Bệnh viện Bạch Mai đảm trách chính cơ sở điều trị COVID-19 gần 3.000 giường

Thứ sáu, 30/07/2021 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, tất cả bệnh nhân vào đây đều có triệu chứng vừa, bệnh nền. Sẽ thiết lập 500 giường dành để cứu chữa bệnh nhân nặng, phải thở máy.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 30/7 GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng đoàn cán bộ, chuyên gia của bệnh viện đã khảo sát kỹ khu cách ly cũng như từng phòng bệnh ở Bệnh viện Dã chiến 16 (Quận 7, TP.Hồ Chí Minh).

Việc khảo sát này là để thiết lập tại đây một trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở TP.HCM với quy mô 500 giường. Xung quanh vấn đề này, chiều 30/7, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn khảo sát khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 16 (ảnh TL).

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn khảo sát khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 16 (ảnh TL).

PV: Xin ông cho biết, sau khi thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong hai ngày vào cả khu cách ly, các phòng bệnh của Bệnh viện Dã chiến số 16 để khảo sát, ông đánh giá thế nào?

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Khu vực Bệnh viện Dã chiến số 16 rất tốt. Tại đây có tổng cộng gần 3.000 giường bệnh, chúng tôi sẽ nâng cấp, thiết lập 500 giường hồi sức tích cực.

Hiện bệnh viện này đã trang bị xong 700 giường bệnh và nhận thêm nhiều bệnh nhân có triệu chứng vừa và bệnh nền. Các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu đến; tiếp theo sẽ có thêm nhân sự từ đoàn của Sở Y tế Vĩnh Phúc và Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh).

Chúng tôi đã lập lại quy trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho y bác sĩ và bệnh nhân trong chống nhiễm khuẩn.

Hiện tại tập trung ở đây chủ yếu bệnh nhân có triệu chứng vừa, bệnh nền nên sự vào cuộc, hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai rất quan trọng. Đến chiều 30/7, chỉ có một bệnh nhân đang thở ô xy, cao huyết áp. Tất cả bệnh nhân khác đều ổn định.

-Lộ trình thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 tại đây để điều trị bệnh nhân nặng như thế nào, thưa giáo sư?

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Việc thiết lập đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ được đưa vào hoạt động trong vài ngày tới. Ô xy đã có rồi, cần thêm khí nén và máy hút trung tâm.

Đồng thời lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai sẽ điều động thêm nhân sự, máy móc, trang thiết bị từ Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế, từ các nơi vào vì bệnh viện gần 3.000 giường đòi hỏi rất nhiều nhân lực, vật lực.

-Trong tổng số gần 3.000 giường, thì có bao nhiêu giường cho bệnh nhân nặng, bao nhiêu giường cho bệnh nhân nhẹ, thưa GS.TS?

Tất cả bệnh nhân vào đây đều có triệu chứng vừa, bệnh nền. Sẽ thiết lập 500 giường dành để cứu chữa bệnh nhân nặng, phải thở máy. Số giường còn lại dành cho bệnh nhân có triệu chứng vừa. Nếu bệnh nhân nào phải đặt tim, phổi nhân tạo (ECMO) thì sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên để kịp thời cứu bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chuẩn bị máy ECMO để đưa vào.

-Với quy mô về số giường lớn, trong đó có đến 500 giường hồi sức tích cực thì yếu tố cần thiết để bảo đảm an toàn cho y bác sĩ như thế nào, thưa ông?

Phương tiện phòng hộ phải đầy đủ, quy trình chặt chẽ. Đã yêu cầu Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai tập huấn cho tất cả nhân viên các đơn vị đến Bệnh viện Dã chiến 16. Cùng thống nhất kỹ năng chống nhiễm khuẩn và phân luồng lại một cách khoa học. Phân rõ luồng sạch, luồng bẩn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho y bác sĩ.

-Là bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều đơn vị, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?

Bệnh viện Bạch Mai nhận trách nhiệm chính cho cả gần 3.000 giường này (toàn bộ Bệnh viện Dã chiến 16). Các đơn vị khác phối hợp điều trị.

-Lộ trình đưa chuyên gia, máy móc cũng như vận hành số giường hồi sức thế nào, thưa ông?

Lộ trình đưa chuyên gia, máy móc, trang thiết bị vào TP HCM phụ thuộc vào số bệnh nhân nhận. Trước mắt sẽ có 3 bước. Bước 1 đưa 100 giường vào hoạt động sớm, trong tuần sau.

Bước 2 sẽ nâng lên 300 rồi bước 3 là 500 giường theo mức độ yêu cầu của thực tế. Khí nén và máy hút đang khẩn trương được hoàn thiện rồi. Để chăm sóc cho bệnh nhân thở máy, đòi hỏi kỹ năng cao thì phải là bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Đối với các giường thường, triệu chứng nhẹ thì bác sĩ ở các bệnh viện khác sẽ phối hợp cùng nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

-Ông đánh giá thế nào về địa điểm hoạt động của bệnh viện và việc chăm lo cho nhân viên y tế?

Địa bàn này rất thuận lợi. Cách biệt khu dân cư. Không ảnh hưởng nhiều đến xung quanh. Đảm bảo tốt giãn cách, không khí thoáng.

Nơi ăn, nghỉ cho y bác sĩ sẽ được bố trí ngay cạnh đó và TP.HCM sẽ lo hậu cần. Tôi tin là các thầy thuốc làm việc ở đây có thể hoàn toàn thể an tâm.

Báo Công luận

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Hội chẩn trực tuyến từ bệnh viện tuyến đầu cấp cứu bệnh nhân tai nạn do bão lụt

Hội chẩn trực tuyến từ bệnh viện tuyến đầu cấp cứu bệnh nhân tai nạn do bão lụt

(CLO) Nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn do sạt lở đất, lũ lụt đã được điều trị thông qua hội chẩn trực tuyến. Đây là phương pháp phù hợp nhất trong bối cảnh nước lũ chia cắt nhiều địa phương, đi lại rất khó khăn.

Sức khỏe
Gần 20.000 trẻ em tại TP HCM được tiêm bổ sung vắc xin sởi

Gần 20.000 trẻ em tại TP HCM được tiêm bổ sung vắc xin sởi

(CLO) Sở Y tế TP HCM cho biết, nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi và nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin sởi trong 3 tuần còn lại của tháng 9.

Sức khỏe
Mưa bão: Gia tăng số ca bị thương do rắn và các động vật khác có nọc độc cắn

Mưa bão: Gia tăng số ca bị thương do rắn và các động vật khác có nọc độc cắn

(CLO) Hiện nay, số ca bị rắn cắn, động vật có độc cắn nhập viện tăng sau bão YaGi và lũ lụt ở miền Bắc.

Sức khỏe
Quảng Bình ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Quảng Bình ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

(CLO) Ngày 10/9, Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh này tiếp tục ghi nhận thêm 1 ca tử vong ở huyện Minh Hóa, nâng số ca tử vong do sốt xuất huyết lên 2 ca kể từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 1.163 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Sức khỏe
Bộ Y tế phát động quyên góp hỗ trợ đoàn viên lao động ngành Y tế bị thiệt hại do bão số 3

Bộ Y tế phát động quyên góp hỗ trợ đoàn viên lao động ngành Y tế bị thiệt hại do bão số 3

(CLO) Trong bão số 3 nhiều lao động trong ngành y tế thiệt hại mất nhà cửa và tài sản, các cơ sở y tế cũng bị thiệt hại nặng nề.

Sức khỏe