điểm.

Từ báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những kiến nghị liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công tác đền bù thiệt hại cho người dân xã Ngọc Phái. Nhưng theo báo cáo ngày 10/10/2019 của Sở TN&MT thì đã 2 lần mời Công ty TNHH Ngọc Linh và các đơn vị liên quan đến giải quyết nhưng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Linh tại Bắc Kạn đều biện lý do vắng mặt.

Cực chẳng đã, Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có văn bản 2652/STNMT-MT ngày 30/12/2019 gửi Công ty TNHH Ngọc Linh cho biết: ...Việc xây dựng đường thoát nước mới từ hồ chứa ra suối Khau Củm chưa đảm bảo an toàn, kè bao bằng rọ đá kết hợp với đập đất phía trong rọ đá chân bãi đổ có nguy cơ sạt lở, gây bồi lắng dòng sông, mặt khác tại khu vực sạt lở đất tại vách núi sát chân đập hồ chứa nước phục vụ cấp nước cho Nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.

Qua đó, Sở TN&MT đề nghị Công ty Ngọc Linh khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn hồ đập và có phương án khắc phục, gia cố đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước Nhà máy, không để đất đá thải sạt lở xuống ảnh hưởng đến suối Khau Củm và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Nhưng dường như, những chỉ đạo của Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn chỉ nằm trên giấy, không được doanh nghiệp xem trọng.

Quá “sốt ruột” trước tình trạng liên tục sạt lở của Nhà máy điện phân Chì kẽm Bắc Kạn, ngày 31/3/2020, UBND huyện Chợ Đồn tiếp tục có văn bản đề nghị Sở TNMT kiểm tra thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và các nội dung khắc phục sạt lở đất, bồi lấp suối và đất nông nghiệp của người dân.

Tuy nhiên, thay bằng tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm doanh nghiệp “nhờn luật” thì Sở TN&MT Bắc Kạn lại vin vào cớ đang chống dịch Covid-19 để chỉ yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện công tác bảo vệ môi trường Nhà máy theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt và chủ động khắc phục hiện tượng sạt lở đất, đá đầu nguồn suối Khau Củm, có phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng...

Hệ lụy từ cách làm “tắc trách” của Sở TN&MT, tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra vào tháng 6 vừa qua. Kết quả, suối Khau Củm từ chân đập hồ điều hòa của Công ty TNHH Ngọc Linh đến cánh đồng Bản Diếu (chiều dài khoảng 2km) bị bồi lắng nghiêm trọng, đất đá từ suối Khau Củm chảy vào ruộng lúa và ao cá của người dân; Thân đập hồ điều hòa tại khu vực đường dẫn nước cửa xả cũ và bãi đổ đất đá thải của Công ty TNHH Tân Thịnh đổ trong đất của Công ty TNHH Ngọc Linh bị sạt lở xuống suối Khau Củm, thân đập hồ điều hòa xuất hiện những vết nứt, có nguy cơ mất an toàn...

Trước sự việc trên, ngày 6/7/2020 ông Đinh Quang Tuyên - PCT tỉnh Bắc Kạn đã tức tốc ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục ngay việc sạt lở, bồi lấp thượng nguồn suối Khau Củm và vùi lấp đất nông nghiệp của người dân thôn Bản Diếu.

Nội dung yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Linh khẩn trương gia cố thân đập hồ điều hòa; xây dựng phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du hồ điều hòa; đền bù thiệt hại, hỗ trợ sản lượng cho người dân bị ảnh hưởng; lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy. Thời gian xong trước 30/7/2020.

Hy vọng, sau động thái quyết liệt này của UBND tỉnh Bắc Kạn, những bất cập tại Nhà máy điện phân Chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh sẽ được xử lý triệt để.

Thành Vinh

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra