Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK của Nhà nước có gọi là buông lỏng vai trò quản lý nhà nước?

Thứ sáu, 03/11/2023 15:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trên diễn đàn Quốc hội đang có ý kiến khác nhau về việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK). Xung quanh vấn đề này, độc giả Tô Văn Trường gửi tới Báo Nhà báo và Công luận bài viết chia sẻ quan điểm.

Sự kiện: Bộ GD&ĐT

Theo dõi cuộc tranh luận hiện nay về việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), tôi thấy nhiều ý kiến rất xác đáng, thuyết phục nhưng cũng có những ý kiến hình như thoát ly khá xa các quy định và khái niệm pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, trong thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn phải tổ chức việc biên soạn một bộ SGK như quy định tại Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, mặc dù Nghị quyết 122/2020 cũng của Quốc hội (ban hành sau Nghị quyết 88 sáu năm) quy định: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/ QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”. Ý kiến này dựa trên lập luận: Nghị quyết 88 mới là “nghị quyết gốc”. Ở chiều ngược lại, có người cho rằng ý kiến trên trái luật vì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) không hề có khái niệm “nghị quyết gốc” hoặc phân biệt cấp độ cao thấp của các nghị quyết của Quốc hội. Hơn nữa, khoản 3, Điều 156 của Luật đã quy định rất rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau”.

bo gddt khong to chuc bien soan mot bo sgk cua nha nuoc co goi la buong long vai tro quan ly nha nuoc hinh 1

Có không ít người mong mỏi Bộ GDĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK “chuẩn”. Nhưng lại có ý kiến cho rằng nói như vậy là không hiểu Nghị quyết 88/2014, vì Nghị quyết không hề sử dụng khái niệm “sách giáo khoa chuẩn”. Theo tinh thần và lời văn của Nghị quyết 88 thì dù Bộ GDĐT có đứng ra biên soạn một bộ SGK “của Bộ” thì bộ sách ấy vẫn “được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng ở các nước phát triển, người ta chỉ đề cập đến “chương trình chuẩn” và “chuẩn chương trình”, chứ không hề có khái niệm “SGK chuẩn”. Ở những nước này, ai cũng có thể biên soạn SGK và sách ấy có thể được đưa vào dạy trong nhà trường, nếu nó phù hợp với chương trình hoặc chuẩn chương trình và được giáo viên lựa chọn.

Lại có ý kiến cho rằng nếu Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK “của Nhà nước” thì như vậy là đã buông lỏng vai trò quản lý nhà nước. Trong khi đó, nội dung quản lý nhà nước của Bộ GDĐT được quy định rất rõ ràng tại Điều 104 Luật Giáo dục, với 12 khoản, trong đó khoản 4 liên quan đến chương trình, SGK xác định nhiệm vụ của Bộ như sau: “Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam”.

Trong khoản 4 này cũng như toàn bộ 12 khoản về nội dung quản lý nhà nước của Bộ GDĐT, không có nội dung nào liên quan đến việc Bộ biên soạn SGK. Nếu nói rằng Bộ GDĐT không đứng ra biên soạn bộ SGK “của Nhà nước” nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đứng ra làm lúa gạo “của Bộ”, Bộ Y tế không tổ chức sản xuất thuốc “của Bộ”,… cũng là buông lỏng quản lý nhà nước trong những lĩnh vực này hay sao?

Để bênh vực đề nghị giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK, có người lập luận rằng phải có bộ SGK “của Nhà nước” thì mới quản lý được giá SGK. Tranh luận tại diễn đàn Quốc hội chiều 1/11 vừa qua, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này. Có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn SGK, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa. Chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ SGK của Nhà nước, làm sao mà giải quyết được vấn đề! Nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”.

Theo Luật Giá năm 2012, SGK thuộc mặt hàng phải kê khai giá. Các doanh nghiệp chỉ được niêm yết giá sách sau khi đã được Bộ Tài chính xem xét bảng kê giá, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp được tuỳ ý định giá. Mặc dù vậy, tháng 6 năm 2023 vừa rồi, Luật Giá đã được Quốc hội sửa đổi, theo đó, SGK là mặt hàng được Nhà nước định giá. Như vậy có nghĩa là việc quản lý giá mặt hàng đặc biệt này càng chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ còn có chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh nghèo mua sách vở và đồ dùng học tập. Cho nên nói rằng vì xã hội hoá mà việc quản lý giá SGK bị buông lỏng là phản ánh sai lệch về vai trò quản lý và sự quan tâm của Nhà nước đối với Nhân dân trong lĩnh vực này.

Các VBQPPL của nước ta đều sử dụng ngôn ngữ phổ thông, có cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, đúng như quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật Ban hành VBQPPL. Thảo luận, tranh luận, nhất là ở vai trò của những người có tác động xã hội như đại biểu Quốc hội, trí thức,… trước hết, cần hiểu đúng các quy định và khái niệm pháp luật; có như vậy mới có thể đi đến những kết luận bổ ích.

PV

Bình Luận

Tin khác

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục