Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: "Thiết lập Bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ càng nhanh, càng tốt!"

Thứ hai, 26/04/2021 20:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Chúng tôi cho rằng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Đáng quan ngại là khu vực Tây Nam Bộ 

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác y tế tại thành phố Cần Thơ chiều 26/4.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề trọng tâm và quan ngại hiện nay đối với khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có thành phố Cần Thơ là nếu xuất hiện ca bệnh lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các địa phương sẽ phản ứng lúng túng hơn trong cách ly, điều trị. Bởi vì, lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca nhập cảnh được phát hiện trong các khu cách ly.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long công tác tại Cần Thơ (ảnh TL).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long công tác tại Cần Thơ (ảnh TL).

“Chúng tôi hoan ngênh các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cùng phối hợp để thiết lập Bệnh viện dã chiến vùng tại thành phố Cần Thơ với quy mô 800 giường bệnh”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, việc thành lập bệnh viện dã chiến vùng tại thành phố Cần Thơ không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố Cần Thơ, mà còn để điều trị các ca bệnh nặng của cả khu vực.

“Chúng tôi yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập Bệnh viện dã chiến vùng tại Thành phố Cần Thơ trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần để chúng ta sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Lúc đó sẽ không phải chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ông đồng thời đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập các Bệnh viện dã chiến tại địa phương này.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền Thành phố Cần Thơ quan tâm đến việc xây dựng Bệnh viện dã chiến.

Phải có đơn vị hồi sức tích cực

Việc thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) trong Bệnh viện dã chiến vùng là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập phòng ICU này, có tính toán đến khả năng mở rộng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19: Đây là chỉ đạo hết sức quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế với công tác phòng chống dịch trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ.

“Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên- Kiên Giang. Hiện nay Bệnh viện này sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, do đó bệnh viện dã chiến vùng tại thành phố Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, phải xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện công tác chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác.

Bệnh viện dã chiến vùng này sẽ là “cánh tay nối dài” của Bộ Y tế, của Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều trị”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.

Nhiệm vụ số 1 của Bệnh viện dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như  các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác  để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước.

“Chúng tôi cho rằng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới, nhưng hiện có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm COVID-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn.

Nếu để xảy ra dịch tại khu vực này sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh, xã hội đến phát triển kinh tế”-  Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo lắng.

Đánh giá cao Thành phố Cần Thơ đã triển khai đầy đủ các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, do vậy mặc dù thời gian qua đã liên tục tiếp nhận cách ly nhiều chuyến bay và có ca bệnh nhập cảnh, nhưng Cần Thơ đã làm tốt công tác cách ly, không để ca bệnh lây lan ra ngoài, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Cần Thơ lưu ý thực hiện đúng, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương;

Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không lơ là mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, thực hiện yêu cầu “5K”, thực hiện khai báo y tế tự nguyện…

Phải chống dịch như đang có dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị thành phố Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch. Theo ông, cần tiến hành khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong toả trên diện hẹp, để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn.

"Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương mình, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực. Thứ hai, tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Dịch COVID-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng", Bộ trưởng Y tế nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế xã hội.

“Cần giám sát, sàng lọc, xét nghiệm và phát hiện sớm ca bệnh nghi nghờ tại các khu vực trọng yếu của các cơ sở y tế, vì ca bệnh hay được phát hiện ở bệnh viện”- Tư lệnh ngành y tế nhắc lại yêu cầu này.

Thứ ba, phải chuẩn bị kịch bản về cơ sở cách ly.

“Bài học đắt giá trong phòng chống dịch là nếu chúng ta cách ly cùng 1 thời điểm nhiều người, trong 1 khu vực thì nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly là không tránh khỏi. Chuẩn bị cách ly tập trung từ tuyến phường, xã nhưng phải đảm bảo đúng quy định.

Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế còn đề nghị thành phố Cần Thơ và các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và coi như đang có dịch; Đồng thời coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.

Về công tác tiêm vắc xin phòng chống dịch, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, đảm bảo tiêm chủng đúng đối tượng, đúng thời hạn.

Đến nay đã hơn 70 ngày khu vực phía Nam không có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, điều này cũng có nghĩa rằng nếu xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng là do dịch xâm nhập. Thêm nữa, thời gian gần đây, tại khu vực này, người nhập cảnh gia tăng nhanh chóng.

Riêng trong tháng 4 đã tăng gấp đôi so với tháng 2. Đặc biệt, tỷ lệ ca bệnh dương tính từ người nhập cảnh rất cao, tăng 10-13 lần so với tháng 1/2021;

Trong khi đó, kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân COVID-19 về từ nước láng giềng cho thấy có đến gần 86 % bệnh nhân mang biến thể phát hiện tại Anh và 14,3% mang biến thể Nam Phi.

Do đó, tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập rất lớn, tuy nhiên chúng ta thấy rằng năng lực kiểm soát và khả năng phòng chống của khu vực này đã được nâng lên.

Trinh Phúc

Tin khác

Cử tri phản ánh nhiều đoàn kiểm tra đến cùng một cơ sở: Bộ Y tế nói gì?

Cử tri phản ánh nhiều đoàn kiểm tra đến cùng một cơ sở: Bộ Y tế nói gì?

(CLO) Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sức khỏe
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với thành phố Wonju và WMIT (Hàn Quốc) về lĩnh vực y tế

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với thành phố Wonju và WMIT (Hàn Quốc) về lĩnh vực y tế

(CLO) Ngày 8/5, tại Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị y tế giữa Sở Y tế Thái Bình với thành phố Wonju và Quỹ Công nghệ Thiết bị y tế Wonju (WMIT) Hàn Quốc.

Sức khỏe
Chỉ đạo khẩn vụ tai biến y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng

Chỉ đạo khẩn vụ tai biến y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng

(CLO) Sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (số 871, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM), bệnh nhân đã có dấu hiệu sốc phản vệ và được chuyển sang Bệnh viện Quân Y 175 hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi.

Sức khỏe
Ai được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế?

Ai được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế?

(CLO) Hiện nay, người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ tối thiểu 30%.

Sức khỏe
Bắc Giang: Tổ chức lễ phát động chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” năm 2024

Bắc Giang: Tổ chức lễ phát động chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” năm 2024

(CLO) Hôm nay (7/5/2024), Ban Chỉ đạo (BCĐ) Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Bắc Giang và BCĐ Vận động HMTN huyện Yên Dũng đã phối hợp tổ chức lễ phát động chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” năm 2024 nhân kỷ niệm 161 năm Ngày Chữ thập đỏ (CTĐ) và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5).

Sức khỏe