Các tân Bộ trưởng đặt mục tiêu quan trọng nào trong thời gian tới?

Thứ sáu, 09/04/2021 18:40 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngay sau khi nhậm chức, một số tân Bộ trưởng đã có những chia sẻ về nhiệm vụ, mục tiêu của mình trong vai trò là tư lệnh ngành.

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đảm bảo chi ngân sách nhà nước tiết kiệm hiệu quả.

Nhiệm kỳ này là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do đó, trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước; đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Cùng với đó, phải tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo chi ngân sách nhà nước tiết kiệm hiệu quả.

Mặt khác, cải thiện tích cực chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình mới.

Một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới đó là phải tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tháo gỡ nút thắt nền kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước.

Cùng đó, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công. Đó có thể coi là đường hướng cho thời gian tới để thực hiện chính sách tài khóa.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả công tác phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính-ngân sách nhà nước với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp. Ngoài ra, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán…

Bộ Tài chính là cơ quan đa ngành, đa nghề với rất nhiều lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, điều cốt yếu đó là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp làm trung tâm.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đặt trọng tâm vào ngoại giao kinh tế.

Thời gian tới, ngành ngoại giao phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước; trong đó ngành xác định, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế, trong đó chú trọng tranh thủ nguồn ngoại lực để phục vụ các yếu tố nội lực. Hợp tác quốc tế giúp Việt Nam hội nhập, phát triển, thực hiện được mục tiêu, khát vọng của mình.

Ngành ngoại giao, với mạng lưới 96 cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ không chỉ tham mưu, hỗ trợ, mà còn học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước về mô hình phát triển, hợp tác đầu tư..., tranh thủ các nguồn lực, trong đó có cả viện trợ không hoàn lại, đầu tư FDI...

Quan trọng hơn, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, ngành ngoại giao cần phải đi đầu, có đột phá mở đường tới các thị trường khác nhau, vừa mở thị trường cho đất nước, vừa áp dụng, tiếp thu những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Vị thế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được nâng cao; hoạt động đối ngoại đa phương đang được triển khai mạnh mẽ. Chúng tôi đặt trọng tâm phải tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn, tổ chức đa phương, trên cơ sở đó tham gia, định hình và phát triển các luật chơi khi đất nước hội nhập quốc tế. Đồng thời, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta đưa ra các sáng kiến để nâng cao vị thế đất nước.

Với tinh thần đó, trước mắt, Việt Nam phải hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021 và hoàn thành nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động khác của Liên hợp quốc, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngành ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác để triển khai những hoạt động tham gia tích cực, không chỉ ở Liên hợp quốc, mà tới đây còn ở trong các hoạt động của khu vực như ASEAN, APEC, ASEM hoặc các tổ chức khu vực khác.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Quyết liệt sắp xếp bộ máy tinh gọn

Là một nữ bộ trưởng đầu tiên sau 75 năm thành lập ngành Nội vụ, ngay sau khi nhận nhiệm vụ trên cương vị Bộ trưởng, bà Phạm Thị Thanh Trà đã vạch ra những kế hoạch cho ngành trong thời gian tới. Cụ thể, tập trung cao độ cho việc tiếp tục tham mưu để xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân và hội nhập.

Đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo đột phá cho giai đoạn 2021 - 2026, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, những rào cản, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển tới đây. 

Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; các cơ quan, đơn vị hành chính và sự nghiệp. Vừa qua, Bộ đã làm tích cực và đạt hiệu quả bước đầu. Vì vậy, đây sẽ là giai đoạn làm rất quyết liệt vấn đề này. 

Tiếp tục thực hiện mục tiêu về tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo. Cùng với đó, phải quan tâm chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Đây cũng là một trong những nội dung đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rất cụ thể để chúng ta tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa chuyên nghiệp, trách nhiệm, vừa năng động, phục vụ nhân dân, lấy dân làm trung tâm.

Tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực của ngành, bảo đảm rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, phát huy sự chủ động, tích cực của địa phương, cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thống nhất, đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Việc nóng chưa hẳn là việc lớn.

Là một nhà giáo có mấy chục năm gắn bó với giáo dục, các công việc của ngành tôi cũng không xa lạ, nhưng trên một cương vị mới, tôi sẽ nắm bắt tìm hiểu và phân loại hai nhóm việc: Nhóm việc trước mắt, cấp bách, việc nóng phải làm ngay (như Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới hay việc triển khai chương trình GDPT) và nhóm việc lâu dài của nền giáo dục…

Có những việc nóng nhưng chưa hẳn là việc lớn, tôi cũng sẽ tìm hiểu giải quyết ngay. Nhưng có những việc lớn, lâu dài khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng sẽ bắt tay vào ngay như: Tôi sẽ cùng với đồng nghiệp xây dựng chương trình hành động và ban hành chiến lược phát triển giáo dục của ngành GD&ĐT để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Thành Nhân

Tin khác

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức